Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/5/2021

  • |
T5g.org.vn - Nhiều bài học từ lỗ hổng phòng dịch; Tuyến đầu bị 'thủng' sẽ có thêm ca mắc trong cộng đồng; Hưng Yên ghi nhận chùm 3 ca dương tính SARS-CoV-2 trong gia đình; Phun hơn 200.000 lít dung dịch tiêu độc; Tỉ lệ người Việt hài lòng với biện pháp phòng COVID-19 cao nhất thế giới; 52 ca bệnh lây từ bệnh viện: 'Báo động đỏ', con số còn tăng!

 

Nhiều bài học từ lỗ hổng phòng dịch

Ngày 6/5, trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế, nói rằng, qua sự việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung và trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh, ngành y tế đã rút ra nhiều bài học để phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 đã được cách ly toàn bộ sau khi phát hiện chùm ca bệnh COVID-19 tại đây. Bộ trưởng có thể cho biết về nguồn lây của chùm ca bệnh?

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, đặc biệt cơ sở 2 (Đông Anh) là thành trì quan trọng của ngành y tế khu vực phía Bắc, là nơi tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng. Đến nay, Bệnh viện đã điều trị hơn 1.000 ca bệnh COVID-19 trong tổng số hơn 3.000 bệnh nhân ghi nhận ở nước ta, trong đó nhiều ca rất nặng đã điều trị thành công, chưa có trường hợp nào tử vong. Đây là kết quả của sự nỗ lực của tất cả mọi người trong trận chiến hết sức cam go này.

Bộ trưởng vừa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 xong. Ông cảm thấy sức khỏe thế nào và việc tiêm chủng cho người dân đến đâu?

Tôi thấy sức khỏe sau tiêm hoàn toàn bình thường. Quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến. Chúng tôi luôn luôn nhấn mạnh, đảm bảo an toàn tiêm chủng phải đặt lên hàng đầu, tiêm đến đâu chắc chắn đến đó. Chính vì thế, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, đặc biệt là điều trị để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử lý mọi tình huống xảy ra trong tiêm chủng. Việt Nam đã tiêm cho 675.956 người tuyến đầu. Theo ghi nhận đến nay có 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau tại chỗ, sốt nhẹ… Triệu chứng này hết sau 24h. Tỷ lệ này thấp so với các nước trên thế giới. Cho đến nay, chúng tôi khẳng định việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại Việt Nam là an toàn.

Bệnh viện tuyến đầu bị phong tỏa, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ như thế nào?

Việc này chúng ta đã có kinh nghiệm. Bệnh viện Bạch Mai là ví dụ, từng bị cách ly, nhưng quy mô của Bệnh viện Bạch Mai lớn rất nhiều so với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Chúng tôi tin rằng, các địa phương khẩn trương truy vết tìm ra những người có yếu tố tiếp xúc, có liên quan và có thể trở thành nguồn truyền nhiễm để cách ly, xử lý kịp thời. Mặt khác, Bộ Y tế động viên toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của bệnh viện không được rời vị trí, sẵn sàng tiếp ứng ở tất cả các vị trí trong quy trình điều trị. Đây là thành trì điều trị bệnh nhân nặng. Hiện bệnh viện vẫn tiếp nhận bệnh nhân nặng để đảm bảo điều trị hiệu quả theo đúng yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian ngắn xuất hiện cùng lúc 2 lỗ hổng phòng dịch tại khu cách ly tập trung và trong môi trường bệnh viện. Ngành y tế rút ra bài học gì?

Có nhiều bài học cần rút kinh nghiệm và triển khai quyết liệt hơn, đặc biệt bài học liên quan môi trường cách ly, quản lý cách ly, lây nhiễm trong môi trường cách ly.

Thứ nhất là vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt, coi đây là một trong những điểm yếu, lỗ hổng trong vấn đề quản lý. Chúng tôi đã đánh giá, tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện trường hợp nhiễm bệnh sau 14 ngày cách ly tập trung. Sau khi trao đổi với các cơ quan, chuyên gia, Bộ Y tế đã quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung từ 14 lên 21 ngày.

Thứ hai, khâu bàn giao giữa cơ sở cách ly với các địa phương nơi cư trú của người hết hạn cách ly còn yếu. Bộ Y tế đã có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai chặt.

Thứ ba ở khâu theo dõi tại địa phương sau khi hết cách ly tập trung, giờ yêu cầu làm nghiêm, giám sát và theo dõi sức khoẻ người cách ly thêm 7 ngày sau khi cách ly tập trung.

Thứ tư, xét nghiệm còn bỏ lọt nên Bộ Y tế yêu cầu nâng tần suất xét nghiệm trong thời gian cách ly từ 2-3 lần lên 4-5 lần, đảm bảo an toàn tối đa, phòng lây nhiễm ra cộng đồng. Thứ năm, lây nhiễm trong bệnh viện cũng đã xảy ra tại một số bệnh viện.

Chúng tôi luôn nhấn mạnh, bệnh viện sẽ là nơi phát hiện ra các trường hợp lây nhiễm, nguy cơ rất cao. Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các bệnh viện phải khám sàng lọc kỹ lưỡng, liên tục đối với nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ cao, triển khai tất cả các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo không có lây nhiễm trong các bệnh viện (Tiền phong, trang 4).

 

Tuyến đầu bị 'thủng' sẽ có thêm ca mắc trong cộng đồng

Hôm qua, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhận định, các ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 sẽ tăng; thành phố sẽ tiếp tục phát hiện các ca dương tính, các ổ dịch trong cộng đồng.

Chiều 6/5, Hà Nội họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, nhận định, tình hình dịch bệnh ở Thủ đô hết sức phức tạp; một số tỉnh, thành phố khác có các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Với Hà Nội, chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư rất phức tạp.

“Trước mắt, chúng tôi nhận định, các ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 sẽ tiếp tục tăng lên. Lượng người nhà, người bệnh, thăm thân từng ra vào bệnh viện nhiều, nên rất đáng lo ngại, nguy cơ lây ra cộng đồng rất lớn. Dự báo, Hà Nội sẽ tiếp tục phát hiện các ca dương tính, các ổ dịch trong cộng đồng”, bà Hà nói.

Ba huyện có nguy cơ rất cao

Bà Hà cho biết, với chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, dịch đã lây lan ra một số quận, huyện của Hà Nội, trong đó, các địa phương như Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn có nguy cơ rất cao. “Chúng tôi rà soát sơ bộ, từ 14/4 đến 5/5 có hơn 2.600 người đến khám bệnh, chăm sóc người bệnh, thăm nom; đã và đang rà soát, tiếp tục khoanh vùng, bao vây phòng, chống dịch”, bà nói.

Sở Y tế Hà Nội đã quán triệt các bệnh viện, cơ sở y tế tăng cường công tác phòng chống dịch, nâng cao năng lực lấy mẫu, xét nghiệm, đảm bảo vật tư y tế tiêu hao cho phòng, chống dịch, phân luồng người đến thăm khám. “Chúng tôi cũng chuẩn bị kế hoạch khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư quá tải về chữa bệnh COVID-19, sẽ điều hướng, phân luồng cho các bệnh viện của Hà Nội. Tại Bệnh viện dã chiến Mê Linh cũng có thể làm nơi cách ly F1 được ngay”, bà Hà nói. Bà đề nghị thành phố tiếp tục tăng cơ sở dự phòng cách ly F1 cho tình huống có hàng trăm bệnh nhân COVID-19. Bà Hà yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện các phòng khám, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân về phòng chống COVID-19. Nếu cơ sở nào không đảm bảo thì kiên quyết thu hồi giấy phép, tránh để tình trạng lây lan dịch bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu tăng cường các biện pháp ngăn chặn, cắt đứt cơ chế lây lan của dịch bệnh; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của T.Ư và thành phố; cách ly khẩn trương các F0, F1. Người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; tuân thủ quy tắc 5K; thực hiện nghiêm các yêu cầu về việc dừng các hoạt động không thiết yếu. “Việc này cần sự đồng thuận của các cấp chính quyền, người dân. Tuyên truyền phải tích cực, quyết liệt hơn. Việc xử phạt cũng phải công khai để răn đe, ngăn chặn”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, thành phố yêu cầu khi có ca bệnh phải cách ly diện hẹp nhất, nhưng phải đảm bảo an toàn, tránh làm hình thức. Các địa phương cần rà soát người liên quan Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư từ 14/4 - 5/5, lập danh sách, lấy mẫu xét nghiệm, yêu cầu cách ly tại nhà nghiêm túc. Các khu cách ly tập trung phải đảm bảo an toàn, không để lây nhiễm chéo, đủ thời gian và số lần xét nghiệm theo quy định. Quản lý tốt nhân khẩu, phát hiện, xử lý nghiêm việc nhập cảnh trái phép. “Yêu cầu các đơn vị, cơ sở kinh doanh diện được hoạt động phải đảm bảo phòng chống dịch, phải khai báo y tế. Công an cần vào cuộc, quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm, có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can các vi phạm phòng dịch”, ông nói.

Ông Dũng yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế phải đảm bảo an toàn; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm (Tiền phong, trang 4).

 

Hưng Yên ghi nhận chùm 3 ca dương tính SARS-CoV-2 trong gia đình

Kết quả xét nghiệm tại Hưng Yên xác định có 3 ca dương tính SARS-CoV-2, là người thân trong gia đình tại phường Nhân Hòa, thị xã Mỹ Hào.

Trao đổi với Tiền Phong sáng 6/5, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hưng Yên cho biết, địa phương vừa ghi nhận 2 ca dương tính SARS-CoV-2 là người nhập cảnh.

Đó là anh N.V.H (33 tuổi, quê xã Đông Nam, huyện Thạch Bình, tỉnh Hà Tĩnh) và chị Đ.T.R (22 tuổi, trú xã Khả Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng).

Cả hai trường hợp này nhập cảnh từ Nhật Bản về Việt Nam trên chuyến bay VN5315 ngày 30/4.

Sau khi về Việt Nam, hai trường hợp này được đưa vào khu cách ly tập trung số 1 – Trung đoàn Bộ binh 126 tỉnh Hưng Yên. Kết quả xét nghiệm lần 1 xác định cả hai trường hợp này dương tính SARS-CoV-2.

Ngay sau đó, địa phương đã chuyển hai ca bệnh lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị.

Lãnh đạo CDC Hưng Yên cũng cho biết, qua xét nghiệm địa phương cũng ghi nhận bà L.T.N.H, trú tại phường Nhân Hòa (thị xã Mỹ Hào) dương tính SARS-CoV-2.

Qua điều tra dịch tễ, ngày 23-28/4, bà L.T.N.H đi chăm chồng đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TƯ cơ sở 2. Chiều 28/4, bà H về nhà và tiếp xúc với con trai, con gái và 3 cháu nội ngoại. Ngày 29/4, bà H cùng con trai và con gái bắt xe lên Bệnh viện Huyết học TƯ để chăm chồng.

Rạng sáng 6/5, lực lượng chức năng tiếp tục xét nghiệm và xác định chị N.T.N.H (SN 1990, con gái bà L.T.N.H) và cháu N.N.A (SN 2020, cháu ngoại bà L.T.N.H)

Ông Lê Quang Hiến - Chủ tịch UBNDthị xã Mỹ Hào cho biết, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, phát hiện 2 ca dương tính SARS-CoV-2 mới, địa phương đã rà soát truy vết có 24 F1 và 17 F2.

Huyện đã tổ chức phun khử khuẩn, phong tỏa tổ dân phố Nguyễn Xá gồm hơn 800 hộ dân, hơn 3.100 nhân khẩu. Đồng thời, thực hiện giãn cách phường Nhân Hòa (Tiền phong, trang 6).

 

Phun hơn 200.000 lít dung dịch tiêu độc

Chiều 6/5, lực lượng phòng hóa của Bộ tư lệnh Hóa học và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội phun hơn 200.000 lít dung dịch khử trùng, tiêu độc tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Trong khi đó, Sở Y tế Lạng Sơn phong tỏa toàn bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn.

Hơn 70 cán bộ, chiến sĩ cùng 15 xe đặc chủng, phương tiện tiêu tẩy đa năng hiện đại đã phun dung dịch tiêu độc, khử trùng trên tổng diện tích 150.000 m2 tại khuôn viên, sảnh tiếp đón bệnh nhân, khu vực khám bệnh, khoa cấp cứu, đường hầm để xe, tường rào, đường nội bộ... của bệnh viện. Tại hiện trường, Thượng tá Trần Văn Chúng, Phó Lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn 86 - Binh chủng Hóa học, cho biết, cán bộ, chiến sĩ tiêu độc, tẩy trùng toàn bộ khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 và khu vực lân cận để đảm bảo an toàn cho khu cách ly, trong khi đảm bảo an toàn cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ. Khoảng 400 cán bộ, công nhân viên bệnh viện đang được cách ly tại đây.

“So với các đợt tham gia dập dịch khác, đợt này có tính chất nguy hiểm hơn do biến thể của virus SARS-CoV-2. Chúng tôi đã xác định quyết tâm từ ngày dịch bùng phát trở lại, đặc biệt là trước thông tin những ngày gần đây về tình hình dịch bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Xác định tham gia chống dịch là nhiệm vụ đơn vị phải thực hiện nên cán bộ, chiến sĩ đều có quyết tâm và ý thức, trách nhiệm rất cao”, Thượng tá Chúng nói.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, đơn vị sẽ tổ chức huấn luyện bổ sung cho cán bộ, chiến sĩ; bảo đảm hóa chất, dung dịch, phương tiện trang bị tốt nhất, sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh của cấp trên cũng như sẵn sàng tăng cường hỗ trợ cho các cơ sở y tế.

Phong tỏa Bệnh viện Phổi Lạng Sơn

Chiều 6/5, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác nhận, mẫu bệnh phẩm của N.T.V.A. (SN 1995, trú tại thôn Quyết Tiến, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, điều trị tại Khoa Lao ngoài phổi - Bệnh viện Phổi Lạng Sơn), dương tính với SARS-CoV-2, trở thành bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ở tỉnh này trong năm 2021. Trước đó, N.T.V.A. điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) và khi có kết quả âm tính thì trở về Lạng Sơn với lịch di chuyển khá phức tạp. Rạng sáng 6/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn thông báo kết quả xét nghiệm sàng lọc của nữ bệnh nhân N.T.V.A. dương tính với SARS-CoV-2.

Sở Y tế Lạng Sơn đã triển khai nhiều biện pháp truy vết, khoanh vùng các trường hợp liên quan, kịp thời phong tỏa toàn bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn và lấy mẫu xét nghiệm với toàn bộ cán bộ y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại bệnh viện cũng như người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Tính đến 16 giờ ngày 6/5, các lực lượng chức năng Lạng Sơn truy vết được 211 trường hợp liên quan bệnh nhân N.T.V.A.

UBND tỉnh Lạng Sơn họp khẩn và kích hoạt tất cả phương án, biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất (Tiền phong, trang 5).

 

Tỉ lệ người Việt hài lòng với biện pháp phòng COVID-19 cao nhất thế giới

VN xếp đầu bảng khi có tới 96% số người được hỏi bày tỏ hài lòng với công tác phòng chống dịch COVID-19 của chính phủ. TTXVN dẫn kết quả thăm dò dư luận do Viện nghiên cứu thị trường Latana thực hiện cho biết phần lớn người dân trên khắp thế giới ngày càng ít hài lòng với cách phòng chống dịch của chính phủ nước họ. Khảo sát được thực hiện từ ngày 24.2-14.4 với hơn 50.000 người ở 53 quốc gia và khu vực, chiếm trên 3/4 dân số thế giới.

Trong khi mức độ hài lòng của người dân đối với chiến lược xử lý khủng hoảng của chính phủ trong đại dịch COVID-19 ở nhiều nước, khu vực trên thế giới giảm mạnh thì ở Việt Nam, người dân vẫn rất hài lòng với các biện pháp chống dịch của chính phủ và tỉ lệ hài lòng đạt mức cao nhất thế giới.

Về cách thức phản ứng của các chính phủ với đại dịch COVID-19, người dân trên thế giới chia rẽ mạnh khi có trung bình 58% số người được hỏi đánh giá chính phủ nước họ phản ứng tốt với đại dịch.

Trong danh sách này, Việt Nam xếp ở vị trí đầu bảng khi có tới 96% số ý kiến bày tỏ hài lòng với công tác phòng chống đại dịch COVID-19 của chính phủ, tiếp đến là Trung Quốc với tỉ lệ hài lòng là 93%.

Nhìn chung, các nước Châu Á có tỉ lệ hài lòng trung bình cao nhất (75%), tiếp đến là Châu Âu (45%) và Mỹ Latinh (42%). Tỉ lệ hài lòng của người dân với cách xử lý dịch của chính quyền Brazil ở mức thấp nhất là 19%.

Tại Đức, tỉ lệ này cũng giảm mạnh. Nếu mùa xuân năm ngoái có tới 71% số ý kiến bày tỏ hài lòng với cách chống dịch của chính phủ Đức thì nay tỉ lệ này đã giảm xuống còn 48%.

Nghiên cứu trên đã được nhiều trang báo của Đức đăng tải, trong đó đều nhấn mạnh tỉ lệ hài lòng của người dân với chiến lược của chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19 đặc biệt cao ở Việt Nam, trong khi thấp nhất ở khu vực Mỹ Latinh và Châu Âu (Lao động, trang 2).

 

Hà Nội bác thông tin phong tỏa

Trước tin đồn về việc “lockdown”, “phong tỏa” Hà Nội do những diễn biến phức tạp về dịch, đặc biệt là liên quan ổ dịch BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, chiều 6.5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã lên tiếng bác bỏ. “Hà Nội chỉ khuyến cáo người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, hợp tác với cơ quan chức năng để đẩy lùi dịch bệnh. Không có chuyện phong tỏa thành phố, vì đây là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của cả nước”, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định với Thanh Niên (Thanh niên, trang 2).

 

52 ca bệnh lây từ bệnh viện: 'Báo động đỏ', con số còn tăng!

Nếu dịch bệnh bùng phát tại bệnh viện thì mức độ nguy hiểm sẽ tăng gấp nhiều lần. Những diễn biến liên tiếp trong ngày 6-5 cho thấy đã có ít nhất 52 ca bệnh ở 15 tỉnh thành liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Con số này còn có thể tăng.

Tại cuộc họp, thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội cho biết đến 14h ngày 6-5, trong tổng số 827 người là nhân viên y tế, bệnh nhân đang ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, sau xét nghiệm có 41 trường hợp dương tính, còn lại âm tính, trong đó có 8 ca dương tính ở Hà Nội, cộng thêm 1 bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương được phát hiện dương tính trước đó, tại ổ dịch này đã có 42 ca dương tính với COVID-19. 

Các bệnh viện ráo riết chống dịch

Ông Nguyễn Quang Tuấn, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ bệnh viện đã xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ hơn 4.000 nhân viên y tế, hơn 5.000 học viên, hơn 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, kết quả đều âm tính. Đồng thời đang xét nghiệm tiếp cho toàn bộ bệnh nhân nội trú và người chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện.

"Chi phí xét nghiệm có tốn kém, nhưng chúng tôi vẫn làm để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân và nhân viên y tế, đồng thời đảm bảo cho họ được an tâm khi đi khám chữa bệnh và làm việc tại Bạch Mai. Chúng tôi cũng triển khai 5K tại khu bệnh phòng, không gian mở tại bệnh viện. 

Để chia lửa cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang cách ly y tế, từ ngày 6-5 Bạch Mai đã tiếp nhận 50 bệnh nhân F0 có kết quả âm tính và 40 F1 có liên quan đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ở tỉnh Hà Nam. Đây là biện pháp giảm áp lực cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và cũng là giữ yên cho Hà Nội" - ông Tuấn chia sẻ.

Bệnh viện K cũng đang triển khai rất nhiều hoạt động chống dịch. Trong 2 ngày 5 và 6-5, bệnh viện đã phối hợp với cơ quan công an xử phạt 5 người không đeo khẩu trang trong khuôn viên bệnh viện (mức phạt 2 triệu đồng/người). 

"Bệnh viện sẽ lấy mẫu xét nghiệm PCR cho trên 1.900 cán bộ, nhân viên từ 6-5 đến 8-5, tái khởi động hàng loạt giải pháp chống dịch tại bệnh viện" - đại diện Bệnh viện K cho biết.

Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết Hà Nội vừa xét nghiệm cho hơn 25.000 nhân viên y tế, trên 10.000 bệnh nhân, tất cả đều âm tính.

Hà Nội có hơn 2.600 người đến và rời Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

Chiều 6-5, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội, giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết bước đầu đã rà soát được hơn 2.600 người đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương từ ngày 14-4 đến 5-5.

Theo bà Hà, đây là số người đến khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Con số này còn có thể tăng khi các quận huyện tiếp tục rà soát, điều tra hết số người đã rời bệnh viện từ thời điểm 14-4 đến 5-5.

Nhận định về tình hình dịch bệnh COVID-19, bà Hà cho rằng đây là đợt dịch có rất nhiều khó khăn, phức tạp, rất nhiều nơi có F0, trong đó có những ca F0 chưa rõ nguồn lây. Bà Hà đề nghị người dân tự giác trong khai báo y tế để các lực lượng có thông tin triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc. 

Với các ca F0 được phát hiện, bà Hà đề nghị các quận huyện khẩn trương trong thực hiện khoanh vùng, truy vết, không bỏ lọt F1, F2.

Xét nghiệm, cách ly tại nhà những trường hợp liên quan bệnh viện

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu những trường hợp có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương từ 14-4 đến 5-5, xét nghiệm và thực hiện cách ly tại nhà. Lãnh đạo Hà Nội cũng yêu cầu người đứng đầu các bệnh viện siết chặt công tác phòng chống dịch tại bệnh viện, không để xảy ra lây lan dịch bệnh trong cơ sở y tế.

"Ban quản lý các khu công nghiệp phải đánh giá lại công tác phòng dịch, nếu có yếu tố dịch tễ phải tạm dừng sản xuất, tránh trường hợp để xảy ra ổ dịch trong khu công nghiệp, rất khó khăn trong dập dịch" - ông Dũng yêu cầu (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Xử lý nhanh chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

Ngày 6-5, Binh chủng hóa học đã đến phun khử khuẩn tại cơ sở 2 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Đồng thời sau 1 ngày khoanh vùng, xử lý, cơ sở 1 của bệnh viện tại Phương Mai, Hà Nội đã mở cửa trở lại.

Cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) sẽ còn cách ly y tế đến 19-5, nhưng các bệnh viện lân cận đang hỗ trợ để giảm tải bệnh nhân cho khu vực này, nhất là trong điều kiện khối hành chính của bệnh viện cũng phải cách ly tập trung.

Trao đổi với báo chí ngày 6-5, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cho biết Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương vẫn tiếp nhận bệnh nhân nặng ở các tỉnh phía Bắc chuyển đến.

"Sự cố hiện nay tại bệnh viện là không mong muốn, các bệnh viện phải tập trung kiểm soát nhiễm khuẩn, không để xảy ra lây chéo" - ông Khuê nói.

Ông Khuê cũng đề nghị trong điều kiện hiện nay cần thực hiện "4 tại chỗ", trong đó có điều trị tại chỗ. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đang cách ly y tế, nhưng còn nhiều khu vực khác có thể tiếp nhận bệnh nhân, chưa kể các bệnh viện dã chiến. Các phương án chuẩn bị đều đã có (Tuổi trẻ, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang