Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 07/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Không diệt bọ gậy, không thể phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả; Thẩm mỹ viện Rose hoạt động không đúng phạm vi chuyên môn được cấp phép; Những người kết nối học sinh chia sẻ giọt máu hồng; Thu phí Bảo hiểm Y tế linh hoạt để giảm gánh nặng đóng góp đầu năm học; ...

 

Không diệt bọ gậy, không thể phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả

Ngày 6-9, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hai đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Đoàn kiểm tra do TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dẫn đầu kiểm tra tại xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai). Tại đây, đoàn phát hiện vật dụng ở 2/3 số hộ gia đình tại thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ) có bọ gậy. Đặc biệt, tại một gia đình chuyên thu gom phế thải hàng điện tử, đoàn phát hiện 3-4 ổ bọ gậy có trong các máy giặt, tủ lạnh cũ, lốp ô tô hỏng… TS Nguyễn Khắc Hiền đánh giá, công tác phòng, chống sốt xuất huyết ở đây chưa tốt, đồng thời đề nghị xã Ngọc Mỹ cần chấn chỉnh lại đội xung kích diệt bọ gậy. Riêng với những gia đình không hợp tác trong phòng, chống dịch thì cần xử lý theo quy định. Tính đến ngày 5-9, huyện Quốc Oai ghi nhận 304 người mắc sốt xuất huyết với 73 ổ dịch tại 21/21 xã. Riêng xã Ngọc Mỹ có 33 ca.

Phụ trách đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Mê Linh, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, để việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết đạt hiệu quả thì những nơi có ổ dịch phải được phun thuốc tối thiểu 2 lần, đồng thời diệt bọ gậy thường xuyên. Tại những nơi không xuất hiện ổ dịch có thể diệt bọ gậy 1 tuần/lần. Nếu không diệt được bọ gậy thì không thể phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả. Do đó, các tổ giám sát cần tích cực kiểm tra đội xung kích diệt bọ gậy xem họ có thực sự vào cuộc không.  Tính đến ngày 5-9, trên địa bàn huyện Mê Linh đã ghi nhận 220 ca sốt xuất huyết với 38 ổ dịch (Hà Nội mới, trang 1).

 

Thẩm mỹ viện Rose hoạt động không đúng phạm vi chuyên môn được cấp phép

Chiều 6-9, Đoàn kiểm tra do ông Tô Tử Anh, Phó trưởng Phòng Hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất thẩm mỹ viện Rose (ở 47 Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội). Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở quảng cáo và thực hiện nhiều dịch vụ không thuộc phạm vi chuyên môn được cấp phép. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở mở cửa hoạt động và có khách hàng đang được chăm sóc da, sử dụng dịch vụ tiêm giảm béo. Theo bà Nguyễn Hải Yến, phụ trách chuyên môn của thẩm mỹ viện Rose, cơ sở có hợp tác với bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện B.S (Hà Nội) để thực hiện tiêm tắm trắng, giảm béo cho khách hàng. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở xuất trình giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do Phòng Kinh tế, UBND quận Cầu Giấy cấp nhưng chưa cung cấp được giấy tờ thể hiện sự liên kết với bác sĩ Bệnh viện B.S. Với việc thực hiện dịch vụ tiêm giảm béo và truyền trắng, cơ sở này đã hoạt động không đúng phạm vi chuyên môn được cấp phép. Trước đó khoảng một tháng, thẩm mỹ viện này cũng bị xử phạt do quảng cáo và thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ ngoài phạm vi được phép (Hà Nội mới, trang 7; Nhân dân, trang 5).

 

Những người kết nối học sinh chia sẻ giọt máu hồng

Hiểu để cảm thông, sẻ chia

Vừa qua, nhóm tình nguyện Rouge phối hợp với Đoàn Thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Phòng Công tác xã hội (Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư) tổ chức thành công đêm nhạc thiện nguyện “Kết nối trái tim - Kết nối yêu thương”, gây quỹ và từ thiện cho các bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh đang điều trị ở Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư.

Đêm nhạc có sự tham gia của nhiều “ca sĩ” nhí như: Diễm Quỳnh, Hà Huy (Nhà ga âm nhạc); Lan Minh (violin) An Bình - Thúy Vy (dance sport), Hải Anh (giọng hát Việt nhí)… Đặc biệt, đêm nhạc có sự tham gia của Trọng Hiếu và Thái Thùy Linh, hai nghệ sỹ mà tên tuổi của họ không chỉ gắn với tài năng mà còn nổi bật trong các hoạt động thiện nguyện. Chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội.

Diễm Quỳnh, người sáng lập dự án “Rouge 2017 - Kết nối trái tim - Kết nối yêu thương” cho biết: Mùa hè 2016, 2017 Quỳnh được tham gia chương trình hiến máu và hát trong các gala văn nghệ của Hành trình đỏ (một chiến dịch xuyên Việt cổ động hiến máu tình nguyện và nâng cao nhận thức về bệnh tan máu bẩm sinh - PV). Trò chuyện với các bạn cùng lớp, Quỳnh nhận thấy các bạn chưa biết và hiểu về ý nghĩa việc hiến máu tình nguyện và bệnh Thalassemia.

Các chương trình hiến máu tình nguyện mới chỉ tuyên truyền cho những người đủ tuổi hiến máu (trên 18 tuổi). Có một cộng đồng rất tiềm năng chưa được khai thác là các bạn học sinh phổ thông. Quỳnh nảy ra ý tưởng cùng nhóm bạn xây dựng một dự án với mục đích mang những kiến thức đã tiếp thu được từ Hành trình đỏ đến các bạn học sinh cấp THCS và THPT. “Dự án Rouge 2017 là một sự tiếp nối chương trình “Hành trình đỏ” ở lứa tuổi học trò. Những người thực hiện dự án bày tỏ hy vọng  sẽ thắp lên trong các bạn bè sự yêu thương, sẵn sàng sẻ chia với cộng đồng thông qua việc hiến máu nhân đạo”, Quỳnh nói.

Theo Quỳnh, để có kiến thức đầy đủ về hiến máu, căn bệnh Tan máu bẩm sinh, nhóm các bạn trẻ đã chủ động liên hệ với các y bác sỹ đầu ngành ở Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư để xin cố vấn. Dự án của nhóm bạn trẻ được GS.TS. Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư  ủng hộ. Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí “Tan máu bẩm sinh là một “quả bom nguyên tử” giữa đời thường - gây tàn phá giống nòi Việt Nam”.

Tham gia đêm nhạc, Đặng Kiều Nhi, học sinh lớp 11 Trường THPT Lý Thái Tổ chia sẻ: “Mình thấy chương trình rất ý nghĩa và thiết thực. Bởi nếu hiểu rõ về căn bệnh hiểm nghèo Thalassemia, lớn lên chúng mình có thể tránh được những thảm họa sinh ra những em bé mắc căn bệnh nguy hiểm này”.

Tiếp cận ngân hàng máu tương lai

Ngoài tổ chức các chương trình ca nhạc, Dự án “Rouge 2017” còn kêu gọi các bạn trẻ, các nhà hảo tâm đóng góp trực tiếp cho Ngân hàng suất ăn dinh dưỡng của viện Huyết học và Truyền máu T.Ư. Đây là những xuất ăn dành cho các em bé bị bệnh máu, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Mỗi suất ăn (ngày ba bữa) cho trẻ là 55.000 đồng. Trong  đợt này, Rouge đã vận động được hơn 100 triệu tiền mặt và quà  tặng cho các bệnh nhi của viện huyết học và truyền máu Trung ương. 

Tuấn Đức, học sinh lớp 10, thành viên Dự án “Rouge 2017 chia sẻ: “Tuổi của chúng em chưa đủ điều kiện hiến máu, nhưng việc chuẩn bị tinh thần và những kiến thức về hiến máu là rất cần thiết để khi đủ tuổi có thể sẵn sàng tham gia”. Đánh giá về dự án, ông Nguyễn Tuấn Khởi – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần  Nhân Ái Vòng tay Việt – đơn vị  đồng hành với “Hành trình Đỏ” từ năm năm nay, cho biết: “Đây là một dự án rất dễ thương, hi vọng sẽ góp một phần nhỏ bé làm cho phong trào hiến máu tình nguyện trở nên bền vững hơn” (Tiền phong, trang 10).

 

Thu phí Bảo hiểm Y tế linh hoạt để giảm gánh nặng đóng góp đầu năm học

Phí Bảo hiểm Y tế (BHYT) sẽ tiếp tục được thu theo phương thức linh hoạt nhằm giảm gánh nặng đóng góp đầu năm học cho phụ huynh học sinh. Đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, do việc tăng lương cơ sở nên mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên cũng bị điều chỉnh tăng. Dù mức tăng không nhiều, song BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học.

Đảm bảo việc tham gia liên tục

Theo ông Vũ Mạnh Chữ, Phó Trưởng ban thu, BHXH Việt Nam, mức phí BHYT đối với học sinh, sinh viên trong năm học 2017- 2018 có điều chỉnh nhẹ. Nguyên nhân do mức phí được tính theo lương cơ sở và mức lương cơ sở tăng từ 1,21 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng nên mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên cũng được điều chỉnh tăng. Cụ thể, mức chênh lệch tăng thuộc phần trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên là 2.835 đồng/học sinh - sinh viên/tháng. 

Ông Vũ Mạnh Chữ cho biết, mặc dù mức tăng không nhiều, song BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các địa phương tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm nhẹ số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học.

Cụ thể, đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, học sinh mới vào lớp 1, BHXH sẽ thực hiện thu phí BHYT những tháng còn lại của năm 2017. Đối với học sinh, sinh viên đã đóng BHYT theo năm tài chính, thì BHXH sẽ tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2017. Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 6 tháng hoặc 1 năm một lần nộp vào quỹ BHYT. Các cơ sở giáo dục chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng.

Ông Vũ Mạnh Chữ cho biết thêm, BHXH Việt Nam cũng đề xuất sửa đổi một số nội dung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa phù hợp thực tế nhằm đảm bảo việc tham gia liên tục cho học sinh, sinh viên. Cụ thể như, trẻ em dưới 6 tuổi chuyển sang học lớp 1 mà sinh vào các ngày trong tháng sau ngày 30-9 thì được sử dụng đến hết tháng của tháng đủ 72 tháng tuổi. Học sinh lớp 12 được cấp thẻ BHYT đến 30-9 thay vì cấp thẻ đến 31-5 (kết thúc khóa học). 

Đề nghị tăng mức hỗ trợ lên 50%

Báo cáo của BHXH Việt Nam cho biết, thời gian qua, sự quan tâm của các nhà trường, phụ huynh học sinh, sinh viên đối với BHYT đã có sự chuyển biến lớn. Điều này được thể hiện ở tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Thống kê cho thấy, năm học 2013-2014, số học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 85%. Đến năm học 2016-2017, tỷ lệ này đã đạt 92,5%, tương ứng khoảng 15,9 triệu học sinh, sinh viên có thẻ BHYT. 

Ông Vũ Mạnh Chữ cho biết, trong năm học 2017-2018, BHXH Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Tuy nhiên, hiện vẫn còn đến 7,5%, tương đương gần 1,3 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia. Điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề đối với việc phát triển BHYT học sinh, sinh viên trong năm học mới.

Đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, “khoảng trống” 7,5% học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT có nguyên nhân từ nhận thức về chính sách BHYT nói chung và BHYT học sinh, sinh viên nói riêng của một bộ phận người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số cơ sở giáo dục chưa quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học. Nhiều trường đại học, cao đẳng chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu tuyên truyền, vận động…

Liên quan tới việc tăng mức phí BHYT đối với học sinh, sinh viên, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, BHXH Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét nâng mức hỗ trợ đóng BHYT từ 30% lên 50% cho nhóm đối tượng này (An ninh thủ đô, trang 6). 

 

Ma trận mỹ phẩm giả: Rước họa vào thân

Mỹ phẩm (MP) giả, nhái thương hiệu nổi tiếng nhan nhản trên thị trường, khiến chị em vô cùng bất an khi lựa chọn sản phẩm làm đẹp. Ma trận MP không chỉ ảnh hưởng uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn, nhiều trường hợp rước họa vì làm đẹp.

Địa chỉ một đằng, sản xuất một nẻo

Vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), Sở Y tế TPHCM quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi nhiều mặt hàng MP có chứa chất corticoid, paraben… Tuy nhiên, thực tế khi phóng viên báo Tiền Phongtìm hiểu nhiều loại MP trong danh sách bị thu hồi tại TPHCM, thì những sản phẩm này vẫn bày bán tràn lan, còn tiểu thương nói rằng, không có chuyện hàng bị thu hồi, mà nếu có thu đi chăng nữa thì cũng… không còn.

Tại khu vực hóa mỹ phẩm chợ Bình Tây (Q.6), các quầy hàng bày la liệt hàng ngàn loại MP “thượng vàng hạ cám”, từ các thương hiệu nước ngoài đến trong nước, giá chỉ từ mười mấy ngàn đồng đến cả triệu đồng/sản phẩm. Đang phân vân trước “núi” MP, bà Thanh - tiểu thương chợ Bình Tây, giới thiệu: “Hàng của chị đều có thương hiệu, nguồn gốc hẳn hoi chứ không phải hàng trôi nổi đâu. Dạo này mặt hàng kem trắng da, trị mụn siêu tốc rất được ưa chuộng. Tuy hàng hiệu nhưng giá rất mềm. Em lựa đi, chị để giá sỉ cho”.

Theo quảng cáo, tất cả các loại MP ở đây đều có tác dụng như “thần dược” của sắc đẹp. Đơn cử như kem trắng da cấp tốc Mỹ Linh của công ty TNHH hóa mỹ phẩm Mỹ Linh (440 ấp Hưng Thạnh, xã Đông Phước A, H. Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Tôi khá bất ngờ bởi giá bán lẻ cực sốc, chỉ 18.000 đồng/hũ 50gr. Ngay trên hũ kem cho biết công dụng làm trắng da, theo đó, chỉ cần bôi kem lên mặt, cổ, tay chân bất cứ lúc nào sẽ có kết quả tức thì.

Bao bì bắt mắt, truyền thông rộng rãi, rất được lòng chị em có thể kể đến như kem nhau thai cừu phấn hoa - Q10 (giá 119.500 đồng/hũ 18gr) của công ty TNHH SX-TM MP Lê Hoàng Hà My (số 3, đường 176 ấp 4A xã Bình Mỹ, H. Củ Chi), phân phối độc quyền do công ty TNHH MTV TM HMP Nam Anh Khương. Đi kèm với sản phẩm là những lời “có cánh”: chiết xuất từ nhau thai cừu, phấn hoa, mật ong, vitamin A, E, PP… tác dụng dưỡng trắng da siêu tốc; da đen sạm, sần sùi, khô mốc, nếp nhăn li ti… cũng được xóa sạch. Hay sản phẩm kem của Như Tiên cơ sở SX HMP Minh Xuân (Trường Thọ, Trường Long, Phong Điền, Cần Thơ) khẳng định làm da đẹp trong 7 ngày; kem 3 trong 1 Ngọc Ân của công ty TNHH MTV SX TM XNK MP Tùng Ân (113 Lê Lâm, P. Phú Thạnh, Q. Tân Phú) cam kết hiệu quả trong 6 ngày…

Các loại MP nêu trên đều khẳng định uy tín, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra thì đều phát hiện sai phạm. Như kem 3 trong 1 (nám-mụn-giảm thâm) Ngọc Ân có chứa chất clobetasol propionate không được phép sử dụng trong mỹ phẩm; nhau thai cừu phấn hoa NAK Q10 (18g) cũng có chứa chất clobetasol propionate; kem trắng da ngừa trị mụn Bảo Lâm do công ty cổ phần Đông y dược Bảo Lâm sản xuất vì có chứa chất dexamethason acetat không được phép sử dụng trong mỹ phẩm; Kem trắng da Mỹ Linh không đáp ứng quy định về giới hạn hàm lượng Propylparaben. Những loại MP trên đã bị Cục Quản lý dược và Sở Y tế TPHCM ra quyết định yêu cầu công ty tự thu hồi nhưng trên thực tế, việc có thu hồi hay không thì chỉ có… trời mới biết.

Gần cả tuần lân la làm quen, mua sản phẩm của các tiểu thương kinh doanh tại chợ Kim Biên (Q.5), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), tôi thật bất ngờ khi nhiều tiểu thương tiết lộ: “Không biết nhà nước lấy mẫu ở đâu, chứ còn ở chợ, để tìm được đúng lô, đúng ngày sản xuất của loại MP có chất độc thì khó hơn “mò kim đáy biển”. MP ở chợ đa số phục vụ đối tượng bình dân, chúng tôi lấy hàng có chừng, bán trong vòng một - hai tuần là hết. Lúc phát hiện MP có chất cấm thì đã “trét” hết lên mặt chị em rồi còn đâu mà thu hồi. Nếu có thu hồi được đi chăng nữa, công ty đem về rồi thay bao bì, người dùng làm sao biết”.

Đó là chưa kể, nhiều loại mỹ phẩm “tung hoành” trên thị trường, quảng cáo facebook ầm ầm nhưng tìm địa chỉ... “đỏ con mắt”. Như công ty TNHH mỹ phẩm Hoa Việt có địa chỉ trên web ở số 107 Miếu Bình Đông (P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân), ngày 5/9, PV Tiền Phong đến nơi thì đó là quán cà phê, chủ quán cũng chẳng liên quan gì đến Hoa Việt. Gọi Hotline nhiều lần mới có người bắt máy, nhưng lại lấp liếm trụ sở đã dời về Q. Bình Thạnh, còn nhà máy thì ở Long An... rồi cúp máy, không liên lạc được.

Quản lý lỏng lẻo?

Vì ham làm đẹp bằng MP giá rẻ, không ít chị em phải trả giá đắt. Mới đây, bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ đến khám trong tình trạng mặt sưng đỏ, nhiều mụn mủ li ti trên mặt, da rất mỏng và rất ngứa. Chị này kể được chủ tiệm tạp hóa gần nhà giới thiệu hũ kem không có thương hiệu với các tác dụng thần kỳ như: nhanh chóng làm trắng mịn da, giảm các nếp nhăn, chống lão hóa. Theo người này, những ngày đầu tiên sử dụng, da đẹp lên nhanh chóng. Nhưng chỉ hơn một tháng sau, da bắt đầu ngứa, sưng đỏ, nhiều mụn mủ khắp mặt… Sau khi kiểm tra, làm các xét nghiệm cần thiết, BS kết luận chị bị viêm da dị ứng & kích ứng do corticoid. Corticoid nếu sử dụng bôi ngoài da không đúng cách, không theo hướng dẫn của BS sẽ để lại các tổn thương da rất nặng nề như: teo mỏng da, nứt da, mụn, giãn mạch và xuất huyết dưới da, da dễ bị kích ứng & dị ứng… Muốn điều trị và phục hồi tình trạng da thì phải mất nhiều thời gian và tốn kém, tuy nhiên da sẽ khó có thể trở lại như tình trạng lúc ban đầu.

BS Trần Thiên Tài - Phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng BV ĐH Y Dược TPHCM cho biết, trung bình mỗi ngày đều có 4 - 5 trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị về vấn đề da do dùng MP. “Để bán được hàng, nhiều đơn vị sản xuất MP (bao gồm cả các loại không rõ nguồn gốc, nhãn mác) đã quảng cáo “có cánh” về các phương pháp điều trị thẩm mỹ có tác dụng làm trắng sáng, mịn da, trị mụn trong thời gian cấp tốc từ 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, người dùng phải hết sức cẩn thận vì để làm đẹp cấp tốc người sản xuất thường cho thêm corticoide và những chất có khả năng gây hại cho da” - BS Tài nói.

Ông Nguyễn Văn Bách - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, MP giả, kém chất lượng, không nguồn gốc trên thị trường hiện nay rất phổ biến, tập trung tại các điểm bán sỉ và phân tán trong các chợ nhỏ lẻ. “Trong năm, Chi cục cũng phối hợp với các ngành chức năng liên ngành thanh kiểm tra hàng hóa, trong đó có MP. Tuy nhiên, Chi cục chỉ có thể kiểm tra chủ yếu MP lậu, giả, kém chất lượng… Còn MP chứa chất cấm phải được Bộ Y tế, Sở Y tế lấy mẫu kiểm định mới kết luận được. Hơn nữa, với các loại MP có đầy đủ nhãn mác, thành phần công bố, có giấy phép nhưng vẫn dính chất cấm thì bằng cảm quan mắt thường, chúng tôi không thể xác định được” - ông Bách nói (Tiền phong, trang 14).

 

Bóc mẽ chiêu làm giả mỹ phẩm

Dù lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, nhưng khó có thể kiểm soát mỹ phẩm giả trên thị trường do lợi nhuận bất chính thu về từ việc kinh doanh mặt hàng này rất lớn.

Hàng xịn giá “bèo”

Chiều 5/9, trước cổng khu công nghiệp Tân Bình (Q. Tân Bình), một nhóm thanh niên trưng lỉnh kỉnh nào xà bông, kem trang điểm… thu hút rất đông công nhân sau giờ tan ca. Tất cả mỹ phẩm này đều có giá “bèo”, chỉ vài chục ngàn đồng là có ngay một hũ kem dưỡng da ngoại to sụ. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm cơ sở sản xuất, hạn sử dụng… thì hầu như không có. Người bán hàng lý sự: “Hàng ngoại, tất cả thông tin cần thiết đều có ở bao bì. Nhưng để đem được về VN thì mình phải bỏ hộp, chỉ đem “ruột” thôi, như vậy mới không phải đóng thuế, bán giá rẻ cho chị em sử dụng”.

Tại chợ Bình Hưng Hòa (Q. Bình Tân), mỹ phẩm chất đống, loại nào cũng có đồng giá 10.000 đồng luôn thu hút đông người mua. Thử chọn một loại son môi không bao bì, ướt nhẹp chứ không khô như những loại son môi khác. Người bán hàng đon đả: “Son Hàn Quốc đó em, tô cả ngày cũng không trôi. Em thích hộp của hãng nào chị đưa cho”.

Liên hệ với P. - một đầu nậu chuyên phân phối mỹ phẩm giá rẻ, người này chỉ tôi cách kinh doanh mỹ phẩm “một vốn mười lời” rất đơn giản, chỉ cần cho biết số lượng, đặt cọc trước 50%, chỉ vài ngày sau sẽ cung cấp theo yêu cầu. Lo sợ cơ quan chức năng “sờ gáy” vì kinh doanh hàng giả, P. trấn an: “Úi giời, khoản này chị cứ yên tâm, tôi cung cấp hàng cho nhiều quầy sạp ở khắp các tỉnh thành từ Nam tới Bắc nên kinh nghiệm lắm. Khi bán hàng, mình chỉ để một ít trên quầy kệ, khi có khách mới cho người về kho lấy. Chị muốn làm giả mỹ phẩm hãng nào, tôi đều làm giống thật tới 99%. Thậm chí, tôi còn cung cấp đặt cả tem chống giả giống hệt sản phẩm chính hãng để chị dán lên sản phẩm. Hơn nữa, chị nên đem hàng về quê, nơi có đông công nhân, sinh viên sẽ rất dễ bán hàng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một nguyên nhân khác khiến cho mỹ phẩm giả còn tràn lan là lợi dụng việc cho phép cá nhân tự công bố sản phẩm, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm do cơ sở của mình sản xuất (cơ quan quản lý không khảo sát, không thẩm định trước về cơ sở, trang thiết bị, năng lực của cơ sở sản xuất đó), dẫn đến việc các cơ sở sản xuất mỹ phẩm nhỏ lẻ ra đời ồ ạt.

Ngoài ra, các đối tượng kinh doanh mỹ phẩm giả lợi dụng mạng xã hội để rao bán trên các shop bán hàng trực tuyến, khách đặt mua được giao hàng tận nơi, nên lực lượng chức năng càng khó kiểm soát. Do lợi nhuận thu về từ kinh doanh mỹ phẩm giả quá lớn, nên tỷ lệ các cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả tái phạm có xu hướng tăng.

Mức xử phạt không đủ răn đe

Theo Chi cục QLTT TPHCM, việc kiểm tra và xử lý các trường hợp mỹ phẩm giả, dỏm, không rõ xuất xứ nguồn gốc chủ yếu dựa vào các thủ tục giấy tờ. Bởi lẽ, theo quy định, trách nhiệm quản lý mỹ phẩm thuộc về ngành Y tế. Chính vì thế, đôi lúc việc phối hợp kiểm tra chưa được đồng bộ và thống nhất. Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức xử phạt từ 500.000 đồng - 120 triệu đồng đối với kinh doanh hàng giả, giá trị hàng trên 30 triệu là đã có thể khởi tố hình sự. Tuy nhiên, hiện chưa có doanh nghiệp nào bị khởi tố.

Những sản phẩm trôi nổi, nhập lậu, hàng giả và các mỹ phẩm kém chất lượng đang đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, khi các kết quả của cơ quan kiểm nghiệm đều cho thấy các loại này có chứa độc chất corticoid hay các hóa chất nguy hại khác. Thế nhưng, cơ quan chức năng khó mà kiểm soát hoặc nếu có cũng như “bắt cóc bỏ dĩa”. Hiện nay, mỹ phẩm bị thu hồi đã được đăng trên trang web Sở Y tế và thông báo đến UBND các quận, huyện cũng như các công ty để phối hợp kiểm tra. Nhưng làm như vậy, người dân vẫn mù tịt thông tin, các công ty vi phạm vẫn tiếp tục tung hàng ra sạp, cửa hàng. Theo các chuyên gia y tế, hiện việc quản lý mỹ phẩm đang có những lỗ hổng rất lớn. “Mặc dù Thông tư 06/2011 quy định chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố, nhưng đâu phải cơ sở nào cũng tuân thủ” - một chuyên gia y tế nói.

Theo quy định, nếu ban kiểm tra liên ngành ra quân xử phạt thì mức cao nhất áp dụng cho đối tượng vi phạm hàng nhái là xử phạt hành chính. Luật sư Bùi Minh Nghĩa - Đoàn luật sư TPHCM cho rằng, việc xử phạt hành chính như hiện nay không ổn, chưa đủ sức răn đe vì nhiều người sẵn sàng chấp nhận việc bị xử phạt để thu lợi từ việc nhái thương hiệu hoặc “mượn” các thương hiệu nổi tiếng. Thực tế cho thấy nhiều cá nhân, tổ chức làm hàng giả, hàng nhái thu lợi rất nhiều nhưng khi bị phát hiện ra thì phạt hành chính không đáng là bao nhiêu, xử lý hình sự thì chưa đủ điều kiện (Tiền phong, trang 15).

 

Vì sao Bộ Y tế không kết luận H-Capita là thuốc giả?

Sau khi vụ án VN Pharma nhập 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capita được xét xử với tội danh buôn lậu, những ngày qua, dư luận liên tục đặt vấn đề về việc thuốc này là thuốc giả hay thuốc không rõ nguồn gốc, trong khi nhiều người bệnh hoang mang và bất bình. Ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương – thành viên Hội đồng Giám định độc lập về chất lượng thuốc H-Capita đã trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ về vấn đề này.

Thuốc giả chiếm khoảng 0,01%

- Xin ông cho biết, công tác kiểm định, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc chữa bệnh ở nước ta hiện nay được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Đăng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (BộY tế): Bộ Y tế, trực tiếp là Cục Quản lý dược thực hiện công tác quản lý, cấp phép, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc. Riêng về kiểm định chất lượng thuốc thì có hệ thống 64 cơ sở kiểm nghiệm thuốc, gồm 2 viện của Trung ương là Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (Hà Nội), Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM (đóng tại TP.HCM) và 62 trung tâm kiểm nghiệm của các tỉnh/ thành phố (trừ tỉnh Đắk Nông hiện chưa thành lập trung tâm kiểm nghiệm).

Hàng năm, hệ thống đều xây dựng kế hoạch lấy mẫu thuốc để kiểm nghiệm nhằm đánh giá chất lượng, kiểm tra giám sát, với mục tiêu là giảm tối đa thuốc giả, thuốc kém chất lượng được lưu hành trên thị trường. Danh mục các hoạt chất, các loại thuốc được lấy mẫu để kiểm nghiệm bao gồm cả thuốc nhập khẩu lẫn thuốc sản xuất trong nước. Kế hoạch lấy mẫu này được xây dựng dựa trên sự định hướng của Bộ Y tế, căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm của các năm trước đó, cũng như được lấy ngẫu nhiên hoặc căn cứ vào tình hình cụ thể ở mỗi thời điểm để điều chỉnh cho phù hợp.

Để đảm bảo được chất lượng thuốc, không chỉ có kiểm nghiệm mà phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố, đồng bộ nhiều công tác quản lý khác, từ cấp số đăng ký thuốc, thanh tra, kiểm tra GMP, thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề của các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc…

- Hàng năm, hệ thống kiểm nghiệm thuốc trong cả nước lấy khoảng bao nhiêu mẫu thuốc kiểm nghiệm, kết quả cho thấy chất lượng thuốc ở nước ta ra sao?

- Những năm gần đây, bình quân mỗi năm, chúng tôi lấy khoảng 1.000 mẫu thuốc, còn toàn hệ thống kiểm nghiệm (64 đơn vị) lấy khoảng trên 30.000 mẫu thuốc để kiểm nghiệm chất lượng. 

Cần nói rõ rằng, đây là tỷ lệ gắn với số mẫu được lấy kiểm nghiệm chứ không phải tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng đang lưu hành trên thị trường nước ta là 2-3%. Thực tế khi xây dựng kế hoạch lấy mẫu thuốc kiểm nghiệm đã có định hướng vào các loại thuốc có nghi ngờ hoặc nguy cơ cao không đạt chất lượng nên tỷ lệ gắn với mẫu lấy thường ở mức cao hơn so với tổng thuốc trên thị trường.

- Ông có thể cho biết tỷ lệ thuốc nội không đạt chất lượng so với thuốc ngoại là như thế nào?

- Rất khó để khẳng định được thuốc nội hay thuốc ngoại vi phạm nhiều hơn, tỷ lệ không đạt chất lượng cao hơn. Ngay trong thuốc ngoại cũng như thuốc nội đều được phân thành rất nhiều loại, nhiều nhóm nước sản xuất, nhóm nhà máy sản xuất khác nhau. Tuy vậy, căn cứ trên kết quả kiểm nghiệm thì tỷ lệ phần trăm thuốc ngoại không đạt chất lượng trên tổng mẫu thuốc ngoại lấy kiểm nghiệm nhỉnh hơn so với thuốc nội.

- Còn tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng ở Việt Nam so với thế giới?

- Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ thuốc kém chất lượng của nước ta thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới.

Kiểm nghiệm thuốc H-Capita như thế nào?

- Gần đây, vụ án VN Pharma nhập lậu 9.300 hộp thuốc chữa ung thư H-Capita không rõ nguồn gốc đang được dư luận rất quan tâm, vậy loại thuốc này đã được kiểm nghiệm chất lượng tại Viện chưa?

- Khi cơ quan điều tra – Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ án của VN Pharma, Bộ Công an có đề nghị trưng cầu giám định thuốc H-Capita của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng giám định gồm 10 thành viên, trong đó Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương có 1 thành viên tham gia. Hội đồng đã phối hợp với cơ quan điều tra lấy mẫu lô thuốc H-Capita 500mg Caplet của VN Pharma được niêm phong trước đó, gửi về Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương kiểm nghiệm theo đúng quy định.

Kết quả kiểm định chất lượng cho thấy, mẫu thuốc H-Capita có hàm lượng dược chất Cabecitabine là 97,5% so với lượng ghi trên nhãn, trong khi tiêu chuẩn chất lượng cho phép không thấp hơn 93% và không lớn hơn 110%. Tuy nhiên mẫu này không đúng về màu sắc viên và không đạt chỉ tiêu tạp chất.

- TAND TP.HCM xét xử các cá nhân liên quan trong vụ VN Pharma nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita về tội buôn lậu và xác định thuốc này là thuốc không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần phải xác định H-Capita là thuốc giả. Vậy theo ông, H-Capita là thuốc giả hay thuốc không rõ nguồn gốc?

- Do vụ việc VN Pharma nhập lậu 9.300 hộp thuốc H-Capita xảy ra vào năm 2014 - thời điểm Luật Dược 2005 đang có hiệu lực thì không đủ căn cứ kết luận đây là thuốc giả (vì có dược chất, đúng hàm lượng đăng ký, không mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác). 

Thế nhưng, giả sử vụ nhập lậu thuốc H-Capita của VN Pharma diễn vào thời điểm từ năm 2017, khi Luật Dược 2016 có hiệu lực thì hoàn toàn có thể kết luận thuốc H-Capita là thuốc giả.

Lý do H-Capita là thuốc giả vì vi phạm mục d khoản 33 Điều 2 Luật Dược 2016 (quy định thuốc giả là thuốc “được trình bày và dán nhãn mạo danh nhà sản xuất, nước sản xuất”, thực tế thuốc này mạo danh nước sản xuất là Canada). Việc Bộ Y tế không kết luận thuốc H-Capita là thuốc giả do bất cập của Luật Dược 2005 chưa đảm bảo bao trùm các trường hợp giả mạo. Tuy nhiên, kết luận của Bộ Y tế: “Thuốc H-Capita không sử dụng cho con người” là rất chính xác.

Người bệnh không nên lo lắng

- Qua vụ việc nhập lậu thuốc ung thư H-Capita của VN Pharma khiến người bệnh hoang mang, lo lắng. Liệu các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng có nhiều cơ hội để “lọt” vào các bệnh viện hay không, thưa ông?

Như tôi đã nói, chất lượng thuốc chữa bệnh ở nước ta được quản lý từ khâu cấp số đăng ký thuốc, kiểm tra các nhà máy GMP của Cục Quản lý dược đến hoạt động thanh tra, kiểm tra của các lực lượng chức năng, thanh tra, kiểm tra và giám sát của các địa phương, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng của hệ thống kiểm nghiệm… Do vậy, với những thuốc đã được cấp phép lưu hành thì có thể nói là đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định.

Hơn nữa, theo quy định về đấu thầu thuốc vào các bệnh viện ở nước ta hiện nay, các loại thuốc từng có vi phạm chất lượng sẽ không được tham gia đấu thầu hoặc sẽ bị trừ điểm khi tham gia đấu thầu vào bệnh viện ở những năm sau - tức cơ hội trúng thầu sẽ giảm hơn. Do vậy, các nhà sản xuất sẽ không dại gì mà mạo hiểm để cố ý sản xuất các loại thuốc không đạt chất lượng đưa ra thị trường.

Thực tế, hệ thống kiểm nghiệm của chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu nhiều loại thuốc trúng thầu vào bệnh viện để kiểm nghiệm, tập trung vào các loại thuốc trúng thầu giá rẻ. Chẳng hạn, ở TP.HCM, đã lấy hơn 100 mẫu thuốc trúng thầu vào các bệnh viện kiểm nghiệm. Kết quả 100% các mẫu lấy đều đạt yêu cầu chất lượng… 

Vì thế, tôi cho rằng, các loại thuốc trúng thầu vào các bệnh viện cơ bản đều đạt chất lượng, người bệnh không có gì phải lo lắng (An ninh thủ đô, trang 8).

 

Nỗi khổ của bệnh nhân ung thư

Mặc dù phiên tòa xét xử lãnh đạo Công ty VN Pharma liên quan đến lô thuốc nhập khẩu chữa ung thư diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng dư âm và độ “nóng” của nó vẫn lan ra tận Hà Nội. Nơi xôn xao nhất chính là tại các bệnh viện chuyên điều trị căn bệnh này.

Những suy nghĩ, mong mỏi của bệnh nhân mắc căn bệnh ung thư quái ác được PV Báo ANTĐ ghi tại một số cơ sở y tế, rất cần được cơ quan chức năng quan tâm, giải quyết. 

Cuộc chiến tốn kém

Bị mắc bệnh ung thư coi như đã lĩnh án tử hình - đây chính là tâm lý chung của những người bệnh khi cầm trên tay kết quả sinh thiết với kết luận dương tính. Chính vì thế, không chỉ họ mà ngay cả người thân cũng rơi vào trạng thái sốc tâm lý. Bên cạnh sự lo lắng về phương cách điều trị chứng nan y còn có thêm những trăn trở thường trực về khoản tiền viện phí, thuốc thang từ căn bệnh vốn luôn được mệnh danh là “bệnh của nhà giàu” này.

Sở dĩ nói như vậy là bởi chi phí, điều trị ung thư hiện nay vẫn quá tốn kém khiến cho những bệnh nhân nghèo rất khó khăn để theo đuổi việc điều trị một cách hiệu quả, nhất là những người nghèo đến từ các tỉnh lẻ. Thậm chí, nhiều người không có điều kiện còn tiêu cực đến mức chấp nhận chữa bệnh theo kiểu cầm chừng hoặc chỉ uống thuốc Nam để giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình.

“Ung thư thì trước sau cũng chết. Nhưng trước khi chết mà phải bán nhà hay tiêu đến đồng bạc cuối cùng khiến cho người thân sau này phải è cổ ra để trả nợ thì tôi chết cũng không nhắm được mắt” - chị Hương (nhà ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý, Hà Nam), một bệnh nhân ung thư vú đang điều trị tại Bệnh viện U Bướu Trung ương nói.

So với các bệnh nhân ung thư khác thì chị Hương may mắn được phát hiện sớm từ năm 2012, ngay sau khi sinh đứa con đầu lòng. Ngày nhận kết quả sinh thiết của vợ, anh Bảo - chồng chị - như đứt từng khúc ruột. Thương đứa con đỏ hỏn đang  còn bú mẹ, anh Bảo chạy đôn chạy đáo, bỏ luôn cả công việc đang làm để đưa vợ lên Hà Nội tìm cách chạy chữa.

Cũng may, kinh tế gia đình lúc đó không đến nỗi nên có bao nhiêu tiền tích cóp, anh dốc toàn lực vào việc vợ ra khỏi lưỡi hái tử thần. Chị Hương được điều trị tích cực, bệnh tạm lui. Nhưng suốt 1 năm sau đó, căn bệnh quái ác này cũng đã kịp “đốt” của gia đình anh số tiền hơn 1 tỷ đồng. “Ấy là lúc tôi vẫn còn làm ăn được, nhưng bây giờ thì khó rồi” - anh Bảo vò đầu than thở.

Tiếng là bệnh của vợ có tiến triển tốt, nhưng suốt những năm qua, cứ 3 tháng một lần, anh Bảo lại phải đưa vợ lên Hà Nội kiểm tra lại theo yêu cầu của bác sỹ. Lần nào đi cũng tốn kém tiền tàu xe, cơm thuốc. Cho đến gần đây, căn bệnh có nhiều dấu hiệu xấu, chị Hương bắt đầu phải truyền hóa chất, xạ trị thì cũng là lúc gia đình anh kiệt quệ.

Anh Bảo nói: “Tôi nghiệm từ chính mình mà ra, nhà nào có người bị ung thư thì đang giàu cũng hóa nghèo, đang nghèo thì thành “chúa Chổm”. Như trường hợp vợ tôi, sau khi mổ đã phải 6 lần truyền hóa chất, mỗi lần truyền tốn kém ít nhất 13-17 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền thuốc uống, rồi xạ trị, tàu xe, thuê trọ, ăn ở... Gia đình tôi đã phải tiêu hết những đồng tiền tiết kiệm và bây giờ thì đang ngập cổ với món nợ hơn 100 triệu đồng từ ngân hàng”.

Những ngày đưa vợ đi chữa bệnh, anh Bảo cứ vạ vật ở quán nước hay ghế đá trước cổng bệnh viện cả ngày. Anh cũng không dám thuê phòng trọ để ở vì tốn kém. Những hôm nào phải ở lại thì buổi tối 2 vợ chồng mới thuê phòng trọ bình dân với giá 70 nghìn đồng/đêm lấy chỗ ngả lưng. Bớt được đồng nào hay đồng ấy để dành cho cuộc chiến lâu dài. 

Nỗi lo của người nghèo

Có bệnh không chữa cũng chết, chữa thì quá tốn kém và lại chẳng biết thuốc mình mua có đảm bảo chất lượng hay không, đó cũng là suy nghĩ của ông Lê Văn Thành, quê ở xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Mới xuống nhập viện có 1 tuần để chữa căn bệnh ung thư lưỡi nhưng ông đã tiêu mất 30 triệu đồng. Số tiền ấy ở quê ông là lớn lắm. Và để có được nó, ông đã phải chạy đôn chạy đáo nhờ anh em họ hàng kết hợp với vay ngân hàng. Thế nhưng vẫn chưa đủ. Hôm nay, bệnh viện lại yêu cầu ông đóng thêm 9 triệu đồng nữa để xạ trị. Sau khi điện về quê bàn với vợ tính chuyện bán trâu, ông lê bước ra cổng ngồi như người mất hồn, ai hỏi cũng chẳng buồn đáp. 

Đưa ông Thành đi chữa bệnh, ông Lê Toàn Nghiêm cũng thấy xót cho anh trai mình: “Ban đầu, anh tôi cứ nhất quyết đòi ở nhà uống thuốc Nam cho đỡ tốn kém. Nhưng mọi người khuyên bây giờ lắm lang băm lừa đảo, thế nên thuốc Nam chẳng biết đâu mà lần. Mọi hy vọng chỉ biết trong chờ vào các y bác sỹ. Thế nhưng, cứ cái đà chi phí như thế này, không biết gia đình tôi xoay sở được bao lâu nữa”.

Ông Nghiêm, ông Thành đều là nông dân. Cả đời chỉ biết trông vào ruộng vườn, gà lợn. Mà bây giờ nông sản rẻ như cho, vậy nên cứ nghe tới bệnh là họ giật mình thon thót. Bệnh thông thường đã đủ chết, bệnh nan y tốn kém tới chục triệu, trăm triệu là xây xẩm mặt mày. Thế nhưng đi viện, bác sỹ kê đơn thuốc như thế nào là họ răm rắp nghe theo như thế.

Ông Thành bảo: “Tôi cũng nghe phong thanh về việc thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng. Nhưng thú thật, bệnh viện bây giờ là điểm tựa cuối cùng của mình. Chỉ mong ngành y tế đã phát hiện ra sự việc thì cần có những biện pháp ngăn chặn để bệnh nhân chúng tôi nếu phải tốn kém điều trị thì cũng mua được đúng loại thuốc thực sự hiệu quả” (An ninh thủ đô, trang 9).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang