Tổ Covid-19 cộng đồng, cách làm sáng tạo của Việt Nam
Việt Nam khống chế thành công hai đợt dịch Covid-19 (tháng 3 và tháng 7-2020). Có được kết quả đó là nhờ triển khai và duy trì chiến lược rất phù hợp "ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả". Có rất nhiều cách làm hay trong cuộc chiến đó, tổ Covid-19 cộng đồng là một thí dụ.
Theo PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ T.Ư, người có mặt tại hầu hết các ổ dịch, từ Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bình Thuận và nhất là tại Ðà Nẵng và một số tỉnh miền trung khi ca bệnh Covid-19 xảy ra trong cộng đồng, việc đầu tiên phải làm ngay chính là phải truy vết tất cả những người tiếp xúc với người bệnh để cách ly. Ðặc biệt, khi dịch bệnh đã có sự lây nhiễm trong cộng đồng thì tình hình sẽ trở nên phức tạp, vì mầm bệnh đã xâm nhập và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ đối tượng nào. Do vậy, các lực lượng chức năng cần chủ động, nhanh chóng tận dụng khoảng thời gian vàng ngay từ đầu để tổ chức giám sát, phát hiện, lấy mẫu và cách ly tất cả những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng. Muốn làm được điều này, chúng ta phải tổ chức giám sát có hệ thống, toàn diện các trường hợp sốt, ho, đau họng, viêm đường hô hấp tại cộng đồng dân cư. Khi phát hiện được những trường hợp có dấu hiệu này đều phải được coi là những ca bệnh nghi ngờ, tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm ngay lập tức. Thực hiện được điều này một cách triệt để sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng giúp chúng ta phát hiện được sớm nhất nguồn nghi ngờ lây nhiễm, từ đó cách ly, cô lập kịp thời, làm suy giảm tốc độ lây truyền của dịch. Ðồng thời với đó là triển khai các biện pháp khoanh vùng dập dịch.
Ðể triển khai được đồng thời các biện pháp ngăn chặn dịch thì một mình lực lượng y tế làm không xuể. Trong chống dịch tại thực địa thời gian qua cho thấy có rất nhiều lực lượng cùng tham gia, việc chống dịch được thực hiện dựa vào cộng đồng, huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia với tinh thần "chống dịch như chống giặc" cho nên đây là cuộc chiến của toàn dân, không riêng gì của ngành y tế hay của chính quyền. Cuộc chiến này cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân để tạo ra một sức mạnh tổng hợp trong chống dịch. Tổ Covid-19 cộng đồng là một minh chứng cho điều đó.
Trong đợt chống dịch vừa qua, tại các tỉnh miền trung, chỉ trong một thời gian ngắn, chính quyền các địa phương đã thành lập được hàng chục nghìn tổ Covid-19 cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống dịch tại thực địa (Ðà Nẵng lập 2.200 tổ; Quảng Nam lập 5.500 tổ; Quảng Ngãi lập 2.300 tổ; Quảng Trị lập 4.434 tổ). Tổng số có gần 30 người được huy động thêm trực tiếp tham gia chống dịch một cách tích cực và hiệu quả tại cộng đồng. Những tổ Covid-19 cộng đồng chính là những hạt nhân của phong trào toàn dân tham gia phòng, chống dịch.
Mục tiêu của tổ Covid-19 cộng đồng chính là giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch chủ động tại từng hộ gia đình. Tổ Covid-19 cộng đồng cũng là cầu nối chủ động về công tác phòng, chống dịch của chính quyền và ngành y tế đến với nhân dân, giúp người dân yên tâm, tin tưởng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.
Các tổ này hoạt động trên tinh thần tình nguyện, tự nguyện với sự tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành y tế. Mỗi tổ Covid-19 cộng đồng thường có hai, ba người, có thể là tình nguyện viên tại khu dân cư, cán bộ tổ, thôn, khu phố, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể... Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách khoảng từ 40 đến 50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.
Hằng ngày tổ Covid-19 cộng đồng "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để thực hiện tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt, chủ động khai báo y tế khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh.
Hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt, ho, đau họng, cảm cúm, ốm mệt, viêm đường hô hấp... để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời. Phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Khi có trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng, tổ lại cùng chính quyền địa phương và cơ quan y tế truy vết những người thuộc diện F1, F2 trên địa bàn phụ trách…
Có thể nói, việc thành lập các tổ Covid-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch chính là sự sáng tạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. Cùng với sự nỗ lực của lực lượng chuyên môn, chính quyền địa phương thì chính các tổ Covid-19 cộng đồng đã đưa ngay được các biện pháp phòng, chống dịch vào tới từng hộ gia đình - chống dịch tại từng nhà mà ít có nơi nào trên thế giới có thể làm được như vậy. Ðây chính là biểu hiện sinh động nhất của việc phòng, chống dịch dựa vào nhân dân, toàn dân tham gia phòng, chống dịch. (Nhân dân, trang 5).
Giảm ăn muối để phòng, chống bệnh tật
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người dân cần giảm một nửa lượng muối ăn hằng ngày; có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu, bia; tích cực vận động thể lực… để phòng, chống bệnh tăng huyết áp, tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay các bệnh tim mạch đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, chiếm tới 30% tổng số số ca tử vong toàn cầu, chủ yếu là do các bệnh mạch máu não và bệnh tim thiếu máu cục bộ. Số liệu thống kê cũng cho thấy, trong đại dịch Covid-19 đang xảy ra, phần lớn những người tử vong do Covid-19 đều có bệnh nền như: tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mạn tính khác...
Chính vì vậy, phòng, chống bệnh tim mạch là một chương trình y tế ưu tiên của các quốc gia, trong đó kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch là một nội dung quan trọng, đặc biệt là nguy cơ do ăn thừa muối.
Muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể. Nhưng ăn thừa muối lại là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...; ngoài ra còn làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và nhiều rối loạn cho sức khỏe khác. Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 4,1 triệu người trên thế giới tử vong do các bệnh liên quan ăn thừa muối. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 5g muối/ngày (tương đương một thìa cà-phê).
Tại Việt Nam, ăn nhiều muối cũng đang là nguyên nhân góp phần làm gia tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và tử vong do các bệnh tim mạch. Hiện ở nước ta, cứ năm người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp; cứ trong ba trường hợp tử vong thì có một trường hợp là do các bệnh tim mạch. Một nghiên cứu cho thấy, riêng trong năm 2016, ước tính cả nước có tới gần 82 nghìn người chết do tai biến mạch máu não và gần 68 nghìn người chết do bệnh tim thiếu máu cục bộ, chiếm tới 27% tổng số ca tử vong toàn quốc.
Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 gam muối trong một ngày để phòng, chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn người dân Việt Nam đang ăn thừa muối. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ tới 9,4 gam muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của WHO. Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, hiện nay, hiểu biết về tác hại do ăn thừa muối và thực hành ăn giảm muối của người dân còn nhiều hạn chế, do vậy, việc thông tin, giáo dục, truyền thông đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân để phòng, chống bệnh tật, nâng cao sức khỏe.
Ðể phòng bệnh do ăn thừa muối, WHO đã đưa ra hướng dẫn cho người dân giảm ăn muối với tên gọi "SHAKE" gồm các biện pháp: giám sát hàm lượng muối, hợp tác với ngành công nghiệp, ban hành chuẩn về ghi nhãn dán, quảng cáo thực phẩm, truyền thông và tạo môi trường hỗ trợ. TS Ðỗ Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho rằng, người dân cần hạn chế cho muối và gia vị chứa nhiều muối vào thực phẩm khi sơ chế tẩm ướp, nấu nướng; tự nấu ăn tại nhà để giảm lượng muối; chấm nước mắm nhẹ tay, bỏ thói quen chấm ngập thực phẩm vào nước mắm khi ăn, pha loãng nước mắm; không rưới nước mắm, sốt kho cá, thịt vào cơm; không cố uống hết nước phở, bún, miến khi ăn ở hàng, quán… Mỗi gia đình cần giảm ngay đồ mặn trong bữa cơm hằng ngày, đọc kỹ hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua, đồng thời, sử dụng muối và gia vị mặn ít na-tri.
Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, chương trình liên quan đến chăm sóc dinh dưỡng và các biện pháp giảm tiêu thụ muối để phòng, chống các bệnh tim mạch. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015 - 2025 và Chương trình Sức khỏe Việt Nam, trong đó đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để giảm mức tiêu thụ muối, tăng cường dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Bộ Y tế ban hành Kế hoạch quốc gia truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác.
Do đó ngành y tế các địa phương phối hợp các ban, ngành liên quan tổ chức triển khai hiệu quả hoạt động "Truyền thông giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng, chống tăng huyết áp, bệnh tim mạch và các bệnh tật khác". Các cơ sở y tế, nhất là trạm y tế xã, phường tăng cường đo kiểm tra huyết áp cho mọi người dân từ 18 tuổi trở lên, kết hợp với hướng dẫn, tư vấn giảm ăn muối cho người bệnh đang được quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường và các bệnh mạn tính khác. Ngành y tế cũng đề nghị mỗi người dân cần duy trì lối sống lành mạnh vì sức khỏe, thực hiện giảm muối trong bữa ăn hằng ngày, thường xuyên đo huyết áp để dự phòng, phát hiện sớm tăng huyết áp, phòng, chống hiệu quả bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác… (Nhân dân, trang 5).
35 ngày Việt Nam không có ca mắc covid-19 trong cộng đồng
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 mới. 35 ngày qua, Việt Nam tiếp tục bảo vệ được thành quả của công tác chống dịch Covid-19 khi giữ vững được sự an toàn trong cộng đồng.
Tính đến ngày 7-10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 14.550 người, trong đó có 261 ca cách ly tập trung tại bệnh viện, 11.817 ca cách ly tập trung tại cơ sở khác và 2.472 ca cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, đến nay Việt Nam đã điều trị khỏi cho 1.023 ca bệnh/1.097. Hiện cả nước còn 39 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó có hai ca âm tính lần 1, hai ca âm tính lần 2 và năm ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2. (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Nước ta đã qua 35 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng”; Công an Nhân dân, trang 1: “Cả nước chỉ còn 23 người dương tính với SARS-CoV-2”.
WHO thúc đẩy thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) T.Ghê-brây-ê-xút nhận định có thể đến cuối năm nay thế giới sẽ có một loại vắc-xin ngừa Covid-19 đưa vào sử dụng.
Ông kêu gọi lãnh đạo các nước đưa ra cam kết chính trị nhằm bảo đảm phân phối công bằng vắc-xin. Hiện có chín loại vắc-xin thử nghiệm được COVAX, cơ chế vắc-xin toàn cầu do WHO dẫn đầu, xem xét với mục tiêu cung cấp hai tỷ liều trước cuối năm 2021.
* Theo Trung tâm Ngăn chặn và Kiểm soát dịch bệnh châu Phi (CDC), hiện có 15 cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa Covid-19 đang được tiến hành trên khắp châu Phi. Ước tính toàn châu lục cần 1,5 tỷ liều để đủ cung cấp hai liều/người theo khuyến nghị cho 60% dân số.
* Cơ quan điều phối y tế Bra-xin cho biết, chương trình thử nghiệm giai đoạn 3 đối với vắc-xin "Sputnik-V" ngừa Covid-19 của Nga vẫn chưa được bắt đầu tại Bra-xin. Trong khi đó, các loại vắc-xin tương tự của Anh và Trung Quốc đã bắt đầu đem lại những kết quả sơ bộ.
* Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo, cần ít nhất hai tháng để có dữ liệu an toàn sau khi tiêm phòng, sau đó mới có thể quyết định cấp phép sử dụng khẩn cấp cho một loại vắc-xin thử nghiệm. Khuyến cáo được đưa ra trước cuộc họp của hội đồng chuyên gia FDA nhằm thảo luận về các loại vắc-xin đang được phát triển.
* Các nước Liên hiệp châu Âu (EU) đối mặt tình trạng thiếu thuốc kháng vi-rút Remdesivir để điều trị Covid-19 do nguồn cung bị hạn chế, trong khi số người bệnh tăng mạnh và Mỹ đã mua phần lớn sản lượng của hãng sản xuất thuốc Gilead. Sự thiếu hụt có thể gây ra tranh cãi về tính khả dụng và giá thuốc điều trị Covid-19.
* Trong khi đó, theo trang thống kê worldometers.info, đến ngày 7-10, toàn thế giới ghi nhận hơn 36.065.757 người mắc Covid-19, trong đó có 1.054.947 người chết. Mỹ chịu tác động mạnh nhất với hơn 7.723.720 người mắc bệnh; tiếp đến là Ấn Ðộ với hơn 6.757.130 người mắc bệnh.
* Tại châu Á, Hàn Quốc ngày 7-10 có thêm 114 người mắc Covid-19, trong đó 94 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số người mắc bệnh lên 24.353. Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm bảy người nhiễm mới và toàn bộ đều là người nhập cảnh.
* Chính phủ các nước châu Âu thực hiện các biện pháp phòng Covid-19 nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai. Hà Lan ghi nhận số người nhiễm mới trong ngày vượt mốc 4.000. Người dân Ai-len không được rời khỏi quận cư trú. Một số thành phố ở Tây Ban Nha bị phong tỏa một phần trong vòng hai tuần. Tại Ru-ma-ni, các bệnh viện hoạt động gần hết công suất với số người bệnh Covid-19 tăng mạnh.
* Bỉ có kế hoạch siết chặt các biện pháp phòng dịch, theo đó cấm mọi hoạt động tụ tập có hơn bốn người. Pháp áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đối với "các vùng có cảnh báo đỏ". Ðức cũng thiết lập các biện pháp phòng bệnh mới, như bắt buộc đeo khẩu trang tại văn phòng, hạn chế số người tham dự các hoạt động tập trung.
* Ngày 6-10, Ca-na-đa ghi nhận 2.364 người mắc mới Covid-19, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Chính phủ liên bang Ca-na-đa cấp phép sử dụng dụng cụ xét nghiệm nhanh Panbio Covid-19 Antigen (có thể tiến hành phân tích tại chỗ mà không cần thiết bị bổ sung và cho kết quả trong vòng 20 phút). (Nhân dân, trang 8).
Cùng chủ đề báo Thanh niên, trang 24: “WHO dự báo có vắc-xin Covid-19 cuối năm nay”.
Để quán karaoke phòng, chống dịch nghiêm túc
Từ 0h ngày 16-9-2020, các quán karaoke trên địa bàn Hà Nội được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, để bảo đảm công tác phòng dịch, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quán karaoke phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới sau gần một tháng hoạt động trở lại cho thấy, một số quán karaoke tại các quận, huyện vẫn chưa tuân thủ quy định phòng, chống dịch, đòi hỏi sự vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của các cấp, ngành, địa phương.
Phòng dịch theo kiểu… đối phó
Điểm chung dễ nhận thấy là hầu hết các quán bar, karaoke đều ký cam kết thực hiện phòng, chống dịch trong tình hình mới, song trên thực tế, việc thực hiện phòng dịch tại nhiều quán vẫn mang tính chất đối phó. Trong vai một khách vào hát tại quán S2, số 103 Mai Hắc Đế, phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), phóng viên quan sát thấy tại đây dù chủ quán đã trang bị nước sát khuẩn cho khách rửa tay, nhưng chỉ để... lấy lệ. Vì, từ quản lý đến nhân viên của quán đều không nhắc khách hàng sử dụng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang... khi vào quán.
Tiếp tục khảo sát tại quận Hai Bà Trưng, các quán RuBy, số 71, phố Trần Nhân Tông; quán karaoke số 16 Trần Nhân Tông; Tom, số 116, phố Bùi Thị Xuân… cũng trong tình trạng tương tự. Quán có nước sát khuẩn và dụng cụ đo thân nhiệt, nhưng phần lớn nhân viên lại không đeo khẩu trang. Vì coi “khách hàng là thượng đế” nên một số quán bỏ qua việc ghi thông tin khách hàng, không yêu cầu khách chấp hành giãn cách theo quy định. Anh Nguyễn Văn Hà, phố Bùi Thị Xuân cho biết: “Chủ quán, nhân viên và đa số khách hàng đến hát karaoke đều không đeo khẩu trang. Điều này cho thấy, công tác phòng, chống dịch chưa được quan tâm”.
Tương tự, tại quận Cầu Giấy, nơi tập trung nhiều quán karaoke, đa phần các quán đều “quên” nhắc khách đeo khẩu trang khi vào hát. Cụ thể, tại các quán F5, số 5 Trần Duy Hưng; Hoa Đô, 23C Trần Duy Hưng; Poin, số 31 Nguyễn Khang;... phóng viên nhận thấy, ngoài việc không đeo khẩu trang, nhân viên phục vụ còn thiếu ý thức vệ sinh phòng hát, không bổ sung nước sát khuẩn khi đã hết… Theo Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Hải, vi phạm diễn ra nhiều nhưng chỉ đến khi các tổ công tác của phường đến kiểm tra, nhân viên, quản lý các quán karaoke mới vội vàng lấy khẩu trang ra đeo và thực hiện các quy định phòng dịch khác.
Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến tại nhiều quán karaoke trên địa bàn quận Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Ba Đình... và các huyện ngoại thành như: Hoài Đức, Ba Vì, Thanh Trì, Đan Phượng... Đơn cử, tại thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì), theo quan sát, mặc dù có bố trí nước sát khuẩn tay, nhưng nhân viên phục vụ ở nhiều quán trên địa bàn đều không đeo khẩu trang.
Siết chặt quản lý, tăng cường xử lý vi phạm
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Hải, nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm kể trên là do ý thức phòng, chống dịch của các chủ quán karaoke hạn chế. Nhiều quán chạy theo lợi nhuận, cộng với tâm lý chủ quan cho rằng dịch bệnh đã được khống chế nên "bỏ qua" các quy định phòng, chống dịch.
Để khắc phục tình trạng trên, siết chặt quản lý là biện pháp cấp thiết. Thời gian qua, UBND phường Trung Hòa đã tăng cường kiểm tra, xử phạt 87,5 triệu đồng đối với 5 cơ sở kinh doanh karaoke không chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19. Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng) Phan Thị Thanh Hiền, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, UBND phường thường xuyên cử cán bộ đến yêu cầu các cơ sở kinh doanh karaoke phải phun thuốc khử khuẩn và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. “Thời gian đầu chúng tôi chủ yếu nhắc nhở. Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ xử phạt nếu kiểm tra, phát hiện cơ sở không chấp hành”, bà Phan Thị Thanh Hiền nhấn mạnh.
Cũng từ góc độ cơ quan quản lý, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết, đến nay, UBND quận đã kiểm tra đột xuất 11 cơ sở kinh doanh karaoke, xử phạt 9 cơ sở vi phạm quy định về phòng, chống dịch với tổng số tiền 209 triệu đồng. Ngày 2-10, UBND quận ban hành Văn bản số 1151/UBND-VHTT yêu cầu UBND các phường, Công an quận thường xuyên kiểm tra, rà soát và kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Theo Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng Công an quận Đống Đa, hiện 51 quán karaoke trên địa bàn quận thường xuyên được kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Tương tự, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đan Phượng Phan Công Tính khẳng định, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh karaoke, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm là giải pháp quan trọng để các quán karaoke chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, việc cho phép các quán karaoke hoạt động trở lại là cần thiết. Tuy nhiên, để công tác phòng, chống dịch đạt kết quả, bảo đảm an toàn cho khách hàng và cộng đồng, các cấp, ngành, địa phương cần siết chặt quản lý, tăng cường xử lý vi phạm. (Hà Nội mới, trang 1).
Thêm 1 bệnh nhân Covid-19 nhập cảnh từ ÚC
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, tới chiều nay, 7.10, Việt Nam ghi nhận thêm 1 bệnh nhân Covid-19 là người nhập cảnh, được cách ly ngay tại Cần Thơ.
Theo đó, ca mắc mới là bệnh nhân 1099 (nữ, 28 tuổi, địa chỉ tại P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ). Ngày 23.9, bệnh nhân từ Úc về sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH89, được cách ly ngay tại khu cách ly tập trung của TP.Cần Thơ.
Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 5.10 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Cần Thơ của bệnh nhân là dương tính với virus SAR-CoV-2. Bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP.Cần Thơ.
Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 1.099 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 691 ca do lây nhiễm trong nước.
Đến hết ngày hôm nay, 7.10, Việt Nam đã tròn 35 ngày không có bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 14.550 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 261 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 11.817 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 2.472 người.
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hôm nay chưa có thêm bệnh nhân nào khỏi bệnh. Tuy nhiên, đã có 5 bệnh nhân có kết quả âm tính 1 lần với virus SARS-CoV-2; 8 bệnh nhân âm tính 2 lần và 5 bệnh nhân âm tính 3 lần.
Cả nước đã có 1.023 bệnh nhân được chữa khỏi, chỉ còn 76 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế. (Thanh niên, trang 3).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 9: “Thêm một ca mắc Covid-19 được cách ly ngay khi nhập cảnh”.
Hai bé song sinh dính nhau được phẫu thuật tách rời xuất viện
Sáng nay (7.10), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) đã làm lễ xuất viện cho cặp chị em song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi, sau hơn 2 tháng rưỡi được mổ tách rời.
Tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chia sẻ: Đây là trường hợp song sinh dính nhau phức tạp rất hiếm. Sau ca phẫu thuật tách rời thành công (ngày 15.7), qua gần 3 tháng được chăm sóc, hồi sức tích cực, hiện các bé đã ổn định sức khỏe và có thể xuất viện.
Tuy nhiên, Trúc Nhi - Diệu Nhi vẫn sẽ tiếp tục tái khám và được theo dõi sức khỏe lâu dài. Các bé sẽ tiếp tục còn 4 ca phẫu thuật nữa trong thời gian tới.
Trong đó, 1 tháng nữa, Diệu Nhi sẽ được phẫu thuật đóng hậu môn tạm. Đối với Trúc Nhi, do bé không có hậu môn và dấu tích gì của hậu môn nên việc tái tạo hậu môn cho bé sẽ khó khăn hơn.
Khi dính nhau, hai bé đều có đầy đủ hai quả thận, tuy nhiên đổ cùng chung vô bàng quang. Sau ca mổ tách rời, hiện nay, hệ tiết niệu của hai bé hoạt động bình thường, đi tiểu bình thường.
Diệu Nhi bẩm sinh bị lõm ngực mức độ nhẹ. Theo bác sĩ Định, bệnh lý này hiện chưa phải điều trị và bé sẽ được theo dõi đến 6 tuổi mới can thiệp.
Hiện hai bé mới bắt đầu tập đi. Các chuyên gia vật lý trị liệu vẫn đang thiết kế, hướng dẫn các bài tập sức cơ, tập đi cho hai bé.
"Con đường phía trước của hai bé để trở lại cuộc sống bình thường còn rất là dài. Các bé phải biết đi và đi đứng bình thường; ăn uống bình thường; phát triển như bao đứa trẻ khác và sau này trưởng thành còn có thể sinh con đẻ cái bình thường... Đó sẽ còn là tiếp tục nỗ lực rất lớn của gia đình và các y, bác sĩ", bác sĩ Định tâm sự.
Ba của hai bé rưng rưng xúc động: "Chân thành gửi lời cảm ơn đến các y, bác sĩ, điều dưỡng trong ê kíp mổ đã cho hai con hình hài mới, cuộc sống mới; cảm ơn các y, bác sĩ, điều dưỡng trong bệnh viện đã theo sát chăm sóc cho hai con, nhiều lúc không ăn, không ngủ, để đảm bảo cho hai con sức khỏe tốt nhất".
Trong buổi lễ xuất viện, bác sĩ Định cũng trao lại cho ba mẹ hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi sổ tiết kiệm 1,5 tỉ đồng, do nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ gia đình.
GS - TS - BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đánh giá: "Đây là thành công bước đầu và chặng đường phía trước của hai bé còn dài mà gia đình và các y, bác sĩ sẽ còn phải tiếp tục bỏ rất nhiều tâm sức. Tôi thương chúc hai cháu phát triển vui khỏe như bao trẻ bình thường khác".
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng trao chứng nhận Ca đại phẫu thuật phức tạp với đội ngũ y, bác sĩ tham gia nhiều nhất Việt Nam để mổ tách dính vùng bụng chậu thành công cho cặp song sinh. (Thanh niên, trang 4).
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Cặp song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi xuất viện: Hành trình mới chờ con ở phía trước”; Tuổi trẻ, trang `4: “Trúc Nhi – Diệu Nhi xuất viện: Hành trình của yêu thương”; Lao Động, trang 1: “Trúc Nhi - Diệu Nhi xuất viện sau ca đại phẫu thuật thành công ngoài mong đợi ”.
Hai Nối lại đường bay thương mại quốc tế: Chưa chốt quy trình cách ly
Sau 2 chuyến bay thí điểm đón khách từ các nước đối tác về Việt Nam trên chuyến bay thương mại, đã phát sinh một số vấn đề liên quan cách ly phòng dịch.
Lại bàn về chi phí cách ly
Hiện Vietnam Airlines (VNA) và Vietjet đã nối lại 1 số đường bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc và mới chỉ bán vé cho khách từ Việt Nam đi. Riêng khách về Việt Nam, mỗi hãng đã thí điểm thực hiện 1 chuyến từ Hàn Quốc về Hà Nội (ngày 25/9) và về TPHCM (ngày 30/9). Tuy nhiên, sau khi khách về nước, đã phát sinh một số vấn đề liên quan cách ly phòng dịch. Do đó, cần một bộ quy tắc về cách ly phòng dịch chặt chẽ hơn, đảm bảo hành khách nhập cảnh Việt Nam thực hiện đúng cam kết, tránh sự việc đáng tiếc như chuyến bay thí điểm vừa qua.
Nguồn tin từ Cục Hàng không cho hay, ngày 6/10, các bộ, ngành tiếp tục họp bàn về mở lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ, đặc biệt là việc đón và cách ly khi khách nhập cảnh Việt Nam. Theo đó, một tổ liên ngành đã được thành lập, do Bộ Y tế đứng đầu để xây dựng bộ quy chế về cách ly phòng dịch với khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam, đặc biệt là công dân Việt Nam về nước trên các chuyến bay này.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, hiện tại quy trình về bán vé, làm thủ tục hàng không và chuyên chở khách trên các chuyến bay thường lệ quốc tế về Việt Nam đã thực hiện tốt, vấn đề còn lại là xử lý việc cách ly phòng chống dịch. Trong đó, đặc biệt liên quan tới chi phí cách ly hành khách nhập cảnh ở các khách sạn. Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh, khách sạn vắng khách, cần giảm giá cho hành khách tới cách ly thay vì vẫn thu theo giá thông thường. Việc giảm giá cho nhiều người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trở về cũng là cần thiết vì họ mất việc làm, gặp khó khăn phải về nước.
Vì vậy, chi phí cách ly ở khách sạn có thể trở thành gánh nặng và các địa phương phải điều tiết lại giá khách sạn. “Có thể phải sang tuần tới quy chế về cách ly phòng chống dịch với khách nhập cảnh Việt Nam mới được ký ban hành và thông báo công khai để mọi người cùng biết và thực hiện. Khi đó, Cục Hàng không sẽ cấp phép cho các hãng vận chuyển khách quốc tế về Việt Nam”, vị lãnh đạo Cục Hàng không cho hay.
Nên sớm mở lại các đường bay
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa tiếp tục có văn bản gửi UBND TP Hà Nội và TPHCM để lấy ý kiến về lịch khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ giữa Việt Nam và các bên đối tác.
Theo đó, trước mắt VNA và Vietjet sẽ khai thác các đường bay này. VNA khai thác các đường bay: Quảng Châu (Trung Quốc) - TPHCM vào thứ 6 hàng tuần, Tokyo (Nhật Bản) - Hà Nội vào thứ 4, Seoul (Hàn Quốc)- Hà Nội vào thứ 6, Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) - Hà Nội vào thứ 5, PhnomPenh (Campuchia) - TPHCM vào thứ 3, Viên Chăn (Lào) - Hà Nội vào thứ 3. Vietjet khai thác các đường bay: Tokyo - TPHCM vào thứ 3 hàng tuần, Seoul - TPHCM vào thứ 4, Đài Bắc - TPHCM vào thứ 5.
Với các hãng nước ngoài, Bộ GTVT cho biết, các đối tác đều nhất trí với phương án Việt Nam đưa ra. Đến thời điểm hiện tại phía Hàn Quốc đã đưa ra kế hoạch khai thác cụ thể. Các quốc gia còn lại mới thông báo kế hoạch khai thác dự kiến. Theo đó, Hàn Quốc sẽ khai thác chặng Incheon - TPHCM ngày 1, 9 và 15/10. Chặng Incheon - Hà Nội vào các ngày 7 và 21/10. Trung Quốc chỉ định hãng China Southern Airlines khai thác đường bay Quảng Châu - TPHCM với tần suất 1 chuyến/tuần. Nhật Bản chỉ định Japan Airlines và All Nippon Airways khai thác luân phiên đường bay Tokyo - Hà Nội/TPHCM theo từng tuần, tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay. Đài Loan chỉ định China Airlines và Eva Air khai thác đường bay Đài Bắc - Hà Nội/TPHCM theo từng tuần với tần suất 1 chuyến/tuần/đường bay.
Về điều kiện với khách nước ngoài nhập cảnh Việt Nam vẫn như các thông báo trước, như: Có đầy đủ giấy tờ cá nhân còn hiệu lực, có địa chỉ cách ly tại Việt Nam; giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2...
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một hãng hàng không cho biết, tới nay các hãng chưa có lịch mở bán vé cho khách về Việt Nam trên các chuyến bay thương mại thường lệ, mới bán vé cho khách từ Việt Nam đi. Việc chở khách về phải đợi cơ quan chức năng cấp phép. Tuy nhiên, các hãng kỳ vọng cơ quan chức năng có thể đưa ra các điều kiện ràng buộc cụ thể về cách ly với khách về Việt Nam, tránh phát sinh các tình huống như chuyến bay thí điểm vừa qua. (Tiền phong, trang 5).
Việt Nam tham dự kỳ họp 71 WHO Tây Thái Bình Dương trực tuyến
Từ ngày 6-9/10, Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS. Trần Văn Thuấn dẫn đầu đoàn Bộ Y tế Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 71 Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dưới hình thức trực tuyến về COVID-19 và các vấn đề ưu tiên khác trong khu vực.
Tại Kỳ họp 71, các Bộ trưởng Y tế và các lãnh đạo y tế từ các nước và khu vực trên khắp châu Á-Thái Bình Dương họp bàn trực tuyến để nhất trí hành động về các vấn đề sức khỏe khu vực và đưa ra ưu tiên cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tây Thái Bình Dương- khu vực ghi nhận ca mắc và tử vong do COVID-19 thấp nhất thế giới
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong thông điệp video gửi tới các Bộ trưởng Y tế khu vực đã biểu dương những nỗ lực chống dịch ở khu vực: “Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn các hệ thống y tế, các nền kinh tế và xã hội của chúng ta. Virus mới này bắt nguồn từ Tây Thái Bình Dương, nhưng cho tới nay, khu vực ghi nhận số ca mắc và số ca tử vong do COVID-19 thấp nhất. Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Nhiều nước ở Tây Thái Bình Dương là ví dụ cho thế giới về tầm quan trọng lâu dài của việc đầu tư vào khả nang sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp. Thông qua những kinh nghiệm đau thương, nhiều nước đã phát triển “bộ nhớ” để ngăn ngừa sự truyền nhiễm và cứu mạng. Nhưng tất cả các quốc gia cần nâng cao cảnh giác. Virus vẫn đang hoành hành và người dân vẫn có khả năng mắc.”
Theo số liệu của WHO, tính đến ngày 6/10, trên toàn cầu ghi nhận trên 35,1 triệu ca mắc COVID-19 tại 217 quốc gia/vùng lãnh thổ; hơn 1 triệu 35 nghìn ca tử vong ghi nhận tại 195 quốc gia/vùng lãnh thổ. 10 quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới gồm Mỹ (trên 7,25 triệu ca), Ấn Độ (trên 6,5 triệu ca); Brazil (trên 4,88 triệu ca); Nga (trên 2,2 triệu ca); Colombia, Peru, Tây Ban Nha, Argentina, Mexico và Nam Phi.
Khu vực Tây Thái Bình Dương ghi nhận 630 nghìn người mắc tại 23 quốc gia/vùng lãnh thổ, trên 13,7 nghìn người tử vong. Các quốc gia ở khu vực tiếp tục ở các giai đoạn khác nhau của dịch COVID-19.
Phát biểu khai mạc, TS. Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cho biết: “COVID-19 là thách thức y tế công lớn nhất chúng ta từng đối mặt trong vòng 100 năm qua, nó đang thử thách không chỉ năng lực của các hệ thống y tế, mà còn khả năng thích nghi phục hồi của các nền kinh tế và cộng đồng xã hội. Nhưng tôi tự hào về tinh thần đoàn kết đặc trưng bởi sự tương tác giữa các quốc gia trong khu vực trong vòng 9 tháng qua. Trong những thời điểm khó khăn này, các quốc gia đã cùng nhau trong tinh thần hợp tác và đoàn kết, với nhận thức rằng không một quốc gia nào trong khu vực an toàn cho tới khi mỗi quốc gia đều an toàn.”
Đây là lần đầu tiên kỳ họp tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Nội dung tập trung vào COVID-19, các bệnh có thể ngăn ngừa được bằng vắc-xin và tiêm chủng; phẫu thuật giá rẻ và an toàn, già hóa dân số và sức khỏe. Kỳ họp cũng sẽ bàn về ngân sách chương trình 2022-2023 và thông qua các nghị quyết vào sáng 9/10. Tại kỳ họp, Bộ trưởng Y tế và lãnh đạo y tế các nước chia sẻ kinh nghiệm chống dịch COVID-19 cũng như chương trình vì tương lai khu vực khỏe mạnh và an toàn nhất.
TS. Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cũng cho biết cùng với các đối tác, WHO đã cung cấp trang thiết bị và thuốc men từ kho dự trữ của WHO gần 7 triệu khẩu trang, hơn 1 triệu máy thở, gần 370 nghìn xét nghiệm chẩn đoán trên khắp khu vực.
WHO đã phối hợp nghiên cứu và phát triển với sự tham gia của các nước trong khu vực tham gia vào chương trình thử nghiệm chung điều trị COVID-19 mang tên Solidarity Trial (Thử nghiệm đoàn kết của WHO).
Ở Thái Bình Dương, các nhân viên của WHO, DFAT, MFAT, các cơ quan LHQ và các đối tác khác làm việc cùng với đội ngũ quản lý sự cố chung và đẩy mạnh hợp tác với các trung tâm phối hợp của WHO về nhiều khía cạnh ứng phó khác nhau.
Về vấn đề vắc-xin phòng COVID-19, WHO sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để đảm bảo phân phối vắc-xin công bằng nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường ở khu vực. (Sức khỏe & Đời sống, trang 16).
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: "Xã hội hóa y tế cực kỳ quan trọng và đa số người dân ủng hộ"
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa chia sẻ, suốt thời gian qua, việc xã hội hóa y tế đã và đang thực hiện rất tốt, đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với công tác khám chữa bệnh và được đại đa số người dân đồng tình ủng hộ.
Khi lâm bệnh, không ai thay thế ngoài thầy thuốc
Trao đổi xung quanh vấn đề xã hội hóa (XHH) đối với lĩnh vực Y tế, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng và những hiệu quả đạt được của chủ trương này.
Theo vị đại biểu đoàn Đồng Tháp, ngành Y tế nước ta đóng vai trò vô cùng quan trọng, Nhà nước xem sức khỏe của người dân là trên hết, trong đó nếu xảy ra đau ốm, bệnh tật không thể ai thay thế ngoài thầy thuốc.
"Trong công tác nâng cao thể trạng, tầm vóc, tuổi thọ cho người Việt Nam thì công tác chăm sóc y tế đóng vai trò quan trọng. Cùng với gia đình, đất nước thì việc chăm sóc y tế là điều hầu hết tất cả người dân Việt Nam đều mong muốn có thêm nhiều thầy thuốc giỏi, máy móc hiện đại, thuốc chữa trị tốt để phục vụ việc khám, chữa bệnh", Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Vị đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng dẫn chứng cụ thể cho việc thực hiện XHH trong lĩnh vực y tế như: Nhiều cơ sở y tế nước ta đã hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước hay thậm chí là tư nhân để phát triển, trang bị trang thiết bị y tế để phục vụ người bệnh một cách tốt nhất; Rất nhiều bệnh viện ngoài công lập được xây dựng, phát triển để giúp người dân có thêm sự lựa chọn.
Nhấn mạnh thêm sự quan trọng của XHH trong lĩnh vực y tế, đại biểu Hòa nói: "Suốt thời gian qua, việc xã hội hóa y tế đã và đang thực hiện rất tốt, đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với công tác khám chữa bệnh và được đại đa số người dân đồng tình ủng hộ".
Theo đại biểu, công tác XHH trong lĩnh vực y tế vẫn còn một số bất cập, hạn chế và thực tế vừa rồi cơ quan chức năng cũng đã chỉ rõ bất cập. Việc XHH trong lĩnh vực y tế là cần thiết nhưng cũng cần rõ ràng, cụ thể và minh bạch.
Để người dân luôn trân trọng
Để giải quyết vấn đề trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, Nhà nước cần xem xét lại một số vấn đề XHH trong lĩnh vực y tế. Đầu tiên là con người, con người phải đặt lên hàng đầu đó là y đức của đội ngũ thầy thuốc; Việc kết hợp với các doanh nghiệp cung cấp trang thiết bị, thuốc với các cơ sở y tế phải xem xét lại sự minh bạch, rõ ràng, công khai.
Theo đại biểu: "Những thiết bị y tế hay những viên thuốc phải qua một hội đồng để kiểm tra thẩm định giá công khai, phải có đội ngũ thầy thuốc, y bác sĩ giỏi để làm công việc trên. XHH là cần thiết nhưng phải điều chỉnh lại hoạt động XHH cho nề nếp đảm bảo cho lượi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân".
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng dẫn chứng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đội ngũ thầy thuốc, đó là "Lương Y như từ mẫu" dãnh cho đội ngũ thầy thuốc.
Ngoài ra, công tác XHH đúng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước là lo cho toàn dân, chăm sóc y tế cho người dân, chăm sóc sức khỏe tốt thì người dân sẽ tôn sùng, trân trọng đội ngũ thầy thuốc.
Đại biểu nhấn mạnh: "Bản thân người dân không thể tự cứu chữa bệnh cho mình mà chỉ có đội ngũ thầy thuốc mới có thể làm được điều đó. Tôi cho rằng đây là vấn đề rất hệ trọng và cũng rất tự trọng. Thầy thuốc và thầy giáo là 2 người thầy được xã hội đánh giá rất cao. Người có chức cao vọng trọng đến đâu khi gặp thầy giáo của mình vẫn xưng là thầy; người dân nào gặp bác sĩ, thầy thuốc vẫn gọi là bác sĩ từ đó cho thấy thể hiện tấm lòng của người dân".
Cuối cùng đại biểu Hòa dẫn chứng cụ thể: "Người dân cả nước thời gian vừa qua rất tự hào về đội ngũ thầy thuốc từ Trung ương, địa phương khi đã làm mọi biện pháp để phòng, chống, điều trị để đẩy lùi dịch COVID-19". (Gia đình & Xã hội, trang 2).
Bộ Y tế rà soát trang thiết bị đã đưa vào liên doanh, liên kết trong các cơ sở y tế công lập
Bộ Y tế vừa có Chỉ thị số 22 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan quản lý y tế các bộ, ngành… yêu cầu chấn chỉnh công tác liên doanh, liên kết trong các cơ sở y tế công lập.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu rà soát các trang thiết bị đã đưa vào liên doanh, liên kết đang thực hiện tại các đơn vị y tế công lập trên cả nước. Nếu phát hiện trang thiết bị y tế không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ phải dừng ngay hợp đồng với phía đối tác, báo cáo cấp có thẩm quyền và đề xuất giải pháp giải quyết.
Đồng thời, phải thực hiện rà soát lại giá của các trang thiết bị y tế đã đưa vào liên doanh, liên kết, trường hợp phát hiện giá không phù hợp phải xem xét điều chỉnh ngay hợp đồng, phương án tài chính của đề án và mức giá của dịch vụ.
Bộ Y tế nhấn mạnh, quá trình kiểm tra phải rà soát kỹ phương án chi phí, mức thu, thời gian thu hồi vốn các thiết bị y tế của các nhà đầu tư lắp đặt theo hình thức liên doanh, liên kết.
Qua rà soát nếu thấy thời gian thu hồi vốn nhanh hơn so với hợp đồng đã ký phải kịp thời điều chỉnh lại thời gian, rà soát tỷ lệ phân chia hoặc giảm giá dịch vụ cho phù hợp để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh.
“Trường hợp các tài sản đã kết thúc thời hạn liên doanh, liên kết theo đề án và hợp đồng đã ký kết phải thực hiện xử lý tài sản theo quy định của Luật quản lý sử dụng tài sản công. Trường hợp phát hiện có sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” – Bộ Y tế chỉ đạo.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị có hoạt động xã hội hóa cần lưu ý việc niêm yết công khai danh mục và mức giá của các dịch vụ từ các hoạt động liên doanh, liên kết, dịch vụ theo yêu cầu tại đơn vị (trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị) để người bệnh biết, lựa chọn.
Đồng thời, phải giải thích rõ cho người bệnh hiểu và đồng ý chi trả phần chi phí chênh lệch giữa mức giá dịch vụ kỹ thuật được Cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán và mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh từ các hoạt động liên doanh, liên kết, dịch vụ theo yêu cầu đã được phê duyệt. (An ninh Thủ đô, trang 7).