Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 8/11/2015

  • |
T5g.org.vn - Bác sĩ có phép lạ; Quản lý, sử dụng thiết bị y tế: Đầu tư nhiều, lãng phí lớn; Bệnh viện quận, huyện … lên hạng…

Bác sĩ có phép lạ

Hơn 150 bài viết cho tạp chí y khoa danh tiếng Peer Review, tác giả của 7 cuốn sách quan trọng viết về ngành thần kinh và tâm thần, bác sĩ Daniel Trương từng được đồng nghiệp khắp thế giới nể phục gọi bằng những cái tên như "Vua Parkinson" hay "Bác sĩ có phép lạ".

Sinh trưởng trong một gia đình có 5 anh em tại Hải Phòng, năm 1955, Daniel Trương theo gia đình di cư vào Nam. Sau khi học xong phổ thông, năm 1967, ông kiếm được một suất học bổng vào Đại học Ludwig Albert, Freiburg (Đức). Tại đó, ông là một trong số rất ít người Việt học y khoa, chuyên về thần kinh và tâm thần học. Sau khi lập gia đình năm 1982, ông sang Hoa Kỳ và hoàn thành khóa thực tập Khoa Thần kinh tại Đại học Y khoa South Carolina. Trước khi nổi danh, bác sĩ Daniel Trương được Giáo sư Stanley Fahn - một trong những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực thần kinh ở Mỹ và Giáo sư David Marsden tại Bệnh viện quốc gia về thần kinh tại London (Anh) hướng dẫn. Cả hai giáo sư Fahn và Marsden đều được coi như những người tiên phong trong việc chữa trị chứng bệnh Parkinson cũng như rối loạn kiểm soát hành động. Trước khi tự đứng ra thành lập Viện Parkinson và rối loạn kiểm soát hành động ở Fountain Valley (Mỹ), bác sĩ Daniel Trương được xem như người sáng lập ra khoa này tại Đại học California.

Cụm từ "bác sĩ có phép lạ" được gắn với tên tuổi Daniel Trương từ năm 1991 sau khi tờ Los Angeles Times viết một bài báo ca ngợi tài năng của ông, người đã phục hồi thành công các hoạt động bình thường cho nhiều bệnh nhân Parkinson, bệnh nhân bệnh mất tiếng lâu năm tưởng chừng không còn hy vọng. Hơn 20 năm qua, bàn tay tài hoa của vị bác sĩ giỏi giang này đã đem lại cuộc sống bình thường cho hàng nghìn bệnh nhân Parkinson và các bệnh về thần kinh nan y khác. Bệnh nhân của ông đến từ khắp nơi trên đất Mỹ và thế giới. Có những khi bệnh nhân ở xa phải đặt lịch trước cả nửa năm mới gặp được danh y. Từ năm 2005, ông đã thành "bác sĩ không biên giới" vì bắt đầu tiếp xúc với bệnh nhân trên internet qua webcam, skype. Nhờ đó, số người được ông giúp đỡ lại gia tăng hơn nhiều. Ông cũng được giới y khoa tại nhiều quốc gia mời đến diễn thuyết và trao đổi nghiệp vụ chuyên ngành. Ở tuổi 67 nhưng sức làm việc của ông thật phi thường. Trên 140 nghìn dặm bay mỗi năm dành cho các chương trình giảng dạy ở nước ngoài, chưa kể công việc ở Viện Thần kinh nơi ông đang làm việc. Sách của ông được dịch qua nhiều ngôn ngữ khác như Pháp, Nga, Trung Hoa, Tây Ban Nha, Thái Lan và Việt Nam.

Thành danh trên đất Mỹ, nhưng trong trái tim bác sĩ Daniel Trương, Việt Nam vẫn luôn rất gần. Ông trở về quê hương từ những ngày đầu tiên Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới và đã đưa một số chương trình đào tạo y khoa tiêu chuẩn quốc tế về Việt Nam. Công việc này không chỉ được duy trì nhiều năm qua tại Việt Nam mà còn được ông đưa đến nhiều quốc gia đang phát triển khác. Với những cống hiến quý báu cho y học, bác sĩ Daniel Trương đã được nhiều nước như Nga, Ấn Độ, Pakistan… phong Giáo sư danh dự.( Hà Nội mới trang 3)

Quản lý, sử dụng thiết bị y tế: Đầu tư nhiều, lãng phí lớn

Tại hội thảo nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị y tế do Hội Thiết bị y tế Việt Nam tổ chức trong tuần qua, các chuyên gia nhận định, việc đầu tư trang thiết bị y tế (TTBYT) ở nước ta chưa có sự cân đối giữa mua sắm và sử dụng, nhiều bệnh viện (BV) được đầu tư nhiều, nhưng việc sử dụng TTBYT chưa hiệu quả. Thêm vào đó, công tác bảo dưỡng chưa đúng quy định khiến tuổi thọ của TTBYT giảm, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng khám chữa bệnh.

Thiết bị mới, hỏng đều… "nhập kho"

Theo Vụ Kế hoạch, Tài chính (Bộ Y tế), trong thời gian qua, nhiều BV tuyến tỉnh, nhiều cơ sở y tế chuyên khoa được đầu tư đổi mới thiết bị chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa, phòng mổ và hồi sức cấp cứu. Các BV huyện cũng được trang bị những thiết bị chẩn đoán thiết yếu, hầu hết nay đã có máy X-quang với công suất phù hợp, máy siêu âm chẩn đoán và xe cứu thương. Các trạm y tế xã đã được cung cấp dụng cụ cần thiết cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và thực hiện các dịch vụ về dân số - kế hoạch hóa gia đình… Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy có không ít cơ sở y tế chưa sử dụng hiệu quả TTBYT, gây lãng phí rất lớn về tiền bạc, làm giảm hiệu quả khám chữa bệnh.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam Hà Đắc Biên cho rằng, hầu hết TTBYT đang sử dụng tại cơ sở y tế chưa được kiểm chuẩn, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ. Tại nhiều BV tuyến tỉnh, huyện, việc bảo dưỡng, sửa chữa TTBYT gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng khi máy hỏng nhưng không biết mời ai về sửa, không biết gửi về đâu để bảo dưỡng... diễn ra phổ biến và bởi vậy, đa số máy hỏng bị… "đắp chiếu" để chờ kinh phí. Thay vì cố gắng tìm cách sửa chữa máy hỏng, nhiều nơi hăng hái lập đề án xin máy mới. "Trên thực tế, việc xin máy mới dễ hơn tìm kinh phí sửa chữa máy hỏng", ông Hà Đắc Biên nói.

Tại nhiều BV tuyến tỉnh, huyện, nếu thiết bị hiện đại được sử dụng hiệu quả thì người dân sẽ được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, không phải "vượt tuyến". Tuy nhiên, hiện mới chỉ có các BV tuyến trung ương làm được điều này, nhưng không phải nơi nào cũng làm tốt. Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn chưa đủ để khai thác hết công suất TTBYT hiện có. Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế cho thấy, trong thời gian qua, tại hầu hết các BV đa khoa tuyến tỉnh, BV huyện, tỷ lệ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn đủ để vận hành TTBYT một cách hiệu quả còn rất thấp, chỉ có 6% là kỹ sư, 35% là kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật, 59% còn lại là cán bộ kiêm nhiệm. Đây cũng là một trong những lý do khiến chất lượng khám chữa bệnh ngay tại các BV tuyến cơ sở bị hạn chế.

Một thực trạng nữa cũng diễn ra phổ biến hiện nay ở nhiều cơ sở y tế, đó là việc lạm dụng xét nghiệm y tế, một bệnh nhân cùng lúc được bác sĩ chỉ định chụp cả CT, MRI, siêu âm dù chỉ cần thực hiện một trong số 3 dịch vụ này là đủ.

Tránh độc quyền khâu kiểm chuẩn

Để khai thác, sử dụng hiệu quả TTBYT tại các cơ sở y tế, theo kiến nghị của nhiều chuyên gia, vấn đề cần nhất hiện nay là nâng cao năng lực quản lý TTBYT tuyến cơ sở nhằm góp phần hạn chế tiêu cực, vi phạm trong nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng TTBYT kém chất lượng, cũ nát cũng như chủ động trong việc đầu tư, bổ sung TTBYT mới phù hợp với yêu cầu phát triển. Đó là kiến nghị hợp lý bởi nếu như năm 2011 Việt Nam mới chi khoảng 559 triệu USD cho TTBYT (tương đương với 7 USD/người dân) thì dự kiến đến năm 2016, thị trường TTBYT nước ta có thể đạt tới con số 1,2 tỷ USD (12 USD/người dân).

Để tránh sự lãng phí trong đầu tư TTBYT, Hội Thiết bị y tế Việt Nam kiến nghị Bộ Y tế quan tâm hơn nữa đến công tác tư vấn kỹ thuật, trước hết là nâng cao năng lực của thành viên tham gia các tổ chức tư vấn. Việc tư vấn chính xác, khách quan sẽ giúp cho chủ đầu tư chọn mua được những thiết bị phù hợp, tránh hiện tượng mua thiết bị có tính năng kỹ thuật thấp, không đáp ứng yêu cầu sử dụng hoặc có tính năng kỹ thuật quá cao so với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, Bộ Y tế nên xem xét tạo điều kiện cho các tổ chức ngoài công lập tham gia hoạt động kiểm chuẩn TTBYT khi họ có đủ điều kiện theo quy định hiện hành, tránh tình trạng chỉ có một vài cơ quan được thực hiện chức năng này, dẫn tới tình trạng độc quyền sinh ra cửa quyền trong công tác kiểm định thiết bị.

Thẳng thắn thừa nhận tình trạng lãng phí trong sử dụng TTBYT tại các cơ sở y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, trong thời gian tới, việc đầu tư TTBYT phải được thực hiện đúng mục đích, phù hợp nhu cầu, tránh tình trạng đầu tư máy móc tràn lan rồi… "để đấy". Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu chọn người có kiến thức, năng lực sử dụng TTBYT. Mặt khác, các bác sĩ phải chỉ định đúng, đủ, tránh lạm dụng kỹ thuật dẫn đến giảm tuổi thọ của thiết bị, gây lãng phí về tiền bạc cho người bệnh… Bộ Y tế đã chỉ đạo Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế bổ sung đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao cho các BV, các cơ sở y tế để thực hiện công tác bảo quản máy móc.

 Hạn chế việc liên doanh, liên kết đặt thiết bị y tế tại bệnh viện công

Trước bối cảnh tăng giá đối với 1.800 dịch vụ y tế từ ngày 15-11 tới, để tránh gây lãng phí cho người bệnh, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế Việt Nam Hà Đắc Biên đề nghị Bộ Y tế hạn chế việc liên doanh, liên kết đặt máy tại các bệnh viện (BV) công. Thay vào đó, ông Hà Đắc Biên đề nghị thí điểm việc đấu thầu cung ứng dịch vụ. Khi có nhu cầu về thiết bị thì các BV công sẽ đưa ra yêu cầu về chất lượng máy và giá thành. Đơn vị nào có khả năng đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá cả sẽ được ký hợp đồng cung cấp dịch vụ. Với hình thức này, bên cạnh việc hạn chế những tiêu cực của quá trình liên doanh, liên kết, người dân cũng sẽ được tiếp cận các TTBYT hiện đại với mức giá dịch vụ vừa phải.

( Hà Nội mới trang 7)

Bệnh viện quận, huyện … lên hạng

Nhiều bệnh viện quận, huyện ở TP.HCM đã vươn lên thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, thu hút nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

Theo Sở Y tế TP.HCM, từ năm 2010 đến nay số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại 23 bệnh viện quận, huyện thuộc sở 
tăng mạnh.

Nhiều kỹ thuật cao

Bệnh viện Q.Thủ Đức là bệnh viện tuyến quận, huyện duy nhất của TP được xếp hạng 1, trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh như một bệnh viện tuyến tỉnh.

Rất nhiều kỹ thuật cao ở tất cả các chuyên khoa đã được thực hiện ở bệnh viện như lấy máu tụ dưới màng cứng, phẫu thuật hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm, lấy khối u nội tủy, thay khớp háng, thay khớp gối, cắt u trung thất qua nội soi, nội soi cắt gan, cắt thận; cắt dạ dày, cắt tử cung, phẫu thuật ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ghép hạch bạch huyết sau phẫu thuật ung thư vú, phẫu thuật phaco, phẫu thuật nội soi mũi xoang...

Ở mảng nội khoa, bệnh viện thực hiện được các kỹ thuật cao như chạy thận nhân tạo, lọc máu liên tục để thay huyết tương, cấp cứu tim mạch... Vừa qua, được sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên, các bác sĩ của bệnh viện này đã kịp thời cứu sống em Phan Thị Phi Nhi (10 tuổi, Bình Dương) bị tai nạn ngưng tim, ngưng thở.

Trong khi đó, theo bác sĩ Nguyễn Văn Mười - giám đốc Bệnh viện Q.Bình Tân, năm nay bệnh viện đã triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới như tán sỏi nội soi bằng laser, phẫu thuật nội soi tai mũi họng trẻ em, tiếp nhận điều trị các bệnh lành tính về máu như Thalassemia, phẫu thuật thay chỏm xương đùi, phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng.

Trước đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận cấp cứu khoảng 30 bệnh nhân thì một nửa phải chuyển viện lên tuyến trên, nhưng hiện nay mỗi ngày nhận cấp cứu 90-100 ca thì chỉ chuyển 1-2 ca nặng, và những ca này lên tuyến trên đa số cũng không qua khỏi.

Bệnh viện Q.Tân Phú cũng đang chuyển mình. Giữa tháng 7-2015, các bác sĩ Bệnh viện Q.Tân Phú đã phẫu thuật thành công cứu sống một bệnh nhi 12 tuổi bị vỡ tá tràng rất hiếm gặp do té từ gác gỗ xuống đất ở độ cao 3m.

Trong khi đó, Bệnh viện Q.Bình Thạnh lại đẩy mạnh thu hút bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngoại trú, điều trị các bệnh liên quan đến thời tiết, các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, viêm gan, suy thận (bệnh viện có 23 máy chạy thận nhân tạo, đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân suy thận mãn).

Không phải đi xa

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong 23 bệnh viện quận, huyện của TP, ngoài Bệnh viện Q.Thủ Đức được xếp hạng 1, còn có tám bệnh viện được xếp hạng 2 là bệnh viện các quận 2, 4, 6, 8, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Các bệnh viện còn lại là bệnh viện hạng 3.

Tất cả bệnh viện quận, huyện đều có bốn khoa cơ bản là nội, ngoại, sản, nhi. Nhiều bệnh viện quận, huyện đã tự thực hiện được nhiều kỹ thuật về phẫu thuật cấp cứu sản phụ khoa, hồi sức sơ sinh, phẫu thuật trĩ hỗn hợp, nối gân duỗi, phẫu thuật u khoeo chân, đóng đinh nội tủy xương cẳng chân... và người dân ngày càng tin cậy tìm đến bệnh viện tuyến quận, huyện của TP.HCM khám chữa bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Quân - giám đốc Bệnh viện Q.Thủ Đức, người dân ở Q.Thủ Đức và các vùng lân cận như Bình Dương, Đồng Nai được hưởng lợi từ các dịch vụ y tế kỹ thuật cao ngay tại địa bàn, không phải đi xa đến các bệnh viện khác ở trung tâm TP, góp phần giảm tải cho các bệnh viện ở tuyến trên.

Theo ông Quân, thời gian tới bệnh viện sẽ đưa đơn vị hỗ trợ sinh sản và hồi sức sơ sinh vào hoạt động, hướng tới sẽ phát triển một số kỹ thuật chuyên khoa sâu như tim mạch can thiệp, mổ tim mở, ghép thận.

Bệnh viện Q.Bình Tân sắp tới còn tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật nội soi cắt đốt tiền liệt tuyến, kỹ thuật phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi từ Bệnh viện Bình Dân, cử cán bộ tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật hồi sức tim mạch tại bệnh viện tuyến trên. Từng bước nhận chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm vi sinh từ Bệnh viện Trưng Vương...

Tiếp tục lên hạng

Theo ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TP đang ưu tiên phân bổ ngân sách để phát triển hạ tầng và trang thiết bị cho các bệnh viện quận huyện. Nhiều bệnh viện quận huyện sẽ tiếp tục lên hạng trong thời gian tới.

Ông Thượng cho biết bệnh viện hạng 1 là bệnh viện đáp ứng tốt các yêu cầu về nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, thực hiện được những kỹ thuật chuyên sâu. Bệnh viện hạng 2 có năng lực khá tốt về con người, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, đủ đáp ứng mô hình bệnh tật của người dân trong quận và xử lý được hầu hết các 
chấn thương.

Với những bệnh viện nằm ở các quận trung tâm, ở các quận tập trung nhiều bệnh viện như bệnh viện các quận 1, 3, 5, 7..., Sở Y tế sẽ có định hướng phát triển là đẩy mạnh tiếp nhận khám và điều trị ban đầu, điều trị ngoại trú là chính.

Với bệnh viện quận huyện còn thiếu bác sĩ, TP đã có chủ trương tất cả các bác sĩ tốt nghiệp y khoa chính quy của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ phân bổ về quận huyện làm việc. Ngoài ra, các bệnh viện TP tiếp tục chuyển giao kỹ thuật cho quận huyện, chủ động phối hợp cấp cứu các trường hợp đặc biệt.

Gia tăng trẻ nhập viện do thời tiết thay đổi

Theo thông tin từ một số bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội, những ngày qua do thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm khiến số lượng trẻ nhập viện tăng nhanh.

Tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai), số bệnh nhân đến khám tăng gấp 1,5 lần so với các tháng trước, khoảng 250 - 300 trẻ đến khám mỗi ngày, trong đó hơn 50% bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp. Tương tự, tại Khoa Khám nhi (BV đa khoa Xanh Pôn), trung bình mỗi ngày có hơn 300 trẻ đến khám bệnh, chủ yếu là các trường hợp mắc viêm mũi họng, phế quản, viêm phổi. Trong đó những trường hợp nặng phải điều trị nội trú chiếm 5 - 10%.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai, cho biết: “Số bệnh nhân nhập viện do bệnh đường hô hấp: viêm phế quản, viêm phổi chiếm đến 50 - 60% các trường hợp nhập viện”. Theo bác sĩ Nam, đáng lưu ý gần đây ghi nhận nhiều trẻ viêm phổi nhập viện còn rất nhỏ 3 - 4 tháng tuổi, thậm chí 2 tháng tuổi, trong khi trước đây chủ yếu là trên 6 tháng tuổi. “Bệnh ở trẻ thường diễn biến nhanh, có khi trở nặng chỉ trong một vài giờ. Do đó, cha mẹ cần theo sát diễn biến sức khỏe của trẻ. Các triệu chứng ban đầu thường chỉ ho, chảy nước mũi nhưng khi thấy trẻ mệt, nhịp thở nhanh cần đưa đến BV đề phòng biến chứng viêm phế quản, viêm phổi”, bác sĩ Nam khuyến cáo. Ngoài ra, với các trẻ nhỏ sốt cao, thóp phồng cần khẩn trương đưa đến cơ sở y tế bởi đó là các ca nghi ngờ viêm não/màng não.

Các bác sĩ khuyến cáo, để chủ động phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết thay đổi, khi ra đường cha mẹ cần đeo khẩu trang, mặc quần áo ấm cho trẻ. Do chênh lệch thời tiết trong ngày, thời điểm nhiệt độ lên cao vào ban trưa, đầu giờ chiều cần lưu ý bỏ bớt áo, khăn, lau mồ hôi ngực, lưng để tránh bị nhiễm lạnh.

* Tại cuộc họp với Sở Y tế TP.HCM ngày 6.11, đại diện BV Nhi đồng 2 cho biết lượng bệnh nhi mắc hô hấp điều trị tại BV tăng cao trong thời gian qua, theo thống kê quá tải khoảng 20% so với số giường hiện có.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 7.11, lượng bệnh nhi ở Khoa Hô hấp của 2 BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP.HCM) chật kín bệnh nhi và thân nhân. Tại BV Nhi đồng 2, dù đã kê thêm giường ngoài hành lang để giảm tải việc nằm ghép, nhưng nhiều bệnh nhi vẫn phải nằm trên chiếu ngay lối đi, dưới chân cầu thang. Chị Hoa (27 tuổi, quê Bà Rịa-Vũng Tàu) đang chăm con 10 tháng bị viêm phế quản tại Khoa Hô hấp 1, BV Nhi đồng 2, cho hay chị ở đây mấy ngày là ngày nào cũng thấy trẻ bị hô hấp nhập viện liên tục, một giường 3 - 4 bệnh nhi, thậm chí giường hành lang cũng nằm ghép nên nhiều người phải trải chiếu thêm để nằm vì đông, có khi không có đường đi.( Thanh niên trang 4)

Phát động Ngày hội hiến máu nhân đạo

Sáng 7/11, tại Viện Huyết học và truyền máu T.Ư,  TƯ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam đã phát động Chương trình hiến máu, khám chữa bệnh nhân đạo năm 2015.

Trong khuôn khổ chương trình phối hợp, lễ khai mạc “Ngày hội hiến máu nhân đạo” được tổ chức ngày 7/11, tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, với sự tham dự của 750 thành viên Câu lạc bộ 25 và cán bộ, nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam. Ban Tổ chức Ngày hội đặt mục tiêu tiếp nhận được 300 đơn vị máu.( Nhân dân trang 3)

Cứu bệnh nhân bị đâm thủng động mạch chủ

Ngày 7.11, Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh An Giang cho biết đã cấp cứu thành công bệnh nhân Nguyễn Hữu Tươi (20 tuổi, ngụ xã Vĩnh Khánh, H.Thoại Sơn, An Giang).

Vào ngày 5.11, bệnh nhân Tươi được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng huyết áp tụt, da nhợt nhạt, chảy nhiều máu vùng bụng...

Người nhà cho biết bệnh nhân bị té và bị vật nhọn đâm trúng vùng bụng. Các bác sĩ khoa ngoại tổng hợp chẩn đoán bệnh nhân bị đâm thủng động mạch chủ dẫn đến xuất huyết nội rất nguy kịch nên chỉ định mổ khẩn cấp. Kíp mổ đã tiến hành khâu nối phục hồi động mạch chủ bụng bị đâm thủng, truyền liên tục cho bệnh nhân khoảng 10 đơn vị máu.( Thanh niên trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang