Quỹ khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Nguyễn Trãi luôn bội chi và vượt trần
Chiều 7-11, Ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM phối hợp với Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM đã có buổi làm việc với Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi về tình hình khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại BV. Phát biểu tại buổi làm việc, BS CKII Võ Văn Tiến, Giám đốc BV Nguyễn Trãi cho biết, BV được UBND TP giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính từ năm 2016. Trong thời gian qua, số thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại BV không ngừng tăng từ 144.000 thẻ năm 2016 đến gần 153.000 thẻ vào năm 2017. Tuy nhiên cơ cấu thẻ phân bổ chưa hợp lý giữa các nhóm đối tượng cũng là một thách thức không nhỏ với những người làm quản lý BV. Tỷ lệ thẻ cán bộ hưu trí và thẻ tự nguyện chiếm tỷ lệ cao, đây là nhóm đối tượng lớn tuổi, mắc bệnh mãn tính và mắc nhiều bệnh phối hợp khiến cho chi phí điều trị ở những nhóm đối tượng này tương đối lớn (chiếm 69,7%) trong tổng chi phí điều trị ngoại trú khiến cho BV luôn bị bội chi và vượt trần hàng năm.
Cụ thể, nếu như tổng kinh phí KCB đã được BV sử dụng năm 2016 của BV là hơn 259,5 tỷ đồng (trong đó kinh phí được quyết toán hơn 254 tỷ đồng, BHXH xuất toán gần 5,5 tỷ đồng) thì đến quý 2-2017, tổng kinh phí KCB là hơn 131,3 tỷ đồng trong khi tổng kinh phí KCB đã tạm ứng năm 2017 của BV chỉ được 171,7 tỷ đồng. Tuy nhiên so với gói quỹ mà BHXH giao cho BV thì BV luôn bị bội chi quỹ với số tiền lên đến 155,1 tỷ đồng và vượt trần gần 3,1 tỷ đồng trong năm 2016 và vượt quỹ gần 42,7 tỷ đồng và vượt trần gần 2 tỷ đồng trong năm 2017.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề chưa hợp lý trong KCB cũng như thanh quyết toán BHYT do BHXH và Bộ Y tế còn chậm trễ; cơ cấu tiền lương vào giá tiền công khám, tiền giường còn chênh lệch do tăng không đủ bù chênh lệch do tăng lương; công tác thực hiện đấu thầu thuốc và thanh toán BHYT còn nhiều bất cập;…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TPHCM cho biết, thời gian tới các cơ sở y tế sẽ tiến tới tự chủ hoàn toàn cả về tài chính lẫn con người.
Việc phải làm bây giờ là làm sao tính toán quản trị, sắp xếp quản lý công tác KCB nói chung và KCB BHYT nói riêng một cách khoa học, mục tiêu phải nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh tại BV. “Trong bối cảnh, hoạt động kinh tế đang cạnh tranh khốc liệt, lợi thế của BV Nguyễn Trãi là KCB cho người có công, cán bộ công chức; vấn đề làm sao đẩy mạnh hoạt động đó thành lợi thế riêng của BV. Bên cạnh đó, mức thu nhập của bác sĩ, nhân viên y tế của BV còn thấp, lãnh đạo BV cần có chiến lược cụ thể để tăng thu nhập cho anh em. Thu nhập có cao thì mới phục vụ tốt cho người bệnh được” - bà Thi Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh (Sài gòn giải phóng, trang 6).
Bất cập, lãng phí trong đầu tư thiết bị y tế ở Tây Ninh
Thời gian qua, công tác đầu tư các thiết bị, máy móc y tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, việc phân bổ, cấp phát các thiết bị cho các tuyến đang có tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, gây lãng phí.
Tại TP Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), nhằm tránh tình trạng quá tải trong khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến trên, từ năm 2015, các phường, xã trên địa bàn đã được trang bị một số thiết bị nhập từ nước ngoài khá hiện đại. Tuy nhiên, tần suất sử dụng các thiết bị này đang rất "khiêm tốn". Thí dụ, tại các trạm y tế của phường Ninh Thạnh và xã Bình Minh, các máy siêu âm từ khi được trang bị chưa một lần sử dụng. Hoặc, có xã được trang bị máy điện tim nhưng cả năm, số lần sử dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tương tự, tại trạm y tế phường 1, đơn vị được cấp một máy điện tim từ năm 2015, nhưng cho đến nay, chiếc máy chỉ mới được sử dụng khoảng 20 lần vào việc đo điện tim cho người già và khám nghĩa vụ quân sự trên địa bàn…
Giải trình về những thực tế này với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tây Ninh khi đơn vị này khảo sát về tính hiệu quả của việc thực hiện dự án đầu tư trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế công lập trong tỉnh, đại diện Trung tâm y tế TP Tây Ninh cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do số lượng người đến khám, chữa bệnh tại các trạm y tế tuyến xã rất ít. Việc trang bị thiết bị y tế không căn cứ vào nhu cầu, thậm chí còn bị chi phối bởi yếu tố hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở một số xã, phường trên địa bàn.
Trong khi thiết bị y tế ở nhiều đang rơi vào tình trạng không được sử dụng hoặc chỉ sử dụng với tần suất rất thấp thì tại các cơ sở y tế tuyến trên, các thiết bị y tế lại rơi vào tình trạng quá tải hoặc cũ kỹ, lạc hậu. Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh được xem là có trang thiết bị hiện đại, đầy đủ trong hệ thống cơ sở y tế công lập của tỉnh. Hiện, các thiết bị y tế được trang bị đều hoạt động hết công suất, mang lại nhiều hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh. Thí dụ, bốn máy chạy thận của bệnh viện đang phát huy hiệu quả, hạn chế việc người bệnh vượt tuyến trong khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh Tây Ninh Liêu Chí Hùng cho biết, đơn vị đang rất cần sắm thêm một máy chụp cắt lớp do máy hiện tại đã cũ, lạc hậu. Theo lãnh đạo Bệnh viện Ðiều dưỡng - Phục hồi chức năng, ngoài các thiết bị y tế đang sử dụng và phát huy hết công suất thì bệnh viện cần một máy phân tích sinh hóa tự động và hai máy từ trường để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh. Trong khi đó, tại Bệnh viện Y học cổ truyền của tỉnh, hiện chưa có xe cứu thương, thường xuyên phải nhờ sự giúp đỡ từ các đơn vị khác cùng ngành. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh thì đang có nhu cầu được trang bị thêm một số thiết bị như: Máy đo đường huyết test nhanh, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, máy X-quang kỹ thuật số phục vụ cho hội chẩn,… Trong khi đó ở nhiều xã, trang thiết bị chưa được sử dụng hết công suất; có máy nhưng thiếu thiết bị, phụ liệu đi kèm cho nên không thể hoạt động. Nhiều nơi, trang thiết bị y tế không được bảo dưỡng, bảo trì, làm ảnh hưởng chất lượng hoạt động, độ chính xác.
Lãnh đạo Sở Y tế Tây Ninh cho biết, một trong những nguyên nhân gây nên thực trạng nêu trên là do ở các cơ sở y tế tuyến xã thiếu bác sĩ, nguồn nhân lực bố trí chưa phù hợp. Ngoài ra, người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi đến khám, chữa bệnh ở tuyến dưới. Lãnh đạo Sở Y tế đưa ra những giải pháp để khắc phục, như: Khảo sát, bố trí lại trang thiết bị sử dụng chưa hiệu quả ở các tuyến; tổ chức lại khâu đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; đẩy nhanh việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình ở tuyến cơ sở, đầu tư hoàn thiện trang thiết bị y tế xã theo nguyên tắc ưu tiên nơi cần và có đủ nhân lực.
Báo Nhân Dân đã từng có bài viết đề cập đến sự khó khăn trong thu hút nguồn nhân lực của ngành y tế, song, đến nay, tình trạng thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ giỏi đang là một bài toán nan giải với Tây Ninh, dù tỉnh đã thực hiện nhiều thay đổi trong chính sách, cơ chế đãi ngộ để thu hút. Thậm chí, tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành y tế của tỉnh vẫn diễn ra khá phổ biến. Nếu nguồn nhân lực, không sớm được giải quyết thì việc “cào bằng” trong trang bị thiết bị y tế cho các tuyến sẽ gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước (Nhân dân, trang 8).
Kiểm tra, đánh giá chất lượng 1.300 bệnh viện cả nước
Ngày 7.11, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết đợt kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện (BV) sẽ được thực hiện từ 15.11 - 15.12.2017. Đây là công việc định kỳ hằng năm của ngành y tế để kiểm tra, đánh giá chất lượng của khoảng 1.300 BV về việc thực hiện các hoạt động chuyên môn; đánh giá thực trạng chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, làm cơ sở xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng BV. Ông Khuê cho biết thêm các BV sẽ khảo sát sự hài lòng người bệnh nội trú, ngoại trú và khảo sát sự hài lòng nhân viên y tế.
Hiện đã có một phần mềm trực tuyến khảo sát sự hài lòng người bệnh và nhân viên y tế, được cập nhật liên tục. Các BV chưa thực hiện khảo sát sẽ được yêu cầu thực hiện nghiêm túc vì đó là cơ sở để có các giải pháp khắc phục (Thanh niên, trang 3).
Thành lập trung tâm tim mạch lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 7.11, tại Bệnh viện ĐKT.Ư Cần Thơ đã diễn ra lễ công bố thành lập Trung tâm tim mạch trực thuộc bệnh viện. Đây là kết quả sau hàng chục năm bệnh viện tuyến cao nhất của ĐBSCL đầu tư mạnh cho lĩnh vực tim mạch. Theo bác sĩ Hà Bửu Kiếm, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch, hiện nay chuyên khoa tim mạch là một trong 5 chuyên khoa được báo động quá tải từ Bộ Y tế. Tại Bệnh viện ĐKT.Ư Cần Thơ, Khoa Tim mạch có 97 giường nhưng thực tế kê đến 140-160 giường và luôn trong tình trạng sử dụng hết công suất.
Trung tâm Tim mạch được thành lập gồm 3 khoa: Nội Tim mạch, Tim mạch can thiệp và Phẫu thuật tim, với chức năng là tiếp nhận, cấp cứu, ứng dụng các kỹ thuật cao, phương pháp trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tim trong khu vực ĐBSCL.
Trước đó, từ năm 2009, xác định nhiệm vụ trọng tâm là chuyên khoa sâu của bệnh viện tuyến cuối khu vực ĐBSCL, Bệnh viện ĐKT.Ư Cần Thơ đã đầu tư mạnh về nhân lực và cơ sở, trang thiết bị cho tim mạch, và từng bước phát triển thành thế mạnh của bệnh viện, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Từ khi triển khai mổ tim năm 2015 đến nay, phân khoa Phẫu thuật tim đã phẫu thuật cho 91 người bệnh, trong đó có nhiều trường hợp khó; nhiều bệnh nhân nghèo đã được sự hỗ trợ của nhà hảo tâm. Đặc biệt, Phân khoa Tim mạch can thiệp hiện đã trực can thiệp cấp cứu 24/24 trong suốt 7ngày/tuần. Tính từ năm 2013, phân khoa này đã can thiệp được cho 2.641 bệnh nhân. BS.CK 2 Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc Bệnh viện ĐKT.Ư Cần Thơ, cho biết sự ra đời của trung tâm tim mạch trực thuộc bệnh viện là rất cần thiết để đẩy mạnh hơn những kỹ thuật mới trong điều trị. Sau khi thành lập, những kỹ thuật sẽ tiếp tục được trung tâm triển khai trong thời gian tới như: thăm dò điện sinh lý, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn và thành lập khoa loạn nhịp học (Nội Tim mạch); Đo lưu lượng dự trữ vành, đặt bóng dội ngược động mạch chủ, bít dù thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, khoan mảng xơ vữa trong động mạch vành (Tim mạch can thiệp); Làm cầu nối chủ vành, phẫu thuật tâm nhĩ, phẫu thuật tim xâm lấn tối thiểu, kỹ thuật ô xy hóa máu qua màng, truyền máu hoàn hồi trong phẫu thuật tim, cấy thiết bị lỗ tự thất, phẫu thuật động mạch chủ ngực - bụng… (Khoa Phẫu thuật tim) (Thanh niên, trang 3).