Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/11/2023

  • |
T5g.org.vn - Có trả lại chi phí cho dân khi phải tự mua thuốc? Bộ Y tế đã cấp mới, gia hạn số đăng ký 16.000 loại thuốc, vaccine, sinh phẩm; Hà Nội tăng cường kiểm tra những địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao: Xử lý triệt để các ổ dịch; Gia tăng vi khuẩn kháng thuốc sau đại dịch COVID-19…

 

Có trả lại chi phí cho dân khi phải tự mua thuốc?

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng quyền lợi của bệnh nhân, của người tham gia bảo hiểm y tế phải được đảm bảo. Do đó, việc thanh toán tiền cho các trường hợp phải mua thuốc bên ngoài là "yêu cầu hết sức chính đáng và cần thiết”, tuy nhiên hiện chưa có quy định về vấn đề này.
Chiều 7/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Hà Hồng Hạnh (đoàn Khánh Hòa) dẫn nội dung Văn bản số 2060 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu: Nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế mà người dân đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc để điều trị thì còn có cơ chế để bảo hiểm y tế hoàn trả lại các khoản này để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế. Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về ý kiến này?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về nguyên tắc cơ sở khám, chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh và không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú. Nếu cho người bệnh tự mua có thể có dẫn đến các nguy cơ như chất lượng thuốc không bảo đảm, giá cao, cũng như những tranh chấp khi có tai biến.
Tuy nhiên, trong quá trình mà thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc, khiến bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc để tự điều trị.
“Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu ý kiến của đại biểu liên quan đến nội dung này và thống nhất quan điểm về quyền lợi của bệnh nhân, của người tham gia bảo hiểm y tế phải được đảm bảo. Đây là một yêu cầu hết sức chính đáng và cần thiết”, bà Lan nói song cho biết chưa có quy định về vấn đề này.
Vì vậy, Bộ Y tế cho biết đã giao cho Vụ Bảo hiểm y tế xây dựng thông tư. “Hiện nay nội dung này đang được đơn vị chuyên môn xây dựng. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương trong quá trình hoàn thiện thông tư này để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế”, bà Lan thông tin.
Ngoài ra để bảo đảm quyền lợi của người bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện các chỉ đạo, các quy định liên quan đến việc mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời đề xuất các cơ chế để nghiên cứu làm sao các cơ sở khám chữa bệnh có thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khi các kết quả thầu còn hiệu lực. (Tiền phong, trang 2).

 

Bộ Y tế đã cấp mới, gia hạn số đăng ký 16.000 loại thuốc, vaccine, sinh phẩm

TS Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết đến nay đã có tổng số gần 12.000 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc được gia hạn theo Nghị quyết 80 của Quốc hội. Cùng đó Bộ Y tế đã gia hạn, cấp mới 4.087 thuốc theo quy định của Luật Dược...
Để đảm bảo nguồn cung thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả, đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 09/01/2023 của Quốc hội, Cục Quản lý Dược đã ký quyết định công bố Danh mục 163 thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong nước và nước ngoài có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80/2023/QH15.
Theo đó, số thuốc, nguyên liệu làm thuốc này được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Tính đến thời điểm này, đây là đợt gia hạn thứ 9 của năm 2023 theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.
Sáng 7/11, TS Vũ Tuấn Cường cho biết, tổng 9 đợt công bố gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế theo Nghị quyết 80 của Bộ Y tế đến nay là 11.866 (bao gồm 9.202 thuốc trong nước, 2.420 thuốc nước ngoài, 244 vaccine sinh phẩm).
Cùng đó, TS Cường thông tin, Cục Quản lý Dược đã nhiều lần thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước và thuốc nước ngoài theo quy định của Luật Dược 2016 cho nhiều mặt hàng thuốc trong nước và nước ngoài có thời hạn 3 năm hoặc 5 năm để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh của nhân dân. Đến nay đã có tổng số 4.087 thuốc được gia hạn, cấp mới theo Luật Dược 2016. Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng cho biết cơ quan chức năng đang trình Hội đồng tư vấn xem xét, chuẩn bị cấp cho gần 1.200 thuốc; giải quyết trên 9.000 hồ sơ thay đổi, bổ sung.

Được biết các sản phẩm thuốc trong nước và nước ngoài được gia hạn, cấp mới số đăng ký thời gian qua khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thuốc kháng virus, thuốc điều trị bệnh lý đường hô hấp, thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vaccine, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.
Đến thời điểm hiện tại đang có trên 22.000 loại thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại nên đảm bảo được nguồn cung thuốc trên thị trường.
Để đảm bảo thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và phòng chống dịch, Bộ Y tế đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành về đảm bảo cung ứng thuốc. Theo đó, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã ban hành nhiều văn bản dự báo, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh chủ động mua sắm, dự trù số lượng, đồng thời chỉ đạo đơn vị nhập khẩu thuốc tăng cường tìm kiếm nguồn cung ứng...
Cùng đó, ưu tiên giải quyết ngay các các đơn hàng nhập khẩu thuốc hiếm và thuốc, nguyên liệu làm thuốc có nguồn cung hạn chế: Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã tập trung hỗ trợ các đơn vị thông tin về nguồn cung của thuốc, hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ đề nghị nhập khẩu và thực hiện giải quyết ngay các các đơn hàng nhập khẩu thuốc hiếm và thuốc, nguyên liệu làm thuốc có nguồn cung hạn chế trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra để kịp thời có đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã chủ động đề xuất và được Tổ chức Y tế thế giới viện trợ một số loại thuốc rất hiếm như: 06 lọ thuốc giải độc Botulinum (BAT), 200 lọ huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (DAT). (Tiền phong, trang 2; Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

 

Hà Nội tăng cường kiểm tra những địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao: Xử lý triệt để các ổ dịch

Chiều 7-11, chủ trì cuộc giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa đợt cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết. Ngay trong tháng 11 này, thành phố sẽ tập trung kiểm tra những địa bàn có số ca mắc tăng cao.

Xác định nguồn ổ bọ gậy để xử lý triệt để

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 6-11, toàn thành phố ghi nhận 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,3% số xã, phường, thị trấn) và 4 trường hợp tử vong. Trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 2.400-2.700 trường hợp.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân, trong đó dẫn đầu là Hà Đông với 1.973 ca, tiếp đến là Hoàng Mai (1.840 ca), Phú Xuyên (1.835 ca), Thanh Oai (1.639 ca), Đống Đa (1.565 ca), Thanh Trì (1.553 ca). Ngoài ra, toàn thành phố ghi nhận 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.
Từ ngày 6-10, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai đợt cao điểm về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Sau 1 tháng triển khai, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đánh giá, 30 quận, huyện, thị xã đã triển khai nghiêm túc đợt cao điểm. Qua theo dõi, chỉ số muỗi truyền bệnh, bọ gậy tại các ổ dịch trong tháng 10 có xu hướng giảm rõ rệt so với các tháng 8 và 9-2023.
“Trong 2 tuần đầu tháng 10-2023 khi triển khai chiến dịch, số ca mắc mới sốt xuất huyết đã đi ngang. Đặc biệt, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng giảm. Nếu thành phố không có biện pháp quyết liệt thì số ca mắc còn cao hơn số ghi nhận vào thời điểm hiện tại”, ông Vũ Cao Cương thông tin.
Dù vậy, theo ông Vũ Cao Cương, với diễn biến tình hình thời tiết như hiện nay, ca bệnh có thể tăng cao trong những tuần tới. Do đó, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục kiên trì, thường xuyên và liên tục triển khai có hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Đặc biệt, phải xác định được ổ bọ gậy nguồn để xử lý triệt để.
Đồng quan điểm trên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, dù số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao trong năm 2023 nhưng số ổ dịch không nhiều (chỉ bằng 1/3 số ổ dịch của vụ dịch sốt xuất huyết năm 2017), đặc biệt số ca tử vong cũng giảm rất nhiều so với những năm trước. Điều đó cho thấy công tác phòng, chống dịch đang được triển khai có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Khổng Minh Tuấn, qua kiểm tra, còn 25% ổ dịch chưa được xử lý triệt để. Hiện, mùa mưa đã qua nhưng lại xuất hiện những cơn mưa nhỏ. Ở khu vực ngoại thành, khi lượng mưa giảm, nguồn ổ bọ gậy không tập trung ở ngoài vườn mà xuất hiện tại khuôn viên trong nhà. Do đó, cần xác định nguồn ổ bọ gậy để tập trung xử lý. Cùng với đó, khi phát hiện ổ dịch, phải ngay lập tức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, nhất là tiến hành phun triệt tại các hộ dân xung quanh ổ dịch theo quy định.

Bảo đảm tiếp nhận và điều trị người bệnh kịp thời

Sau 1 tháng triển khai đợt cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết, đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, quận đã ban hành một số văn bản phê bình một số phường để xảy ra tình trạng dịch tái phát. Đồng thời, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn 3 phường với số tiền 12,6 triệu đồng. Riêng với 4 ổ dịch phức tạp, diễn biến kéo dài, cơ quan chức năng của quận tiến hành giám sát hằng ngày.
Tương tự, theo đại diện UBND quận Hà Đông, quận đã tập trung triển khai đợt cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó duy trì thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, tập trung vào khu vực đông dân cư, có số mắc cao…
Thế nhưng, với mật độ dân cư đông, việc xử lý ổ dịch còn gặp nhiều khó khăn nên hai quận Hà Đông, Đống Đa vẫn nằm trong top đầu các địa bàn ghi nhận nhiều bệnh nhân.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết, mới đây, qua kiểm tra, đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của Thủ đô. Nhờ triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ nên số ca mắc sốt xuất huyết những tuần gần đây đã có xu hướng giảm.
“Dù giảm nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao. Do đó, chúng ta không được chủ quan mà cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa đợt cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết như đã đề ra từ đầu tháng 10-2023”, đồng chí Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Theo đồng chí Vũ Thu Hà, thực tế cho thấy, nhờ việc triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường bài bản, hiệu quả và giám sát tốt ca bệnh, ổ dịch nên số ca mắc sốt xuất huyết tại một số quận, huyện như: Thạch Thất, Hai Bà Trưng, Long Biên… đã giảm mạnh. Còn với những địa phương làm chưa đủ mạnh, xử lý ổ dịch chưa triệt để, cần tiếp tục triển khai các biện pháp thường xuyên hơn.
Đồng chí Vũ Thu Hà đề nghị, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Đặc biệt, ngay trong tháng 11 này, tập trung kiểm tra những địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo y tế trường học cũng thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác y tế học đường, trong đó tập trung kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các nhà trường.
Về công tác điều trị bệnh nhân, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện nay, các cơ sở y tế vẫn đáp ứng được nhu cầu điều trị của người bệnh, không xảy ra tình trạng quá tải. Tuy nhiên, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội lưu ý, ngành Y tế Thủ đô cần tiến hành rà soát lại công tác thu dung, tiếp nhận người bệnh, bảo đảm khi người bệnh sốt xuất huyết đến các cơ sở y tế phải được tiếp nhận và điều trị kịp thời.

Cả nước đã ghi nhận 32 ca tử vong do sốt xuất huyết

Theo báo cáo tại cuộc họp, tính đến ngày 6-11, cả nước ghi nhận 121.364 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 56% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 32 ca tử vong (giảm 99 ca so với cùng kỳ năm ngoái). (Hà Nội mới, trang 1).


Gia tăng vi khuẩn kháng thuốc sau đại dịch COVID-19

Sau đại dịch COVID-19, độ nhạy của nhiều vi khuẩn với kháng sinh có xu hướng giảm, thậm chí đề kháng ở mức cao, trong đó có nhóm kháng sinh mới, vốn được ưu tiên điều trị các nhiễm khuẩn hô hấp.
Thông tin này được các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị khoa học Hội Hô hấp Việt Nam – Hội Phổi Pháp Việt vào sáng 4/11 tại TP Hạ Long, Quảng Ninh. Hội nghị tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt – Pháp và 30 năm hợp tác y tế Pháp – Việt. Hơn 1.000 chuyên gia, bác sĩ từ Việt Nam, Pháp, Úc có mặt để cùng bàn các giải pháp quản lý kháng kháng sinh và các tổn thương phổi sau COVID-19. (Chi tiết xem báo Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Căn bệnh ung thư khiến gần 23.800 ca tử vong mỗi năm, chuyên gia chỉ cách phòng ngừa

Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam năm 2020, tỉ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với 26.262 ca mắc mới chiếm 14.4%, và 23.797 ca tử vong vì căn bệnh này.

Chỉ khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi đến viện ở giai đoạn sớm

Theo các chuyên gia của Bệnh viện K, ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở hai giới. Ung thư phổi cũng như các loại ung thư khác nếu phát hiện sớm, điều trị sớm thì hiệu quả càng cao.
Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, tỷ lệ sống qua 5 năm trung bình ở những bệnh nhân ung thư phổi là dưới 20% (18,6%). Một trong những lý do dẫn tới kết quả này là việc chẩn đoán muộn, khi bệnh đã tiến triển khiến việc điều trị khó khăn hơn và kém hiệu quả hơn.

Thăm khám cho người bệnh ung thư tại Bệnh viện K.

Các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện K nêu rõ, nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi thường là do khói thuốc lá. Thậm chí, ngay cả trên thế giới, người ta còn thống kê rằng khói thuốc lá là nguyên nhân của 80% các ca bệnh ung thư phổi. Lý do bởi các chất độc hại có trong khói thuốc sẽ tồn tại khá lâu bên trong phổi của người hít phải. Theo thời gian, các chất độc hại này sẽ làm biến đổi các tế bào trong phổi, dẫn đến căn bệnh ung thư phổi quái ác.
Một điều quan trọng khác nữa là không chỉ người hút trực tiếp mới có nguy cơ bị mắc, mà ngay cả những người hút gián tiếp (bị hít phải khói thuốc) cũng có nguy cơ mắc ung thư phổi, thậm chí còn cao hơn cả những người hút thuốc trực tiếp.
Các chuyên gia Bệnh viện K cho biết, ngày nay với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh nhân ung thư phổi ngày càng được phát hiện sớm hơn, tuy nhiên chỉ khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi đến viện ở giai đoạn sớm có khả năng phẫu thuật. Phẫu thuật luôn luôn đóng vai trò quan trọng mang tính triệt căn trong điều trị ung thư phổi. Thế nhưng do đến viện muộn nên phương pháp ưu tiên nhất mà bệnh nhân không đủ điều kiện để phẫu thuật được là hạn chế lớn, mất đi cơ hội điều trị.
Trước đây, các nốt mờ phổi nhỏ, thường để theo dõi, chưa can thiệp, nhưng nay không nên theo dõi nữa, cần chỉ định phẫu thuật sớm. Chỉ định phẫu thuật ung thư phổi thường dành cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm thường là giai đoạn 1, 2 và đầu giai đoạn 3. Ung thư phổi có thể phát hiện ở giai đoạn sớm nhờ chụp cắt lớp vi tính.
Đồng thời, các chuyên gia nhấn mạnh: Điều trị ung thư phổi là điều trị đa mô thức, cùng với phương pháp như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị thì điều trị miễn dịch đã được ứng dụng vào thực hành lâm sàng tại Bệnh viện K trong nhiều năm qua. Đặc biệt mới đây, Bệnh viện K đã ứng dụng Robot vào phẫu thuật ung thư phổi.

Ung thư phổi có phòng ngừa được không?

TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K nhấn mạnh biểu hiện của ung thư phổi thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu, dễ khiến cho người bệnh chủ quan nghĩ rằng đó là các bệnh hô hấp. Các biểu hiện điển hình mà người bệnh cần lưu ý đi khám như: ho khan dai dẳng, sụt cân, đau ngực; ho ra máu...
"Đặc biệt là với những đối tượng nguy cơ cao như người có thói quen hút thuốc lâu năm, tiếp xúc với khói thuốc lá trong một thời gian dài, người sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích ... thì ngay khi có những biểu hiện ban đầu cũng cần phải lưu ý tới khám để phát hiện và điều trị kịp thời"- PGS.TS Phạm Văn Bình nói.
Do đó, cần lưu ý một số triệu chứng thường gặp của giai đoạn sớm bệnh ung thư phổi dưới đây:
- Ho không khỏi và ngày càng nặng hơn.
- Thường xuyên thấy đau ngực.
- Ho ra máu.
- Khó thở, ngạt mũi, khàn giọng.
- Viêm phổi và viêm phế quản tái đi tái lại.
- Phù nề vùng mặt và cổ.
- Mất cảm giác ngon miệng hoặc giảm cân.
- Mệt mỏi.
Để phòng chống ung thư phổi cũng như nhiều bệnh ung thư khác, các chuyên gia khuyến cáo trước hết cần bỏ thuốc lá bởi thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi; hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15-30 lần so với các loại ung thư khác;
Cùng đó phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó hàm lượng đạm, mỡ hợp lý, tăng cường rau xanh, trái cây; Đồng thời thường xuyên rèn luyện, tăng cường sức khoẻ.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh việc mỗi người phải có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Với những người có tiền sử hút thuốc lá, các bác sĩ khuyến cáo sau 40 tuổi, sau 50 tuổi nên đi tầm soát ung thư phổi nói riêng, các bệnh ung thư khác nói chung. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

 

Nhiều nơi vẫn thiếu thuốc, vật tư y tế

Liên tiếp những ngày gần đây, các bệnh viện lên tiếng phản ánh việc thiếu thuốc, vật tư. Dù từ tháng 3.2023, hàng loạt quy định mới được ban hành, nhưng đến nay vẫn còn nhiều khó khăn trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Thiếu thuốc nhiều nơi

Tại Bình Phước, bệnh nhân có bảo hiểm y tế vẫn phải mua một loạt danh mục vật tư tiêu hao như gạc phẫu thuật, bơm, kim tiêm, chỉ, dao mổ, băng keo, mũ phẫu thuật, bộ nẹp, nẹp khóa mâm chày…
Còn theo Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu, hai bệnh viện lớn của tỉnh này là Bệnh viện Bà Rịa và Bệnh viện Vũng Tàu đều đang đối mặt với tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh ở thời điểm hiện tại và trong thời gian tới. Nguyên nhân thiếu thuốc là do các mặt hàng thuốc tăng giá cao hơn so với kết quả trúng thầu được công khai trên cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược nên các nhà thầu không dự thầu.
Ngoài ra, cũng do khó khăn về tài chính của bệnh viện nên chưa thanh toán công nợ cho các công ty dược theo cam kết, gây ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng thuốc.
Giải pháp trước mắt của ngành Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là điều tiết thuốc giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài tỉnh, đồng thời đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm, vận động, thuyết phục bệnh nhân dùng thuốc thay thế tương tự.

Kiên trì và linh hoạt để có đủ thuốc

Một ngày tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện 250-270 ca mổ phiên và 30-40 ca cấp cứu, tuyệt đại đa số đều là trường hợp nặng cần rất nhiều vật tư tiêu hao.
TS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - cho biết: "Trong điều kiện không ít mặt hàng thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị từ các nhà cung ứng bị gián đoạn do bị đứt gãy nguồn cung, cùng đó nhiều vật tư, dụng cụ phẫu thuật của chuyên ngành ngoại khóa chỉ có 1-2 nhà cung ứng đã tạo ra không ít áp lực và ảnh hưởng đến công tác lập kế hoạch của bệnh viện”.
Thời gian qua nhiều quy định trong quy trình đấu thầu, mua sắm của bệnh viện đã được rút ngắn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Cùng đó, Ban Giám đốc giao các nhóm chuyên môn cụ thể như nhóm dược, nhóm vật tư có khoảng thời gian nhất định để thực hiện các công đoạn của việc đấu thầu, mua sắm.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Phó Giám đốc Trịnh Ngọc Hải cho biết, với phương châm kiên trì và linh hoạt nên bệnh viện đã thực hiện đấu thầu, mua sắm thành công hơn 50 gói thầu trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị.
“Cùng với việc xây dựng và ban hành quy trình đấu thầu, mua sắm riêng từng nhóm hàng hóa thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm, bệnh viện đã thành lập Hội đồng khoa học chuyên sâu với sự tham gia của nhiều chuyên gia các khoa, phòng, trung tâm.
Các Hội đồng nhỏ như Hội đồng mua sắm thuốc, Hội đồng mua sắm trang thiết bị y tế; Hội đồng mua sắm vật tư - sinh phẩm xét nghiệm cũng được thành lập song song để chịu trách nhiệm thẩm định về danh mục, hoạt chất của thuốc, cấu hình, tính năng kỹ thuật của trang thiết bị, vật tư y tế… Sau đó, bệnh viện triển khai đấu thầu, mua sắm trên cơ sở ý kiến của các hội đồng” - Phó Giám đốc Trịnh Ngọc Hải cho hay.
Riêng về trang thiết bị, vật tư sẽ chia theo nhóm có tính năng, kỹ thuật tương đồng để nâng cao tính cạnh tranh, nhiều nhà thầu có thể tham gia và bệnh viện có thể lựa chọn được nhà thầu cung ứng sản phẩm có chất lượng tốt, giá hợp lý.
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng từng rơi vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Từ 1.3.2023, Nghị quyết 30 của Chính phủ đã tháo gỡ được những khó khăn cơ bản, kèm theo đó là Nghị định 07 về thông quan cho vật tư thiết bị, thuốc men, hóa chất vào trong nước một cách thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cũng thẳng thắn cho biết: "Tại Bệnh viện Bạch Mai không thể tránh khỏi đôi lúc thiếu vật tư tiêu hao, thiếu thuốc mang tính chất cục bộ do nhiều nguyên nhân khách quan như đứt chuỗi cung ứng. Một số thuốc trúng thầu rồi, nhưng nhà thầu không cung ứng được do đứt chuỗi cung ứng tại nước sản xuất…". (Lao động, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang