Thu giữ hàng chục nghìn hộp thực phẩm chức năng nghi hàng giả
Ngày 7-1, Phòng Cảnh sát kinh tế CATP.Hà Nội cho biết, đơn vị đang tạm giữ hàng nghìn hộp thực phẩm chức năng không có hóa đơn chứng từ hàng hóa.
Trước đó, ngày 5-1, Đội chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát kinh tế CATP.Hà Nội phối hợp Đội quản lý thị trường số 15- Chị cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp kiểm tra đồng loạt các công ty kinh doanh thực phẩm chức năng trên địa bàn thành phố.
Qua kiểm tra các công ty TNHH thương mại điện tử Việt Hàn, công ty TNHH kinh doanh thực phẩm An Minh cùng trú tại phường Mỗ Lao, Hà Đông và công ty xuất nhập khẩu và kinh doanh VHP tại Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng lực lượng chức năng đã phát hiện hàng nghìn sản phẩm gồm: tinh dầu Omega3, nước sâm gold kids, đông trùng hạ thảo viên red, cao sâm, nấm linh chi, kem dưỡng da, sữa tắm đều do nước ngoài sản xuất.
Tổ công tác yêu cầu các chủ công ty nói trên xuất trình hóa đơn, chứng minh nguồn gốc hàng hóa nhưng không có. Cơ quan Công an đã tiến hành kiểm đếm và niêm phong hơn 18.000 sản phẩm hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất, chủ yếu từ Hàn Quốc, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ để phục vụ công tác điều tra. Theo tường trình của các công ty, hàng hóa chủ yếu được thu mua theo dạng xách tay từ nước ngoài mang về để bán kiếm lời. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra mở rộng. (* An ninh Thủ đô, Nhân dân (trang 3))
Không nên lo lắng khi dầu cá ăn mòn xốp
Chiều 7-1, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã gặp các cơ quan thông tấn, báo chí, nhằm làm rõ hiện tượng thực phẩm chức năng dầu cá được người dân ở tỉnh Quảng Ngãi phát hiện có dấu hiệu ăn mòn xốp, gây lo lắng cho người tiêu dùng.
Cục trưởng An toàn thực phẩm (ATTP), TS Nguyễn Thanh Phong cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin nêu trên, Cục đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quảng Ngãi báo cáo khẩn nội dung sự việc; đồng thời yêu cầu Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia lấy mẫu và phân tích các loại dầu cá là thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường. Ngay trong đêm 6-1, Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia đã thử nghiệm các loại dầu cá có nguồn gốc khác nhau (Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Việt Nam) tất cả các loại dầu cá đều có hiện tượng ăn mòn xốp. Đến sáng nay (ngày 7- 1) chưa phát hiện bất thường về ATTP đối với các sản phẩm dầu cá nói trên. Đáng chú ý, ngay tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí chiều qua, cán bộ của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia đã tiến hành thử nghiệm ba sản phẩm dầu cá của Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam. Sau hơn tám phút, sản phẩm của Mỹ có mức ăn mòn hộp xốp nhanh nhất, sau đó đến của Việt Nam và Trung Quốc.
Cục ATTP cũng đang liên hệ với các tổ chức quốc tế và các chuyên gia về ATTP để tìm hiểu thông tin liên quan. Theo thông tin bước đầu từ các chuyên gia, dầu cá tự nhiên có chứa chất béo không ester hóa, nhưng nếu để như vậy thì rất dễ bị phân hủy. Vì vậy, để bảo đảm ổn định, đồng thời tạo ra các đặc tính có lợi khác, các loại dầu cá đều được ester hóa. Với bản chất là chất béo ester hóa như vậy, cho nên tất cả các loại dầu cá đều có tác dụng làm tan xốp (thành phần là polystyrene) và thời gian tan nhanh hay chậm tùy thuộc từng loại dầu cá khác nhau. Trong cơ thể người không có polystyrene (như xốp) nên khi sử dụng dầu cá sẽ không có tương tác như vậy và sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khỏe người sử dụng. Dầu cá đưa vào cơ thể người được hấp thụ và chuyển hóa thành những chất có lợi cho sức khỏe.
Riêng đối với hai lọ dầu cá ở Quảng Ngãi, Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi đã điều tra làm rõ đây không phải là sản phẩm đã được nhập khẩu chính thống vào Việt Nam, mà là sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, Cục ATTP yêu cầu Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện truy xuất nguồn gốc, điều tra tận gốc đối với các sản phẩm trên. Cục ATTP khuyến cáo người dân không nên lo lắng; không mua, sử dụng thực phẩm nói chung, thực phẩm chức năng nói riêng không rõ nguồn gốc xuất xứ; không được công bố và không được phép lưu hành tại Việt Nam… (* Nhân dân (trang 8))
Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 6: “Cục ATVSTP, Bộ Y tế: Dầu cá bào mòn xốp là chuyện bình thường”; Thanh niên trang 8: “Dầu cá “ăn mòn”hộp xốp là bình thường”; An ninh Thủ đô trang 1: “Dầu cá Omega-3 ăn mòn xốp: không gây hại đến sức khỏe con người”; Hà Nội mới trang 5: “Các loại dầu cá đều bào mòn xốp những không gây hại cho sức khỏe.;
Thống nhất đầu mối quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm
Quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nông, lâm, thủy sản được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN và PTNT). Ngay từ đầu năm 2015, Bộ NN và PTNT đã ban hành kế hoạch hành động năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, và tháng 10-2015, Bộ đã phát động Đợt cao điểm hành động trong năm VSATTP. Kết quả cho thấy, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn ở mức cao, một số chỉ số ATTP chưa có cải thiện so với năm 2014.
Cụ thể 0,88% số mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng/vượt ngưỡng cho phép; 8,6% số mẫu rau có dư lượng hoạt chất cấm và thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép (năm 2014 là 5,43%); 21,2% số mẫu thịt phát hiện có salmonella, 2,5% số mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng. Trong đợt cao điểm hành động năm VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp vừa qua, các cơ quan thuộc Bộ đã phối hợp với C49 (Bộ Công an) phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán, sử dụng chất cấm (salbutamol, vàng ô) trong chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Hiện tại đã thống kê được hơn 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi với hơn 100 mã sản phẩm có dấu hiệu, nghi vấn vi phạm; phát hiện và xử lý 13 công ty. Dù các đơn vị chức năng đã rất quyết liệt, nhưng những con số trên đã phần nào cho thấy, hiệu quả quản lý chất lượng VSATTP là chưa cao, chưa thật sự có những biến chuyển lớn so với các năm trước.
Để quản lý nhà nước trong lĩnh vực này hiệu quả hơn, cần tập trung khắc phục ở các khâu: Một là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP phức tạp, chồng chéo và mâu thuẫn. Luật về ATTP ban hành năm 2010 nhưng các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành. Việc quản lý ATTP cùng lúc được giao cho ba bộ: Y tế, Công thương, NN và PTNT nên còn chồng chéo, thiếu sự phối hợp trong việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật. Hai là, tăng cường kiểm soát các phòng kiểm nghiệm thiếu chặt chẽ. Hiện vẫn có tình trạng cùng một mẫu sản phẩm có thể cho kết quả khác nhau ở các phòng kiểm nghiệm khác nhau, còn có tình trạng độc quyền kiểm nghiệm. Chưa có văn bản nào quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền khi có vấn đề ATTP xảy ra. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa hoàn thiện, còn nhiều tiêu chuẩn chưa phù hợp quy định quốc tế. Thông tin về ATTP đến người tiêu dùng còn hạn chế, chủ yếu là từ báo, đài. Ba là, cần xử lý mạnh tay hơn với những trường hợp vi phạm. Hiện tượng bơm nước cho bò, heo, bơm agar vào tôm, dùng bột vàng ô trộn vào thức ăn cho gà, gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng chưa có văn bản nào quy định xử lý hình sự cho các hành vi này.
Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc chấm dứt tình trạng cả ba bộ cùng quản lý ATTP. Cần thống nhất một đầu mối chủ trì điều hành và chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP phải khác với các quy định thông thường theo hướng nghiêm khắc, tăng nặng hình phạt và mức tiền phạt mới đủ sức răn đe, khắc phục tình trạng vi phạm tràn lan như hiện nay. (* Nhân dân (trang 1))
Tuyên dương những thầy thuốc trẻ bám bản
Ngày 7/1, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ 3, nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra phiên trọng thể. Đại hội đã tuyên dương 30 thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu có thành tích xuất sắc.
Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch danh dự Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam biểu dương những nỗ lực, cống hiến, thành công của Hội Thầy thuốc trẻ trong nhiệm kỳ vừa qua.
Đại hội đã thông qua kết quả hiệp thương Ban Chấp hành T.Ư Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 108 anh, chị. PGS.TS Trần Văn Thuấn - Phó Giám đốc Bệnh viện K, tiếp tục làm Chủ tịch Hội.
Tuyên dương thầy thuốc bám bản
Đại hội tuyên dương 30 thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu xuất sắc là những người không ngại khó khăn bám bản chăm sóc sức khỏe nhân dân các xã nghèo 135, trạm xá các trại giam, trại tạm giam, bệnh xá, phòng khám quân dân y kết hợp.
Tiêu biểu, nữ hộ sinh Nin (SN 1972, dân tộc Sê Đăng) có 16 năm công tác tại Trạm Y tế xã Ea Yiêng (Krông Pắc, Đắk Lắk), nhiều năm liền đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Chị đã làm tốt công tác tư vấn, thường xuyên tư vấn cho các chị em về tâm lý, vật chất chuẩn bị cho sinh nở; tư vấn chế độ dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, vận động và thực hiện tốt chương trình chống suy dinh dưỡng ở trẻ.
“Hội cần phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của đội ngũ thầy thuốc trẻ vì sức khỏe nhân dân. Sự tham gia của lực lượng thầy thuốc trẻ sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng góp phần tạo cơ hội cho những người dân tộc, người nghèo, người ở vùng khó khăn tiếp cận với những dịch vụ y tế có chất lượng”.
Chị Nin cho biết, Ea Yiêng là xã nghèo nhất huyện, có 1.120 hộ dân phần lớn là dân tộc Sê Đăng. Đời sống khó khăn, trình độ dân trí hạn chế. Kể về lý do quyết tâm theo học ngành hộ sinh tại Trường Trung cấp Y tế Đắk Lắk, chị Nin bảo: Trước đây, thai phụ ở Ea Yiêng, đến kỳ sinh nở thường nhờ người thân đỡ đẻ tại nhà và cắt rốn cho trẻ bằng cây lồ ô (gần giống tre nứa – PV) hoặc dao lam. “Không ít trường hợp trẻ sơ sinh sau khi cắt rốn bằng cây lồ ô, dao lam bị viêm nhiễm, đến ngày thứ 6 thì ra đi”, chị Nin nói.
Năm 1999, tốt nghiệp ra trường và được phân công về Trạm Y tế xã Ea Yiêng, chị Nin không quản ngại khó khăn cuốc bộ vượt núi đến từng buôn làng để tuyên truyền, vận động sức khỏe sinh sản, công tác chuẩn bị sinh nở, gây dựng mạng lưới y tế bản... Bên cạnh đó, chị còn phụ trách chương trình phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, chương trình lao và góp phần làm giảm đáng kể bệnh sốt rét, sốt xuất huyết trên địa bàn.
Hơn 15 năm nay, bác sĩ Vũ Hoàng Toàn (SN 1980, Trưởng Trạm Y tế xã Xuân Lai) là chỗ dựa vững chắc của đồng bào dân tộc Tày, Dao và Cao Lan tại xã đặc biệt khó khăn Xuân Lai (Yên Bình, Yên Bái). Những ngày đầu bám bản công tác, anh Toàn phải đối diện với những thách thức đối với công tác chăm sóc sức khỏe là sự nghèo đói, hủ tục trong đời sống đồng bào. Bác sỹ Toàn vẫn nhớ và ám ảnh trường hợp sản phụ người Cao Lan đến trạm y tế trong tình trạng nguy kịch. “Theo phong tục của người dân tộc Cao Lan, sản phụ này sinh con tại nhà và đã đau đẻ hai ngày. Đến trạm, đứa bé đã mất trong bụng mẹ, chúng tôi chỉ có thể cứu được sản phụ”, anh Toàn cho hay. Sự ám ảnh ấy chính là động lực giúp anh Toàn quyết tâm bám bản chia sẻ khó khăn với đồng bào; đồng thời không ngừng nâng cao chuyên môn tay nghề. Anh còn tham mưu cho Ban chỉ đạo chuẩn Quốc gia về y tế xã kịp thời triển khai các nội dung xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế xã Xuân Lai theo tiêu chí mới đúng tiến độ. Năm 2012, xã Xuân Lai đã đạt tiêu chí chuẩn Quốc gia về y tế mới đầu tiên của huyện Yên Bình.
Đại úy, bác sỹ quân y Nguyễn Nam Giang (SN 1973, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Hà Tĩnh) công tác trong lĩnh vực y tế từ năm 1997. 5 năm nay, anh gắn bó với tổ công tác cắm bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê), chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc Chứt. Anh Giang vẫn nhớ lần cấp cứu một nam thanh niên uống rượu cầm dao tự đâm vào tay. Khâu vết thương xong, anh cẩn thận kê đơn thuốc uống một tuần. Nhưng ngày hôm sau, nam thanh niên này quay lại xin thuốc khiến bác sỹ Giang tá hỏa. “Đây là kỷ niệm và cũng là bài học cho tổ quân y chúng tôi về đảm bảo an toàn trong kê đơn thuốc. Những lần sau rút kinh nghiệm, bệnh nhân được phát thuốc theo ngày và uống thuốc trước sự giám sát của bác sỹ”, anh Giang nói. (* Hà Nội mới, Lao động, Thanh niên, Tiền phòng (trang 1))
Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay trang 2: “Quyết tâm thực hiện sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân”
Thông tin dầu cá ăn mòn hộp xốp: Thực hư thế nào?
Ngay sau khi nhận được thông tin, đêm 6/1, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành thử nghiệm với các loại dầu cá có nguồn gốc khác nhau.
* Về thông tin sản phẩm dầu cá Omega 3 tại Quảng Ngãi bị nghi độc hại vì khi tiếp xúc với bề mặt miếng xốp đã bào mòn, xuyên thủng vật liệu này chỉ trong 10 phút gây hoang mang dư luận, chiều ngày 7/1, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức họp báo làm rõ.
Ngay sau khi nhận được thông tin, đêm 6/1, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp với Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành thử nghiệm với các loại dầu cá có nguồn gốc khác nhau. Từ kết quả thử nghiệm này, tại cuộc họp báo, cơ quan chức năng đã khẳng định, việc dầu cá ăn mòn hộp xốp là hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tất cả các loại dầu cá đều ăn mòn xốp
Tại cuộc họp báo, TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, sau khi nhận được báo cáo của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi về sản phẩm dầu cá Omega-3 ăn mòn xốp, ngay trong đêm 6/1, Cục đã phối hợp với Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành thử nghiệm với các loại dầu cá có nguồn gốc khác nhau như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Việt Nam. Kết quả tất cả các loại dầu cá đều ăn mòn xốp. Kết quả phân tích trên máy trong sáng ngày 7/1 cũng chưa phát hiện điều gì bất thường về an toàn thực phẩm trong các mẫu dầu cá đã thử nghiệm. Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cung cấp thêm thông tin: Chúng tôi đã liên hệ với các tổ chức quốc tế cũng như các chuyên gia hàng đầu trong nước và được biết, dầu cá tự nhiên có các chất béo không ester hóa, nhưng nếu để như vậy thì dầu cá dễ bị phân hủy, biến chất. Vì thế, để đảm bảo độ ổn định và bảo quản được lâu hơn, các loại dầu cá thường được nhà sản xuất ester hóa. Với bản chất này, tất cả các loại dầu cá đều có tác dụng làm tan xốp (vì trong xốp có thành phần là polystyrene), thời gian hòa tan nhanh hay chậm tùy thuộc vào từng loại dầu cá khác nhau
“Khi vào cơ thể con người không có polystyrene như xốp nên khi sử dụng dầu cá sẽ không bào mòn ruột, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi vào cơ thể con người, dầu cá qua quá trình hấp thu và phân hủy sẽ tạo ra các chất có lợi cho sức khỏe. Sản phẩm không ăn mòn thì có thể không được ester hóa, như vậy thời gian bảo quản sẽ ít hơn”- TS. Phong khẳng định.
Công dụng của dầu cá tự nhiên và dầu cá ester khác nhau thế nào?
Trước câu hỏi, giữa dầu cá tự nhiên và dầu cá ester hóa có gì khác biệt về công dụng, về tác động với sức khỏe con người, TS. Phong giải thích: dầu cá tự nhiên có chứa các chất béo không ester hóa, nhưng nếu để vậy dầu cá sẽ bị phân hủy. Vì thế để đảm bảo ổn định đồng thời để tạo ra các đặc tính có lợi khác, các loại dầu cá đều được ester hóa. Nhưng việc ester hóa không có nghĩa là dầu cá không còn tự nhiên, mà là để bảo quản, không làm chất béo trong dầu cá bị phân hủy và tác dụng của dầu cá là còn nguyên. Còn nếu không ester hóa, chất béo không ester có thể chưa mất tác dụng ngay từ ban đầu nhưng sẽ mất đi theo thời gian. Vì thế, các loại sản phẩm trên thị trường hầu như đều ester hóa bởi nó không gây hại cho sức khỏe con người, không làm bào mòn ruột mà giữ được chất béo dầu cá tốt hơn.
Để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo: người tiêu dùng có thể vào website chính thức của Cục An toàn thực phẩm đều có đầy đủ thông tin về công ty, sản phẩm, số công bố để người tiêu dùng có thể so sánh, đối chiếu, biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng trôi nổi.
Được biết, sắp tới Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với một số đơn vị làm công nghệ, người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại di động soi vào mã số vỏ hộp sẽ hiện ra tên công ty, tên sản phẩm, ngày công bố bao nhiêu, số công bố như thế nào, hạn dùng ra sao. (* Sức khỏe & Đời sống (trang 1))
Đầy mạnh sản xuất vắc xin trong nước
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về tình hình cung ứng và sử dụng vắc xin.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, tổ chức giám sát các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thực hiện các quy chế chuyên môn trong tiêm chủng đúng quy định; tăng cường quản lý chất lượng, giá vắc xin và chi phí dịch vụ tiêm chủng.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng trình Chính phủ và xây dựng lộ trình tiến tới thực hiện tiêm chủng vắc xin mở rộng thống nhất theo thông lệ quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện tin học hóa trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng.
Đồng thời phát triển mạnh nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước; tích cực phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án Đầu tư nhà máy sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ. (* Sức khỏe & Đời sống (trang 1))