Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/1/2021

  • |
T5g.org.vn - Giữ chặt nội địa, ngăn dịch Covid-19 từ bên ngoài; Biến chủng SARS-CoV-2 không làm ảnh hưởng đến thử nghiệm vaccine COVID-19; Sắp thử nghiệm trên người vắc xin thứ 2

 

Giữ chặt nội địa, ngăn dịch Covid-19 từ bên ngoài

Ngày 7-1, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, ở trong nước vào thời điểm sắp đến Tết Nguyên đán và chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII, cùng với đó là nhiều sự kiện chính trị, văn hóa nên Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có những chỉ thị về phòng chống dịch Covid-19.

Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất mặc dù các nhà khoa học đang tiếp tục theo dõi, nghiên cứu biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nhưng về cơ bản chúng ta không thay đổi chiến thuật chống dịch là giữ chặt nội địa, ngăn dịch bên ngoài. 

Ở trong nước, từng bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá và cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch (www.antoancovid.vn), cùng với việc kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp từ bên ngoài.

Đối với những trường hợp khó khăn, không đủ khả năng chi trả chi phí cách ly tập trung, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng theo hướng ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ.

Đối với các chuyến bay giải cứu, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị lực lượng chức năng rà soát lại năng lực các khu cách ly tập trung, thực hiện đúng việc cách ly an toàn. 

Đồng thời, các địa phương phải tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh những nơi có dấu hiệu lơi lỏng trong thực hiện theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú đối với người hoàn thành cách ly tập trung trong vòng ít nhất 14 ngày.

Đối với một số trường hợp cá biệt (sau khi nhập cảnh 14 ngày, xét nghiệm nhiều lần mới phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị rà soát, đánh giá lại quy định nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung.

Tại cuộc họp, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thế giới đã ghi nhận 38 quốc gia có biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó 12 quốc gia có lây nhiễm ra cộng đồng. Hiện có 70 quốc gia đưa ra lệnh hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh và các quốc gia ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2 để ngăn chặn biến thể mới lây lan.

- Cùng ngày, tại Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị Covid-19, GS-TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ Hội chẩn, đã chủ trì buổi hội chẩn 2 ca bệnh Covid-19 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Bệnh nhân 1.465 (61 tuổi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu, từ Mỹ nhập cảnh ngày 21-12), có tiền sử cắt thùy giáp bên phải. Bệnh nhân này đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có biểu hiện suy giáp, cơ yếu, suy tim, tắc mạch phổi...

Hội đồng chuyên môn đề nghị bệnh viện xem xét lọc máu, sử dụng ECMO, tăng cường dinh dưỡng tĩnh mạch. Đối với ca bệnh 1.405 (74 tuổi, bệnh nhân từ Mỹ trở về) có tiền sử viêm gan B mãn, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, hiện sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tích cực hơn, tuy nhiên tiên lượng còn nặng.

- Ngày 7-1, ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết, tài xế chở bệnh nhân 1.440 âm tính lần 2 với SARS-CoV-2. Cụ thể, Viện Pasteur TPHCM vừa gửi kết quả âm tính lần 2 với SARS-CoV-2, đối với anh M.V.T. (30 tuổi, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) là tài xế đã chở BN 1.440 và những người khác nhập cảnh trái phép qua biên giới thuộc địa bàn huyện An Phú (An Giang) ngày 24-12. Hiện tình trạng sức khỏe anh T. bình thường, không có biểu hiện ho, sốt và đang được cách ly, theo dõi sức khỏe tại Trung tâm Y tế huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

 Tối 7-1, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày cả nước có thêm 4 ca mắc mới dịch Covid-19 (ca bệnh thứ 1.506 - 1.509) là người nhập cảnh được cách ly tại Phú Yên. Cả nước đã chữa khỏi 1.353 bệnh nhân. Trong số bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị, có 27 ca đã âm tính với virus SARS-CoV-2 (Sài Gòn giải phóng, trang 1). 

 

Biến chủng SARS-CoV-2 không làm ảnh hưởng đến thử nghiệm vaccine COVID-19

Trước tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, Việt Nam đã chính thức ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Vậy tiến trình thử nghiệm vaccine COVID-19 của Việt Nam có bị ảnh hưởng hay không? Và liệu vaccine đang thử nghiệm có khả năng bảo vệ con người trước những biến chủng SARS-CoV-2 mới?

Cam kết vaccine có khả năng bảo vệ 100% trên tất cả chủng

Những biến chủng SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, khiến tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Liệu sự biến chủng của virus SARS-CoV-2 có ảnh hưởng đến tiến trình sản xuất và thử nghiệm vaccine COVID-19 trong nước hay không? Trả lời vấn đề này, GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận định, kháng nguyên của vaccine COVID-19 tác động đến protein S của virus SARS-CoV-2, trong khi đó, đột biến của virus này chỉ xảy ra ở một số miền nên không ảnh hưởng tiến trình thử nghiệm lâm sàng của vaccine tại Việt Nam.

Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, những bệnh nhân mang chủng này đã được cách ly tập trung tuyệt đối sau khi trở về từ nước ngoài, được quản lý chặt chẽ nên không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Đối với tất cả mẫu bệnh phẩm từ người nghi ngờ được gửi đến, các viện đều tiến hành phân tích, giải trình tự gien để phát hiện kịp thời các biến chủng.

Hiện nay, vaccine Nanocovax của NANOGEN đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và công ty này cam kết vaccine có khả năng bảo vệ 100% trên tất cả chủng virus.

Ông Hồ Nhân - Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ sinh học dược NANOGEN - cho biết: SARS-CoV-2 liên tục biến chủng. Điều đó đã lường trước. Từ chủng virus đầu tiên ở Vũ Hán, sau đó là chủng mới bên Châu Âu, Nam Mỹ, rồi đến chủng virus lạ ở Đà Nẵng hồi tháng 7.2020... Nếu cứ thay đổi nghiên cứu thì phải chạy theo biến chủng. Từ đó, Nanogen quyết định nghiên cứu vaccine theo chủng thông dụng, nếu sau này virus có biến chủng thành chủng gì đó thì vaccine của Nanogen cũng có thể tạo ra một loại kháng thể có khả năng thích ứng được. Chỉ cần tiêm vaccine, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể bảo vệ trước các chủng virus khác nhau của SARS-CoV-2.

"Giống như cúm mùa, chúng ta không thể hy vọng với 2 mũi tiêm, cách nhau 6 tháng mà có thể bảo vệ được mãi mãi, mà chúng ta phải sử dụng vaccine hàng năm. Chúng tôi có đưa ra phương án làm ra những loại vaccine dạng khác như xịt mũi, nhỏ mắt dành cho những đối tượng không tiêm được vaccine như có bệnh nền, bị ốm..."- ông Hồ Nhân cho hay.

Biến thể SARS-CoV-2 không ảnh hưởng đến tiến trình thử nghiệm

Cuối tháng 1 này, Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) sẽ đưa vaccine Covivac vào thử nghiệm lâm sàng. Tiến sĩ Dương Hữu Thái - Viện trưởng - cho biết, hiện nay các nghiên cứu khoa học chưa có đánh giá về tác động của vaccine đối với chủng mới. Do đó, biến thể này chưa ảnh hưởng tới tiến trình thử nghiệm vaccine COVID-19 của IVAC.

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 VABIOTECH cũng đã đạt đủ điều kiện an toàn khi thử nghiệm trên động vật, đang trong giai đoạn hoàn tất thử nghiệm để có đủ kết quả đánh giá đáp ứng miễn dịch và khả năng bảo vệ của vaccine trên động vật.

Về phía VABIOTECH, ông Đỗ Tuấn Đạt - Giám đốc VABIOTECH cho biết, các nhà khoa học đã lần nhiều ghi nhận sự biến chủng của virus này. Ở mỗi lần đột biến, các chủng của nó có khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn.

Ông Đạt cho hay, đối với vaccine COVID-19, thông thường, nhà sản xuất sẽ chọn vùng gene ổn định nhất của virus để tạo ra đáp ứng miễn dịch. Theo đó, vùng gene được lựa chọn phải có tính chất ổn định nhất về mặt di truyền, bảo đảm tính bền vững. Bởi vì nếu chọn vùng gene không bền vững, khi tác động đến hệ miễn dịch cơ thể, nó sẽ không tạo ra vùng miễn dịch. Do đó, các nhà nghiên cứu thường phải có một số thay đổi nhất định đối với vùng gene mong muốn để làm vaccine.

Hiện tại, các nhà sản xuất chỉ lo ngại nhất là virus đột biến trên vùng gene được lựa chọn. Tuy nhiên, đột biến của virus này tại Anh đúng ngay vùng gene mà các nhà sản xuất lựa chọn để làm vaccine (vùng S) nên các nhà khoa học tiếp tục theo dõi diễn biến của của biến thể này để đánh giá tiếp.

Việt Nam cũng đã chính thức ghi nhận biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Anh vào ngày 2.1 khi phân tích mẫu bệnh phẩm của BN1435 (nữ, 45 tuổi, trú tại Trà Vinh) - trở về từ Anh ngày 22.12.2020 và được cách ly tập trung ngay tại Trà Vinh. Mẫu bệnh phẩm mang virus của bệnh nhân 1435 được Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh phân loại và giải trình tự gene phát hiện người này nhiễm chủng SARS-CoV-2 biến thể VOC 202012/01.

Đây là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây. Đồng thời, chủng virus gây bệnh cho BN1435 cũng có đột biến D614G - một biến chủng gây ra tình trạng lây lan nhanh virus SARS-Co-2 cách đây khoảng 5 tháng.

Theo các chuyên gia dịch tễ, các loại virus gây bệnh truyền nhiễm luôn đột biến theo thời gian, đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp, trong đó có SARS-CoV-2. Việc virus biến chủng là dấu hiệu cho thấy chúng đang dần thuần hơn, bắt đầu thích nghi hơn với con người. Khi đó, chúng có tốc độ lây lan nhanh hơn, khả năng lây từ người này sang người khác dễ dàng hơn nhưng không làm tăng nặng hơn tình trạng của bệnh tật.

Đối với trường hợp đầu tiên mang biến chủng mới phát hiện ngày 2.1, may mắn Việt Nam đã cách ly tập trung và đã có những biện pháp phân tích, giải trình tự gene ngay để phát hiện biến thể mới đột biến nên không có khả năng biến chủng này lọt ra ngoài cộng đồng (Lao động, trang 7).

 

Sắp thử nghiệm trên người vắc xin thứ 2

 Vắc xin ngừa COVID-19 thứ 2 chờ Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế thẩm định hồ sơ sẽ tiến hành thử nghiệm trên người.

Ông Dương Hữu Thái, viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC, trụ sở tại Khánh Hòa), cho biết trong tuần tới sẽ nộp hồ sơ chính thức lên Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế để đơn vị này có cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả, tác dụng phụ... của loại vắc xin mới, sau đó mới thử nghiệm trên người. Về cơ bản IVAC đã chuẩn bị xong 90% thủ tục để gửi lên Hội đồng đạo đức, gồm hồ sơ chuyên môn, giấy chứng nhận chất lượng, kết quả báo cáo đầy đủ của vắc xin.

Đây là vắc xin thứ hai của Việt Nam do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế nghiên cứu được đưa vào thử nghiệm trên người, sau vắc xin Nanocovax của Công ty Nanogen thử nghiệm trên người giai đoạn 1 từ ngày 17-12-2020.

Dự kiến thử nghiệm cuối tháng 1-2021

Vắc xin do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế nghiên cứu đã được thử nghiệm thành công trên động vật như chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ... đã cho kết quả vắc xin an toàn, tạo khả năng miễn dịch cao trên động vật. Vì vậy Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế đã đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm trên người vào cuối tháng 1-2021, sớm hơn dự kiến ban đầu hai tháng.

"Viện có cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm và có sẵn dây chuyền sản xuất vắc xin cúm, có thể chuyển đổi sang vắc xin mới với công suất hàng chục triệu liều/năm được Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Chúng tôi sẽ tiếp tục chuẩn bị thêm phương án tổ chức, phương án kinh phí cho cuộc thử nghiệm, sớm đưa vắc xin đến người dân", ông Thái nói.

Theo ông Thái, viện bắt đầu thực hiện nghiên cứu vắc xin Covivac từ tháng 5-2020 với mục tiêu sản xuất được vắc xin và hoàn thành thử nghiệm lâm sàng ba giai đoạn trong 18 tháng. "Qua những thử nghiệm, sàng lọc ban đầu cho kết quả rất khả quan, chủng phát triển tốt, thích ứng với quy trình công nghệ hiện có. 

Việc thử nghiệm trên người phải trải qua ba giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 kết thúc vào tháng 4-2021. Nếu kết quả của ba giai đoạn đều tốt, vắc xin COVID-19 thứ hai của Việt Nam sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2021", ông Thái nói.

Thử nghiệm trên 3 nhóm

Theo kế hoạch, IVAC sẽ phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Đại học Y Hà Nội thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covivac. Vắc xin sẽ được chia ra nhiều hàm lượng liều khác nhau ứng với liều tiêm khác nhau để thử nghiệm lâm sàng trên 125 người tình nguyện, thuộc ba nhóm đối tượng. 

Các tình nguyện viên giai đoạn 1 có độ tuổi từ 18-59, khỏe mạnh, không mắc bệnh nền, cùng nhiều tiêu chí đặc thù khác. Dự kiến liều lượng tiêm cho mỗi đối tượng là 1mcg, 3mcg và mỗi đối tượng tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày.

Sau khi tiêm, toàn bộ tình nguyện viên sẽ được theo dõi tình trạng sức khỏe, phản ứng của vắc xin, nếu diễn ra thuận lợi sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Khi được hỏi về tác dụng phụ khi tiêm vắc xin, ông Thái cho biết: "Tất cả các vắc xin đều có khả năng có tác dụng phụ chứ không chỉ riêng vắc xin Covivac. Tuy nhiên, tác dụng phụ có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Nhưng phản ứng thông thường sẽ gặp là sốt, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi toàn thân. Một số phản ứng phụ nặng hơn liên quan đến cơ địa không do vắc xin mà do cơ thể phản ứng phản vệ lại với vắc xin. 

Vì thế, trong các nghiên cứu về vắc xin, chúng tôi đều chuẩn bị tất cả các tình huống xấu nhất có thể xảy ra để ứng phó kịp thời. Sau khi xem xét hồ sơ, thẩm định từ Hội đồng đạo đức mới quyết định vắc xin được thử nghiệm lâm sàng".

Theo ông Thái, IVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi để thực hiện quy trình sản xuất vắc xin COVID-19, đây cũng là công nghệ được nhiều viện nghiên cứu vắc xin trên thế giới sử dụng. IVAC có giống gà nhập từ Pháp, được lấy trứng theo quy trình sạch để phục vụ nghiên cứu và đã thành công với sản xuất vắc xin A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm.

Khi nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19, viện sử dụng chủng NDV-Lasota-S làm vector biểu hiện protein S của virus corona. Đây là chủng có độc lực thấp được sử dụng trong nhiều loại vắc xin. Quá trình sản xuất vắc xin trải qua nhiều bước. 

Đầu tiên, chủng NDV-Lasota-S được tiêm vào dịch niệu đệm trứng gà. Bước này giúp nuôi cấy virus. Khi chúng nhân bản, túi dịch chứa virus trong trứng gà được hút ra ngoài để tinh chế, lọc tách. Sau đó, virus được bất hoạt, không còn khả năng gây bệnh nhưng vẫn giữ nguyên đặc tính ban đầu rồi đưa vào bào chế sản xuất vắc xin.

Vắc xin Nanogen thử nghiệm trên 20 người cuối cùng

Chính thức bước vào giai đoạn thử nghiệm từ ngày 17-12-2020, sau hơn nửa tháng vắc xin Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen được chuyển sang tiêm thử nghiệm trên 20 người cuối cùng, nhóm liều 75mcg của giai đoạn 1.

Trong lúc biến thể VUI-202012/01 của virus corona tại Anh chưa ngừng lây lan trên diện rộng, thế giới lại bước vào mối lo mới khi biến thể 501.V2 xuất hiện tại Nam Phi. Hơn bao giờ hết việc có trong tay một loại vắc xin càng sớm đang là mục tiêu khẩn cấp, trong đó có Việt Nam.

Ở Việt Nam có 4 đơn vị "chạy đua" sản xuất vắc xin. Và Nanogen là đơn vị đầu tiên hoàn thiện quy trình nghiên cứu, đạt được hiệu quả cao trong thử nghiệm tiền lâm sàng, cho đến nay đi được gần 1/3 quá trình thử nghiệm vắc xin lâm sàng trên người đạt hiệu quả an toàn. Nếu không có gì thay đổi, Covivac sẽ là vắc xin ngừa COVID-19 thứ hai do Việt Nam sản xuất được thử nghiệm trên người trong tháng 1-2021.

Vắc xin do Nanogen nghiên cứu, sản xuất dựa trên protein tái tổ hợp. Vắc xin này được đánh giá có ưu điểm rất lớn, đó là tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và điều kiện bảo quản thuận lợi hơn nhiều loại vắc xin khác.

Đánh giá về kết quả thử nghiệm giai đoạn 1, trung tướng Đỗ Quyết - giám đốc Học viện Quân y - cho biết đây là giai đoạn dò liều an toàn, nên được thực hiện vô cùng nghiêm ngặt.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Nanogen cho biết đang rất kỳ vọng Nanocovax sẽ đạt kết quả thử nghiệm tốt nhất. Và dự kiến nếu được cấp giấy phép lưu hành khẩn cấp trong điều kiện đại dịch, vắc xin có thể được cung cấp cho thị trường giữa năm 2021, giá 120.000 đồng/mũi tiêm (mỗi người tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày, giá đã được Nhà nước hỗ trợ).

Như vậy để đạt được điều này, Nanocovax còn phải trải qua hai cuộc thử nghiệm lớn ở phía trước. Cùng với Covivac chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng, trong lúc chờ đợi vắc xin dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài, chưa bao giờ cả xã hội trông chờ một loại vắc xin ngừa COVID-19 mang thương hiệu "made in Vietnam" nhiều đến thế (Tuổi trẻ, trang 20).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang