Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/12/2016

  • |
T5g.org.vn - Truyền thông về y tế, sức khỏe cần tránh gây hiểu lầm; Đặt trạm cấp cứu vệ tinh thứ 18 tại Bệnh viện quận Bình Thạnh; Hiệu quả từ đề án bệnh viện vệ tinh; Kiểm tra phản ánh tính trạng kháng thuốc kháng sinh tại việt nam; ...

Truyền thông về y tế, sức khỏe cần tránh gây hiểu lầm

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo phát huy vai trò của thông tin và truyền thông trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nêu rõ, đẩy mạnh thông tin truyền thông, giáo dục sức khỏe là một trong những giải pháp chủ yếu cuả Chiến lược quốc gia bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020 được Chính phủ phê duyệt. Công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ vô vùng quan trọng (Sài Gòn giải phóng, trang 2; Nông thôn ngày nay, trang 2; Nhân dân, trang 5; Lao động, trang 2; Thanh niên, trang 2; Hà Nội mới, trang 3).

 

 Đặt trạm cấp cứu vệ tinh thứ 18 tại Bệnh viện quận Bình Thạnh

Sáng 7-12, Sở Y tế TPHCM chính thức ra mắt điểm cấp cứu 115 vệ tinh đặt tại BV Quận Bình Thạnh . Đây là trạm cấp cứu vệ tinh 115 thứ 18 trên địa bàn TPHCM. BS Lê Hoàng Quí, Phó giám đốc BV Quận Bình Thạnh TP.HCM cho biết, trung bình mỗi ngày, BV tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 2.000 - 2.400 lượt bệnh nhân, trong đó khoảng 30-40 ca cấp cứu (Sài Gòn giải phóng, trang 2).

 

Hiệu quả từ đề án bệnh viện vệ tinh

Kể từ khi triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh (theo Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11-3-2013 của Bộ Y tế), các bệnh viện tuyến tỉnh tại Đồng Nai được tiếp nhận nhiều kỹ thuật cao, góp phần quan trọng nâng cao tay nghề chuyên môn của các bác sĩ. Nhờ đó, người dân Đồng Nai vừa được khám, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương, vừa tiết kiệm chi phí, thời gian trong việc đi khám và điều trị bệnh. Đồng thời, giảm áp lực quá tải cho các bệnh viện tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh (Nhân dân, trang 5).

 

Kiểm tra phản ánh tính trạng kháng thuốc kháng sinh tại việt nam

Thủ tướng chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Y tế kiểm tra nội dung phản ánh trên báo Pháp luật Việt Nam về tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam đứng đầu thế giới.

Theo phản ánh, mặc dù thuốc kháng sinh là thuốc bán theo đơn của bác sĩ, nhưng tại Việt Nam thuốc kháng sinh được bán ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào mà không cần chỉ định đã gây nên tình trạng kháng thuốc kháng sinh, dẫn đến việc người sử dụng khi có bệnh bị kháng thuốc, phải chịu chi phí cao để được điều trị bằng những dòng thuốc mới (Nhân dân, trang 5)

 

Công bố kết luận vụ 128 người ngộ độc bánh mì

Ngày 7-12, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có kết luận về vụ ngộ độc thực phẩm khiến 128 người phải nhập viện sau khi ăn bánh mì được mua tại hiệu bánh Anh Thi ở chợ An Lỗ, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. Theo kết luận của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra do ăn phải thức ăn nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Cụ thể, trong 11 mẫu được ngành y tế lấy tại cơ sở Anh Thi mang đi xét nghiệm thì có bảy mẫu nhiễm khuẩn (Nhân dân, trang 5).

 

Lương bác sĩ bệnh viện quận lên tới 120 triệu đồng

Ngày 7.12, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng làm việc với bệnh viện Q.Thủ Đức và BV đa khoa khu vực Thủ Đức. Bác sĩ Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Quận Thủ Đức cho biết sau 9 năm thành lập từ khi tách ra từ Trung tâm Y tế quận Thủ Đức, đến nay BV quận Thủ Đức đã có 49 khoa, phòng với nhân sự hơn 1.440 người. Trung bình mỗi ngày tiếp nhận gần 6.000 lượt người đến khám và chữa bệnh và 150 lượt ca cấp cứu. Từ mức lương trung bình ngày đầu thành lập 3-4 triệu/ tháng/ người, đến nay lương trung bình khối điều dưỡng khoảng 9 triệu/ tháng/ người, bác sĩ 25 triệu/ tháng/ người, bác sĩ có chuyên môn giỏi và cống hiến nhiều cho bệnh viện hưởng lương 120 triệu/ tháng (Thanh niên, trang 6; Tuổi trẻ, trang 3).

 

Hơn 70% cơ sở được kiểm tra ở Thái Bình vi phạm về an toàn thực phẩm

Đây là số liệu do ông Đặng Trọng Thăng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình đưa ra tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa XI) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới” của tỉnh này.

Cụ thể, ông Thăng cho biết: “Tiến hành kiểm tra hơn 10.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua đã phát hiện hơn 7.800 cơ sở vi phạm các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm”.

Đáng chú ý là tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm đang có xu hướng gia tăng. “Năm 2016, công an và các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình đã liên tục phát hiện, bắt giữ các vụ vận chuyển thịt, nội tạng thối. Tháng 4.2016, đã bắt được một xe máy 4 lần chở thịt lợn thối vào TP.Thái Bình tiêu thụ, hoạt động vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn diễn ra khá thường xuyên”, một cán bộ quản lý thị trường Thái Bình thông tin (Thanh niên, trang 7).

 

TPHCM chi bồi dưỡng người tham gia phòng chống Zika

Sáng 7/12, Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, tính đến 8h sáng nay, ghi nhận thêm 2 ca nhiễm vi rút Zika mới tại quận Thủ Đức và Tân Phú. Như vậy, đã có 103 trường hợp nhiễm vi rút Zika được xác định tại 20/24 quận huyện của TPHCM. Trong đó có 13 thai phụ đang được theo dõi theo quy định.

Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu vừ có văn bản chấp thuận về chủ trương chi chế độ bồi dưỡng cho lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, vi rút Zika.

Cụ thể, mức bồi dưỡng cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tham gia giám sát, điều tra, xác minh dịch, tham gia chống dịch là 80 nghìn đồng/người/ngày. Mức bồi dưỡng cộng tác viên, tình nguyện viên trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân, phát tờ rơi hoặc tham gia diễn tập là 50 nghìn đồng/người/ngày.

Mức bồi dưỡng trên sẽ được áp dụng trong thời gian dịch sốt xuất huyết, vi rút Zika diễn biến phức tạp, lây truyền nhanh tại thành phố cho đến khi UBND thành phố ban hành công bố hết dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, đến nay, chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh. Người dân, đặc biệt là thai phụ, cần chủ động phòng tránh muỗi đốt. Mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh Sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika (Tiền phong, trang 2).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang