Cứu sống bệnh nhân bị dao đâm thủng hộp sọ
Bệnh nhân Văn Dương Việt (Long An) được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bị một con dao bầu đâm xuyên qua hộp sọ, trúng vào não.
Chiều 7.2, bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Khoa ngoại chấn thương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An cho biết bệnh Văn Dương Việt (22 tuổi, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) đã có dấu hiệu hồi phục trở lại sau ca phẫu thuật kéo dài gần 3 giờ.
Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 6.2, bệnh nhân Việt được gia đình đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Long An cấp cứu trong tình trạng bị con dao bầu và dài đâm xuyên qua hộp sọ, trúng vào não. Lúc này, bệnh nhân mất rất nhiều máu và rơi vào trạng thái hôn mê sâu.
Sau ca phẫu thuật kéo dài gần 3 giờ, các bác sĩ đã lấy con dao ra khỏi hộp sọ bệnh nhân, tích cực hồi phục não. Hiện bệnh nhân Việt có dấu hiệu chuyển biến tốt.
Theo bác sĩ Phạm Anh Tuấn, trong những ngày tới, anh Việt có nguy cơ nhiễm trùng cao, khoa tiếp tục theo dõi để điều trị cho bệnh nhân kịp thời.
“Thông thường những ca bị chấn thương nặng ở hộp sọ não, tỷ lệ cứu sống thành công chỉ khoảng 50%. Trước và trong khi phẫu thuật, bệnh nhân mất đến 1.000 ml máu”, bác sĩ Tuấn cho biết thêm. (Thanh niên trang 4)
Nghiên cứu tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) đang triển khai can thiệp đợt 2 với xét nghiệm máu chuyên sâu cho 60 cháu có nồng độ chì cao tại phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên). Ðợt 1 (thực hiện ngày 24 và 25-9-2016), Viện đã tiến hành lấy mẫu máu, tóc, làm một số xét nghiệm nhanh để kiểm tra, có các hướng dẫn y tế địa phương và gia đình thực hiện các biện pháp can thiệp giảm nồng độ chì trong máu.
Ðây là hoạt động thuộc dự án "Nghiên cứu thực trạng nhiễm độc chì ở trẻ em Việt Nam và hiệu quả một số giải pháp can thiệp" do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường thực hiện. (Nhân dân trang 5)
Sắp có thẻ bảo hiểm y tế điện tử
Văn phòng Chính phủ vừa cho biết, Chính phủ vừa yêu cầu Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nghiên cứu cấp thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử cho người dân. Theo đó, BHXH Việt Nam áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH của 63 tỉnh, thành phố, tạo lập cơ sở giữ liệu BHXH tập trung của cả nước, tiến tới giao dịch điện tử đối với các thủ tục kê khai, thu nộp và giải quyết chính sách BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp… (Sức khỏe đời sống trang 2)
Lần đầu tiên ghép thận chéo thành công tại Việt Nam
Hôm nay 7-2, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết vừa ghép thận thành công cho 2 bệnh nhân nữ nhờ phương pháp ghép thận chéo từ người cho sống. Đó là bệnh nhân Lê Thị Ánh Hồng (31 tuổi, ngụ tại Kiên Giang) và Vũ Thị Huề (32 tuổi, ngụ tại Đắk Nông).
Cả hai đều bị suy thận giai đoạn cuối, bệnh nhân Huề đã đăng ký ghép với người cho là mẹ ruột, bệnh nhân Ánh Hồng đăng ký ghép thận với người cho là bố dượng. Tuy nhiên, cả 2 ca qua thực hiện nhiều xét nghiệm kiểm tra, yếu tố miễn dịch của người cho và người nhận ít hòa hợp, người nhận có kháng thể kháng lại nguồn hiến của người cho, nguy cơ thải ghép rất cao.
May mắn thay, theo PGS-TS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu- Bệnh viện Chợ Rẫy, là qua rà xét các kết quả xét nghiệm của những người đăng ký ghép thận và hiến thận thì các chỉ số cần thiết giữa người hiến thận của cặp thứ nhất với cặp thứ hai và ngược lại đạt được độ tương thích rất cao, kháng thể không chống kháng nguyên và hòa hợp được về mặt miễn dịch (tương đương người thân cho nhau) đảm bảo đủ điều kiện cho cuộc ghép. “Sau khi đắn đo hơn nửa năm, bệnh viện đã nhiều lần tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành trên thế giới thông qua các cuộc hội thảo khoa học và những buổi làm việc trực tiếp song vẫn không tìm được giải pháp khả thi cho cuộc ghép. Các chuyên gia đều có chung quan điểm, nếu tìm được nguồn tạng hiến phù hợp với cặp cho và nhận khác thì việc thực hiện kỹ thuật ghép chéo là phương án khả quan và an toàn nhất”, PGS Sâm cho biết.
Ngay sau khi được sự đồng thuận của bệnh nhân và người thân, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành cuộc ghép chéo với nguồn thận cho từ bố dượng của chị Ánh Hồng sẽ ghép cho chị Huề, nguồn thận cho từ mẹ ruột chị Huề sẽ ghép cho chị Ánh Hồng. Đến nay, cuộc ghép chéo thận đầu tiên tại Việt Nam được thông báo thành công, mở ra cơ hội cho người bệnh bị suy thận nói riêng và suy tạng nói chung, giúp mở rộng nguồn tạng hiến cho người nhận. Đồng thời đánh dấu bước tiến mới trong kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam. (Sài gòn giải phóng trang 1, Thanh niên trang 2, Khoa học đời sống trang 8)