Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Tổ chức mít tinh với chủ đề phòng chống trầm cảm; Báo động tình trạng hành hung nhân viên y tế; Phẫu thuật thành công bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nhờ bắt vít qua da…

 

Tổ chức mít tinh với chủ đề phòng chống trầm cảm

Ngày 6-4, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bộ GĐ-ĐT đã tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe Thế giới (7-4) với chủ đề “Hãy cùng trò chuyện để phòng chống trầm cảm”.

WHO ước tính khoảng 4% dân số Việt Nam bị mắc các chứng bệnh trầm cảm. Nguyên nhân do bị căng thẳng, bị sang chấn tâm lý hoặc sau khi mắc bệnh khác. Hậu quả của trầm cảm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng học tập, lao động của người bệnh và dễ dẫn đến những hành động khó kiểm soát và có thể là tự tử.

Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trầm cảm đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu cũng như Việt Nam. Tuy nhiên đối với hoạt động phòng, chống trầm cảm cũng còn nhiều khó khăn, thách thức nên hầu hết những người bị trầm cảm chưa được phát hiện, để điều trị và chăm sóc đầy đủ. Sự thiếu hiểu biết về bệnh này dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người rối loạn trầm cảm. (Công an Nhân dân, trang 6)

 

Báo động tình trạng hành hung nhân viên y tế

Ngày 7/4, tại Hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện bảo vệ nhân viên y tế” do Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, thời gian qua, tại các bệnh viện đã xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến tâm lý và công việc của nhân viên y tế.

Đáng kể như vụ người nhà bệnh nhân đánh điều dưỡng đang mang thai tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai; côn đồ hành hung người đang cấp cứu ở Bệnh viện Saint Paul, Thanh Nhàn và đỉnh điểm là vụ người nhà bệnh nhân đâm chết bác sĩ tại Bệnh viện huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình)…

Vì vậy, việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh bệnh viện rất cần được các lãnh đạo bệnh viện quan tâm, phối hợp với cơ quan công an để thực hiện hiệu quả hơn.

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương,(chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (70%), điều dưỡng (15%).

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng khẳng định, một trong những nguyên nhân cơ bản của vấn đề mất an ninh trật tự bệnh viện chính là thiếu sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và lãnh đạo bệnh viện.

Các biện pháp bảo đảm an ninh nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Thiếu tập huấn nâng cao kinh nghiệm cho cán bộ y tế nói chung và nhân viên bảo vệ về các tình huống dễ dẫn tới xung đột. Chưa đề cao công tác tuyển dụng, huấn luyện và kiểm tra thường xuyên đối với nhân viên bảo vệ.

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho rằng hiện tình hình an ninh trật tự bệnh viện rất phức tạp khiến dư luận xã hội lo ngại. Cụ thể như tình trạng trộm cắp, móc túi thường xảy ra ở bệnh viện, trong khi việc giám sát rất khó khăn.

Đối tượng thường là trộm cắp chuyên nghiệp, nghiện hút, thậm chí cả người nhà bệnh nhân. Tình trạng cò mồi, bảo kê, tranh giành tại các khu dịch vụ ăn uống, trông xe, khu tang lễ…. gây tình trạng phức tạp ở bệnh viện. Việc hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, do ảnh hưởng tâm lý xã hội cũng như bắt nguồn từ thái độ của y bác sĩ… gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Để giải quyết vấn đề này theo Đại tá Tám, trước hết cần khẳng định công tác đảm bảo an ninh phải thuộc trách nhiệm ban giám đốc bệnh viện, sau đó mới đến lực lượng công an và chính quyền cơ sở. Vì thế bệnh viện cần lựa chọn đội ngũ bảo vệ có tính chuyên nghiệp, tập huấn việc xử lý các tình huống, bởi đây là lực lượng xử trí đầu tiên trước khi có sự góp mặt của lực lượng công an, 113.

Về phía ngành Y tế, đại diện Bộ Y tế khẳng định sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị về việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đặc biệt, sẽ bổ sung Luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ. (Tiền phong, trang 10)

Cùng chủ đề báo Nhân dân trang 5: “Tìm giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại bệnh viện”; báo An ninh Thủ đô trang 1: “Chặn bạo lực trong bệnh viện”

 

Phẫu thuật thành công bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nhờ bắt vít qua da

Chiều tối 7-4, Bệnh viện Xuyên Á thông tin, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công điều trị thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp bắt vít qua da cho bệnh nhân V.T.Đ. (55 tuổi, ngụ tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh). Đây là phương pháp điều trị tiên tiến, ít xâm lấn giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục. Hiện nay, không nhiều bệnh viện có thể thực hiện phương pháp này.

Trước đó, bệnh nhân Đ. đau cột sống thắt lưng đã lâu, điều trị và uống thuốc nhiều nơi mà không giảm. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Xuyên Á được các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh chỉ định các cận lâm sàng cần thiết. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) 1.5 Tesla cho thấy bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng L5 - S1, trượt đốt sống thắt lưng L5 - S1, hủy eo S1 hai bên, chèn ép đường đi của rễ thần kinh L5 bên trái, rễ S1 bên phải. Bệnh nhân từng được can thiệp phẫu thuật nhiều nơi trên cơ thể nên sợ đau, sợ nằm viện lâu ngày. Các bác sĩ đã tư vấn áp dụng phương pháp bắt vít qua da để điều trị, thay vì phải mổ hở.

Êkíp bác sĩ khoa Ngoại thần kinh và khoa Gây mê hồi sức đã dùng máy C-arm để xác định vị trí chân cung L5, S1 hai bên, rồi tiến hành các kỹ thuật bắt vít và dùng dụng cụ phẫu thuật đặc biệt đưa vào bên trong cố định cột sống. Sau gần 2 giờ, ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công. Một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể đi đứng được, vết mổ không còn đau và tình trạng đau lưng giảm hẳn. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

Singapore phát hiện ổ dịch Zika mới

Hai trường hợp lây nhiễm virus Zika trong nước ở Singapore vừa được xác định trong một ổ dịch mới tại Flower Road/Hendry Close.

Theo Cơ quan Môi trường quốc gia của Singapore (NEA), ổ dịch mới này nằm gần ổ dịch Simon Place được thông báo trước đó vào ngày 28-3.

NEA đề nghị cư dân sống tại những khu vực có trường hợp nhiễm virus Zika cần tiếp tục cảnh giác và diệt các ổ muỗi để ngăn chặn sự lây lan của virus này.

Được phát hiện tại châu Phi, virus Zika sau đó lan sang châu Á và khu vực Mỹ Latinh, gây ra đợt bùng phát dịch mạnh nhất từ trước tới nay.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus Zika đã lây truyền tới 73 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó nơi bùng phát nghiêm trọng nhất là Nam Mỹ. (An ninh Thủ đô, trang 3)

 

Lợi dụng sự cố y khoa để đe dọa an ninh bệnh viện

70% vụ việc hành hung nhân viên y tế xảy ra khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh, bác sĩ là đối tượng chủ yếu bị tấn công. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn lợi dụng các sự cố y khoa không mong muốn để thực hiện các hành vi phạm pháp như đe dọa, tống tiền… nhằm trục lợi.

70% các vụ hành hung khi nhân viên y tế đang cứu chữa bệnh nhân

Chia sẻ tại Hội nghị Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện bảo vệ nhân viên y tế do Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức ngày 7/4, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bình quân một ngày có khoảng 20.000 người bệnh và người nhà bệnh nhân ra vào trong khuôn viên Bệnh viện này với đủ thành phần, khiến sức ép về việc bảo vệ an ninh trật tự ở đây vô cùng lớn.

Ông Hiền cho hay, chỉ tính riêng từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2017, Bệnh viện Bạch Mai đã phát hiện, bắt quả tang 23 vụ phạm pháp hình sự với 23 đối tượng, chuyển Công an phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) giải quyết. Cùng đó, Bệnh viện này cũng đã bắt 35 đối tượng chuyên lang thang trong Bệnh viện chuyển Công an phường xử lý 24 trường hợp, bắt 12 vụ nhặt rác thải y tế, bắt 4 vụ cò môi giới khám bệnh, chuyển Công an phường giải quyết 2 vụ.

Đặc biệt vào cuối tháng 11/2016, tại Bệnh viện Bạch Mai, người nhà của một bệnh nhân Khoa Tiêu hóa đã cầm dao đe dọa và ép một nữ bệnh nhân khác trong phòng di chuyển sang khu vực khác trong Bệnh viện. Bảo vệ bệnh nhân, Trưởng Công an phường Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị đối tượng manh động này cầm dao đâm thẳng vào cổ. Vết thương dài gần 10cm, sau đó cán bộ Công an này phải phẫu thuật.

Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), mỗi ngày đón hơn 1.400 bệnh nhân, là cơ hội tốt cho các đối tượng trộm cắp, côn đồ, cò mồi trà trộn hoạt động. Bệnh viện lại đang trong quá trình thi công xây dựng giai đoạn II, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, việc dồn ghép khoa phòng khiến điều kiện khám chữa bệnh không được đảm bảo, một bộ phận người dân thiếu thông cảm với đội ngũ y bác sĩ, dẫn đến việc có những lời lẽ thiếu kiểm soát và hành hung nhân viên y tế. Trong năm 2016 đã xảy ra 8 vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân gây rối trật tự, đe dọa nhân viên y tế; 2 vụ trộm cắp tài sản của người bệnh; 1 vụ đánh nhau ngoài Bệnh viện rồi tiếp tục kéo vào Bệnh viện để trả thù nhau. 3 tháng đầu năm 2017, tại Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp tục xảy ra 7 vụ trộm cắp, 3 vụ xô xát, gây rối trong Bệnh viện, 1 vụ bệnh nhân nhảy từ tầng 9 xuống tầng 1…

Ông Nguyễn Đức Tâm- Trưởng phòng Hành chính quản trị, Bệnh viện Việt Đức cho hay: Là bệnh viện ngoại khoa đầu ngành, Bệnh viện có nhiều bệnh cảnh phức tạp như bệnh nhân nặng, bệnh nhân tai nạn lao động, giao thông, đặc biệt là người bệnh đâm chém nhau từ các vụ xung đột, thanh trừng mâu thuẫn của các nhóm đối tượng xã hội đen…Theo ông Tâm, nhiều khi chỉ trong vòng 10 - 15 phút hoặc ngay khi bệnh nhân là xã hội đen vào viện, hàng trăm đối tượng khác đã xuất hiện kèm vũ khí nóng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng Bệnh viện chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu cấp cứu, phẫu thuật, nhiều người bệnh còn phải chờ đợi, xếp lịch dẫn đến những bức xúc ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Đâu là nguyên nhân sâu xa?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, các vụ mất an toàn, an ninh Bệnh viện xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%). Đối tượng bị tấn công, hành hung chủ yếu là bác sĩ (chiếm 70%), tiếp đến là điều dưỡng (chiếm 15%). 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên Bệnh viện, nhất là khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm 70%) và 30% còn lại xảy ra khi bác sĩ đang giải thích cho người bệnh, người nhà bệnh nhân. “Nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn lợi dụng các sự cố y khoa không mong muốn để thực hiện các hành vi phạm pháp như đe dọa, tống tiền… nhằm trục lợi” – PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết.

Đồng quan điểm này, Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, theo đánh giá của lực lượng công an, an ninh Bệnh viện đang trở thành vấn đề cần quan tâm.

Hiện, phổ biến nhất là tình trạng trộm cắp, móc túi, cò mồi, bảo kê tranh giành trước cổng các bệnh viện. Hiện tượng hành hung bác sĩ, nhân viên y tế vẫn gặp khá nhiều. Gần đây còn gia tăng tình trạng một số bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân sử dụng ma túy, rượu bia, không làm chủ được thần kinh và có các hành vi gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Ngoài ra, có tình trạng người nhà bệnh nhân tụ tập, phản đối khi bệnh nhân tử vong tại bệnh viện, hay các băng nhóm giang hồ truy sát nhau tại các bệnh viện… Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo, cho vay nặng lãi tại cổng, khuôn viên các bệnh viện, gây ra hậu quả nghiêm trọng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, nguyên nhân khiến tình trạng bạo hành bệnh viện vẫn xảy ra là do cả hai phía. Phân tích cụ thể, theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, một mặt, cán bộ y bác sĩ chưa có kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân, thậm chí còn hách dịch, chậm trễ cấp cứu bệnh nhân gây ra bức xúc từ phía người bệnh. Tuy nhiên, mặt khác, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nhiều khi không hiểu được tính chất bệnh của mình, không thông cảm với hạn chế về cơ sở hạ tầng và quá tải của bệnh viện, nhiều khi cứ vào viện là muốn được ưu tiên khám trước ngay hoặc thấy y bác sĩ chậm giải thích… là manh động, gây sự, có hành vi tiêu cực. (Gia đình & Xã hội, trang 7)

 

Nguy cơ từ 3,5 triệu người mắc bệnh trầm cảm

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2015, Việt Nam có khoảng 3.564.000 người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số. Đó là thông tin được Bộ Y tế đưa ra tại buổi míttinh hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới, với chủ đề “Hãy cùng trò chuyện để phòng chống trầm cảm,” diễn ra ngày 7.4 tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, Hà Nội.

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật, làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động tại Việt Nam. Các nghiên cứu cho thấy, người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác. Trên thế giới, mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự tử và đây là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở độ tuổi 15-29. Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có gần 5.000 người tử vong do tự tử.

Tại buổi lễ míttinh hưởng ứng ngày sức khỏe thế giới với chủ đề phòng chống trầm cảm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, trầm cảm đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu cũng như Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, trầm cảm thường xảy ra ở những người bị căng thẳng, bị sang chấn tâm lý trong cuộc sống, học tập, trong quan hệ gia đình, xã hội hoặc sau khi mắc bệnh khác. Hậu quả của trầm cảm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng học tập, lao động của người bệnh và dễ dẫn đến những hành động khó kiểm soát và có thể là tự tử.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các chương trình can thiệp mới chỉ triển khai thí điểm tại một số địa phương trên quy mô nhỏ. Do vậy, hầu hết những người bị trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, chưa được quản lý điều trị và chăm sóc đầy đủ, đồng thời đa số người dân còn chưa có hiểu biết đúng về bệnh này dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người rối loạn trầm cảm.

Tiến sĩ Lại Đức Trường - chuyên gia Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá, trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung ở Việt Nam đã từng bước được quan tâm, tuy nhiên đối với hoạt động phòng, chống trầm cảm nói riêng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Công tác đầu tư nguồn kinh phí so với nhu cầu cần có vẫn còn khiêm tốn hơn nhiều nước khác, vì vậy, hệ thống giám sát, thông tin của sức khỏe tâm thần chưa đầy đủ.

Chính vì vậy, Bộ Y tế coi trầm cảm là một vấn đề ưu tiên trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần. Để dự phòng và kiểm soát trầm cảm hiệu quả, ngành y tế cần tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở để cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, chăm sóc cùng với phối hợp để phát triển các dịch vụ tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội cho người mắc bệnh ở cộng đồng.

Nhân dịp này, Bộ Y tế cũng đề nghị Tổ chức Y tế thế giới, các cơ quan, tổ chức quốc tế và trong nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan để phối hợp, hỗ trợ, cùng chung tay phòng, chống trầm cảm nói riêng và chăm sóc sức khỏe tâm thần nói chung. (Lao động, trang 1)

 

Kỹ thuật mới mang nhiều hy vọng cho phụ nữ hiếm muộn

Kỹ thuật “Nong vòi tử cung bằng catheter qua nội soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng” sẽ giúp những phụ nữ bị tắc vòi tử cung đoạn kẽ không cần phải thụ tinh trong ống nghiệm mà vẫn có thể mang thai tự nhiên.

Đây là kỹ thuật mới vừa được GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, cùng với các đồng nghiệp thực hiện và ứng dựng thành công tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia. Sau khi sử lý tắc vòi tử cung phụ nữ hiếm muộn có thể mang thai tự nhiên.

Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, trước đây, những bệnh nhân bị bệnh lý vòi tử cung như tắc tử cung đoạn kẽ phải thực hiện các phương pháp như nội soi, tạo hình tử cung nhưng hiệu quả không cao, nguy cơ với bệnh nhân rất lớn. Vì vậy, những bệnh nhân này thì chỉ có cách thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện để làm thụ tinh trong ống nghiệm và nhiều khi chất lượng trứng không còn tốt nên tỷ lệ thành công thấp. Do đó, với kỹ thuật mới nói trên, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, sẽ giúp cho nhiều phụ nữ hiếm muộn được làm mẹ với chi phí rất thấp. Hơn nữa, kỹ thuật này có thể chuyển giao cho các cơ sở khám chữa bệnh khác để bệnh nhân bị bệnh tắc vòi trứng, nhất là ở đoạn kẽ, có cơ hội được phẫu thuật để mang thai tự nhiên.

Thống kê của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở nước ta ngày càng tăng, trong đó nguyên nhân do người vợ chiếm một nửa. Trong số các bệnh lý gây hiếm muộn thì vòi tử cung là nguyên nhân thường gặp nhất chiếm từ 43% - 59%, trong đó, vô sinh do tắc đoạn gần vòi tử cung chiếm tới 25%. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Pháp luật TPHCM ngày 7/4 trang 13: “Kỹ thuật mới điều trị cho các cặp vợ chồng vô sinh’; Báo Tuổi trẻ trang 14: “Chữa được vô sinh nhờ kỹ thuật mới”

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang