Nhìn từ bệnh viện: Áp lực mùa thi
Cứ mỗi mùa thi tới, áp lực điểm số, kết quả học tập, mong muốn của gia đình, của chính bản thân… đã khiến không ít cô, cậu học trò rơi vào trạng thái stress, thậm chí dẫn đến chứng bệnh về tâm thần phải nhập viện điều trị.
Thống kê của cơ sở y tế chuyên điều trị tâm thần thì số lượng người bệnh là học sinh đến khám và điều trị các rối loạn cảm xúc do áp lực học và thi đang có chiều hướng tăng trong những năm gần đây.
Thực tế điều trị cho một số trường hợp là học sinh bị rối loạn cảm xúc, các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ở độ tuổi học sinh (dưới 22 tuổi) sự phát triển về cơ thể cũng như về tinh thần chưa được hoàn thiện đầy đủ. Các em rất dễ bị tác động về mặt tinh thần cho nên cảm xúc và hành vi cũng thay đổi bởi các tác nhân gây nên các stress đó.
Các em bị áp lực luôn trong trạng thái mệt mỏi, phải gồng mình để chống đỡ, dẫn đến những biểu hiện rối loạn cảm xúc như: ăn kém, ngủ ít; đau đầu, hoa mắt chóng mặt; suy nhược cơ thể… Nhiều em vì không chịu được áp lực quá nặng nề, thiếu sự hỗ trợ quan tâm từ phía gia đình đã phản ứng lại với áp lực bằng những cách tiêu cực như nản chí, không học nữa, bỏ nhà đi để trốn tránh… thậm chí có em có ý nghĩ hay hành vi tự sát.
Một nghiên cứu xã hội học cho thấy có 15% số học sinh có các biểu hiện rối loạn về cảm xúc cần được tư vấn và điều trị. Một nghiên cứu khác tại năm trường học lớn tại Hà Nội, tỷ lệ trẻ có nguy cơ rối loạn cảm xúc là 5% số học sinh được nghiên cứu, trong đó 2% cần điều trị tại các cơ sở y tế. Đó là những con số đáng báo động về áp lực thi cử tuổi thanh, thiếu niên.
Để điều trị cho những trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo việc đầu tiên là cần tách các em khỏi những áp lực đó, có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Trong quá trình nuôi dạy con, các bậc cha mẹ cần chú ý tới việc giáo dục nhân cách và nâng cao bản lĩnh cho các em để vững vàng đối mặt với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Trang bị cho con kỹ năng sống, giúp con thích ứng với stress. Cha mẹ cũng phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con em mình, từ đó động viên, khuyến khích các em, tránh tạo áp lực căng thẳng, kỳ vọng quá mức. Khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường, cha mẹ cần đưa các em đến bác sĩ chuyên khoa khám, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp (Nhân dân, trang 5)
Hội đồng chuyên môn họp vụ 8 người chết khi chạy thận ở Hòa Bình
Tin từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), 10 bệnh nhân trong sự cố y khoa lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình (dự kiến được ra viện sáng nay (8.6).
Trước đó, sáng 29.5, khi đang được lọc máu chu kỳ tại Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, 18 bệnh nhân đột ngột xuất hiện các triệu chứng khó thở, huyết áp tụt, đau bụng, nôn. 7 bệnh nhân đã tử vong ngay trong ngày và 1 bệnh nhân tử vong hôm 4.6. 10 bệnh nhân còn lại được chuyển lên Khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai để lọc máu điều trị.
Cũng trong sáng nay 8.6, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế tỉnh Hòa Bình họp để xem xét, đưa ra kết luận về nguyên nhân vụ tai biến trên (Thanh niên, trang 2)
Đề xuất Danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia
Bộ Y tế đang dự thảo danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia do BHXH Việt Nam tổ chức đấu thầu. Danh mục được đề xuất gồm 5 hoạt chất: Levofloxacin (500mg); Meropenem (500mg/1g); Ceftriaxon (1g); Cefepim (1g); Cefoperazon + sulbactam (500mg+500mg).
Dự thảo nêu rõ, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia phải đảm bảo việc đáp ứng các thuốc cần mua sắm với số lượng lớn hoặc được sử dụng phổ biến tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước (Tiền phong, trang 12)
Sẽ khởi tố các vụ kinh doanh thực phẩm bẩn
Trong thời gian tới, TPHCM quyết tâm chấm dứt tình trạng giết mổ lậu, nơi sản xuất hàng gian, hàng giả... Đồng thời sẽ khởi tố các trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn.
Chiều 7-6, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM có buổi làm việc với Ban An toàn thực phẩm (ATTP) và UBND 24 quận, huyện về các hoạt động, quản lý ATTP trên địa bàn TP.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý ATTP TP cho biết, trong thời gian ban hoạt động thí điểm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong vấn đề phối hợp với các quận, huyện. Nguyên nhân là do lực lượng làm công tác quản lý ATTP tại tuyến quận, huyện còn khiêm tốn (chỉ có 1-2 người), tuyến phường, xã không có cán bộ chuyên trách mà kiêm nhiệm, không ổn định, hạn chế chuyên môn nghiệp vụ về quản lý ATTP; thiếu trang thiết bị (test nhanh), thiếu kinh phí (lấy mẫu, giám sát..)… Trong khi tại các tuyến này quản lý số lượng rất lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở dịch vụ ATTP. Việc kiểm soát cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phép hoạt động trên địa bàn không kiểm soát được về điều kiện chế biến, nguyên liệu chế biến, phụ gia sử dụng… Nhận thức của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh về ATTP còn hạn chế, vi phạm về ATTP vẫn nhiều. Việc đảm bảo ATTP tại chợ truyền thống chưa được siết chặt. Hoạt động giết mổ trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động. Kinh doanh hàng gian, hàng giả, dùng chất cấm, hóa chất, phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến còn nhiều…
Chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, trong thời gian tới, TP quyết tâm chấm dứt tình trạng giết mổ lậu, nơi sản xuất hàng gian, hàng giả trên cơ sở phát huy vai trò giám sát của mặt trận, đoàn thể, người dân, thông tin báo chí cung cấp. Đồng thời sẽ khởi tố các trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, nguy hiểm đến sức khỏe của người dân. Tăng cường kiểm tra xuất xứ nguồn gốc các loại thịt gia súc, gia cầm vào các chợ đầu mối. Về lâu dài TPHCM sẽ kiểm soát toàn bộ các loại thực phẩm rau, củ, quả, thủy hải sản nếu không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ không được bày bán tại các chợ, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu trong tháng 7-2017, UBND 24 quận, huyện phải có kế hoạch giải tỏa các chợ tự phát trên địa bàn vì đây chính là đầu mối của các loại thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, thực phẩm hết hạn sử dụng. Sở Công thương cần triển khai thêm số lượng các cửa hàng, xe hàng lưu động bình ổn giá, thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng thay thế các chợ tự phát tại các khu vực tập trung đông dân cư nghèo, đông công nhân (Sài Gòn giải phóng, trang 1)
Báo động rối loạn cảm xúc do áp lực học và thi
Mỗi khi tới mùa thi, điểm số trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các học trò. Để phó với áp lực thi cử, nhiều học sinh đăng ký học thêm rất nhiều nơi, thức khuya, dậy sớm để “cày” bài. Tâm lý ganh đua điểm số, áp lực phải thi đỗ khiến các em luôn rơi vào trạng thái stress, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt… thậm chí mắc các chứng bệnh về tâm thần.
Từ “con ngoan, trò giỏi” trở thành “học sinh hư”
Một nghiên cứu xã hội học cho thấy có đến 15% số các học sinh có các biểu hiện rối loạn về cảm xúc cần được tư vấn và điều trị. Mới đây một nghiên cứu của các nhà tâm thần trên 5 trường học lớn tại Hà Nội, tỷ lệ trẻ có nguy cơ rối loạn cảm xúc là 5%, trong đó 2% số học sinh cần điều trị tại các cơ sở y tế. Đó là những con số đáng báo động về tình trạng rối loạn cảm xúc và loạn thần do áp lực thi cử tuổi thanh thiếu niên
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về học tập, em Trương Quang Đ (16 tuổi, ở Trần Phú, TTP Bắc Giang) có nhiền năm là học sinh giỏi và dẫn đầu trong lớp chọn của một trường tuyến tỉnh. Đ luôn là niềm tự hào và được lấy làm tấm gương sáng cho mọi người trong gia đình. Cuộc sống cứ thế trôi đi, nhưng không hiểu sao 2 năm trở lại đây, gia đình thấy em bỗng trở nên xa lánh mọi người, không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh. Em thường khép nép khi mọi người nói chuyện về việc học tập của mình. Đ lơ là, không muốn và sợ đi học, mở sách ra là em thấy như bị áp lực đè lên người nên hay bị đau đầu, bố mẹ động viên thì em bực tức khóc lóc. Kết quả học tập của em giảm sút hẳn. Gia đình thấy em có nhiều sự thay đổi rõ rệt như ăn kém, cơ thể gầy đi, giấc ngủ hay có ác mộng. Đ. thường giật mình vào ban đêm, lúc tỉnh dậy em bàng hoàng như qua cơn ác mộng. Cảm xúc của em thay đổi, hay cáu giận vô cớ. Ban đầu, bố mẹ Đ cho đó là sự thay đổi của tuổi vị thành niên, nhưng đến khi thấy con không muốn đến trường nữa thì mới tá hỏa đưa con đến bệnh viện kiểm tra.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), Đ được các bác sỹ chẩn đoán: Rối loạn cảm xúc của trẻ em cần phải điều trị. Theo TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, ở trẻ em và người dưới 22 tuổi thì sự phát triển về cơ thể cũng như về tinh thần chưa được hoàn thiện đầy đủ. Các em rất dễ bị tác động về mặt tinh thần, nên cảm xúc và hành vi cũng thay đổi bởi các tác nhân gây nên các stress này. Đ là con một trong gia đình trí thức, nên từ nhỏ em đã được bố mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng, và luôn cho rằng đó là động lực cho con mình cố gắng. Bố mẹ thường mong mỏi con mình phải học thật giỏi, đứng thứ hạng cao trong lớp. Không chỉ học ở trường, em còn phải học thêm nhiều kiến thức nâng cao khác ở ngoài, rồi khi về nhà là hàng tá bài tập đang chờ em giải quyết và hầu như không có thời gian vui chơi và nghỉ ngơi.
Hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm
Theo TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng: Trong những năm gần đây, đặc biệt là vào thời điểm gần mùa thi, số lượng trẻ đến khám và điều trị về các rối loạn cảm xúc do áp lực học và thi có chiều hướng tăng lên. Việc phải chịu nhiều áp lực từ bố mẹ, từ thầy cô, từ điểm số và thành tích… dẫn tới nhiều ảnh hưởng khác nhau cho các em học sinh. Các em luôn trong trạng thái mệt mỏi, phải gồng mình lên để chống đỡ với những áp lực học và thi khiến các em có những biểu hiện rối loạn cảm xúc như: Ăn kém, ngủ ít; Cảm giác kiệt sức; Lo lắng căng thẳng quá mức; Đau đầu, hoa mắt chóng mặt; Đau dạ dày; Suy nhược cơ thể…
Có nhiều học sinh vì không chịu được áp lực quá nặng nề, thiếu sự hỗ trợ quan tâm từ phía gia đình đã phản ứng lại với áp lực bằng những cách tiêu cực như nản chí, không học nữa, hoặc bỏ nhà đi để trốn tránh áp lực. Một số em có biểu hiện rối loạn tâm thần, nặng nề nhất là học sinh có ý nghĩ hay hành vi tự sát. Cuối năm 2015, nữ sinh Thùy Trang (THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tự sát để lại 5 lá thư tuyệt mệnh khiến nhiều người đau xót. Nguyên nhân tự tử của Trang xuất phát từ sự buồn chán, thất vọng vì em chỉ đạt học lực trung bình. Kết quả học tập đó không đáp ứng được mong đợi của người thân.
Để điều trị cho những bệnh nhân này, theo TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng, việc đầu tiên là chúng ta phải tách các em khỏi những áp lực đó, có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Đối với cha mẹ, cần chú ý tới việc giáo dục nhân cách và nâng cao bản lĩnh cho con để vững vàng đối mặt với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Trang bị cho con kỹ năng sống, giúp con thích ứng với stress. Cha mẹ cũng phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con em mình, từ đó động viên, khuyến khích các em học, tránh tạo áp lực căng thẳng, kỳ vọng quá mức với các em.
TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo, rối loạn cảm xúc do áp lực thi hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu chúng ta phát hiện sớm. Khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường, các bậc cha mẹ cần phải đưa con đến ngay bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp. Tránh thái độ kỳ thị và tự ý mua thuốc bên ngoài để uống hoặc cúng bái, tin tưởng vào các đấng siêu nhiên (Gia đình & Xã hội, trang 7)
Từ phản ánh của Báo Lao Động, Công an bắt đối tượng buôn bán giấy khám sức khỏe giả
Sau khi báo Lao Động đăng bài “Giấy khám sức khỏe giả bán tràn lan” vào ngày 8.5.2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đã thực hiện triển khai ngay các phương án điều tra và xác minh thông tin báo Lao Động phản ánh.
Sau một thời gian theo dõi, thu thập thông tin, ngày 7.6, Đội Kinh tế tài chính, Phòng Cảnh sát Kinh tế - CATP Hà Nội đã tiến hành bắt khẩn cấp đối tượng Phạm Tiến Nghĩa, sinh năm 1991, quê ở Nam Định, hiện ở trọ tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Trước đó, ngày 6.6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện Lệnh khám xét khẩn cấp đối với Phạm Tiến Nghĩa tại chỗ ở là phòng trọ thuộc phường Phú Đô. Cơ quan Cảnh sát điều tra phát hiện và thu giữ 1 dấu tròn của Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương, 1 dấu tròn của Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải, 5 dấu tên của các bác sĩ; 1 dấu tên trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, 1 dấu Âm tính Negative, 1 dấu “Hiện tại đủ sức khỏe để học tập và công tác” cùng 46 tờ giấy ra viện, 30 tờ giấy Khám sức khỏe khổ A3, 26 tờ Khám sức khỏe khổ A4, 45 tờ giấy vào viện và khoảng gần 3.000 tờ phôi giấy khám sức khỏe khổ giấy A3, A4, giấy ra viện chưa được ghi nội dung.
Theo khai nhận của Nghĩa, để trốn tránh bị phát hiện, một mình đối tượng tự “sản xuất” tất cả các khâu, sau đó đăng ký trên mạng xã hội Facebook “Kha giấy khám”, sau đó quảng cáo là đầu mối của giám đốc bệnh viện chuyên cung cấp giấy khám sức khỏe, giấy ra viện... Khi người mua có nhu cầu chỉ cần gọi điện thoại và hẹn tại địa chỉ nhất định, Nghĩa sẽ cho người mang đến.
Trước đó, báo Lao Động đã có bài điều tra về tình trạng những tờ giấy khám sức khỏe có dấu của Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải và Bệnh viện Giao thông Vận tải được rao bán công khai trên mạng xã hội, giá chỉ từ 70 - 80 nghìn đồng. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thực hư, những tờ giấy khám sức khỏe này đã được chính Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải khẳng định đều là giả (Lao động, trang 2)
Nối thành công nhiều ngón tay bị đứt
Ngày 7.6, bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng, Khoa Vi phẫu tạo hình Bệnh viện (BV) Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM) cho biết ông cùng các đồng nghiệp vừa trải qua một đêm và kéo dài đến tận trưa hôm sau để cứu bàn tay bị đứt rời 4 ngón cho bệnh nhân 17 tuổi tên H.T.D (Bạc Liêu).
Theo lời kể của D., em mới vào làm việc tại xưởng cô gỗ ở Dĩ An (Bình Dương) 3 ngày, nhưng qua ngày thứ 2 thì được giao phụ trách cưa gỗ. Lúc 19 giờ ngày 5.6, D. làm tăng ca, khi đang đứng máy cưa mâm, do máy bị chạm bật cưa đột ngột nên em vô tình bị cắt đứt 4 ngón tay 1, 2, 3, 4 (trừ ngón út). Ngay lập tức em được đưa đến BV gần xưởng cưa nhưng “quên” mất các phần ngón bị cắt đứt rời không mang theo. Bác sĩ tiếp nhận đã yêu cầu những người đưa em đến về lấy rửa sạch, bỏ vào bọc ni lông và ướp đá, sau đó chuyển viện em cùng những ngón tay đứt rời lên
thương chỉnh hình TP.HCM) cho biết: vào khoảng 5 giờ 30 phút ngày 25.5, Khoa Cấp cứu BV tiếp nhận người đàn ông 47 tuổi trong tình trạng ngất, suy hô hấp.
“Tôi tiếp nhận em lúc 21 giờ tối. Sau khi khám và kiểm tra các chi bị đứt rời có thể nối được thì tôi đã đề nghị phòng mổ chuẩn bị để cứu lấy bàn tay cho em dù khó, vì em còn khá trẻ nên tương lai còn rất dài, mất 4 ngón tay thì khả năng cuộc sống sau này sẽ khó khăn hơn”, bác sĩ Thắng nói.
Hai giờ sáng em D. được đưa vào phòng mổ cắt lọc mô của các chi rời bị dập nát dính đất cát, cắt lọc các mỏm cụt; các mạch máu, gân, xương cũng được chuẩn bị sạch sẽ. Thời gian để các bác sĩ cắt lọc cũng phải mất đến 2 giờ. Sau đó, các bác sĩ đã xuyên kim cố định xương, nối gân, thần kinh và mạch máu. “Nói thì đơn giản chứ chúng tôi siêu vi phẫu cho bệnh nhân và mãi đến 12 giờ trưa mới xong”, bác sĩ Thắng tâm sự.
Cùng cảnh ngộ như em D., bệnh nhân M.X.T (27 tuổi, Bình Định) cũng nhập vào BV Chấn thương Chỉnh hình vào tối 6.6 trong trình trạng đứt hai ngón tay 2, 3 bàn tay trái. Theo lời T. thì vào buổi chiều cùng ngày, anh đang đứng máy dập thuốc viên một nhà máy ở Bình Dương thì bị máy dập đứt ngón tay và được đưa đi cấp cứu. Cũng phải mất hơn 2 giờ các bác sĩ mới nối lại được cho anh.
“Những tai nạn xảy ra thường vào buổi chiều, tối. Đó là lúc con người ta mệt mỏi, mất tập trung. Bên cạnh đó, việc an toàn lao động, bảo hộ lao động ở nhiều nơi, nhiều công nhân còn lơ là”, bác sĩ Thắng nói (Thanh niên, trang 2)