Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/6/2021

  • |
T5g.org.vn - Phải quyết tâm nghiên cứu, sản xuất bằng được vaccine COVID-19; Thần tốc, quyết liệt hơn để đẩy lùi dịch bệnh

 

Phải quyết tâm nghiên cứu, sản xuất bằng được vaccine COVID-19

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt và phải quyết tâm nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất bằng được vaccine COVID-19.

Hai trụ cột của chiến lược vaccine

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 7.6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các bộ, ngành và các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp trong nước về sản xuất vaccine phòng COVID-19.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ hai trụ cột của chiến lược vaccine là: Phải huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, tiếp cận dưới mọi hình thức, bằng mọi cách để mua được vaccine nhiều nhất, nhanh nhất; đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước. Cùng với đó, tiến hành bảo quản, tiêm vaccine nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất cho người dân. Tất cả những công việc này phải tiến hành khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng”.

Thủ tướng cho biết, đây là công việc rất khó khăn, thách thức, nhưng khó đến mấy cũng phải làm, bởi chúng ta đặt mục tiêu sức khỏe, tính mạng, sinh mệnh của nhân dân là trên hết, là trước hết, nhân dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch.

Theo Thủ tướng, đây là việc liên quan đến sinh mạng, sức khỏe người dân nên rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, nhưng nhiệm vụ càng khó khăn, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy trí tuệ tập thể, bàn bạc thấu đáo, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, giữ vững đoàn kết, thống nhất, tôn trọng lẫn nhau, quyết định theo đa số.

Thủ tướng nhấn mạnh, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thời gian, nguồn lực đều có hạn nên phải làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, cụ thể là quyết tâm nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất bằng được vaccine COVID-19.

Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải kịp thời, đúng hướng, quyết liệt, hiệu quả, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Thủ tướng nhấn mạnh, phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng được chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine.

Phải quyết tâm tháo gỡ bằng được các vướng mắc về mặt pháp lý, các Bộ ngành phải bám sát tình hình, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao để giải quyết, đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc này. Vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý, vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Huy động nguồn lực, kinh phí bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó hợp tác công – tư là chủ đạo, bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, cùng với các hình thức huy động, các nguồn hợp pháp khác như Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, với mục tiêu tất cả vì sức khỏe và sinh mạng của người dân, của cộng đồng.

Về con người, phải có ngay cơ chế, chính sách để tập hợp, huy động và nâng cao trình độ để các nhà khoa học có động lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vaccine. Đặc biệt, phải khuyến khích cả về vật chất và tinh thần để các nhà khoa học phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng và lòng say mê nghiên cứu, duy trì điều này lâu dài, ổn định. Đảng, Nhà nước trân trọng và ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học.

Nghiên cứu rút ngắn thời gian thử nghiệm và đánh giá vaccine, vừa thận trọng, bảo đảm an toàn, vừa phù hợp với thực tiễn.

Nghiên cứu rút gọn quy trình cấp phép vaccine trên cơ sở thực tiễn và khoa học, bảo đảm an toàn, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, khách quan, chống tiêu cực.

Thủ tướng giao Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine; báo cáo, đề xuất các cấp có thẩm quyền tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thể chế, tài chính, con người, quy trình thử nghiệm, đánh giá và cấp phép vaccine. Làm tốt công tác dự báo để cân đối cung cầu, điều tiết về mặt vĩ mô, tránh lãng phí nguồn lực.

Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất cơ chế chính sách ưu đãi để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, trong đó có vấn đề bản quyền, sở hữu trí tuệ… Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung các cơ chế về tài chính. Các bộ, ngành khác chủ động, tích cực phối hợp hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao. (Lao động, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Nhân dân, trang 4; Thanh niên, trang 4; Tiền phong, trang 3; Tuổi trẻ, trang 3; Công an nhân dân, trang 1; An ninh thủ đô, trang 16; Hà nội mới, trang 1)

 

Thần tốc, quyết liệt hơn để đẩy lùi dịch bệnh

Sáng 7-6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đã họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. 

Chủ trì tại điểm cầu Văn phòng Thành ủy TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM. Chủ trì tại điểm cầu UBND TPHCM có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM là địa phương có số ca mắc đứng thứ 4 cả nước và dự báo, TPHCM sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc rải rác, các chùm ca bệnh trong khu vực cách ly và trong cộng đồng do các biện pháp xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng của TPHCM được đẩy mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, về tổng thể, dịch bệnh tại TPHCM vẫn đang trong tầm kiểm soát và đang có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, do xuất hiện cả biến chủng Ấn Độ và biến chủng Anh đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm nên công tác kiểm soát dịch phải thần tốc, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

“Chúng ta không vì kết quả số ca nhiễm chững lại mà làm suy giảm các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra, nhất là áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Trên tinh thần tổng tiến công toàn lực, tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội toàn TPHCM để chặn đứng đẩy lùi dịch bệnh, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị, các sở-ngành, quận huyện, TP Thủ Đức thực hiện nghiêm Công điện 789 ngày 5-6 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch và phát triển kinh tế, thực hiện nhiệm vụ kép với các nội dung trọng tâm như: trao đổi thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải kể cả vận chuyển hành khách, công nhân, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất… đảm bảo kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không "ngăn sông cấm chợ", không gây ách tắc, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu, các đơn vị thực hiện việc chấp hành cách ly y tế đúng đối tượng quy định đối với người đến từ vùng dịch; chỉ đạo thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người tham gia vận tải hàng hóa, vận tải vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch, người sản xuất kinh doanh và người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực; duy trì nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của TPHCM.

Bên cạnh đó, siết chặt các kỷ luật, kỷ cương phòng chống dịch tại công sở, thực hiện nghiêm Công văn 1803 về thay đổi phương thức làm việc tại cơ quan, đơn vị nhà nước đã được ban hành; cán bộ, công chức, người lao động không tiếp khách tại công sở, trừ trường hợp khách có thư mời.

Mỗi cơ quan đơn vị đi họp hết sức chú ý đến đối tượng tham gia họp; thực hiện giãn cách triệt để tại các chợ truyền thống và chợ đầu mối, các địa phương có trách nhiệm bố trí các chốt để kiểm soát y tế và khuyến khích, động viên người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K. Nhân rộng các mô hình phòng chống dịch hiệu quả tại các công sở, bệnh viện, doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất để đảm bảo đồng bộ cao nhất biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu UBND quận huyện, TP Thủ Đức tăng cường kiểm soát, kiểm tra giám sát, huy động và điều phối nguồn lực tại phường, xã, thị trấn để huy động lực lượng cho các chốt cách ly trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền vận động quỹ vaccine phòng chống Covid-19 và kịp thời thông tin biểu dương những cá nhân tích cực ủng hộ công tác phòng chống dịch trên địa bàn TPHCM.

Ngành y tế huy động tổng lực tham gia xét nghiệm, bảo đảm không tồn mẫu xét nghiệm nhất là mẫu F1, F2 và phấn đấu lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả trong 8 giờ khi phát hiện khu vực có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm. Gấp rút triển khai và xếp theo thứ tự ưu tiên để xét nghiệm cho toàn bộ khu công nghiệp, khu chế xuất - khu công nghệ cao (KCN-KCX-KCNC) trên địa bàn TPHCM.

Hướng dẫn các quận huyện, TP Thủ Đức rà soát lại cơ sở vật chất trên địa bàn để bố trí làm nơi cách ly tập trung, với nguyên tắc phải có kế hoạch cụ thể cho từng tình huống cụ thể và không để thiếu chỗ cách ly theo diễn biến dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM đánh giá tổng thể những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch tại các cơ sở y tế, nhất là tại các cơ sở y tế đã bị phong tỏa để khắc phục, không để xảy ra tình trạng tương tự. Kiểm tra tất cả phương án phòng chống dịch trên địa bàn, trong trường hợp Sở Y tế không đủ nhân lực, giao cho quận huyện có bệnh viện đóng trên địa bàn kiểm tra.

“Cố gắng rà soát lại công tác phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện, khuyến khích các bệnh viện triển khai chương trình chăm sóc toàn diện cho người bệnh, hạn chế người nuôi bệnh; giám sát các nhà thuốc tư nhân, khi người dân có dấu hiệu ho, sốt, khó thở đến khám, mua thuốc thì nhà thuốc phải phối hợp với trạm y tế để phối hợp tầm soát dịch bệnh”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế đánh giá hiệu quả cách ly xã hội đã triển khai trên địa bàn TPHCM, cần thiết triển khai biện pháp mạnh hơn nữa để khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận huyện, đặc biệt là các quận huyện có số ca mắc nhiều như Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh… đánh giá 1 tuần qua khi thực hiện cách ly xã hội với các biện pháp triển khai mang lại hiệu quả như thế nào, cần tăng cường gì?... “Bất kỳ một quyết định nào chúng ta đề ra, chúng ta phải kiểm tra và có biện pháp chấn chỉnh để đạt hiệu quả cao nhất”, Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý.

Ban Quản lý KCN-KCX-KCNC khẩn trương tham mưu cho UBND TPHCM kế hoạch cho một số doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất, nhằm đảm bảo cho chủ doanh nghiệp vừa sản xuất vừa bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Siết chặt giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch theo Bộ tiêu chí tại các nhà máy, cơ sở sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp điều chỉnh giờ làm việc để hạn chế tập trung đông người, đưa đón người lao động, cũng như ăn trưa bố trí vị trí cố định và sẵn sàng truy vết khi có yêu cầu.

Ban Tôn giáo TPHCM tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, nhất là các điểm nhóm tôn giáo do UBND phường xã cấp phép; khuyến khích các cơ sở tôn giáo giãn lễ, thuyết pháp trực tuyến qua internet. Quan tâm nhắc nhở chức sắc, tín đồ kịp thời phát hiện thông báo tới chính quyền, cơ quan y tế về các nguy cơ lây bệnh, thực hiện các biện pháp khoanh vùng cách ly địa bàn có dịch.

Sở Công thương chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị đảm bảo thuận lợi cho giao thương, tiêu thụ cung ứng hàng hóa giữa TPHCM với các địa phương khác. Chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhân dân trong 6 tháng để phòng ngừa khi diễn biến dịch còn xấu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính Phủ.

“Các đoàn thể của TPHCM phát động phong trào tình nguyện, tham gia phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng tình nguyện hỗ trợ cho các quận huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn, nhất là các đơn vị có nhiều chốt và điểm cách ly. Người dân TPHCM khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở phải chủ động liên hệ với các cơ sở y tế để tầm soát dịch bệnh. Tuyệt đối không chần chừ do dự. Người dân có bệnh nền như ung thư, thận mãn tính, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, hệ miễn dịch suy yếu… cần ở nhà toàn thời gian và chỉ ra ngoài khi đến các cơ sở y tế hoặc mua lương thực, thực phẩm”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

 

Hơn 6.000 người đăng ký thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin COVID-19 Nano Covax của Việt Nam

Tính đến đầu giờ chiều ngày 7/6 đã có hơn 6.000 người đăng ký thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax của Việt Nam.

Học viện Quân y cho biết, số lượng tình nguyện viên tăng nhanh từng giờ. Chỉ trong 10 ngày qua có thêm hơn 5.000 người đăng ký, nâng tổng số tình nguyện viên muốn tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax lên hơn 6.000 người.

Trong giai đoạn 3, vắc xin Nano Covax sẽ thử nghiệm tại nhiều trung tâm trong nước với khoảng 13.000 tình nguyện viên. Tại miền Bắc, thử nghiệm lâm sàng tại Học viện Quân y và Hưng Yên, phía Nam có Viện Pasteur TP. HCM và Long An tham gia. Tại Long An, số tình nguyện viên đăng ký chưa được tổng hợp do các địa phương chưa gửi lên.

Dự kiến ngay trong tuần này, vắc xin Nano Covax sẽ bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3. Trong giai đoạn này sẽ chia thành nhiều giai đoạn nhỏ, tiêm duy nhất nhóm liều 25mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng.

Các kết quả thử nghiệm 2 giai đoạn đầu cho thấy vắc xin Nano Coax an toàn, 100% tình nguyện viên đều sinh kháng thể từ hàng chục đến hàng trăm lần, cao hơn kỳ vọng rất nhiều.

Vắc xin cũng có hiệu quả với biến thể Anh và Nam Phi. Tác dụng với biến thể Ấn Độ sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong giai đoạn 3.

Vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax được công ty Nanogen phát triển từ tháng 5/2020 dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Đây là công nghệ sản xuất vắc xin ổn định đã có từ lâu.

Đến nay vắc xin này đã trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020; giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021. Riêng giai đoạn 2, được triển khai tại 2 địa điểm là Học viện Quân Y và Trung tâm y tế Bến Lức- Long An.

GS. TS Trương Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học cho biết, trong giai đoạn 3, đối tượng tiêm thử nghiệm sẽ mở rộng hơn.

Trên tinh thần “thử nghiệm càng nhanh càng tốt” của Chính phủ, Bộ Y tế giao cho các đơn vị thử nghiệm. Nhanh không có nghĩa cắt đoạn, bỏ qua giai đoạn. Bất cứ giai đoạn nào cũng phải tuân thủ yêu cầu, tiêu chuẩn của quốc tế. Làm rất nhanh nhưng phải rất chuẩn, đưa ra Hội đồng phải phê duyệt được ngay.

"Nhìn chung, theo đúng quy trình và từng bước của mỗi giai đoạn, để Bộ Y tế có đủ cơ sở khoa học để có thể cấp phép khẩn cấp, sử dụng có điều kiện vắc xin Nano Covax ở Việt Nam”- GS.TS Trương Việt Dũng cho hay. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Đeo khẩu trang hở mũi, hở miệng vẫn bị phạt

Bên cạnh những người tuân thủ đeo khẩu trang khi ra đường thì nhiều trường hợp đeo khẩu trang chống chế bằng cách để hở mũi, hở miệng để thở, hút thuốc…

Từ ngày 1-6, Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM đã ra quân kiểm soát, xử lý người tham gia giao thông vi phạm các quy định về phòng chống dịch trong lĩnh vực y tế, theo Nghị định 117/2020. Trong đó có việc xử phạt tài xế không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Qua nhiều ngày theo chân các đội, trạm CSGT thuộc Phòng PC08 đi tuần tra, kiểm soát, PV ghi nhận hầu hết người dân đều tuân thủ việc đeo khẩu trang khi ra đường. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng người vi phạm đeo khẩu trang chưa đúng cách, như hở phần mũi, phần miệng… Những trường hợp này đã được CSGT gọi vào lập biên bản nhắc nhở, hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách để phòng chống dịch bệnh.

Hạ khẩu trang xuống vì khó thở, đang hút thuốc lá…

Sáng 2-6, tại vòng xoay Dân Chủ, quận 3, cán bộ Đội CSGT Bàn Cờ đã đóng chốt để kiểm tra việc đeo khẩu trang của người đi đường. Tại đây, một số trường hợp đeo khẩu trang hở phần mũi, thậm chí hở xuống miệng đã được CSGT gọi vào.

Thấy nhiều người còn ngơ ngác chưa biết bị phạt lỗi gì thì CSGT đã nhanh chóng nhắc người dân kéo khẩu trang lên và giải thích: “Chú có đeo khẩu trang nhưng chưa đúng cách, chú phải đeo kín cả phần mũi để phòng chống dịch bệnh”. CSGT sau đó kiểm tra giấy tờ xe và nhắc nhở thêm vài lần để người dân ghi nhớ.

Ông Long (ngụ quận 3) lý giải việc đeo khẩu trang hở mũi với CSGT là do bị bệnh nên không thở được. “Tôi bị hai u hạch ở cổ, rồi bị viêm phế quản không thở được, đến nói cũng khó. Vì vậy, tôi phải kéo khẩu trang xuống dưới mũi một chút để thở” - ông Long phân trần và cho hay từ hôm có dịch tới giờ ông không dám ra đường, nay mới ra ngoài mua chút đồ ăn về nấu cơm.

Còn anh Trương Du (ngụ quận 11) cho biết mình đeo khẩu trang lâu sẽ bị ngộp nên phải hạ xuống 1-2 phút để thở. “Tôi đi giao hàng từ Bình Dương lên đây, do đeo không quen, thấy hơi ngộp nên thả xuống một chút. Tôi sẽ rút kinh nghiệm, đeo khẩu trang đúng cách hơn” - anh Du nói.

Khi CSGT ra hiệu dừng xe, trên tay ông Tài (ngụ TP Thủ Đức) còn cầm điếu thuốc lá. Ông Tài nói lời xin lỗi, mong CSGT thông cảm khi đã để hở khẩu trang xuống dưới cằm. “Nãy có người bạn mời tôi điếu thuốc chứ ai mà không đeo khẩu trang nơi công cộng chứ, tôi chạy Grab nên hiểu quy định mà” - ông Tài nói.

Tại khu vực này, CSGT Bàn Cờ cũng đã nhắc nhở anh Ngọc (ngụ quận Hóc Môn) - một lơ xe tải phải đeo khẩu trang. “Do tôi vừa bốc hàng nên nóng và mồ hôi ướt sũng. Vì vậy, tôi lấy khẩu trang ra định tranh thủ nói chuyện điện thoại cho thoải mái, tiện thể lau mồ hôi cho đỡ khó chịu” - anh Ngọc phân trần.

Quên đeo khẩu trang?!

Tối 3-6, tổ công tác của Đội CSGT Hàng Xanh đã đi tuần tra, kiểm soát trên nhiều tuyến đường thuộc địa bàn như Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng, Điện Biên Phủ…

Thời điểm này, CSGT phát hiện một đôi nam nữ đi xe máy từ đường Điện Biên Phủ hướng về Xô Viết Nghệ Tĩnh qua Bạch Đằng nhưng cả hai đều không đeo khẩu trang. Lập tức CSGT tăng tốc đuổi theo và dừng được xe.

Khi nghe CSGT thông báo lỗi vi phạm khẩu trang, nam thanh niên lôi từ trong cặp ra một chiếc khẩu trang rồi đeo lên, còn cô gái phía sau vẫn không có khẩu trang. CSGT bất ngờ hỏi: “Hai người mà chỉ có một khẩu trang thôi sao?”.

Nam thanh niên tên Nguyễn Ngọc Đăng K. (24 tuổi, ngụ quận 10) giải thích với CSGT rằng: “Do vừa đi mua đồ ăn ở gần đây nên… quên đeo khẩu trang”. CSGT đã lập biên bản xử phạt K. 2 triệu đồng vì không đeo khẩu trang nơi công cộng, tạm giữ giấy tờ xe để đảm bảo K. lên đơn vị thực hiện quyết định xử phạt.

Trước đó, tối 1-6, tại giao lộ Nguyễn Xí - Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đội CSGT Hàng Xanh cũng phát hiện anh NTD (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chạy xe máy không đeo khẩu trang. CSGT đã yêu cầu anh NTD đứng cách xa 2 m theo quy định và lấy khẩu trang mới đưa cho người này đeo vào. 

Giải thích với CSGT, anh NTD cho biết anh đi từ cầu Bình Triệu ra đây mua thức ăn, nghĩ đây là đoạn đường ngắn nên không sao. Thấy mức phạt lên đến 2 triệu đồng, anh NTD còn có ý định không hợp tác. “Tôi quên đeo khẩu trang có chút xíu chứ không phải cố tình không đeo” - anh NTD biện bạch nhưng sau khi nghe CSGT giải thích anh đã chấp thuận.

Trong khi đó, trưa 3-6, Đội CSGT Bình Triệu phát hiện anh VNPĐ (31 tuổi, ngụ quận 1) đội mũ bảo hiểm mô tô nhưng không đeo khẩu trang. Quan sát, loại mũ bảo hiểm mà anh VNPĐ đội có phần che miệng, có kính để che mắt và mũi.

“Tôi có để khẩu trang trong túi quần, tuy nhiên mũ bảo hiểm nặng khó thở nên không đeo, bị nhắc nhở, lần sau tôi sẽ đeo khẩu trang khi ra đường, những nơi công cộng” - anh VNPĐ nói và ký cam kết không tái phạm. (Pháp luật TP.HCM, ngày 7/6, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang