Nâng điều kiện thực hiện kỹ thuật mang thai hộ
Ngày 7-8, Bộ Y tế cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung điều kiện cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Cụ thể, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng các điều kiện: Có ít nhất 2 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (quy định cũ chỉ là 1 năm) kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật này; Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1.000 chu kỳ mỗi năm trong 2 năm.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm như phải có phòng hồi sức cấp cứu, có đơn nguyên riêng cho việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm diện tích tối thiểu là 500m2 (kể cả lối đi) và các phòng…
Nguyễn Phan
An ninh thủ đô (trang 2), Sức khỏe đời sống (trang 2)
Cán bộ y tế phải dành 1 giờ/ tuần để vệ sinh nơi làm việc
Nhằm thực hiện kế hoạch xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp tại 100% cơ sở y tế trong toàn ngành, Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các đơn vị y tế trực thuộc rà soát lại khuôn viên cơ sở, xây dựng kế hoạch đảm bảo vườn hoa, cây xanh từ 5-10% tổng khuôn viên của đơn vị.
Hằng năm có kế hoạch trồng, bổ sung cây xanh cho phù hợp. Mặt khác, các cơ sở y tế phải đảm bảo sạch sẽ, gọn gàng, có đủ nước ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, có đủ nhà vệ sinh, bồn rửa tay và xà phòng, dung dịch rửa tay cho người bệnh, người nhà người bệnh và cán bộ y tế; phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải y tế theo quy định…
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu mỗi cán bộ y tế dành 5 phút hàng ngày và dành 1 giờ vào thứ sáu hàng tuần để vệ sinh nơi làm việc. Sở Y tế sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp tại các đơn vị, xử lý nghiêm nếu đơn vị nào không chấp hành, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót.
Nguyễn Phan
An ninh thủ đô (trang 3)
Rất tin tưởng vào trình độ chuyên môn của bác sĩ Việt Nam
Đó là ý kiến của thân nhân bệnh nhân người Nhật Bản vừa được các y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cấp cứu thành công sau khi bị một hội chứng nguy hiểm hiếm gặp. Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện FV đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng bị đột ngột đau lưng dữ dội, yếu hai chân...
Phát bệnh trong khi khám sức khỏe tổng quát
Người bệnh là giám đốc một công ty của Nhật đang hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đang khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện FV, ông đột ngột đau lưng dữ dội và khoảng 30 phút sau bị yếu hai chân. Người bệnh được chụp MSCT cấp cứu, phát hiện bệnh lý động mạch chủ cấp và được chuyển sang Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Qua hỏi bệnh và thăm khám, ghi nhận người bệnh có tiền sử tăng huyết áp không điều trị gì, huyết áp tâm thu thường ở mức 160mmHg, người bệnh có thể trạng dư cân, hai chân còn cử động được nhưng sức cơ rất yếu, bí tiểu. Sau khi thăm khám, phân tích MSCT và hội chẩn cùng bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch kết luận đây là một trường hợp bóc tách động mạch chủ ngực cấp với lỗ vào ngay sau chỗ chia động mạch dưới đòn trái kèm huyết khối nội thành toàn bộ động mạch chủ ngực xuống và động mạch chủ bụng, biến chứng nhồi máu tủy gây liệt 2 chi dưới trung ương cấp tính.
TS.BS. Nguyễn Hoàng Định - Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nhận định: “Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng khá nặng nề của hội chứng động mạch chủ cấp, nếu để càng lâu, khả năng phục hồi càng thấp”. Ngay sau khi liên hệ với thân nhân tại Nhật, các bác sĩ đã thực hiện can thiệp cấp cứu trong đêm. Ê-kip Khoa Phẫu thuật Tim mạch đã tiến hành cấp cứu kịp thời cho người bệnh trong đêm bằng kỹ thuật Hybrid (phối hợp phẫu thuật và can thiệp nội mạch). Cụ thể, giải pháp đưa ra là phẫu thuật chuyển vị động mạch dưới đòn trái, cắt rời động mạch dưới đòn trái khỏi động mạch chủ và nối vào động mạch cảnh chung trái, sau đó tiến hành can thiệp đặt ống ghép nội mạch động mạch chủ ngực xuống.
Thủ thuật tiến hành thuận lợi, người bệnh đã qua cơn nguy cấp và có sự hồi phục ngoạn mục, sức cơ hai chân cải thiện nhiều, chỉ còn yếu nhẹ, người bệnh tiêu tiểu tự chủ, hiện đang được theo dõi tại phòng hồi sức tim mạch.
Bị tăng huyết áp dễ mắc bệnh
Hội chứng động mạch chủ cấp là tình trạng cấp tính của động mạch chủ ngực gây nên bởi sự mất liên kết của lớp nội mạc và trung mạc động mạch, hậu quả là bóc tách động mạch chủ cấp (Acute Aortic Dissection), loét xuyên thành (Penetrating Atherosclerotic Ulcer), hoặc huyết khối nội thành (Intramural Hematoma). Hội chứng động mạch chủ cấp xảy ra ở nam giới với tần suất cao hơn nữ giới. Các nguyên nhân làm cho thành động mạch chủ yếu hơn so với bình thường, giảm khả năng chịu đựng lực căng thành có thể gây ra bệnh động mạch chủ cấp. Các nguyên nhân này có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải, thường gặp nhất trong nhóm mắc phải là tăng huyết áp cùng với các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, rối loạn lipid máu. Hội chứng động mạch chủ cấp được phân thành type A nếu có liên quan đến động mạch chủ ngực lên, type B nếu không liên quan đến động mạch chủ ngực lên.
Biến chứng của hội chứng động mạch chủ cấp type B bao gồm vỡ lòng giả, tưới máu sai lòng và huyết khối gây thiếu máu các cơ quan đích. Vỡ lòng giả gây tràn dịch màng phổi, nặng có thể choáng mất máu. Thiếu máu thận gây nên suy thận cấp, thiếu máu ruột gây hoại tử ruột, thiếu máu chân gây hoại tử chân, thiếu máu nuôi tủy gây nhồi máu tủy. Theo TS.BS. Nguyễn Hoàng Định, người bệnh bị biến chứng nhồi máu tủy là biến chứng hiếm gặp nhất, chiếm dưới 1%, hậu quả cuối cùng là liệt chi vĩnh viễn, càng để lâu khả năng phục hồi chi càng ít đi. Người bệnh này đã được dẫn lưu dịch não tủy tại phòng hồi sức song song với điều trị hạ huyết áp, kế đến đặt ống ghép nội mạch tại vị trí lỗ vào, bảo tồn động mạch dưới đòn trái, tất cả nhằm mục đích làm giảm áp lực chèn ép tủy.
Bệnh động mạch chủ ngực cấp type B có tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 10% và lên đến 25% nếu có biến chứng, tỷ lệ tử vong của phẫu thuật cũng rất cao, do đó can thiệp nội mạch cấp cứu là lựa chọn tối ưu. Can thiệp nội mạch cấp cứu được chỉ định cho hội chứng động mạch chủ ngực cấp type B có biến chứng, bao gồm: triệu chứng đau và huyết áp không cải thiện với điều trị nội khoa tối ưu, gia tăng đường kính lòng giả trên phim chụp kế tiếp, giảm tưới máu cơ quan đích, vỡ lòng giả.
TS.BS. Nguyễn Hoàng Định chia sẻ: “Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã triển khai thành công can thiệp nội mạch động mạch chủ chương trình và đang hướng đến can thiệp nội mạch động mạch chủ cấp cứu. Để triển khai được can thiệp động mạch chủ cấp cứu, cần phải có một hệ thống tổ chức tốt từ phòng ốc, trang thiết bị và quan trọng nhất là một đội ngũ có tinh thần cao sẵn sàng có mặt và phối hợp. Thành công bước đầu này mở ra nhiều hy vọng cho những người bệnh, mà trước kia chỉ có thể trông chờ vào may mắn”.
Phát hiện và can thiệp kịp thời cho những người bệnh hội chứng động mạch chủ cấp đóng vai trò quan trọng trong tiên lượng sống còn của người bệnh. Do đó cần phải cảnh giác trước những dấu hiệu nghi ngờ, chụp MSCT động mạch chủ cản quang và chuyển ngay đến cơ sở y tế có khoa phẫu thuật tim mạch nếu có chẩn đoán để kịp thời cứu sống người bệnh.
Nguyễn Huyền Sức khỏe đời sống (trang 1)
Tây Nguyên: Báo động đỏ dịch sốt xuất huyết!
Ngày 7.8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có mặt tại Đắk Lắk để chỉ đạo ngành y tế và các địa phương đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, không để người dân thiếu thuốc điều trị… Với hơn 7.000 trường hợp mắc bệnh, 4 ca tử vong, có nơi tỉ lệ mắc bệnh lên tới 291,3 người/100.000 dân, Tây Nguyên đang báo động đỏ về dịch sốt xuất huyết bùng phát.
Bệnh viện quá tải
Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống SXH khu vực Tây Nguyên tổ chức ngày 7.8 tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, 4 tỉnh Tây Nguyên có 7.411 trường hợp mắc SXH, trong đó 4 trường hợp tử vong. Khu vực này có tỉ lệ mắc SXH là 168,1/100.000 dân, cao hơn nhiều so với cả nước là 48,2/100.000 dân. Cũng theo ông Phu, mặc dù số mắc SXH ở Tây Nguyên cũng bắt đầu tăng từ tháng 5 như mọi năm, song năm nay có xu hướng tăng cao hơn.
Đứng đầu 4 tỉnh Tây Nguyên về dịch SXH là Gia Lai với hơn 3.000 trường hợp mắc bệnh, có ngày xuất hiện hơn 100 ca mới, một bệnh nhân đã tử vong. Bác sĩ Rcom Manh - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BVĐK Gia Lai - cho biết: “Hiện tuyến tỉnh đã quá tải bệnh nhân SXH, người bệnh phải nằm đôi, nằm ra hành lang, rồi hành lang cũng không còn chỗ chứa”. Cũng tại BVĐK Gia Lai, Khoa Nhiễm có 60 giường bệnh, có lúc tiếp nhận 160 bệnh nhân SXH nên phải huy động thêm các khoa khác. Riêng BVĐK TP.Pleiku có 100 giường bệnh, nhiều thời điểm tiếp nhận tới 125 bệnh nhân SXH, cộng với các bệnh khác là… 200 bệnh nhân, tức là quá tải trăm phần trăm.
Đắk Lắk đứng thứ hai với gần 2.000 trường hợp mắc SXH. BS Nguyễn Hai - Trưởng khoa Truyền nhiễm BVĐK tỉnh - cho biết, khoa có 35 giường, nhưng đang điều trị 195 bệnh nhân, chủ yếu là mắc bệnh SXH. Bình quân mỗi ngày khoa tiếp nhận 30-40 bệnh nhân SXH, có ngày lên đến 60 bệnh nhân. Khoa Truyền nhiễm phải huy động thêm 7 phòng trước đây dùng để chứa các dụng cụ y tế, nhà kho cho bệnh nhân nằm mà vẫn không đủ chỗ. Về nhân lực, bệnh viện phải tăng cường xuống Khoa Truyền nhiễm 4 bác sĩ, 9 điều dưỡng nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ. Trước tình hình trên, lãnh đạo BVĐK tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các tuyến dưới phải tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH hơn nữa, chỉ được phép chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tỉnh khi tình trạng bệnh quá nặng.
Diễn biến bất thường
Theo Cục Y tế dự phòng, nguyên nhân trước hết là dịch SXH ở Tây Nguyên có tính chu kỳ, cứ 3-5 năm bùng phát một lần. Nhận định này căn cứ vào kết quả theo dõi giai đoạn 2005-2015, trong đó đỉnh dịch cao nhất là năm 2010 với hơn 13.000 trường hợp mắc, 5 ca tử vong. Mặt khác, hiện tượng El Nino vừa qua kéo dài làm nhiệt độ tăng cao khiến bọ gậy phát triển, Tây Nguyên trước đây không nằm trong vùng lưu hành SXH nên khả năng miễn dịch cũng thấp....
Nhưng ngoài các nguyên nhân trên, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện, thì việc xử lý ổ dịch tại các tỉnh Tây Nguyên là chưa triệt để, khiến dịch bệnh gia tăng. TP.Pleiku (Gia Lai) có hơn 1.000 trường hợp mắc SXH, nhưng ngành chức năng chỉ phun hóa chất diệt muỗi được 221 khu vực có người bệnh là một tỉ lệ quá thấp. Tại nhiều buôn làng ở Tây Nguyên, lốp xe công nông cũ hầu như nhà nào cũng có, chỉ sau vài trận mưa là những chiếc lốp biến thành... ổ lăng quăng. Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Sở Y tế Kon Tum - nơi có tỉ lệ mắc SXH cao nhất khu vực với 291,3 người/100.000 dân, 2 trường hợp tử vong - cho biết, dịch SXH đang có những diễn biến rất bất thường. Thông thường bệnh nhân SXH chỉ điều trị 7 ngày, nhưng hiện nay nhiều trường hợp phải điều trị kéo dài tới 11 ngày. Đặc biệt, các biến chứng của bệnh SXH cũng xuất hiện sớm hơn so với trước đây, là vấn đề rất đáng quan tâm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính cấp kinh phí phòng, chống dịch SXH cho các tỉnh, yêu cầu ngành y tế không được để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tiến tới thanh toán bệnh SXH như bệnh sốt rét, không để tái phát theo chu kỳ nữa. “Nhưng quan trọng nhất là công tác tuyên truyền phải đạt hiệu quả cao, phải làm cho người dân nhận thức đầy đủ sự nguy hiểm của dịch SXH và cách thức phòng tránh. Muốn vậy phải tuyên truyền bằng nhiều kênh như phát thanh, truyền hình, tờ rơi...” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
TRUNG KIÊN - ĐÌNH VĂN
Lao động (trang 1), Gia đình & xã hội (trang 2)
Sớm đưa vào sử dụng cơ sở 2 BV Việt Đức và BV Bạch Mai
Sáng ngày 6/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến kiểm tra tiến độ xây dựng cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Việt Đức tại Hà Nam.
Sáng ngày 6/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến kiểm tra tiến độ xây dựng cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Việt Đức tại Hà Nam. Đây là 2 trong 5 cơ sở BV tuyến TW và tuyến cuối đạt tiêu chuẩn quốc tế được bắt đầu xây dựng từ cuối năm 2015 với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng sẽ đi vào hoạt động. Mỗi BV này có quy mô 1.000 giường bệnh, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng từng bước vào cuối năm 2017, theo kế hoạch để giảm quá tải cho cơ sở chính ở Hà Nội.
Tại buổi kiểm tra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế cũng như các nhà thầu cần phải bảo đảm cả tiến độ lẫn chất lượng của công trình. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo BV Bạch Mai và BV Việt Đức cần triển khai ngay và phải dành nhiều thời gian, công sức để đào tạo các y, bác sĩ cho 2 cơ sở bệnh viện này.
Cơ sở 2 của BV Bạch Mai được đầu tư xây mới thành một BVĐK hoàn chỉnh hiện đại để chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu như: tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp; đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày. Cơ sở 2 của BV Việt Đức được đầu tư thành một BV ngoại khoa hoàn chỉnh chữa trị các chấn thương xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống; vi phẫu tim mạch nhi; đáp ứng 3.500 lượt khám mỗi ngày. Sức khỏe đời sống (trang 2)
Quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết
Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) diễn ra phức tạp với số mắc từ đầu năm đến nay đã gần 50.000, trong đó có 17 trường hợp tử vong.
Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) diễn ra phức tạp với số mắc từ đầu năm đến nay đã gần 50.000, trong đó có 17 trường hợp tử vong, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành liên quan về việc tăng cường công tác phòng chống SXH. Về phía ngành y tế, tiếp theo các chỉ đạo trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã gửi công điện đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH...
Chủ tịch UBND các địa phương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về phòng chống dịch SXH trên địa bàn
So với cùng kỳ năm 2015, số mắc SXH đến thời điểm này tăng cao và có nguy cơ lan rộng, tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên như: Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông (trong đó, riêng tại khu vực Tây Nguyên số mắc chiếm khoảng 50% tổng số mắc của cả nước). Nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh SXH thời gian qua là do hiện tượng El nino, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ tăng dẫn đến hạn hán, các địa phương tích trữ nước nhiều mà không được xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng/bọ gậy phát triển. Thêm vào đó, ở một số khu vực trước đây không lưu hành SXH (khu vực Tây Nguyên) nên khả năng miễn dịch thấp dẫn đến dễ mắc bệnh.
Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh SXH, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền và các Sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất.
Công điện của Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch SXH trên địa bàn.
Về phía các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng cũng yêu cầu: Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh SXH; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Bộ Thông tin và truyền thông cùng các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bộ GD&ĐT chỉ đạo các sở GD&ĐT huy động giáo viên, học sinh, sinh viên các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế. Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh SXH...
Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong do SXH
Về phía ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã ký Công điện số 782/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH. Theo đó, để tăng cường các biện pháp phòng chống SXH trong mùa mưa bão, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy). Riêng ngành y tế thực hiện tốt giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời, phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật (2-3 lần cách nhau 1 tuần) để xử lý triệt để các ổ dịch. Đảm bảo 100% các hộ gia đình được phun.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế yêu cầu tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH. Thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn, không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải BV. Mặt khác, tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị ở cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông cơ sở phối hợp với ngành y tế triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền tới người dân trong cộng đồng về các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gây), nằm màn, chống muỗi đốt và phối hợp với cơ quan y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi tại các hộ gia đình. Khi có dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà...
Sức khỏe đời sống (trang 3)
Tổn thương não, hôn mê sâu, tử vong vì... ngộ độc rượu
Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) vừa tiếp nhận các trường hợp bị ngộ độc methanol sau khi uống rượu. Điều đáng nói là trong số đó đã có bệnh nhân gia đình phải xin về để lo hậu sự, rồi có bệnh nhân bị tổn thương não, hôn mê sâu chỉ vì ngộ độc rượu
Nam bệnh nhân 56 tuổi nhập viện trong tình trạng tổn thương não, hôn mê sâu do ngộ độc methanol sau khi uống rượu, một ngày sau gia đình xin đưa về nhà lo hậu sự. Đây là một trong số 4 trường hợp ngộ độc rượu trắng pha cồn công nghiệp Methanol vừa đến Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) trong 5 ngày qua. Trong số đó, có thêm 2 trường hợp đang hôn mê
Theo thông tin từ BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, bệnh nhân Nguyễn Văn T. (56 tuổi, Sơn La) nhập viện đêm muộn ngày 1/8 trong tình trạng nguy kịch, tụt huyết áp, hôn mê sâu do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp Methanol.
Gia đình bệnh nhân T. cho biết, ông T. vốn nghiện rượu, mỗi ngày đều uống khoảng nửa lít rượu, say rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại say. Tuy nhiên tối 1/8, sau bữa rượu buổi chiều ông T. bỗng nhiên kêu đau đầu, nhìn mờ. Khi được đưa đến BV Đa khoa Mộc Châu bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê và được chuyển đến BV Bạch Mai ngay sau đó.
“Hình ảnh chụp sọ não cho thấy bệnh nhân não bị tổn thương rất nặng, gia đình xin đưa người bệnh về chỉ sau 1 ngày nhập viện”, BS Nguyên cho biết.
Ngoài trường hợp ông T., Trung tâm đang cấp cứu 2 bệnh nhân bị ngộ độc rất nặng. Một bệnh nhân nam 54 tuổi ở Thanh Hóa chuyển đến Trung tâm ngày 31/7 trong tình trạng hôn mê, được mở nội khí quản thở máy, tổn thương não nặng, rối loạn chuyển hóa. Trước đó 2 ngày bệnh nhân uống rượu sau đó rơi vào hôn mê, hàm lượng methanol trong máu đến 35,8 mg/dL trong khi thông thường hàm lượng methanol trong máu trên 20 mg/dL được xem là cao.
Bệnh nhân thứ hai là đàn ông 52 tuổi ở Hải Dương. Trước đó bệnh nhân mệt, ăn uống kém, sau đó khó thở tăng dần, lơ mơ gọi hỏi không biết, xuất hiện cơn co cứng toàn thân. Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Gia Lộc, chuyển tiếp đến bệnh tỉnh và vào Trung tâm Chống độc vào ngày 28/7. Hàm lượng methanol trong máu bệnh nhân rất cao, đến 163mg/dL.
Theo bác sĩ Nguyên, tình trạng hai bệnh nhân đều rất nặng, điều trị còn kéo dài và chưa thể đánh giá được mức độ phục hồi sau tổn thương não. Cả hai đều có tiền sử nghiện rượu.
Các bác sĩ cho biết, hầu hết trường các trường hợp ngộ độc rượu nặng thường do uống rượu trắng, bởi rất có thể rượu tự nấu đã được pha thêm cồn công nghiệp hoặc thậm chí chỉ pha riêng cồn công nghiệp.
Từ thực tế công tác cấp cứu ngộ độc nói chung, ngộ độc rượu nói riêng, BS Nguyên cho rằng, điều nguy hiểm là bệnh nhân uống rượu trắng cứ nghĩ uống rượu thường nên không nghĩ đến viện sớm. Bên cạnh đó, rượu thực phẩm cũng làm kéo dài các biểu hiện độc tính của methanol. Nhập viện càng muộn tình trạng ngộ độc càng nặng, bệnh nhân có thể bị mù lòa, tổn thương não, hôn mê kéo dài, thậm chí là tử vong. Sức khỏe đời sống (trang 3)
Thêm cơ hội cho bệnh nhân chờ ghép tạng tại Việt Nam
Trong hai ngày 6 - 7.8, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bộ KH-CN và Ban Chủ nhiệm chương trình KH-CN trọng điểm cấp quốc gia tiến hành thẩm định và nghiệm thu 3 đề tài KH-CN (trọng điểm cấp quốc gia).
Các đề tài này trong giai đoạn 2011 - 2015 của Bệnh viện Chợ Rẫy gồm: Nghiên cứu triển khai ghép thận từ người cho tim ngừng đập; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch điều trị phình, bóc tách và phình bóc tách động mạch chủ; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch để điều trị thiếu máu não cấp và mạn tính.
Đặc biệt, đề tài Nghiên cứu triển khai ghép thận từ người cho tim ngừng đập do PGS-TS Nguyễn Trường Sơn làm chủ nhiệm được Hội đồng nghiệm thu đánh giá là một trong số ít đề tài xuất sắc, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.
Đề tài được nghiệm thu sẽ mở ra cơ hội phát triển tiềm năng nhận tạng hiến từ người cho tim ngừng đập cũng như đem đến nhiều cơ hội cho bệnh nhân đang chờ được ghép thận nói riêng và ghép tạng nói chung.
Thanh Tùng
Thanh niên (trang 3)