Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 8/8/2023

  • |
T5g.org.vn - Quản lý bệnh viện tuyến cuối; Long Biên: Chú trọng an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú; Gia tăng lây nhiễm trong nhóm MSM

 

Quản lý bệnh viện tuyến cuối

Những ngày gần đây có nhiều ý kiến băn khoăn về những hệ lụy, phát sinh nếu "chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện các trường đại học". Ðây là một nội dung của Dự án Luật thủ đô (sửa đổi) đang trong quá trình soạn thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và cá nhân.

Hệ thống y tế nước ta được phân chia thành bốn tuyến: xã, phường; quận, huyện; tỉnh, thành phố; trung ương. Hiện nay, Bộ Y tế quản lý hơn 30 bệnh viện, đều là các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành tuyến cuối về các chuyên ngành. Trên địa bàn Hà Nội có gần 20 bệnh viện do Bộ Y tế quản lý.

Các đơn vị này chịu trách nhiệm chăm sóc sức khoẻ cho người dân trên phạm vi toàn quốc hoặc cho khu vực phía bắc. Do vậy, nếu chuyển giao từ Bộ Y tế về Hà Nội quản lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Với mô hình do Bộ Y tế quản lý, ưu tiên hàng đầu của các bệnh viện tuyến trung ương là cung ứng dịch vụ chăm sóc chuyên sâu và hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh khó khăn thì khi do Hà Nội quản lý, ưu tiên hàng đầu sẽ dành cho việc phục vụ cộng đồng dân cư Thủ đô.

Ðiều này sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng khoảng cách chênh lệch về năng lực y tế cũng như thực trạng sức khỏe giữa Hà Nội và các địa phương khác, nhất là miền núi, vùng khó khăn. Khi chuyển các bệnh viện tuyến trung ương về Hà Nội quản lý cũng sẽ ảnh hưởng, làm đứt gãy khả năng điều phối nhanh của Bộ Y tế trong trường hợp khẩn cấp về y tế. Trong giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19, chỉ có Bộ Y tế mới có thể huy động tổng lực (cả nhân lực và trang thiết bị) từ các bệnh viện: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Ðức, K, Lao phổi trung ương, Phụ sản trung ương… vào hỗ trợ các tỉnh phía nam chống dịch.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các bệnh viện tuyến trung ương là công tác chỉ đạo tuyến, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới theo chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế. Nhưng nếu chuyển về Hà Nội quản lý, khi đó công tác chỉ đạo tuyến sẽ gặp bất cập; chưa kể ảnh hưởng tới vai trò là bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành trong nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ các nước phát triển trên thế giới.

Các chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh báo, khi chuyển các bệnh viện tuyến trung ương từ Bộ Y tế về Hà Nội quản lý sẽ gây tác động không tốt trong công tác quản lý. Ðó là việc gia tăng nhanh chóng số giường bệnh chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối có thể làm hệ thống y tế Hà Nội mất cân đối, có nguy cơ dư thừa cung dịch vụ chăm sóc chuyên sâu. Trong bối cảnh Hà Nội cũng đã có các bệnh viện chuyên khoa tương tự (Tim, Lao và Bệnh phổi, Ung bướu, Da liễu, Mắt…), việc phải quản lý thêm các bệnh viện chuyên khoa của Bộ Y tế sẽ dẫn đến sự chồng chéo rất lớn, rất khó giải quyết...

Tại buổi họp giữa Bộ Y tế với lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đây, các đại biểu cho rằng cần giữ lại mô hình hiện tại, đó là các đơn vị tuyến trung ương trên địa bàn Hà Nội vẫn do Bộ Y tế quản lý vì sự phát triển chung của ngành y trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên toàn quốc. Hệ thống đang vận động tốt, ổn định thì không nên có sự xáo trộn.

Việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là định hướng đúng, nhất là trong phát triển ngành y tế. Tuy nhiên, việc triển khai các vấn đề cụ thể cần đề cập xem việc triển khai thế nào cho phù hợp, nếu không sẽ làm giảm hiệu quả, thậm chí làm chậm, kéo lùi sự phát triển ngành y tế.

Ðổi mới mô hình quản lý các cơ sở y tế cần xem xét nhiều yếu tố liên quan, từ cơ cấu dân số, mô hình bệnh tật, cách tiếp cận dịch vụ y tế đến mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị. Mặt khác, việc chuyển đổi mô hình quản lý bệnh viện tuyến trung ương cũng cần được xem xét tính phù hợp với các luật hiện hành, như Luật Khám bệnh, chữa bệnh; các quy định về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các bệnh viện nói chung và bệnh viện tuyến trung ương nói riêng (Nhân dân, trang 1).

 

Long Biên: Chú trọng an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú

An toàn, vệ sinh thực phẩm trường học luôn là mối quan tâm của toàn xã hội. Thời gian qua, quận Long Biên đã tăng cường kiểm soát các cơ sở cung cấp thực phẩm cho trường học, đồng thời triển khai có hiệu quả mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học”.

Ngay trước thềm năm học mới 2023-2024, công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các trường học trên địa bàn quận tiếp tục được siết chặt nhằm bảo đảm sức khỏe và an toàn cho học sinh.

Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn quận Long Biên có bếp ăn tập thể triển khai mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học”. Qua việc triển khai mô hình này, các trường đã thành lập và duy trì hoạt động của tổ tự giám sát an toàn thực phẩm, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm nhập vào bếp ăn. Cùng với đó, các trường cũng bảo đảm tuân thủ đầy đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, từ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cho đến quy trình sơ chế, chế biến, lưu mẫu thức ăn, kiểm thực 3 bước… với sự tham gia của đại diện phụ huynh học sinh.

Ngay trong năm học 2022-2023 vừa qua, quận đã phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tổ chức 2 lớp tập huấn cho các cơ sở giáo dục với trên 500 người tham dự. Nội dung tập huấn tập trung vào giám sát truy xuất nguyên liệu thực phẩm; tự kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn. Bên cạnh đó, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế quận Long Biên đã tổ chức 35 lớp tập huấn tại chỗ trực tiếp cho cán bộ, giáo viên; nhân viên bếp ăn của các trường theo hình thức “cầm tay chỉ việc” về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn quận đã được kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm quận Đinh Thị Thu Hương cho biết, phần lớn cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú đều thực hiện nghiêm việc ký hợp đồng mua bán với các đơn vị cung cấp nguyên liệu thực phẩm, suất ăn sẵn có đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; thực hiện ký cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm; niêm yết công khai danh mục nguồn gốc thực phẩm, thực đơn…

Đơn cử như tại Trường Tiểu học Đoàn Khuê (phường Việt Hưng, quận Long Biên), nhờ sự phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm giữa các bên liên quan, gồm: Nhà trường, phụ huynh học sinh và đơn vị cung cấp thực phẩm nên từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, nhà trường chưa để xảy ra sự cố nào liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Khuê Trần Thị Phương Dung chia sẻ, để bảo đảm sự khách quan và lựa chọn được nhà cung cấp tốt, trước khi ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm, nhà trường đã tổ chức một đoàn giám sát, gồm lãnh đạo nhà trường, ban phụ huynh đến tận nơi để kiểm tra nguồn gốc thực phẩm. Việc giám sát này được nhà trường tiến hành thường xuyên.

Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm luôn được nhà trường đặc biệt chú trọng. “Chúng tôi được tập huấn thường xuyên về công tác giám sát thực phẩm đầu vào. Kỹ năng đầu tiên khi tập huấn là kiểm tra bằng cảm quan. Chỉ cần dùng tay kiểm tra, đồng thời nhìn và ngửi từng miếng thịt, miếng giò, mớ rau… sẽ nhận biết được thực phẩm đó có tươi ngon hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng. Trong quá trình giám sát, chúng tôi mời cả ban phụ huynh tham gia”, bà Trần Thị Phương Dung nói.

Chủ động kiểm soát nguy cơ trước năm học mới

Để chủ động thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và kiểm soát nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong năm học mới 2023-2024, UBND quận Long Biên đã chỉ đạo Phòng Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tiếp nhận và kiểm tra, đánh giá hồ sơ của các cơ sở đăng ký cung cấp thực phẩm cho các trường học.

Kết quả, đã tiếp nhận và thẩm định, đánh giá 46 hồ sơ (42 hồ sơ nộp đúng hạn, 4 hồ sơ nộp sau thời gian quy định); trong đó có 39/42 cơ sở đạt điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp đầy đủ các loại thực phẩm, dịch vụ theo đơn đăng ký, 3 cơ sở không đạt. Không chỉ vậy, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của quận cũng đã kiểm tra, đánh giá thực tế các cơ sở chế biến suất ăn sẵn; sơ chế, kinh doanh thực phẩm hỗn hợp; sản xuất bánh, nước uống đóng chai… cung cấp cho trường học.

Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm quận Đinh Thị Thu Hương cho biết, quận yêu cầu thông báo công khai kết quả kiểm tra, đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở đăng ký cung cấp thực phẩm cho các trường học để lựa chọn, ký hợp đồng trước khi bước vào năm học 2023-2024. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh trong tổ chức ăn bán trú cho các trường học. Để việc tập huấn đạt hiệu quả, quận yêu cầu xác định rõ đối tượng, nội dung tập huấn, hướng dẫn các kỹ năng cụ thể theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Bên cạnh đó, quận cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các điều kiện an toàn thực phẩm trong bếp ăn tập thể, căng tin của các trường học. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình “Nâng cao năng lực tự quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học”. Mặt khác, duy trì công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định, tiêu chí về an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục. Qua đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời, tiếp nhận và xử lý kịp thời các thông tin phản ánh về mất an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; kịp thời điều tra, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra tại các cơ sở giáo dục (nếu có) (Hà Nội mới, trang 5).

 

Gia tăng lây nhiễm trong nhóm MSM

Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), 72% ca nhiễm HIV mới được ghi nhận tại các tỉnh phía Nam, trong đó có ghi nhận gia tăng tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm tới hơn 36%). Tỷ lệ phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Hình thái lây nhiễm HIV đã chuyển dịch từ tiêm chích ma tuý, mẹ lây truyền sang con, hoạt động mại dâm sang lây nhiễm qua con đường tình dục ở nam quan hệ đồng giới (MSM), chiếm 70-90%. Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), 72% ca nhiễm HIV mới được ghi nhận tại các tỉnh phía Nam, trong đó có ghi nhận gia tăng tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm tới hơn 36%). Tỷ lệ phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Đường lây là quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm và trở thành đường lây chính.

Tăng lây nhiễm do giấu bệnh, sợ bị kỳ thị

Trong chuyến đi thực tế ở Kiên Giang và Bình Dương, điều đau lòng nhất mà chúng tôi ghi nhận được đó là tình trạng giấu H của những người bệnh và sự kỳ thị từ phía gia đình, đã đẩy nhiều nạn nhân vào con đường cận kề cái chết do không được điều trị sớm. Số ca phát hiện mới ở Kiên Giang và Bình Dương đều tăng cao, 90% lây qua đường tình dục và chủ yếu là người trong nhóm MSM.

Sau khi chia tay “bạn tình” 1 tháng, N.T.Đ. (17 tuổi, Kiên Giang) sốc nghẹn lời khi nhận tin nhắn: “Anh bị nhiễm HIV, em nên đi xét nghiệm đi”. 3 lần test tại CDC Kiên Giang, Đ. có kết quả dương tính. Danh Tùng, Trưởng nhóm CBO The Sun (Kiên Giang) kể, điều đau đớn với nhiều bạn MSM mà nhóm tiếp cận, đó là có những trường hợp nhiễm HIV nhưng giấu tình trạng bệnh của mình vì sợ bị kỳ thị, vì sợ bạn tình bỏ rơi, không có biện pháp quan hệ tình dục an toàn. Chỉ đến khi chia tay, họ mới thông báo cho bạn tình của mình. Khi ấy, thì mọi thứ đã quá muộn, nguy cơ nhiễm HIV đến 90%.

Tùng chia sẻ thêm, năm 2022, nhóm CBO The Sun tiếp cận và phát hiện, hỗ trợ 98 ca dương tính; 6 tháng 2023 phát hiện thêm 28 ca dương tính mới qua facebook, Zalo, các app hẹn hò, trang mạng xã hội. “Qua tiếp cận, chỉ có 2-3 cặp đôi mới nói thật “tôi có H” và nhờ Danh Tùng khuyên người kia uống thuốc kháng virus dự phòng lây nhiễm PrEP. Chỉ những đôi thực sự yêu nhau tha thiết mới nói thật tình trạng bệnh, còn lại đều giấu”, Tùng cho biết.

Hơn 10 năm làm tại Phòng Khám ngoại trú OPC TP Rạch Giá (Kiên Giang), BS Lưu Thị Quỳnh Nga kể, gần đây có nhiều em vào xin điều trị thuốc PrEP vì bạn tình gọi điện thông báo “mày đi xét nghiệm HIV đi”. Các em này không có triệu chứng của HIV (sốt, sụt cân, tiêu chảy kéo dài). Các em vào đây vẫn tin là mình không mắc, mục đích chỉ xin uống thuốc dự phòng. “Nhưng không ngờ khi xét nghiệm, đều có kết quả dương tính. Rất nhiều đối tượng tới khi chia tay mới nói cho bạn tình biết mình bị HIV”, BS Nga nói.

Qua tiếp cận nhóm MSM, Trưởng nhóm COB Sát Cánh Trương Hữu Danh nêu thực trạng: Một số người có hiểu biết nhưng làm lơ không đeo bao cao su khi quan hệ; một số người không có hiểu biết, ý thức kém và chủ quan nên không đeo bao. Một số bạn là học sinh, sinh viên hoặc ở vùng sâu, vùng xa không tiếp cận với mạng xã hội, nhưng muốn trải nghiệm cảm giác lạ, muốn “thử” quan hệ tình dục đồng giới nhưng không sử dụng bao cao su. Hậu quả, nhiều ca nhóm tiếp cận, khi bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS mới được phát hiện.

Mỗi người MSM đều có từ một đến vài bạn tình, việc giấu bệnh đã vô hình trung lây lan cho bạn tình theo cấp số nhân. Đau lòng hơn, có những MSM bị chính gia đình kỳ thị, từ chối tiếp cận các đồng đẳng viên, khiến nguy cơ lây nhiễm tăng cao. Trương Hữu Danh không thể quên ánh mắt tuyệt vọng của K. (26 tuổi, Kiên Giang) khi tìm đến với mình sau 1 năm tiếp cận. “Lúc đến với em K. có triệu chứng ốm, sụt cân nhiều, nổi mụn, hạch, nấm… Khuyên bạn ấy xét nghiệm và điều trị nhưng bạn luôn từ chối. Một thời gian lâu sau em nhận được tin nhắn của K. “tôi đi xét nghiệm rồi”. Nhờ y tế địa phương kiểm tra phần mềm thì hoá ra K nói dối. Tình thế buộc phải tìm mẹ của K để nhờ bà thuyết phục. Lần đầu bà còn tiếp, lần sau người mẹ chối luôn: “Con tôi bị nấm chứ không có bệnh nào hết”. Vài tháng sau em nhận được tin K. tử vong”, Danh kể lại.

Còn Danh Tùng chia sẻ, năm 2021, em nhận được tin nhắn làm quen của một nam thanh niên 27 tuổi muốn xét nghiệm HIV. Bạn này là nhân viên Spa, có quan hệ tình dục không an toàn với người đồng giới. “Em test bằng dịch miệng cho bạn ấy có phản ứng và hướng dẫn đến cơ sở y tế để xét nghiệm khẳng định. Một tuần sau đó, bạn nói đã xét nghiệm ở phòng khám, khoe mua được bảo hiểm y tế và đang làm thủ tục chuyển tuyến điều trị. Nghe chuyện em cũng mừng cho bạn ấy. Nhưng 2 tháng trước, em nhận được tin nhắn của bạn nhờ hỗ trợ, hoá ra bạn ấy chưa điều trị. Khi bạn vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang thì đã viêm phổi, bệnh nặng phải chuyển tuyến lên TP Hồ Chí Minh. 15 ngày sau em nhận tin bạn ấy mất”, Danh Tùng chua xót kể.

Xuất hiện những “chùm ca bệnh”

ThS.BS Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, theo giám sát mới nhất của Cục Phòng, chống HIV/AIDS từ 2017 đến tháng 3/2022, ca nhiễm HIV là nam giới tại 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh như: Cần Thơ, Long An, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng…

Là địa bàn giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, dịch HIV tại Long An tăng mạnh trong vài năm gần đây ở nhóm MSM, tập trung tại 5 địa bàn lớn: Đức Hoà, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP Tân An. Toàn tỉnh Long An hiện có khoảng 15 nghìn người trong nhóm MSM, chiếm 54,6% trong đó là độ tuổi từ 20 đến 29, độ tuổi 15-19 chiếm 10%; trên 30 tuổi chiếm 35,4%. Ông Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc CDC Long An tiết lộ con số giật mình, năm 2021, 95% là ca nhiễm HIV lây qua đường tình dục. Trong 100 người nhiễm HIV, có 92 trường hợp là nam giới. Tỷ lệ đồng nhiễm của nhóm MSM là khoảng 70%, như vậy có 3 ca thì 2 ca nhiễm HIV.

Còn ở Đông Nam Bộ, tăng mạnh ở các địa bàn có khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước… Giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ lây truyền qua đường máu ở Bà Rịa - Vũng Tàu từ 28,3% giảm xuống 12,9%, trong khi đó, lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng từ 69,3% lên 86%. Tăng mạnh hơn là Bình Dương bởi tỉnh có tới 30 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp với khoảng 1,3 triệu lao động. Qua số liệu thống kê cho thấy, số người bị nhiễm HIV ở Bình Dương do lây qua đường tình dục chiếm chiếm 81,7%, đặc biệt năm 2022 con số này tăng đỉnh điểm lên tới 97,9%. Trong số ca nhiễm HIV mới, các trường hợp nhóm MSM chiếm khoảng 50%.

Bình Dương hiện có khoảng 15 nghìn người trong nhóm MSM, chiếm 54,6% trong đó là độ tuổi từ 20-29, độ tuổi 15-19 chiếm 10%; trên 30 tuổi chiếm 35,4%. Nếu như năm 2014, tỷ lệ lây nhiễm qua tình dục đồng giới chỉ khoảng 6,2%, con số này tăng mạnh vào năm 2021 với 80% số ca phát hiện. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Bình Dương đã ghi nhận 67,3% số ca nhiễm HIV là nhóm MSM. Theo BS Vương Thế Linh, Trưởng Khoa HIV/AIDS CDC Bình Dương, tỉnh có tới 70-80% trường hợp nhiễm HIV là công nhân. Tỷ lệ sinh viên, học sinh là nam quan hệ đồng giới được phát hiện nhiễm HIV, đưa vào điều trị phơi nhiễm cũng tăng mạnh. Chiếm 10% trong tổng số ca nhiễm mới phát hiện gần đây, rơi vào lứa tuổi chỉ từ 15 đến 19.

Một trong những nguyên nhân khiến HIV gia tăng ở Bình Dương bởi đó là tỷ lệ dân nhập cư cao, các công nhân hay rơi vào tình huống bị gián đoạn bảo hiểm y tế do công ty nợ bảo hiểm nên ảnh hưởng tới việc khám, chữa bệnh. Thực tế hiện nay, ca nhiễm HIV mới hàng năm ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ 80%, số ca nhiễm là người ở Bình Dương chỉ 20%. Đây là những khó khăn mà theo BS Linh, cần phải khống chế bệnh nhân di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác mà không cung cấp thông tin điều trị.

Nếu các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn lây nhiễm ở nhóm MSM không hiệu quả, thì tỷ lệ lây nhiễm HIV sẽ còn gia tăng đáng sợ. Nguy hiểm là ở Kiên Giang đã xuất hiện những chùm ca bệnh ghi nhận ở Phòng khám OPC TP Rạch Giá. Đó là một nam bệnh nhân SN 1969 đã lây HIV cho 2 bạn tình đều là thanh niên trẻ. “Đây là chùm ca bệnh 3 người, trước đó cũng có chùm ca bệnh hơn 50 tuổi lây cho 2 em nhỏ”, BS Lưu Thị Quỳnh Nga, Trưởng Phòng khám OPC, Trung tâm Y tế TP Rạch Giá cho biết.

Đến 31/12/2022, ước tính số người nhiễm HIV còn sống ở 10 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là 242.000. Tính đến tháng 3/2023, số người nhiễm HIV mới báo cáo gia tăng ở hầu hết các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua thống kê cho thấy, số người bị nhiễm HIV do lây qua đường tình dục là 81,7% (năm 2022 phát hiện chủ yếu do lây qua đường tình dục 97,9%). Trong những năm gần đây, nhóm nguy cơ lây nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, với tỷ lệ nhiễm HIV từ 11,3% lên 14,7% qua giám sát trọng điểm từ 2015-2020, năm 2022 có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ vẫn cao là 11,3% (Công an nhân dân, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang