Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 08/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Siết chặt an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu; Các chủng virus cúm gia cầm có thể xâm nhập bất cứ lúc nào; Cần khắc phục những hạn chế trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết; ...

 

Siết chặt an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu

Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hà Nội đã lên kế hoạch lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Trung thu năm nay.

Tết Trung thu đang đến gần, đây là thời điểm mà nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh Trung thu tăng đột biến, nguy cơ các loại sản phẩm không bảo đảm ATTP, thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn ra thị trường là rất cao. Vì thế, việc siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra ATTP dịp này là nhiệm vụ rất quan trọng.

Phải nâng hiệu quả thanh tra, kiểm tra

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, Sở Y tế Hà Nội - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Trung thu năm nay, Ban chỉ đạo ATVSTP thành phố đã lên kế hoạch lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP cấp thành phố.

Dự kiến, 3 đoàn này sẽ do 3 Sở Y tế, Công Thương, NN&PTNT chủ trì (mỗi Sở chủ trì một đoàn), tập trung kiểm tra các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Trung thu. Ngay sau khi kế hoạch kiểm tra cụ thể được UBND TP ban hành, dự kiến, trong tuần tới, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sẽ bắt đầu ra quân thanh tra, kiểm tra.

Đồng thời, ở cấp quận, huyện, thị xã cũng sẽ thành lập các đoàn liên ngành theo phân cấp để tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn trong dịp cao điểm này. Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, điều quan trọng nhất không phải là ra quân rầm rộ mà phải nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.

Đồng thời, quá trình thanh tra, kiểm tra, không chỉ tập trung vào công tác phát hiện sai phạm, xử phạt, mà phải kết hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; nâng cao nhận thức và ý thức thực hành ATTP cho người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm trong dịp Trung thu. 

Việc thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP được thực hiện trước, trong và sau dịp Trung thu nhằm không để các sản phẩm không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường.

Rõ trách nhiệm của người đứng đầu

Cũng liên quan đến vấn đề này, Cục ATTP, Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP dịp Tết Trung thu năm 2017.

Cục ATTP đề nghị các đơn vị cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu về ATTP; chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại bánh, kẹo.

Quá trình thanh tra, kiểm tra cần kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Cục ATTP, vào dịp Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh Trung thu tăng đột biến. Nguy cơ các loại sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, sản phẩm giả, nhái và sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ xuất hiện trên thị trường trong dịp này là rất cao.

Do đó, để đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, ngoài các biện pháp siết chặt quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm. Đặc biệt, phải phổ biến kiến thức, thực hành hướng dẫn lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn. 

Cục ATTP cũng khuyến cáo, trong dịp Tết Trung thu, người tiêu dùng chỉ nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện VSATTP, kiểm tra kỹ nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng; không sử dụng bánh đã mốc, hỏng (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Các chủng virus cúm gia cầm có thể xâm nhập bất cứ lúc nào

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong những tuần gần đây Trung Quốc tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên người; ghi nhận mắc cúm A/H5N1 trên gia cầm tại Lào, cúm A/H5N6 trên gia cầm tại Philippines.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, trong nước đã ghi nhận ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại tỉnh Bạc Liêu. Hiện nay, mặc dù các chủng virus cúm gia cầm như A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 chưa có ở Việt Nam, nhưng luôn có nguy cơ xâm nhập vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, dù hiện nay nước ta không ghi nhận các trường hợp mắc cúm gia cầm ở người, nhưng luôn có nguy cơ cao lây lan từ gia cầm sang người nếu không có các biện pháp phòng chống kịp thời và hiệu quả.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, Cục Y tế dự phòng đã có công văn gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố: đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch cúm trên gia cầm.

Phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra việc nhập khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu qua biên giới nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường các hoạt động quản lý buôn bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường… (An ninh thủ đô, trang 7).

 

Cần khắc phục những hạn chế trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết

Chiều 7-9, Thành ủy Hà Nội đã ra thông báo kết luận của Bí Thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tại cuộc họp trực tuyến về phòng, chống dịch sốt xuất huyết của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội ngày 4-9 vừa qua.

Theo đó, đến nay, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố có dấu hiệu chững lại với nhiều tín hiệu tích cực. Số ổ dịch, ca mắc, số bệnh nhân nằm viện cũng đã giảm. Điều này chứng tỏ công tác phòng dịch của thành phố đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn những khó khăn, hạn chế như: Thời tiết mưa nhiều, số ổ bọ gậy thường xuyên phát sinh mới, chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý triệt để. Trong khi đó, nhiều địa phương còn chủ quan trong phòng, chống dịch, có những hộ dân chưa hợp tác trong phun thuốc diệt muỗi, hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy hiệu quả yếu… Do vậy, tại kết luận, Thành ủy, HĐND, UBND TP yêu cầu thời gian tới cần khắc phục những hạn chế trong công tác phòng dịch, đồng thời thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tiếp tục coi công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, bố trí đủ kinh phí cho công tác phòng dịch, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho lực lượng trực tiếp tham gia nhiệm vụ tại các bệnh viện, đội phun thuốc, đội xung kích, tổ giám sát. Các đoàn kiểm tra của thành phố tiếp tục tổ chức và phối hợp với đoàn kiểm tra của Bộ Y tế kiểm tra, giám sát hoạt động phòng dịch ở các địa phương.

Thứ hai: Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, chú trọng phổ biến nâng cao hiểu biết về đặc điểm, tính chất và những diễn biến phức tạp của tình hình dịch, những kiến thức và biện pháp để nhân dân tham gia phòng dịch như diệt bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt, phối hợp trong phun thuốc và các dấu hiệu khi mắc bệnh.

Thứ ba: Huy động các lực lượng tại chỗ tham gia phòng, chống dịch bệnh như lực lượng quân đội, công an, dân phòng, đoàn thanh niên, sinh viên các trường đại học. Ngành Y tế phối hợp với các xã, phường tổ chức tốt việc phun hóa chất. Ngành Giáo dục chỉ đạo các trường thực tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng dịch trong nhà trường, hướng dẫn học sinh các biện pháp phòng bệnh, tìm và diệt bọ gậy. Duy trì tốt hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy vào thứ bảy hằng tuần cho đến khi có chỉ đạo mới của thành phố.

Thứ tư: Thành ủy yêu cầu các địa phương tổ chức tốt việc phun thuốc diệt muỗi, xây dựng kế hoạch chi tiết về địa điểm, thời gian phun, thông báo lịch phun tới các cơ quan, đơn vị và người dân trong khu vực. Chú ý tổ chức phun cuốn chiếu, đúng liều lượng, đúng kỹ thuật. Nâng cao chất lượng hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát. Các lãnh đạo chính quyền địa phương có kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động này.

Thứ năm: Trong thời gian trước mắt, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt việc dập ổ dịch, phun hóa chất diệt muỗi, tổ chức rà soát, kiểm tra, tái kiểm tra các ổ bọ gậy theo phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa nước”, rà soát việc phun thuốc và tái phun thuốc đối với các bệnh viện, công trường, trường học, các địa điểm công cộng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh (Hà nội mới, trang 1).

 

Chủ động phòng các chủng virut cúm gia cầm có thể vào nước ta

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mặc dù các chủng virus cúm gia cầm như A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 chưa có ở Việt Nam, nhưng luôn có nguy cơ xâm nhập vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Để chủ động phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm, Cục Y tế dự phòng đã có công văn gửi giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố đề nghị khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nội dung như: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng thực phẩm gia cầm sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch cúm trên gia cầm. Phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra việc nhập khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu qua biên giới nhằm ngăn chặn kịp thời gia cầm không được kiểm dịch xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường các hoạt động quản lý buôn bán gia cầm, nhằm hạn chế việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, kịp thời lấy mẫu để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Thực hiện tốt việc giám sát chặt chẽ các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân, xử lý triệt để khi có dịch xảy ra. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Phạt công ty kinh doanh thuốc sai quy định 30 triệu đồng

Ngày 7/9, Thanh tra Bộ Y tế đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với Công ty CP Tập đoàn Dược phẩm và Thương mại Shohaco (số 5 Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội) với số tiền 30 triệu đồng. Công ty trên đã vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 44 Nghị định 176 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế là kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì hoặc nhãn thuốc như hồ sơ đã được phê duyệt (Nhân dân, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang