THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT T.Ư 6, KHÓA XII VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI: Ðào tạo và quản lý nhân lực y tế
Trong công tác chăm sóc sức khỏe, vấn đề nhân lực đóng vai trò quan trọng vì phục vụ trực tiếp cho con người, liên quan mật thiết đến sinh mạng con người. Do vậy, vấn đề đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp cao trong hoạt động là không thể tách rời. Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành T.Ư khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã khẳng định nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn, y đức. Ðể thực hiện được điều đó cần có những giải pháp xây dựng và quản lý nhân lực y tế.
Ðẩy mạnh nghiên cứu dự báo nhu cầu nhân lực
Việc xác định nhu cầu các loại hình và số lượng cũng như chất lượng của mỗi loại hình nhân lực đi trước năm đến mười năm là một việc làm cần thiết, vì cán bộ không sẵn có mà cần thời gian đào tạo. Thí dụ, muốn đào tạo trình độ bác sĩ đa khoa phải có thời gian sáu năm, nhưng để đủ điều kiện hành nghề chữa bệnh thì phải học thêm ít nhất ba năm, như vậy tổng thể việc đào tạo người có đủ điều kiện hành nghề y ít nhất cũng phải mất chín năm. Tuy nhiên, lâu nay công tác dự báo nhu cầu nhân lực y tế hầu như không được chú ý, vì vậy kế hoạch đào tạo diễn ra thường không phù hợp, không đáp ứng đúng với yêu cầu của thực tiễn.
Việc dự báo sự phát triển của công tác chăm sóc sức khỏe là một bộ phận không thể thiếu trong quản lý nhà nước về y tế, trong đó dự báo về nhân lực y tế có tầm quan trọng đặc biệt ở chỗ: dự báo nhu cầu nhân lực sẽ là căn cứ để hoạch định kế hoạch đào tạo cho thời gian trước mắt. Muốn dự báo được nhu cầu nhân lực, cần lập cơ sở dữ liệu quốc gia về nhân lực của ngành qua các thời kỳ, rồi dựa trên xu thế phát triển (trong đó có cả xu thế phát triển xã hội và xu thế phát triển khoa học công nghệ) có kết hợp với phương pháp ngoại suy.
Hoạt động chăm sóc sức khỏe là một hoạt động mang tính liên hoàn cao. Nếu như từ giữa thế kỷ 20 về trước, khi kỹ thuật y tế chưa phát triển, thì vai trò độc tôn của người bác sĩ luôn luôn được thể hiện trong hoạt động y tế. Ngày nay, do các thành tựu khoa học công nghệ cao ngày càng được áp dụng vào chăm sóc sức khỏe, bên cạnh đội ngũ bác sĩ, cần nhiều loại hình cán bộ khác để phối hợp phát huy hiệu năng của các trang bị chuyên sâu. Ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ chú trọng và đề cao chức danh bác sĩ, vì vậy loại chức danh này luôn được nói đến và hình thành rõ nét nhất trong hệ thống cán bộ y tế. Loại chức danh này có vai trò quan trọng, mang tính đặc trưng trong chăm sóc sức khỏe, nhưng giờ đây không còn là loại hình duy nhất và độc tôn. Bên cạnh bác sĩ, còn có nhiều loại chức danh khác (ở Hoa Kỳ có đến 50 loại chức danh khác nhau trong hệ thống cán bộ y tế, trong đó hai loại chức danh có số lượng đông đảo nhất là điều dưỡng và trợ thủ y khoa).
Ở nước ta, do nhiều lý do khác nhau, khái niệm điều dưỡng và chuyên ngành điều dưỡng mới hình thành khoảng 30 năm gần đây. Tuy vậy, về chức năng thì điều dưỡng vẫn chưa tách khỏi một cách rõ ràng và khoa học với chức năng y tá. Do chỉ thay đổi tên gọi mà chưa thay đổi căn bản về chức năng, cho nên điều dưỡng vẫn được nhìn nhận là những người trợ thủ, làm các công việc hỗ trợ cho bác sĩ, chứ chưa được coi là một chuyên ngành độc lập tương đối với bác sĩ, có khả năng ra các quyết định về chăm sóc người bệnh. Trong khi xây dựng khái niệm điều dưỡng để phân biệt với khái niệm y tá, lại có khuynh hướng coi nhẹ lực lượng trợ thủ y khoa, với nhiệm vụ thực chất như y tá, cũng có người nghĩ rằng xây dựng chuyên ngành điều dưỡng là để thay hoàn toàn cho chức năng y tá. Chính vì thế, đang có tình trạng chức danh điều dưỡng và trợ thủ y khoa (y tá) chưa được đặt đúng vị trí. Ðó cũng là lý do, vì sao công tác chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện hiện nay chưa có chất lượng cao.
Xác định cơ cấu phù hợp của các loại chức danh
Tuy mang tính liên hoàn cao trong hoạt động, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi loại chức danh đều phải có ở mọi nơi mọi lúc trong chăm sóc sức khỏe . Việc xác định cơ cấu (tức tỷ lệ các loại chức danh) là việc rất cần thiết, để một mặt tiết kiệm nhân lực và mặt khác sử dụng có hiệu quả các loại chức danh nhân lực đó. Hiện nay, cứ một bác sĩ, mới có khoảng 1,7 điều dưỡng (trong đó có cả trợ thủ y khoa). Ðó là tỷ lệ thấp so với các nước trong khu vực. Vì vậy, công việc chăm sóc người bệnh chủ yếu do người nhà người bệnh đảm nhiệm. Ðó chính là nguyên nhân khiến chất lượng chăm sóc còn kém, chưa nói đến tỷ lệ của các chức danh khác so với bác sĩ. Việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện nếu không được kiểm soát tốt sẽ càng dẫn đến việc các cơ sở y tế hạn chế công tác đào tạo và thu nhận các nhân lực không phải là bác sĩ. Khi đó cơ cấu nhân lực y tế sẽ bị méo mó và hạn chế sự tiến bộ toàn diện của nền y tế.
Cũng cần lưu ý rằng, không có một tỷ lệ duy nhất giữa các loại chức danh cán bộ y tế áp dụng cho tất cả cơ sở y tế ở mọi nơi và mọi cấp. Ðiều này đòi hỏi việc nghiên cứu và nâng cấp chức danh một cách phù hợp với từng cấp bệnh viện (loại 1, loại 2 hay loại 3). Trong khi chưa tách bạch chức danh điều dưỡng và chức danh trợ thủ y khoa, chúng ta đã vội vã thực hiện "cử nhân hóa" và "cao đẳng hóa" toàn bộ điều dưỡng vào năm 2020. Liệu chủ trương này có thích hợp với các bệnh viện và cơ sở y tế ở vùng miền núi vùng còn khó khăn? Liệu có nên giữ cách tính tỷ lệ chức danh dựa vào mẫu số là số bác sĩ hay cần chuyển sang lấy mẫu số là số người bệnh hoặc số giường bệnh?
Cùng với việc xác định chức danh cán bộ y tế phải xác định phương thức đào tạo các chức danh này. Trên thế giới chỉ có hai loại chức danh chính trong y tế được đào tạo theo kiểu hàn lâm (tức là đào tạo tại các trường đại học và có các bậc học cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ), đó là bác sĩ và điều dưỡng. Phần đông các chức danh khác như trợ thủ y khoa, trợ thủ nha khoa, trợ thủ chăm sóc da… lại đào tạo theo trường dạy nghề hoặc theo phương thức vừa học vừa làm. Ðấy là chưa bàn đến chức danh của các cán bộ quản lý và sửa chữa thiết bị công nghệ y tế; điều này nhìn chung chưa phát triển theo một hệ thống chính thức ở nước ta. Hiện nay, Bộ Y tế quản lý việc đào tạo chức danh bác sĩ và điều dưỡng, còn việc đào tạo các chức danh trợ thủ y khoa, trợ thủ nha khoa… do các cơ quan ngoài y tế quản lý. Bởi vậy, số lượng cũng như chất lượng đào tạo của các loại chức danh này còn nhiều bất cập, Nhìn chung, việc đào tạo các loại chức danh cán bộ y tế ở nước ta chưa được quản lý hệ thống, chưa bảo đảm chất lượng. Một trong những khâu đào tạo mà chúng ta còn yếu, là đào tạo các chuyên gia giỏi với khả năng tổng hợp kiến thức và kỹ năng của một số chuyên ngành liên quan mật thiết với nhau. Chúng ta có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhưng chỉ giỏi về một chuyên ngành, thiếu những tổng công trình sư với khả năng chắp nối các chuyên ngành, để tạo ra các tiến bộ đột phá trong y học. Phải kịp thời điều chỉnh phương pháp đào tạo nêu trên để có những chuyên gia giỏi tổng hợp mang tính chất tổng công trình sư, thì y học và y tế mới có những tiến bộ thật sự theo chiều sâu.
Có lẽ ít có nghề nghiệp nào mà việc giáo dục đạo đức lại luôn phải đề cao như ngành y tế, nhất là khi nghề y ngày nay đang thực hiện trong cơ chế thị trường. Ðể làm được việc này, công tác tư tưởng và giáo dục chính trị cần tập trung vào hai việc: Một là, phải giáo dục mọi cán bộ biết đặt quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người bệnh lên trên quyền lợi của bản thân cán bộ y tế; đây vừa là mục đích nghề nghiệp của cán bộ y tế và còn là điều kiện để cán bộ y tế hành nghề và qua hành nghề mới có cơ hội kiếm sống trong cơ chế thị trường. Hai là, tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp trong mọi hoạt động y tế. Chỉ có kết hợp chặt chẽ hai điều nêu trên thì trong cơ chế thị trường cán bộ y tế mới vượt qua những thách thức của đồng tiền, hoàn thành sứ mệnh lịch sử đã giao.
Xây dựng và quản lý nguồn nhân lực y tế là một trong những khâu quan trọng nhất trong quản lý nhà nước về y tế. Việc này phải được quản lý với định hướng tầm chiến lược của Nhà nước mà không thể để tự phát ở cấp đơn vị, mặc dù chúng ta áp dụng cơ chế thị trường vào ngành y tế dưới hình thức tự chủ. Ðương nhiên quản lý nhân lực còn nhiều việc khác phải làm, nhưng trong tình hình hiện tại của ngành y tế Việt Nam, những việc làm nêu trên đều mang tính chiến lược trong phát triển ngành, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. (Nhân dân trang 5).
Phòng, chống dịch bệnh trong mùa đông - xuân
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 10 tháng đầu năm 2017, cả nước có gần 157 nghìn người mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó đã có 30 người chết. Số người mắc SXH gia tăng từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8; từ đầu tháng 9 đến nay, số người mắc giảm nhiều ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Số người mắc bệnh sởi tích lũy trên cả nước là 229, chủ yếu tại miền bắc và một số tỉnh miền nam, trong đó có một người chết; giảm 27,9% số người mắc so với năm 2016. Trong 10 tháng vừa qua, cả nước có hơn 89 nghìn người mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có gần 41 nghìn người phải nhập viện, không có trường hợp chết. So với cùng kỳ năm 2016, số người mắc tăng gấp 2,4 lần, bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố; số mắc chủ yếu tập trung ở khu vực miền nam và miền bắc. Ngoài ra, cả nước ghi nhận rải rác các trường hợp mắc viêm não vi-rút, viêm màng não do não mô cầu, dại, bệnh ho gà…
Riêng tại TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có gần 36 nghìn người mắc bệnh SXH, trong đó có bảy người chết. Hiện chỉ còn 568 người bệnh đang điều trị tại các bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh sởi và ho gà có xu hướng tăng trong một vài tuần gần đây. Từ ngày 30-10 đến ngày 5-11, có thêm 11 người mắc bệnh sốt phát ban dạng sởi, nâng tổng số người mắc bệnh từ đầu năm đến nay lên 179 người, trong đó có 53 người dương tính với sởi và một người chết. Trong tuần có ba người mắc bệnh ho gà, nâng tổng số người mắc từ đầu năm đến nay lên 122 trường hợp, trong đó có một người chết…
Nhận định về tình hình các dịch bệnh mùa đông - xuân, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng Ðặng Quang Tấn cho rằng: Trong thời gian tới, với điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A(H7N9), (H5N1), tiêu chảy do vi-rút Rota... Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do mùa này thời tiết thay đổi bất thường, lại diễn ra nhiều lễ hội tập trung đông người, gia tăng đi lại, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm; nhất là các bệnh nguy hiểm và mới nổi. Ngoài ra, các bệnh đã có vắc-xin phòng tiếp tục xảy ra ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao, không quản lý tốt đối tượng tiêm chủng trong độ tuổi, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh miền núi phía bắc. Cho nên, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống một cách hiệu quả, thì nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trong dịp này là rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý: Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch, nhất là triển khai quyết liệt các biện pháp để phòng các bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như cúm A(H7N9), A(H5N1) và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp... Ðối với các dịch bệnh có vắc-xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà... Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng, bên cạnh việc tiêm chủng thường xuyên cần tổ chức các chiến dịch tiêm phòng sởi, rubella, ho gà cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao trong những năm qua...
Các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tập trung triển khai công tác tiêm chủng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học; kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, xử lý triệt để ổ dịch và thông báo kịp thời cho ngành y tế để phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây lan từ động vật, thực phẩm sang người. Tuyên truyền mạnh mẽ lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh để cho người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch; hướng dẫn người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; thực hiện ăn chín, uống chín; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm... để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. (Nhân dân trang 5).
Tiếp cận ngoại khoa và cập nhật về ung thư
Ngày 8/11, tại Hải Phòng, Trường đại học Y Dược Hải Phòng phối hợp Viện Hàn lâm Y học quốc gia Pháp, Hội các bệnh ngoại lai Pháp và Hội ung thư Việt Nam tổ chức hội nghị “Tiếp cận ngoại khoa tại các nước nhiệt đới và cập nhật về ung thư”. Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, các phẫu thuật viên có cơ hội trao đổi về khía cạnh cộng đồng của ngoại khoa vốn chưa được nhắc tới trong các nghiên cứu y khoa tại Việt Nam. Mặt khác, đây cũng là dịp để đánh giá mức độ tiếp cận ngoại khoa và điều trị ung thư của các nước vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Qua đó, các chuyên gia cũng đề xuất các giải pháp tăng cường tiếp cận của người dân vùng sâu, vùng xa, hải đảo với ngoại khoa và điều trị ung thư; các giải pháp tăng cường hiệu quả chăm sóc ban đầu về ngoại khoa và điều trị ung thư… (Nhân dân trang 5).
Bác sĩ bệnh viện huyện lần dầu cứu sản phụ bị vỡ tử cung
Ngày 7-11, Thông tin từ BV Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) cho biết nơi này vừa cấp cứu thành công một trường hợp thai phụ trẻ tuổi bị vỡ tử cung tiên phát. Được biết đây là lần đầu tiên BV tuyến huyện gặp và xử lý thành công tình huống này.
Ca mổ kéo dài gần 1,5 tiếng đồng hồ, đón em bé 2,5 kg chào đời khoẻ mạnh, mẹ bé được bảo tồn tử cung.
BS Vương Trung Kiên, Giám đốc BV Đa Khoa Thạch Thất, cho biết: “Dù đây là lần đầu các bác sĩ của viện gặp tình huống này nhưng các bác sĩ đã rất bình tĩnh đánh giá tình hình, xử trí nhanh” (Pháp luật TPHCM ngày 8/11, trang 2).
Cung cấp gói dịch vụ y tế cơ bản tại xã, phường
Từ tháng 12.2017, người tham gia BHYT sẽ được hưởng hơn 70 dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại y tế cơ sở nằm trong gói dịch vụ y tế cơ bản do Bộ Y tế vừa ban hành.
Trong đó, gói dịch vụ y tế cơ bản bao gồm dịch vụ khám chữa bệnh được cung ứng tại trạm y tế xã phường, thị trán, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y… (Tuổi trẻ trang 4).