Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/11/2023

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội tăng cường kiểm tra dịch sốt xuất huyết, không để thiếu giường bệnh; Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin về 'cơ chế thanh toán khi người có thẻ BHYT tự mua thuốc”; Đảng ủy Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng năm 2023; Ghép tế bào gốc tự thân lần đầu thực hiện tại Thái Nguyên…

Hà Nội tăng cường kiểm tra dịch sốt xuất huyết, không để thiếu giường bệnh

Trong tháng 11, Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Y tế trường học cũng lập 2 đoàn kiểm tra y tế học đường, trong đó tập trung kiểm tra phòng, chống dịch tại các nhà trường.

Còn 231 ổ dịch trên toàn thành phố

Thông tin từ UBNB TP Hà Nội, chiều 7/11, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh ở người tại TP Hà Nội với các quận, huyện, thị xã.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 6/11, toàn Thành phố ghi nhận 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái) tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 99,3% số xã, phường, thị trấn) và 4 trường hợp tử vong. Trung bình mỗi tuần ghi nhận từ 2.400-2.700 trường hợp.

Tại một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân, trong đó dẫn đầu là Hà Đông với 1.973 ca, tiếp đến là Hoàng Mai (1.840 ca), Phú Xuyên (1.835 ca), Thanh Oai (1.639 ca), Đống Đa (1.565 ca), Thanh Trì (1.553 ca). 

Hiện, toàn TP Hà Nội ghi nhận 1.661 ổ dịch, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.

Từ ngày 6/10, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai đợt cao điểm về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Sau 1 tháng triển khai, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đánh giá, 30 quận, huyện, thị xã đã triển khai nghiêm túc đợt cao điểm. Qua theo dõi, chỉ số muỗi truyền bệnh, bọ gậy tại các ổ dịch trong tháng 10 có xu hướng giảm rõ rệt so với các tháng 8 và 9/2023.

Hiện toàn TP Hà Nội ghi nhận 1.661 ổ dịch, còn 231 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.

“Trong 2 tuần đầu tháng 10/2023 khi triển khai chiến dịch, số ca mắc mới sốt xuất huyết đã đi ngang. Đặc biệt, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng giảm. Nếu thành phố không có biện pháp quyết liệt thì số ca mắc còn cao hơn số ghi nhận vào thời điểm hiện tại”, ông Vũ Cao Cương thông tin.

Dù vậy, theo ông Vũ Cao Cương, với diễn biến tình hình thời tiết như hiện nay, ca bệnh có thể tăng cao trong những tuần tới. Do đó, các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục kiên trì, thường xuyên và liên tục triển khai có hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. Đặc biệt, phải xác định được ổ bọ gậy nguồn để xử lý triệt để.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, qua kiểm tra, còn 25% ổ dịch chưa được xử lý triệt để. Hiện, mùa mưa đã qua nhưng lại xuất hiện những cơn mưa nhỏ. Ở khu vực ngoại thành, khi lượng mưa giảm, nguồn ổ bọ gậy không tập trung ở ngoài vườn mà xuất hiện tại khuôn viên trong nhà. 

Do đó, cần xác định nguồn ổ bọ gậy để tập trung xử lý. Cùng với đó, khi phát hiện ổ dịch, phải ngay lập tức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, nhất là tiến hành phun triệt tại các hộ dân xung quanh ổ dịch theo quy định.

Phê bình một số phường để dịch tái phát

Sau 1 tháng triển khai đợt cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết, đại diện UBND quận Đống Đa cho biết, quận đã ban hành một số văn bản phê bình một số phường để xảy ra tình trạng dịch tái phát. 

Đồng thời, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn 3 phường với số tiền 12,6 triệu đồng. Riêng với 4 ổ dịch phức tạp, diễn biến kéo dài, cơ quan chức năng của quận tiến hành giám sát hằng ngày.

Tương tự, theo đại diện UBND quận Hà Đông, quận đã tập trung triển khai đợt cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết, trong đó duy trì thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, tập trung vào khu vực đông dân cư, có số mắc cao…

Thế nhưng, với mật độ dân cư đông, việc xử lý ổ dịch còn gặp nhiều khó khăn nên hai quận Hà Đông, Đống Đa vẫn nằm trong top đầu các địa bàn ghi nhận nhiều bệnh nhân.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cho biết, mới đây, qua kiểm tra, đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của Thủ đô, số ca mắc sốt xuất huyết những tuần gần đây đã có xu hướng giảm.

“Dù giảm nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao. Do đó, không được chủ quan mà cần tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa đợt cao điểm phòng, chống sốt xuất huyết như đã đề ra từ đầu tháng 10/2023” - bà Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh ở người TP Hà Nội tiếp tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.

Đặc biệt, ngay trong tháng 11 này, tập trung kiểm tra những địa bàn có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao. Đồng thời, Ban Chỉ đạo y tế trường học cũng thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác y tế học đường, trong đó tập trung kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các nhà trường…

Về công tác điều trị bệnh nhân, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện nay, các cơ sở y tế vẫn đáp ứng được nhu cầu điều trị của người bệnh, không xảy ra tình trạng quá tải. Tuy nhiên, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người thành phố Hà Nội lưu ý, ngành Y tế cần tiến hành rà soát lại công tác thu dung, tiếp nhận người bệnh, bảo đảm khi người bệnh sốt xuất huyết đến các cơ sở y tế phải được tiếp nhận và điều trị kịp thời. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 1).

Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin về 'cơ chế thanh toán khi người có thẻ BHYT tự mua thuốc

Trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, quyền lợi của bệnh nhân, của người tham gia BHYT phải được đảm bảo, đây là yêu cầu chính đáng, cần thiết...

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có phần trả lời các ĐBQH về những nội dung liên quan đến chính sách BHYT, bổ sung i-ốt.

Về cơ chế thanh toán tiền cho người bệnh BHYT trực tiếp mua thuốc Bộ Y tế đã giao vụ chức năng xây dựng Thông tư

Theo đó, trong phần chất vấn, ĐBQH Hà Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về "giải pháp chấm dứt tình trạng chậm thanh toán, quyết toán BHYT?".

Đại biểu Hạnh cho biết, tại Văn bản số 2060 ngày 20/10/2023, Ủy ban Xã hội cho rằng, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế mà người dân đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT phải tự mua thuốc để điều trị thì cần có cơ chế để BHYT hoàn trả lại các khoản này để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết quan điểm về vấn đề này?

Trả lời chất vấn của đại biểu Hạnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, về nguyên tắc, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú, nếu cho người bệnh tự mua thì có thể dẫn đến nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh, giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong quá trình phòng chống dịch COVID-19 đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc. Thực tế, nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ thuốc, có hiện tượng bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc để tự điều trị.

Ghi nhận, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, quyền lợi của bệnh nhân, của người tham gia BHYT phải được đảm bảo, đây là yêu cầu chính đáng, cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi mua thuốc bên ngoài.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin thêm, thời gian qua Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện các chỉ đạo, quy định liên quan đến việc mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh;

Thứ hai, Bộ đề xuất nghiên cứu các cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khi các kết quả thầu còn hiệu lực;

Thứ ba, rà soát lại các danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024, Bộ sẽ thực hiện bổ sung thêm danh mục thuốc để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT;

Thứ tư, liên quan đến vấn đề cơ chế thanh toán tiền cho người bệnh BHYT trực tiếp mua thuốc, Bộ Y tế đã giao vụ chức năng của Bộ xây dựng Thông tư và hiện nay nội dung này đang được đơn vị chuyên môn xây dựng. Bộ Y tế sẽ lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương trong quá trình hoàn thiện Thông tư để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Nghị định mới về BHYT gỡ vướng việc thanh toán cho cơ sở khám chữa bệnh

Cũng liên quan đến vấn đề BHYT, trong phần chất vấn tiếp theo, trả lời về nội dung liên quan đến thanh toán tổng mức BHYT, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thứ nhất, theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, tại Nghị quyết số 144 ngày 5/11/2022 của Chính phủ ban hành đã cho phép tháo gỡ nội dung về tổng mức thanh toán BHYT vượt tổng mức năm 2021. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế cùng các cơ sở y tế và BHXH Việt Nam đã rà soát các nội dung chi để thực hiện theo đúng quy định.

"Hiện nay trên cơ sở rà soát cho thấy tổng mức thanh toán này khoảng hơn 1.000 tỷ. BHXH Việt Nam đang phối hợp với các cơ sở y tế để tiến hành thanh toán"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.

Thứ hai, để tháo gỡ liên quan đến tổng mức này của các năm trước đây, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 75 ngày 19/10/2023, trong đó có nội dung tháo gỡ những vướng mắc về tổng mức của các cơ sở y tế của giai đoạn trước năm 2021. Hiện nay Nghị định này đang được triển khai thực hiện. Đây là nội dung Bộ Y tế phối hợp cùng với BHXH Việt Nam và Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Chính phủ ban hành.

Bổ sung i-ốt là vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân và cần phải có thời gian đánh giá lâu dài

Về nội dung liên quan đến muối i-ốt được ĐBQH Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh chất vấn, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin: Nghị định số 09 năm 2016 về việc tăng cường vi chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho người dân đã được triển khai từ năm 2016 đến nay. Trong quá trình triển khai Nghị định này, Bộ Y tế đã phối hợp cùng các bộ, ban ngành đánh giá 5 năm thực hiện và đã có báo cáo đánh giá về bổ sung vi chất trong đó có i-ốt trong thực phẩm đối với người dân.

Đối với các doanh nghiệp, cũng đề xuất việc bổ sung i-ốt chỉ mang tính chất tự nguyện không phải là bắt buộc, tuy nhiên đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe người dân và cần phải có thời gian đánh giá lâu dài.

"Về phía Bộ Y tế đã có những báo cáo nghiên cứu khoa học liên quan đến việc phòng, chống rối loạn i ốt trong cuộc sống. Hiện nay tỷ lệ số thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng liên quan đến i ốt vẫn chưa đạt được ngưỡng cho phép để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Chính vì vậy Bộ Y tế đã có báo cáo 5 năm triển khai Nghị định số 09 với Chính phủ về việc sửa đổi hay không sửa đổi Nghị định số 09"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.

Cũng theo người đứng đầu ngành y tế, trên cơ sở báo cáo đánh giá và thực trạng về vấn đề i-ốt đối với sức khỏe của người dân, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về việc đề nghị Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, các hiệp hội để tạo sự đồng thuận trong vấn đề đảm bảo sức khỏe của người dân và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 09 về tăng cường bổ sung dinh dưỡng.

"Với trách nhiệm của Bộ Y tế trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát và đánh giá những cơ sở khoa học để việc triển khai thực hiện Nghị định 09 trong thời gian tới khi đạt được những tiêu chuẩn, mục tiêu của chúng ta đề ra sẽ có những điều chỉnh, sửa đổi để đảm bảo phù hợp trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của người dân nhưng cũng đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói trong phần trả lời chất vấn của ĐBQH Đỗ Đức Hiển về nội dung này chiều 7/11. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

Đảng ủy Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Đảng năm 2023

Ngày 08/11/2023 tại Bộ Y tế, Đảng ủy Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng năm 2023. Tham dự Hội nghị, về phía Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương có đồng chí Nguyễn Thành Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối; đồng chí Nguyễn Khắc Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, Phó Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối và hai đồng chí là báo cáo viên của Hội nghị.

Về phía Đảng ủy Bộ Y tế có đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ cùng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra; Ban tham mưu của Đảng ủy Bộ; cán bộ chuyên trách Văn phòng Đảng ủy Bộ; Ủy viên BCH Đảng bộ cơ sở; Đảng bộ bộ phận; Chi bộ cơ sở; Chi bộ trực thuộc của Đảng bộ Bộ Y tế và các đồng chí là Ủy viên UBKT Đảng ủy cơ sở…

Có hai chuyên đề đã được trình bày tại Hội nghị: Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; Công tác tổ chức xây dựng Đảng. Đây là hai lĩnh vực mà theo đánh giá của Đảng ủy Bộ Y tế tại các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở còn nhiều lúng túng trong thực tiễn thực hiện. Các báo cáo viên đã cập nhật những kiến thức, các văn bản mới nhất của Đảng về hai lĩnh vực này; đồng thời đưa ra những đánh giá, phân tích, giải đáp và lưu ý những điểm cần hiểu rõ, hiểu đúng trong thực tiễn thực hiện, từ đó góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác Đảng, góp phần  xây dựng Đảng Bộ Y tế ngày càng vững mạnh.  (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

Ghép tế bào gốc tự thân lần đầu thực hiện tại Thái Nguyên

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân với sự chuyển giao kỹ thuật của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Ông Trần Văn H, 50 tuổi, ở TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cách đây 2 năm thấy đau vùng hông thắt lưng, đau ngày nhiều hơn, không đi lại được kèm theo tê bì tay chân và gầy sút cân. 

Ông H. đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám, làm xét nghiệm và được chẩn đoán đa u tủy xương. Sau 8 đợt điều trị hoá chất tại Khoa Huyết học lâm sàng, các triệu chứng đau giảm dần, có thể tự đi lại được, tình trạng tê bì tay chân đã cải thiện.

 

Tuy nhiên, với căn bệnh của ông H, để có thể kéo dài thời gian sống, cách điều trị tối ưu nhất cho người bệnh phải được ghép tế bào gốc tạo máu tự thân. (Chi tiết xem báo). (Sức khoẻ & Đời sống, trang 11).

TP Hồ Chí Minh: Thêm một ứng dụng AI được triển khai tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An

Ngày 8/11, hệ thống soi cổ tử cung từ xa (TeleCervicography) đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương triển khai tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An để tầm soát ung thư cổ tử cung. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một kỹ thuật soi cổ tử cung có AI giúp phát hiện và tầm soát ung thư cổ tử cung được triển khai ngay tại trạm y tế xã, và cũng là ứng dụng AI thứ 2 trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng được triển khai tại xã đảo.

Đây là một kỹ thuật mới giúp tầm soát ung thư cổ tử cung mà không phải thực hiện kỹ thuật Pap smear quen thuộc tại các phòng khám và bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa. Kỹ thuật này có tên là CerviCare AI, được thực hiện nhờ hệ thống TeleCervicography.

CerviCare AI được đào tạo trên một tập dữ liệu lớn gồm hơn 100.000 hình ảnh cổ tử cung, bao gồm cả hình ảnh bình thường và hình ảnh bất thường, và theo kết quả thử nghiệm lâm sàng của Cơ quan kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm Hàn Quốc (KFDA), CerviCare AI có thể phát hiện chính xác ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm với độ chính xác lên đến 98%.

Kỹ thuật soi cổ tử cung có tích hợp AI giúp tầm soát ung thư cổ tử cung do một công ty khởi nghiệp sáng tạo tại Hàn Quốc tạo ra.

Hiện nay, ngoài Hàn Quốc, một số nước và vùng lãnh thổ đã bắt đầu phê duyệt cho phép sử dụng ứng dụng này tại các cơ sở khám, chữa bệnh như Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc). Mới đây, Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp cận kỹ thuật mới này và đầu tư nguồn lực triển khai.

Theo kế hoạch, các y, bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương sẽ khám, tầm soát ung thư cổ tử cung miễn phí cho 152 phụ nữ tại xã đảo Thạnh An.

Ngay sau soi cổ tử cung, hình ảnh sẽ được hệ thống AI phân tích và đưa ra kết quả, nếu kết quả nghi ngờ bệnh lý, người dân sẽ được mời về Bệnh viện Hùng Vương để tiếp tục khám chuyên sâu, thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán để xác định bệnh lý, từ đó có kế hoạch can thiệp, điều trị và theo dõi cụ thể.

Đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc ưu tiên nguồn lực cho xã đảo Thạnh An triển khai các ứng dụng AI trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng của ngành y tế nhằm mục tiêu muốn thu hẹp hơn nữa khoảng cách trong tiếp cận các dịch vụ y tế đối với người dân ở vùng xa trung tâm của thành phố.

Cách đây 1 năm Sở Y tế Thành phố cũng đã triển khai ứng dụng AI trong chụp X-quang ngực, ứng dụng này đã giúp nhân viên y tế của Trạm y tế xã đảo nhanh chóng phát hiện tổn thương trên phim X-quang trong bối cảnh không thể tuyển dụng bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh về công tác tại xã đảo. Ứng dụng này cũng đã đặt dấu mốc lần đầu tiên AI được triển khai tại trạm y tế tại Việt Nam. (Sài gòn giải phóng, trang 11).

Kiên Giang: Xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân sai phạm trong mua sắm vật tư y tế

Ngày 8-11, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho hay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh này vừa ký kết luận thanh tra về việc thực hiện quy định của pháp luật về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19, giai đoạn 2020-2021 đối với trung tâm y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, giai đoạn 2020-2021, tổng kinh phí bố trí mua sắm cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kiên Giang là hơn 72,1 tỷ đồng; trung tâm y tế các huyện, thành phố đã triển khai mua sắm hơn 62,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết luận thanh tra chỉ ra, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thuận chi không đúng mục đích nguồn kinh phí ngân sách hơn 477 triệu đồng; Trung tâm Y tế huyện Giang Thành chi không đúng 17,4 triệu đồng. Riêng Trung tâm Y tế TP Phú Quốc sử dụng kinh phí tài trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 không đúng mục đích và mua sắm không đúng dự toán được duyệt.

Việc tổ chức mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19 có tổng số thực hiện là 313 gói thầu, trị giá trúng thầu hơn 63 tỷ đồng. Hình thức mua sắm gồm 8 gói thầu đấu thầu rộng rãi, 165 gói thầu chỉ định thầu, 134 gói thầu mua sắm trực tiếp bằng hóa đơn, hợp đồng; 6 gói thầu chào hàng cạnh tranh. Căn cứ kinh phí được giao, trung tâm y tế các huyện, thành phố xây dựng giá gói thầu trên cơ sở so sánh 3 bảng báo giá của 3 nhà cung cấp khác nhau có giá thấp nhất để lập dự toán gói thầu, gửi Phòng tài chính - kế hoạch thẩm định trình UBND huyện, thành phố phê duyệt.

Tuy nhiên, qua thanh tra phát hiện các sai sót như: không lập dự toán gói thầu, phê duyệt dự toán trên cơ sở một bảng báo giá của nhà cung cấp, thực hiện thủ tục mua sắm không đúng thẩm quyền. Các trung tâm y tế huyện, thành phố không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với các gói thầu chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu.

Một số đơn vị mua sắm không phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Thực hiện lựa chọn nhà thầu không đúng hình thức mua sắm theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt. Mua sắm hàng hóa theo hình thức hợp đồng, hóa đơn, không biên bản thương thảo hợp đồng, không ký hợp đồng mua sắm.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Biên ký 6 hợp đồng mua bán với người có quan hệ gia đình; mua 2 mặt hàng giá cao hơn so với bảng báo giá của doanh nghiệp khác cùng thời điểm, chủng loại.

Trung tâm y tế 12 huyện, thành phố thu phí xét nghiệm Covid-19 đối với bệnh nhân nội trú, thân nhân người bệnh, bệnh nhân ngoại trú chuyển tuyến với tổng số tiền thu phí xét nghiệm hơn 5,6 tỷ đồng là chưa đúng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Trung tâm Y tế TP Phú Quốc qua kiểm kho kít xét nghiệm Covid-19 còn tồn đối với gói thầu mua 40.000 kít, cho thấy đủ số lượng nhưng không đúng số lô theo biên bản nhập hàng. Thực hiện 2 gói thầu liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á từ nguồn tiền tài trợ, Trung tâm Y tế liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp mua kít xét nghiệm Covid-19 thanh toán bằng hóa đơn với tổng số tiền 775 triệu đồng. Về hai gói thầu này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã thu thập hồ sơ… (Sài gòn giải phóng, trang 11, Công an nhân dân, trang 5, Thanh niên, trang 4).

Sau 6 năm thi công dang dở, dự án bệnh viện 1.700 tỉ đồng ở Cần Thơ chưa có ngày về đích

Dự án đầu tư xây dựng BV Ung bướu TP. Cần Thơ quy mô 500 giường được khởi công vào tháng 10.2017. Tuy nhiên, sau 6 năm thi công, tổng giá trị khối lượng liên danh nhà thầu mới thực hiện ước đạt khoảng 21% và đang phải tạm ngưng xây dựng gần 2 năm qua (Chi tiết xem báo). (Lao động, trang 1

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang