Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 09/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế; Bệnh viện thiếu hóa chất, cạn kiệt vật tư - Nỗ lực gỡ khó; Sốt xuất huyết tại TP.HCM gia tăng; Cấp cứu vì 'cậu nhỏ' cương cứng kéo dài

 

Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế

Y tế là một trong những lĩnh vực triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ và đem lại những kết quả tích cực. Công nghệ thông tin được ứng dụng từ các hoạt động quản lý nhà nước của ngành đến giải quyết các bài toán trong chăm sóc sức khỏe của người dân.

Đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản góp phần hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý để triển khai công nghệ thông tin, làm cơ sở cho chuyển đổi số y tế. Từ giữa năm 2020, Cổng dịch vụ công Bộ Y tế đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giải quyết toàn bộ các thủ tục hành chính. Hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước, triển khai tới các đơn vị trực thuộc bộ, tích hợp với các sở y tế và tất cả các hoạt động quản lý văn bản điều hành đã thực hiện trên môi trường mạng và được ký số.

Cổng công khai y tế cũng đã được khai trương, là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm chẩn đoán, dịch vụ khám, chữa bệnh… cũng như giá niêm yết, giá đấu thầu; thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi; kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo…

Thông qua Cổng công khai y tế, người dân thực hiện quyền được biết và giám sát các dịch vụ mà ngành y tế cung cấp. Sắp tới giá trúng thầu của các gói thầu thiết bị y tế cũng sẽ được công khai trên Cổng thông tin sẽ giúp cho các cơ sở y tế có nhu cầu mua sắm thiết bị y tế tham khảo, lập dự toán nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.

Đáng chú ý, các bệnh viện cũng chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, khi toàn bộ các bệnh viện trên cả nước đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 44 bệnh viện đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim; nhiều đơn vị ứng dụng đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến; ứng dụng trí tuệ nhân tạo, rô-bốt trong y tế, ứng dụng hỗ trợ ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện, cảnh báo tương tác thuốc; hỗ trợ tư vấn - Chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện…

Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước với cơ quan bảo hiểm xã hội. Đã có 99,5% số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; 1.000 bệnh viện triển khai khám, chữa bệnh từ xa Telehealth. Nhiều địa phương đang triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời…

Công nghệ thông tin cũng đã ứng dụng trong y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã; hình thành nền tảng quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế V20… Trong phòng, chống dịch Covid-19, nhiều phần mềm được triển khai, như: Khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh, Bluezone, An toàn Covid.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã triển khai các hệ thống thông tin lớn như: Mạng kết nối y tế Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc; triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia… hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành y tế.

Chương trình chuyển đổi số y tế được Bộ Y tế ban hành với định hướng tới năm 2030 công nghệ số được ứng dụng trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh; khám bệnh, chữa bệnh thông minh; quản trị y tế thông minh.

Năm 2023 và giai đoạn 2023-2025, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh triển khai: Hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; đăng ký và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt... Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám, chữa bệnh sẽ được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật.

Chuyển đổi số đang diễn ra hằng ngày ở tất cả các mặt của đời sống xã hội, ở đó y tế chịu tác động lớn trước yêu cầu của người dân về sự tăng cường số lượng, chất lượng, sự công bằng trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ. Nhiệm vụ đặt ra trước yêu cầu chuyển đổi số, phát triển y tế thông minh đối với ngành y tế là rất lớn.

Toàn ngành cần đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin vào thiết lập hệ thống sổ sức khỏe điện tử của từng người dân, tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe, khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ. Tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh từ xa.

Bộ Y tế đã đặt ra lộ trình chậm nhất đến ngày 31/12/2023 phải hoàn thành triển khai bệnh án điện tử đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; các bệnh viện còn lại trên toàn quốc đến năm 2028 cũng phải hoàn thành. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại mới có 44 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng bệnh án điện tử, con số khá thấp so với mục tiêu và lộ trình đã đặt ra.

Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo và sự hưởng ứng tham gia tích cực của tất cả nhân viên bệnh viện. Mặt khác, để có bệnh án điện tử hoàn chỉnh cho người bệnh thì phải tích hợp từ nhiều hệ thống khác nhau, việc này đòi hỏi các bệnh viện phải trang bị đồng bộ hạ tầng và các phần mềm liên quan.

Nhưng cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng hiện nay chưa rõ ràng; các tiêu chuẩn kết nối, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa thống nhất; việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin còn khó khăn, do chưa có hướng dẫn đầy đủ của các bộ, ngành về nội dung này (Nhân dân, trang 1).

 

Bệnh viện thiếu hóa chất, cạn kiệt vật tư - Nỗ lực gỡ khó

Việc Chính phủ liên tiếp ban hành 2 văn bản quan trọng: Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/2023/NQ-CP đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc men tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các bệnh viện, đây chỉ là giải pháp tình thế, để giải quyết căn cơ vấn đề này, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan cần xây dựng những quy định rõ ràng về việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế.

Vẫn còn chờ mổ, chuyển chụp

Ghi nhận của phóng viên tại một số bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội cùng với việc tiếp tục duy trì các hoạt động chuyên môn, cấp cứu, khám chữa bệnh hàng ngày thì các đơn vị đã nhanh chóng bắt tay ngay vào triển khai đấu thầu, mua sắm hóa chất, trang thiết bị y tế, thuốc men. Tại Bệnh viện Việt Đức, tròn 1 tuần sau khi có bệnh viện thông báo hạn chế mổ phiên để tập trung mổ cấp cứu do thiếu vật tư y tế và hóa chất, lượng người bệnh tới khám, điều trị vẫn rất đông. Một số bệnh nhân cho biết họ đã được bác sĩ thông báo chuẩn bị phẫu thuật vào cuối tuần này, một số trường hợp khác mới nhập viện được hẹn lịch phẫu thuật sang tuần sau. Bà Nguyễn Thị Vân (63 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) chia sẻ: “Chồng tôi bị sỏi mật, vào bệnh viện điều trị từ cuối tháng trước, tới nay mới được bác sĩ thông báo qua tuần sẽ được phẫu thuật. Tôi thấy rất mừng vì bệnh viện đã mua được thuốc men, vật tư, để người bệnh không phải thấp thỏm chờ thêm nữa”.

Tại TPHCM, tình trạng “chờ mổ”, “chuyển chụp” cũng chưa khả quan hơn. Bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ Trà Vinh) cho biết, sáng sớm 8-3, bà được con đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy bốc số khám bệnh, ngồi chờ đến 10 giờ mới được khám, tuy nhiên để chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ chỉ định bà phải đi chụp MRI và qua Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh Quốc tế (quận Tân Phú) để chụp. “Bệnh viện máy hỏng nên tôi và hơn chục người qua đây, giờ phải mang phim chụp về cho bác sĩ tìm bệnh, vất vả lắm, chắc chiều mới xong”, bà Hồng buồn bã nói và cho biết, nhiều người bệnh nặng còn phải xếp hàng chờ đợi từ rất sớm, càng chờ đợi càng lo lắng, không biết đến bao giờ họ mới được chữa trị.

Còn tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trong sáng 8-3, người dân xếp hàng ken đặc hành lang bệnh viện chờ thăm khám, chụp chiếu. Các bệnh viện (Thống Nhất, Quân y 175…) gần đây cũng thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân được các bệnh viện khác chuyển qua; nhiều bệnh nhân ở tỉnh phải lặn lội lên TPHCM tìm nơi điều trị vì bệnh viện tuyến dưới cũng thiếu dụng cụ để mổ, thiếu trang thiết bị y tế chẩn đoán, điều trị...

Máy móc sẽ sớm hoạt động trở lại

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, hiện người bệnh tới khám chữa bệnh tại bệnh viện vẫn phải chờ đợi khá lâu để làm các chẩn đoán lâm sàng như: chụp CT, chụp cắt lớp do nhiều hệ thống máy móc liên doanh liên kết đang tạm dừng vì thiếu vật tư và hư hỏng. Sau khi Nghị quyết 30/2023/NQ-CP được ban hành, bệnh viện đã khẩn trương rà soát tổng thể, những thiết bị nào còn hoạt động được sẽ hoàn tất các thủ tục để sớm đưa vào phục vụ người bệnh, thiết bị nào hỏng sẽ sớm sửa chữa để phục hồi hoạt động. “Điều này cởi trói lớn cho Bệnh viện Bạch Mai và nhiều cơ sở y tế khác để có thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân. Hiện bệnh viện đã bắt đầu thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế theo đúng quy định mới nên trong tháng này sẽ cơ bản tháo gỡ được những khó khăn trong hoạt động”, PGS-TS Đào Xuân Cơ khẳng định.

Theo GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, ngay khi Chính phủ có Nghị quyết 30/2023/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP gỡ vướng mua sắm trang thiết bị, vật tư, bệnh viện đã nhanh chóng liên hệ với các nhà cung cấp và đối tác cho biết 1 tuần nữa sẽ cung cấp đầy đủ hóa chất, vật tư y tế theo yêu cầu của bệnh viện. Sang tuần, bệnh viện sẽ hoạt động bình thường, người bệnh hoàn toàn yên tâm đến khám chữa bệnh.

Còn theo BSCK2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM), Nghị quyết 30/2023/NQ-CP đã giúp bệnh viện kéo dài thời gian thực hiện thí điểm máy đặt, máy mượn khi cơ sở y tế trúng thầu hóa chất, vật tư để phục vụ người bệnh. Với quy định này, công tác đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư y tế sẽ thuận lợi hơn, giúp bệnh viện không còn cảnh thiếu thốn trang thiết bị, vật tư, hóa chất (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Sốt xuất huyết tại TP.HCM gia tăng

Ngày 8.3, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM từ đầu năm 2023 đến nay.

Theo đó, tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có 4.683 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Có 19/22 quận, huyện có số ca giảm so với số mắc trung bình 4 tuần trước, nhưng có 7/312 phường xã có số ca bệnh tăng ở mức ngưỡng báo động. Về dịch bệnh tay chân miệng có 493 ca mắc, số ca có dấu hiệu gia tăng trong tuần qua.

Bên cạnh đó, TP.HCM có 123 ca mắc Covid-19. Số ca mắc Covid-19 tích lũy trong đợt dịch lần thứ 4 (tính từ ngày 29.4.2021) đến nay là 618.427 ca. TP.HCM cũng đã tiêm được 23,59 triệu mũi vắc xin Covid-19, trong đó, có hơn 8,7 triệu mũi 1, hơn 7,79 triệu mũi 2, 683.289 mũi bổ sung, hơn 4,8 triệu mũi nhắc lần 1 và hơn 1,57 triệu mũi nhắc lần 2.

Về dịch bệnh cúm A/H5N1, TP.HCM đã triển khai các biện pháp giám sát cửa khẩu, cộng đồng và kiểm soát kinh doanh, giết mổ, chăn nuôi gia cầm trên địa bàn (Thanh niên, trang 4).

 

Cấp cứu vì 'cậu nhỏ' cương cứng kéo dài

"Cậu nhỏ" cương cứng là yếu tố then chốt quyết định cuộc yêu. Đối lập nhiều người có "cậu nhỏ" xìu xìu ển ển thì có người cứ bị cương cứng trong suốt thời gian dài, phải nhập viện cấp cứu và phẫu thuật.
Vậy "cậu nhỏ" cương cứng bao lâu là bất thường? Làm sao phòng bệnh?

"Thủ phạm" chất kích thích, bị té ngã...

Sau khi thử vị thuốc lá điện tử mới, "cậu nhỏ" của người đàn ông 33 tuổi (ngụ Hà Nội) bị cương cứng nhiều giờ liền dù đã dùng nhiều cách để khắc phục nhưng không có tác dụng. Bệnh nhân buộc phải phẫu thuật cấp cứu.

Các bác sĩ đánh giá "thủ phạm" khiến "cậu nhỏ" của người đàn ông này cương cứng nhiều giờ là do dùng thuốc lá điện tử có hàm lượng nicotin cao, gây rối loạn cương dương và nhiều bệnh lý khác.

Trường hợp ông T.V.V. (57 tuổi) đến Bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM "cầu cứu" vì dương vật cương cứng liên tục suốt 10 ngày. Dù ông V. đã làm mọi cách nhưng không thể chấm dứt được tình trạng cương cứng này.

Qua khai thác bệnh sử ghi nhận trước khi xảy ra sự cố hy hữu này, ông V. bị té đập vùng tầng sinh môn (vùng giữa hậu môn và bìu) vào cây gỗ cứng. Sau tai nạn, ông V. phát hiện có máu rỉ ra từ đầu dương vật.

Đến tối cùng ngày, ông V. vẫn quan hệ tình dục bình thường, vẫn xuất tinh, tinh dịch không thấy máu. Tuy nhiên sau khi xuất tinh thì dương vật không mềm xìu như mọi khi và gây đau tức nhẹ.

Bác sĩ Vũ Thái Hoàng, khoa ngoại tiết niệu Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho biết khoa từng tiếp nhận một ca 20 tuổi nhập viện trong tình trạng dương vật cương cứng kéo dài.

Khai thác bệnh sử được biết vì sơ suất nên dương vật của bệnh nhân bị va đập vào cạnh bàn rồi cương cứng suốt hai tuần liền. Tại bệnh viện, kết quả siêu âm nhận thấy mạch máu tại dương vật của bệnh nhân bị tổn thương.

Bất thường khi nào?

Trả lời câu hỏi về nguyên nhân dẫn đến dương vật bị cương cứng kéo dài, bác sĩ Vũ Thái Hoàng cho biết có hai nguyên nhân chính dẫn đến dương vật cương cứng kéo dài.

Đó là cương cứng kéo dài thể thiếu máu (cương đau dương vật dòng chảy thấp) do máu tại dương vật không lưu thông được hoặc cương cứng kéo dài không do thiếu máu (cương đau dương vật dòng chảy cao) thường do dương vật gặp chấn thương như bị va đập vào vật cứng, từ đó làm vỡ mạch máu trong thể hang.

Nếu nam giới hút nhiều thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích... thì cũng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến dương vật cương cứng bất thường.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Vũ Tân - khoa nam học Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) - cho biết thêm những bệnh nhân bị bệnh lý về máu, đặc biệt là bệnh hồng cầu hình liềm, rất hay gặp phải tình trạng cương dương vật kéo dài.

Một số trường hợp bệnh lý ác tính (ung thư máu) hay gặp các trường hợp sử dụng thuốc (các loại thuốc tâm thần, các chất kích thích) cũng gặp tình trạng này.

Hiếm gặp hơn là tình trạng cương dương vật kéo dài sau thủ thuật y khoa, có dùng thuốc tiêm vào thể hang để điều trị rối loạn cương hoặc làm các xét nghiệm khảo sát tình trạng cương.

Vậy khoảng thời gian nào đo lường dương vật cương cứng bất thường? Bác sĩ Tân cho hay sự cương cứng của dương vật kéo dài hơn 4 giờ mà không có sự kích thích về thể chất và tinh thần thì được xác định là dương vật cương cứng bất thường.

Hiện tượng này xảy ra khi máu bị ứ trệ bên trong dương vật và không thể thoát ra.

Nhanh chóng đến cơ sở y tế khi bất thường

Về việc điều trị, bác sĩ Vũ Thái Hoàng cho hay nếu dương vật kéo dài trong trường hợp chấn thương vẫn có thể điều trị bảo tồn, nhưng có thể đối diện nhiều nguy cơ như xơ hóa vật hang, rối loạn cương dương, gây thiếu máu dẫn đến tổn thương các mô dương vật.

Còn dương vật cương cứng do nguyên nhân thiếu máu thì các bác sĩ sẽ tiêm thuốc hoặc phẫu thuật, giúp dương vật xìu trở lại.

"Sau "cuộc yêu" hay vì lý do nào đó mà dương vật không xìu được thì nam giới cần đến bệnh viện khám. Trường hợp dương vật cương cứng trên 4 tiếng đồng hồ mà không xìu, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được cấp cứu và xử trí kịp thời", bác sĩ Hoàng khuyến cáo (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang