Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo điện tử ngày 28/12/2016

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế đầu tư 10 tỷ đồng cho bệnh viện mới của Bắc Kạn; Bệnh viện thuê giám đốc để tránh độc đoán, chuyên quyền?; Bộ Y tế lấy mẫu xét nghiệm tại 10 “làng ung thư”; Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm dịp Tết Nguyên đán; Đưa vào hoạt động Trạm cấp cứu 115 tại Bệnh viện Quận 9; ...

Bộ Y tế đầu tư 10 tỷ đồng cho bệnh viện mới của Bắc Kạn

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-dau-tu-10-ty-dong-cho-benh-vien-moi-cua-bac-kan-20161227135129273.htm

 Sáng 27/12, tại Lễ Khánh thành Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế sẽ chi 10 tỷ đồng để trang bị máy móc hiện đại cho cơ sở này.

Sáng cùng ngày, tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Kạn, lãnh đạo Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi và ưu tiên hỗ trợ các nguồn vốn đầu tư, xây dựng BVĐK tỉnh giai đoạn 2, xây dựng trạm y tế xã, phường đặc biệt là cơ sở vật chất của hệ dự phòng và các trạm y tế xã chưa được đầu tư xây dựng mới; Phát triển đề án BV vệ tinh với 2 lĩnh vực tim mạch và ung bướu...

Trước những đề xuất này, Bộ trưởng cho biết sẽ hỗ trợ tỉnh 10 tỷ để đầu tư trang thiết bị của BVĐK tỉnh mới. Bộ trưởng cũng ủng hộ phát triển đề án bệnh viện vệ tinh, có thể mở rộng thêm các chuyên ngành sản nhi, tim mạch...

Các vấn đề còn lại liên quan đến xây mới cơ sở vật chất của y tế dự phòng, pháp y, an toàn thực phẩm... Bộ trưởng cho rằng xu thế chung của thế giới là gộp những lĩnh vực này để giảm nhân lực, chi phí. Vì thế Bộ trưởng kiến nghị Tỉnh ủy cần cân nhắc kĩ, tránh lãng phí nguồn vốn. Thực tế nhiều địa phương khi xây dựng những trung tâm này đã gây ra tình trạng lãng phí.

Bộ trưởng cho biết, sẽ hỗ trợ Bắc Kạn xây dựng 7 – 8 trạm y tế (khoảng 3,5 tỷ một trạm) nhưng cần ưu tiên vùng sâu vùng xa, xây mới.

Sau buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến dự và cắt băng khánh thành BVĐK tỉnh Bắc Kạn.

Giám đốc BV Đa khoa Bắc Kạn, cho biết, trước đó, BV đa khoa tỉnh Bắc Kạn cũ có quy mô 300 giường bệnh, thường xuyên quá tải, xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục, đặc biệt là các khu vệ sinh hư hỏng. Với cơ sở vật chất xuống cấp. Nay với bệnh viện mới quy mô 500 giường bệnh, gồm Trung tâm kỹ thuật cao, nhà cấp cứu, khám, điều trị bệnh, nhà bệnh nhân nội trú, nhà khu dược... với tổng diện tích sử dụng hơn 47.000 m2 sẽ có khả năng tiếp nhận 800 bệnh nhân cùng lúc. Bệnh viện được xây dựng với tổng vốn đầu tư 982 tỷ đồng, trong đó mua sắm trang, thiết bị y tế là 245 tỷ đồng.

Trước đó, bệnh viện luôn thực kê tới 580-600 giường bệnh. Hàng năm khám và điều trị nội trú cho 100.000 lượt.

TS Nguyễn Đình Học, Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn cho biết, với việc đưa bệnh viện mới quy mô 500 giường vào hoạt động đã giúp tăng số giường bệnh trung bình trên 10.000 dân của tỉnh từ 25,9 giường lên 31,5 giường bệnh. So với một số tỉnh trong cả nước đây vẫn là tỷ lệ thấp tuy nhiên đã đạt tỷ lệ ngang với tỷ lệ chung của cả nước.

 

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn khánh thành cơ sở mới quy mô 500 giường bệnh

http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/benh-vien-da-khoa-tinh-bac-kan-khanh-thanh-co-so-moi-quy-mo-500-giuong-benh-496092

QĐND Online – Ngày 27-12, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức lễ khánh thành Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn (cơ sở mới) với quy mô 500 giường bệnh. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Du, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lý Thái Hải, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn được xây dựng khang trang với quy mô 500 giường bệnh, có khả năng tiếp nhận 800 bệnh nhân cùng lúc, trên diện tích gần 24ha. Bệnh viện tại cơ sở mới bao gồm các hạng mục: Trung tâm kỹ thuật cao, nhà cấp cứu, khám, điều trị bệnh, nhà bệnh nhân nội trú, nhà khu dược... với tổng diện tích sử dụng gần 70.000m2.  Sau 6 năm xây dựng, bệnh viện được hoàn thành, nghiệm thu vào tháng 4-2016 với tổng vốn đầu tư 982 tỷ đồng, trong đó mua sắm trang, thiết bị y tế là 245 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, việc khánh thành và đưa vào sử dụng cơ sở mới Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã giúp tăng số giường bệnh trung bình hơn 10.000 dân của tỉnh từ 25,9 giường lên 31,5 giường bệnh, ngang với tỷ lệ chung của cả nước. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn quan tâm việc khai thác, quản lý, để phát huy hết khả năng, công suất của bệnh viện; đồng thời quan tâm thực hiện cơ chế tài chính cho bệnh viện theo các quy định của pháp luật hiện nay để đảm bảo nguồn tài chính ổn định, từ đó tái đầu tư các dịch vụ y tế cho nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn lựa chọn xây dựng Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn thành bệnh viện vệ tinh của nhiều bệnh viện tuyến Trung ương trên cơ sở phù hợp với mô hình bệnh tật của địa phương, các tỉnh trong khu vực.

Trong những năm qua, bệnh viện phải hoạt động tại cơ sở cũ với quy mô 300 giường bệnh, thường xuyên quá tải, xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục, đặc biệt là các khu vệ sinh hư hỏng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh. Bệnh viện được giao thực hiện 500 giường bệnh kế hoạch và thực kê tới 580-600 giường bệnh. Mỗi năm, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú cho 100.000 lượt, trong đó có tới 80% là số lượt khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế.

Hằng năm, bệnh viện cử cán bộ đi đào tạo, áp dụng triển khai kỹ thuật mới, được sự hỗ trợ tích cực của các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi Trung ương… Đến nay, các bác sĩ tại bệnh viện đã có khả năng triển khai được tới 75% số kỹ thuật thuộc danh mục giao cho bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Bệnh viện đã có đủ các phòng xét nghiệm huyết học, sinh hóa cơ bản theo phân tuyến và thường xuyên thực hiện chương trình ngoại kiểm xét nghiệm. 

Cùng nội dung trên còn có các báo sau đưa tin:

http://nongnghiep.vn/bac-kan-khanh-thanh-benh-vien-da-khoa-500-giuong-benh-post183892.html

http://backantv.vn/tin-tuc-n10061/khanh-thanh-benh-vien-da-khoa-tinh-bac-kan.html

http://www.nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/31670802-bo-truong-bo-y-te-chia-se-truoc-nhung-tai-bien-y-khoa.html

http://m.daidoanket.vn/xa-hoi/khanh-thanh-bv-da-khoa-tinh-bac-kan/144023

http://conganbackan.vn/hoat-dong-cong-an-tinh/khanh-thanh-benh-vien-da-khoa-bac-kan-2311.html

 

Bệnh viện thuê giám đốc để tránh độc đoán, chuyên quyền?

http://dantri.com.vn/chinh-tri/benh-vien-thue-giam-doc-de-tranh-doc-doan-chuyen-quyen-20161227071206646.htm

Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính xây dựng dự thảo mô hình Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát, thuê, bổ nhiệm Giám đốc bệnh viện, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo đơn vị, khoa, phòng… nhằm tránh độc đoán, chuyên quyền. Theo đó, người giữ cương vị Giám đốc không còn là người có quyền cao nhất tại bệnh viện.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì chiều 26/12, tại trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết số 05 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII xác định đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập là 1 trong 5 lĩnh vực trong tâm của tái cơ cấu nền kinh tế. Nghị quyết tiếp tục thực hiện việc trao quyền đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập…

“Tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, điều chỉnh giá các dịch vụ công theo cơ chế thị trường; chuyển từ cơ chế Nhà nước cấp phát sang Nhà nước đặt hàng, từ hỗ trợ cho đơn vị cung cấp sang trực tiếp hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng. Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng giữa các đơn vị công lập, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển cung ứng dịch vụ công, phát triển thị trường dịch vụ công có sự điều tiết của Nhà nước” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế đang được triển khai. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã nghiên cứu và bổ sung các quy định cụ thể về Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát tại một số Tập đoàn, bệnh viện trong nước.

Bộ Y tế cũng tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia tổ chức y tế thế giới về mô hình quản trị bệnh viện tại một số nước trên thế giới, như: Đức, Colombia, Brazil, Estonia, Trung Quốc, Hồng kông, Tây Ban Nha, Thái Lan, Hoa Kỳ, Bỉ… Bộ Y tế đã có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập để thay thế Nghị định 85/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

Được biết, lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo theo hướng phải đổi mới căn bản, toàn diện việc quản lý bệnh viện công, hoàn thiện dự thảo mô hình Hội đồng quản lý, Ban kiểm soát…

“Thuê, bổ nhiệm Giám đốc bệnh viện, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo đơn vị, khoa, phòng. Chuyển một số thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước, của giám đốc về Hội đồng quản lý để quyết định theo cơ chế tập thể, tránh độc đoán, chuyên quyền…” - đại diện Bộ Y tế cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thăng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ - nêu quan điểm: Theo Luật công chức, viên chức, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là công chức và tuyển dụng phải theo Luật. Với cơ chế đổi mới, Bộ trưởng Bộ Y tế là người bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý và Giám đốc bệnh viện.

“Hai ông ngang bằng nhau nên khó nói được nhau. Muốn quản lý được tốt có 3 vấn đề không thể thiếu đó là tiền, người và cách thức điều hành. Bởi thế, nếu muốn hoạt động theo đúng tự chủ thì phải sửa lại rất nhiều các luật, trong đó có luật công chức, viên chức” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Thắng khẳng định.

Để thúc đẩy đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ ngành tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp luật có liên quan và sớm trình Chính phủ để ban hành trong Quý I, xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước cũng trong Quý I/2017...

 

Bộ Y tế lấy mẫu xét nghiệm tại 10 “làng ung thư”

http://www.baogiaothong.vn/bo-y-te-lay-mau-xet-nghiem-tai-10-lang-ung-thu-d182145.html

 Ngày 27/10, Bộ Y tế đã lấy mẫu xét nghiệm tại 10 "làng ung thư" với tỷ lệ người mắc cao nhất cả nước.

Bộ Y tế đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm lại nguy cơ ung thư tại 10 làng ở các địa phương gồm: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận.

Theo điều tra của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh về tình hình thực tế ung thư tại 10 làng có tỷ lệ mắc ung thư cao cho thấy, tỷ lệ người bệnh ung thư tại đây tương đương cả nước, các yếu tố nguy cơ trong giới hạn. Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của người dân cũng chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi tác nhân có khả năng gây ung thư, chưa có mối liên quan giữa các trường hợp mắc ung thư và chất lượng nước của người dân tại các làng này. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nguyên nhân “làng ung thư” là do có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất.

Bộ Y tế cho biết tới đây sẽ lập Hội đồng khoa học và mời Bộ Tài nguyên-Môi trường trình bày về kết quả điều tra để các thành viên Hội đồng đánh giá. Theo Bộ Y tế, để đánh giá nguy cơ ung thư tại 10 làng này phải dựa trên hai nhóm chỉ số. Một là tỷ lệ mắc bệnh tại những nơi này có vượt quá ngưỡng trung bình của khu vực, quốc gia hay không. Hai là dựa vào nhóm nguyên nhân gây ung thư (gồm 4 nhóm nguyên nhân, đó là yếu tố vật lý, bệnh truyền nhiễm (vi rút HP gây viêm dạ dày dẫn đến ung thư dạ dày, vi rút HPV gây bệnh phụ khoa dễ dẫn tới ung thư cổ tử cung, vi rút viêm gan B nguy cơ gây ung thư gan…), ô nhiễm môi trường và thực phẩm).

 

Quá tải cấp cứu vì bệnh viện tuyến dưới muốn 'lấy điểm'

http://thanhnien.vn/suc-khoe/qua-tai-cap-cuu-vi-benh-vien-tuyen-duoi-muon-lay-diem-778199.htm

Bác sĩ Phạm Trí Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết từ ngày 26 đến sáng 27.12, khoa tiếp nhận 384 bệnh nhân - con số kỷ lục tại khoa cấp cứu của BV này từ trước đến nay (trung bình chỉ khoảng 290 ca/ngày), khiến các y, bác sĩ tất bật. 

Trong số đó có 262 bệnh nhân nhập viện, số còn lại cho về hoặc chuyển về tuyến chuyên môn khác.

Một bác sĩ khoa cấp cứu cho biết thêm, khoa chỉ có 20 giường, dự trù 80 băng ca nhưng số bệnh nhân quá đông nên một số người phải nằm đôi. Có lúc bệnh nhân phải nằm kéo dài ra ngoài phòng cấp cứu. Khoa đã ưu tiên giải quyết bệnh nhân nặng trước và các khoa lâm sàng cũng sắp xếp để chuyển bệnh nhân vào giải phóng cho khoa cấp cứu, đến gần trưa qua thì tình hình đã giãn bớt. Bác sĩ Dũng cho rằng đang là thời điểm Bộ Y tế đi kiểm tra các BV phía nam cuối năm, nên một số BV muốn giảm tải ở đơn vị mình để “lấy điểm” nên đã “mạnh tay” chuyển nhiều bệnh nhân lên BV Chợ Rẫy.

Ghi nhận của chúng tôi tại Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy sáng qua, vẫn còn nhiều bệnh nhân, giường nhỏ nhưng đến 2 bệnh nhân cùng nằm, có người phải ngồi do chật quá. Bà Nguyễn Thị Lệ Nương (43 tuổi), bị bệnh tim được BV tỉnh Bạc Liêu chuyển lên đây lúc 9 giờ, cũng phải ngồi vì 2 người nếu nằm thì phải co chân mới đủ, nhưng bà không nằm co được. Ông Đinh Văn Xái (55 tuổi) được BV Đồng Tháp chuyển lên lúc 5 giờ cũng ngồi bó gối trên giường bệnh, cạnh ông là một bệnh nhân khác đang nằm ngủ mê.

Chiều 27.12, lãnh đạo BV Chợ Rẫy đã làm việc với Sở Y tế TP về giải quyết quá tải cấp cứu cho BV này. BV Chợ Rẫy đề nghị Sở Y tế TP chỉ đạo các BV trực thuộc Sở không chuyển bệnh nhân nếu bệnh trong phạm vi chuyên môn của mình; khi cần thiết thì BV Chợ Rẫy có thể chuyển bệnh về các BV này. BV Chợ Rẫy cũng đã có công văn gửi cho các sở y tế phía nam đề nghị tương tự. Đồng thời, gửi công văn báo cáo cho Bộ Y tế biết tình trạng quá tải tại khoa cấp cứu để Bộ có hướng giải quyết và ý kiến chỉ đạo.

 

Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm dịp Tết Nguyên đán

http://baotintuc.vn/xa-hoi/chu-dong-phong-chong-dich-cum-gia-cam-dip-tet-nguyen-dan-20161227171243687.htm

Ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để xử lý triệt để các ổ dịch trên gia cầm, không để lây truyền dịch bệnh sang người.

Ngày 27/12, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, năm 2016, tại Việt Nam, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm cúm A(H5N1) và cúm A(H5N6) tại một số hộ gia đình.

Tuy nhiên, ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để xử lý triệt để các ổ dịch trên gia cầm, không để lây truyền dịch bệnh sang người. Dịp cuối năm và mùa lễ hội do nhu cầu tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm gia tăng nên nguy cơ xảy mắc cúm gia cầm trên người sẽ cao nếu không áp dụng các biện pháp ngăn ngừa lây truyền vi rút từ gia cầm sang người. 

Bộ Y tế khuyến cáo, để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của vi rút cúm gia cầm sang người dịp cuối năm 2016 và mùa lễ hội đầu năm 2017, người dân không nên ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. 

Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, các đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. 

Năm 2016, đặc biệt trong những tháng cuối năm tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên thế giới có chiều hướng diễn biến phức tạp. Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) chủng cúm A(H5) tiếp tục được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, kể từ tháng 6/2016, chim hoang dã và gia cầm ở nhiều quốc gia châu Âu, châu Á (như: Áo, Croatia, Đan Mạch, Đức, Hungary, Ấn Độ, Israel, Hà Lan, Ba Lan, Nga và Thụy Sĩ) được phát hiện nhiễm vi rút cúm gia cầm A(H5N8). Các nhà khoa học nhận định có mối liên hệ giữa nguyên nhân chết ở chim hoang dã, di cư và các vụ dịch tại các trang trại nuôi gia cầm. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã liên tục ghi nhận các trường hợp mắc các chủng cúm A(H5) độc lực cao như cúm A(H5N1), cúm A(H5N6) trên người tại Trung Quốc và Ai Cập trong năm 2016. Ngoài ra, các trường hợp mắc cúm A(H7N9) cũng được ghi nhận rải rác tại Trung Quốc (124 người).

Đặc biệt, ngày 24/12/2016 Trung Quốc thông báo đã ghi nhận trường hợp cúm A(H9N2) tại Quảng Đông và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống. Trước diễn biến tình hình dịch bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới đã nhận định rằng các trường hợp mắc vi rút cúm gia cầm thường tiếp xúc với gia cầm sống hoặc môi trường bị ô nhiễm. Vi rút cúm gia cầm hiện chưa có khả năng lây truyền từ người sang người song nguy cơ bị nhiễm bệnh của hành khách khi đến, trở về từ vùng dịch là hoàn toàn có thể …

 

Đưa vào hoạt động Trạm cấp cứu 115 tại Bệnh viện Quận 9

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/12/445117/

(SGGPO).- Trạm cấp cứu vệ tinh 115 vừa được Sở Y tế TPHCM khánh thành và đưa vào hoạt động tại Bệnh viện Quận 9, TPHCM (số 387 đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A).

Đây là trạm cấp cứu thứ 21 trên địa bàn TPHCM. Lãnh đạo Bệnh viện Quận 9 cho biết, ê kíp trực cấp cứu là các bác sĩ, điều dưỡng được huấn luyện chuyên môn về kỹ năng cấp cứu, hồi sức và được chia thành 2 ca trực 24/24. 

Bệnh viện Quận 9 nằm ở vị trí “vàng” trên tuyến đường huyết mạch nối kết khu vực Ngã tư Thủ Đức và đặc biệt gần khu Công nghệ cao TPHCM. Vì vậy, sự ra đời của Trạm cấp cứu vệ tinh 115 này sẽ đáp ứng nhu cầu cấp cứu cho người dân trên địa bàn Quận 9 và khu vực lân cận.

Mô hình Trạm cấp cứu vệ tinh 115 của TPHCM với sự tham gia của các bệnh viện là mô hình sáng tạo được triển khai tại nhiều nước trên thế giới, phù hợp với thực tế của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân khi có vấn đề sức khỏe cần đến cơ sở y tế, tiếp cận người bệnh trong thời gian sớm nhất, tận dụng thời gian "vàng” để cứu sống người bệnh.

* Đồng chí Nguyễn Ngọc Cường, Phó Chủ tịch UBND Quận 9 cho biết, Sở Y tế TPHCM vừa có quyết định điều động bác sĩ CKII Nguyễn Khoa Lý, Trưởng khoa ngoại Tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức làm Phó Giám đốc Bệnh viện Quận 9. Theo lãnh đạo UBND Quận 9, việc tăng cường bác sĩ giỏi về trình độ lẫn tay nghề sẽ góp phần nâng cao hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng thời sớm đưa Bệnh viện Quận 9 trở thành bệnh viện hạng 2.

 

Đề nghị làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vụ 2 bệnh nhân tử vong ở Bệnh viện Đa khoa Trí Đức

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/12/445080/

(SGGP).- Ngày 26-12, liên quan tới vụ 2 bệnh nhân bị tử vong trong quá trình gây mê để phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (ở số 219 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan để xác định nguyên nhân, đồng thời khẩn trương xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và xử lý kịp thời theo đúng quy định hiện hành. 

Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, ngay sau vụ tai biến xảy ra, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động phẫu thuật, thủ thuật có liên quan đến sử dụng thuốc gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức. Sở Y tế Hà Nội cũng bước đầu làm rõ cả hai bệnh nhân tử vong trước đó đều được sử dụng các loại thuốc giống nhau trong giai đoạn tiền mê và gây mê. Sau đó, cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm các thuốc ở giai đoạn gây mê.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, ngay sau khi xảy ra sự cố, đoàn cán bộ của Sở Y tế đã có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, cùng phối hợp với cơ quan công an để làm rõ việc. Báo cáo của lãnh đạo bệnh viện cho biết, lô thuốc sử dụng cho hai bệnh nhân này đã sử dụng cho bệnh nhân khác và không xảy ra tai biến. Cơ quan công an cũng đã làm việc với 2 bác sĩ chịu trách nhiệm về gây mê ở 2 kíp mổ; lấy lời tường trình tại thời điểm xảy ra vụ việc. Bệnh viện đã xuất trình toàn bộ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thuốc gây mê này. Hiện toàn bộ số thuốc còn lại của bệnh viện đã được niêm phong. 

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, qua đánh giá ban đầu, nguyên nhân của vụ tai biến này có thể do sốc phản vệ. Bởi lẽ, thuốc bệnh nhân sử dụng gây mê là giống nhau, chỉ khác nhau liều lượng. Đây cũng là loại thuốc sử dụng phổ biến tại các bệnh viện, bệnh nhân xuất hiện cùng triệu chứng huyết áp tụt, vã mồ hôi, ngừng tim... Tuy nhiên, đó chỉ là những nhận định ban đầu, kết quả cuối cùng phải phụ thuộc vào khám nghiệm tử thi của hai bệnh nhân của cơ quan pháp y và khoảng 4 tuần nữa mới có kết quả pháp y.

 

Người Việt đầu tiên được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm y học Pháp

http://dantri.com.vn/suc-khoe/nguoi-viet-dau-tien-duoc-phong-vien-si-vien-han-lam-y-hoc-phap-20161227072951397.htm

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Hiệu trưởng trường đại học Y Dược Hải Phòng Phạm Văn Thức vừa được Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp phong tặng danh hiệu Viện sĩ. Ông là người Việt Nam đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý này.

GS.TS Phạm Văn Thức là người đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của Việt Nam được Viện Hàn lâm Y học quốc gia Pháp phong viện sĩ. Viện Hàn lâm y học Quốc gia Pháp hiện là tổ chức danh giá thuộc hàng đầu thế giới về y khoa quy tụ các nhà khoa học uy tín hàng đầu quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau của y học. Hiện nay viện có 500 thành viên, trong đó 180 thành viên là người nước ngoài.

GS-TS Phạm Văn Thức lớn lên trong một gia đình nghèo giàu truyền thống, hiếu học tại xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Năm 23 tuổi, ông thi đậu vào Đại học Y Hà Nội. Năm 2003, Tiến sĩ Phạm Văn Thức vinh dự được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư. Bên cạnh việc trực tiếp giảng dạy tại trường Đại Học Y Dược Hải Phòng, GS. TS Phạm Văn Thức đã có nhiều công trình nghiên cứu, đóng góp cho nền y học trong và ngoài nước. Năm 2006, GS Thức tiếp nhận vị trí Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hải Phòng, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng.

Việc Viện Hàn lâm y học Quốc gia Pháp phong tặng danh hiệu viện sĩ cho ông là danh dự lớn của ngành y, cho gia đình, dòng họ Phạm nơi vùng đất nghèo xã Phục Lễ. Mặc khác đây cũng là minh chứng cho thành quả của sự say mê nghiên cứu y khoa không mệt mỏi của ông.

Ngày 27/12, GS Phạm Văn Thức chia sẻ với PV Dân trí: Danh hiệu này là viên gạch nền tảng để ông hướng sinh viên, giảng viên của trường Đại Học Y Dược Hải Phòng hướng ra sự kết nối với quốc tế, đặc biệt là ngành y khoa nước Pháp.

Với ông, việc nghiên cứu khoa học chưa bao giờ kết thúc, những ngày tới ông vẫn tiếp tục mở rộng tri thức y học cho cá nhân mình.

Hiện nay ông là một trong những giáo sư hàng đầu Việt Nam về chuyên ngành dị ứng - miễn dịch. Ông vừa trở về từ nước Pháp sau danh hiệu được phong mang theo bao ước mơ và say mê mới đối với lĩnh vực nghiên cứu y học.

 

Bé 3 ngày tuổi tử vong: BV nói do 'rối loạn chuyển hóa đường'

http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/be-3-ngay-tuoi-tu-vong-do-roi-loan-chuyen-hoa-duong-348882.html

BV đa khoa Vân Đình cho biết, bé bị rối loạn chuyển hoá đường, đường huyết hạ thấp thời gian dài gây suy hô hấp, nôn trớ, sặc dẫn đến viêm phổi, tử vong.

Tối 27/12, BS Trần Văn Chương, Phó giám đốc BV đa khoa Vân Đình (Ứng Hoà, Hà Nội) cho biết, liên quan đến vụ bé gái 3 ngày tuổi nặng 4,9kg tử vong sau mổ tại BV, nguyên nhân ban đầu được xác định do mắc bệnh lý bẩm sinh, có thể do thiếu enzym để chuyển hoá đường hoặc cường hocmone gây hạ đường huyết (insulin) khiến đường máu liên tục giảm mặc dù đã bù đường.

Hậu quả rối loạn chuyển hoá đường kéo dài khiến trẻ bị suy hô hấp, nôn trớ gây sặc, dẫn đến viêm phổi, suy đa tạng, tử vong sau 3 ngày chào đời.

Bác sĩ hạn chế kinh nghiệm

Ông Chương cho biết, sản phụ Ngô Thị Hường (23 tuổi, Ứng Hoà) mang thai lần đầu, đa ối. Trước khi vào viện chờ sinh, các bác sĩ đã chỉ định đẻ mổ do thai quá to.

Sản phụ nhập viện lúc 5h sáng 17/12 nhưng chưa có dấu hiệu chuyển dạ nên đến 9h15, các bác sĩ mới tiến hành mổ. Bé gái chào đời nặng 4,9kg, hồng hào, khoẻ mạnh.

Trong buổi sáng, có lúc trẻ khò khè nên được các bác sĩ hút đờm, rãi, nhỏ nước muối sinh lý, trẻ đỡ và đêm vẫn bú được bình thường.

Đến 8h sáng hôm sau, cháu bú kém, tím quanh môi nên tiếp tục được hút đờm, rãi, thở oxy. Trẻ hồng hào trở lại.

Sau đó 4 tiếng, trẻ lại có biểu hiện tương tự, sau khi xử trí cháu lại đỡ. Cho đến 16h chiều cùng ngày, trẻ tiếp tục lặp lại các triệu chứng, được các bác sĩ hội chẩn, nghi viêm phổi do sặc sữa nên chuyển tiếp lên BV đa khoa Xanh Pôn cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp độ 3, viêm phế quản phổi nặng, theo dõi nhiễm trùng huyết, bệnh chuyển hoá. Trẻ da tái, môi tím, co kéo cơ hô hấp, phổi có ran ẩm, bụng mềm.

Điều trị tại BV Xanh Pôn đến ngày 20/12, tình trạng cháu không cải thiện, gia đình xin đưa về, trẻ tử vong.

Theo BS Chương, đây là trường hợp rất hiếm gặp, các bác sĩ của khoa Phụ sản còn hạn chế kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị nên phát hiện muộn.

Sản phụ chỉ nặng 42kg

BS Nguyễn Văn Đông, Phó giám đốc BV Vân Đình giải thích thêm, đa phần các ca viêm phổi sơ sinh do sặc sữa đều cấp cứu thành công.

“Riêng trường hợp cháu bé này bị rối loạn chuyển hoá nhưng chuyển lên BV Xanh Pôn 1 ngày sau mới phát hiện ra nên đã tử vong”, BS Đông nói.

Về phía BV Đa khoa Xanh Pôn, BS Nguyễn Văn Thường, Phó giám đốc BV cung cấp thêm, đường huyết bình thường dưới 2,6mmol/l đã có thể gây tổn thương não nhưng bệnh nhi này đường huyết chỉ có 0,03mmol/l.

“Trong 24 tiếng nằm tại Xanh Pôn, chúng tôi vừa truyền đường, vừa xét nghiệm đường máu gần 10 lần nhưng cao nhất chỉ lên được 2,3 rồi lại tụt xuống”, BS Thường chia sẻ.

Theo Phó giám đốc BV Xanh Pôn, việc sản phụ chỉ nặng 42kg nhưng sinh con nặng gần 5kg là một dấu hiệu bất thường.

Liên quan đến vụ việc, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở đã yêu cầu BV đa khoa Vân Đình làm rõ những thiếu sót (nếu có) về tinh thần thái độ, chẩn đoán ban đầu và sẽ xử lý nghiêm các tường hợp có sai sót.

Sở cũng sẽ lập hội đồng chuyên môn để làm rõ nguyên nhân tử vong.

 

Tức ngực, khó thở vì răng giả chui vào dạ dày

http://dantri.com.vn/suc-khoe/tuc-nguc-kho-tho-vi-rang-gia-chui-vao-da-day-20161227111823749.htm

Theo người nhà kể lại, do bị ho lâu ngày không khỏi kèm theo mệt mỏi, bà Đào có uống thuốc ho dạng xi- rô sau ăn. Nhưng khoảng 2 tiếng sau đó, bà bị đau vùng thượng vị, khó thở nên đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để kiểm tra.

Sáng ngày 27/12, Bác sỹ Nguyễn Thị Cúc - Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công ca nội soi gắp răng giả trong dạ dày bệnh nhân Trương Thị Đào (60 tuổi, trú ở xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh).

Trước đó, ngày 25/12, sau khi nhập viện, do có biểu hiện đau tức ngực và khó thở, nên các bác sĩ thăm khám, chỉ định chụp phim X-quang vùng lồng ngực và nội soi.

Kết quả nội soi đã phát hiện 3 răng giả cùng với khung hàm có kích thước 2cm x 3cm nằm lẫn cùng với thức ăn ở bờ cong lớn dạ dày. Các bác sĩ phải tiến hành dùng kìm cá sấu và kẹp gắp dị vật ra.

Theo bác sĩ Cúc, những trường hợp nuốt răng giả không hiếm, nhưng nuốt cả khung hàm răng có kích thước 2cm x 3cm là hy hữu. Việc gắp dị vật cho bệnh nhân phải mất gần 1 tiếng đồng hồ mới hoàn thành vì dị vật lớn khi đưa đến phần thực quản gần ngã ba hầu họng thì mắc lại nên các bác sĩ phải thật sự cẩn thận, khéo léo để đưa ra ngoài, hạn chế gây tổn thương.

“Rất may bệnh nhân phát hiện sớm, nếu không sẽ dễ dẫn đến dị vật đâm thủng dạ dày, nguy cơ xuất huyết cao”, bác sĩ Cúc nói.

 

Long An: Bệnh nhân tử vong tại bệnh viện sau khi tiêm thuốc

http://www.baogiaothong.vn/long-an-benh-nhan-tu-vong-tai-benh-vien-sau-khi-tiem-thuoc-d182159.html

 Chiều 27/12, Công an tỉnh Long An cho biết, đã hoàn tất công tác khám nghiệm tử thi bệnh nhân N.T.T.T. (SN 1998, ngụ xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) và bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Theo hồ sơ vụ việc, khoảng 18h tối 26/12, em T. được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Long An cấp cứu, với triệu chứng đau bụng vùng hố chậu phải.

Sau khi hội chẩn, ê kíp bác sĩ trực tại bệnh viện xác định, bệnh nhân bị nhiễm trùng tiêu hóa, sau đó chỉ định sử dụng kháng sinh thuốc Taxibiotic (Cefotaxin). Đến 19h20 cùng ngày, em T. được các bác sỹ cho tiêm kháng sinh. Tuy nhiên, tiêm xong chưa bao lâu thì bệnh nhân có biểu hiện đỏ da, nôn ói và tụt huyết áp.

Bác sĩ trực ca đã trực tiếp xử lý chống sốc và phối hợp với Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, tiến hành các biện pháp hồi sức cho bệnh nhân. Tuy nhiên, đến 9h15' sáng 27/12, em T. đã tử vong tại bệnh viện. 

Chẩn đoán ban đầu, có khả năng em T. bị suy hô hấp tuần hoàn choáng phản vệ do thuốc nhưng đây không phải kết luận cuối cùng.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

 

Phẫu thuật thành công cho bệnh nhi bị vỡ phình bóc tách động mạch chủ tuýp A

http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/12/445141/

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng khoa Ngoại tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Hòa Mỹ (Đà Nẵng) cho biết Khoa vừa phẫu thuật cứu sống một bệnh nhi bị vỡ phình bóc tách động mạch chủ tuýp A. Bệnh nhi là em Nguyễn Lê Hoàng A, 12 tuổi, trú tại thành phố Đà Nẵng.

Trước đó, vào ngày 30-11, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hoàn Mỹ tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Lê Hoàng A nhập viện trong tình trạng ngực trái đau dữ dội, khó thở, bị ngất và được chẩn đoán vỡ phình bóc tách động mạch chủ tuýp A. Theo gia đình bệnh nhân, em A bị bệnh tim từ nhỏ và được gia đình đưa khám tại nhiều trung tâm y tế khác nhau. Tuy nhiên do tính chất phức tạp và độ rủi ro cao nên gia đình vẫn chưa quyết định cho em phẫu thuật để điều trị dứt điểm.

Sau khi kiểm tra, các bác sĩ đã nhận định bệnh nhân cần được phẫu thuật khẩn cấp bởi phình tách động mạch chủ tuýp A thường gặp ở người lớn, khi phẫu thuật phải thay một đoạn động mạch chủ đồng thời thay van động mạch chủ. Tuy nhiên, đây là trường hợp bệnh nhi nên cần bảo tồn van động mạch chủ. Các bác sỹ đã hội chẩn cùng các chuyên gia của Bệnh viện Tim Hà Nội và quyết định lựa chọn phương pháp phẫu thuật Tirone David bởi việc bảo tồn van động mạch chủ trên bệnh nhân bị phình gốc động mạch giúp tránh phải thay một van tim cơ học và liệu pháp chống đông đi kèm. Van động mạch chủ được định hình lại trong mạch nhân tạo và các động mạch vành được phục hồi cấu trúc.

Sau khi trao đổi, giải thích kỹ với gia đình bệnh nhân và nhận được sự đồng ý, với sự phối hợp của chuyên gia, ca phẫu thuật được tiến hành trong 6 giờ, gồm các công đoạn: Thay đoạn động mạch phình, bảo tồn van động mạch chủ, tạo hình lại động mạch vành phải và cắm lại hai lỗ động mạch vành vào mạch nhân tạo. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi tốt, mạch nhân tạo tương thích và hoạt động ổn định trong cơ thể, các hoạt động, chức năng của tim hồi phục tốt và không có dấu hiệu nhiễm trùng hay xuất huyết trong.

Hiện bệnh nhân đã được xuất viện.

 

Phù hoàng điểm do đái tháo đường là nguyên nhân gây mù hàng đầu ở người trong độ tuổi lao động

http://dantri.com.vn/suc-khoe/phu-hoang-diem-do-dai-thao-duong-la-nguyen-nhan-gay-mu-hang-dau-o-nguoi-trong-do-tuoi-lao-dong-20161227104601187.htm

Bệnh phù hoàng điểm do đái tháo đường (DME) là nguyên nhân hàng đầu gây mù ở người trong độ tuổi lao động, có thể xảy ra ở cả đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2. Ước tính có khoảng 8% bệnh nhân đái tháo đường bị phù hoàng điểm làm suy giảm thị lực.

Bệnh này gây tổn thương các mạch máu nhỏ của võng mạc. Dịch bị rò rỉ từ các mạch máu tổn thương vào vùng võng mạc trung tâm gây phù và dẫn đến giảm thị lực nếu không được điều trị. Các yếu tố liên quan đến phù hoàng điểm do đái tháo đường như nồng độ HbA1c, thời gian bị đái tháo đường, tăng huyết áp tâm trương, giới tính. Tần suất theo dõi bệnh nhân bệnh võng mạc đái tháo đường tùy thuộc vào mức độ trầm trọng của bệnh lý võng mạc cũng như tình trạng phù hoàng điểm có ý nghĩa trên lâm sàng, thay đổi từ 2-12 tháng. Kiểm soát đường huyết là biện pháp hiệu quả nhất trong điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường. Bên cạnh các phương pháp điều trị bằng laser, corticosteroids, các nghiên cứu ngắn hạn gần đây đã phát hiện lợi ích khi tiêm vào nội nhãn thuốc ức chế các yếu tố kích thích phát triển mạch máu, được biết như yếu tố phát triển tế bào nội mô mạch máu (Vascular Endothelial Growth Factor VEGF) có thể ngăn ngừa sự rỉ dịch và gây phù hoàng điểm từ các mạch máu.

Bên cạnh việc kiểm soát đường huyết, bệnh nhân đái tháo đường cần được khám mắt định kỳ để phát hiện bệnh võng mạc đái tháo đường. Đối với đái tháo đường type 1 nên khám mắt lần đầu sau 3-5 năm phát hiện và sau đó theo dõi hàng năm. Còn đối với đái tháo đường type 2 nên khám mắt lần đầu ngay khi phát hiện bệnh và theo dõi hàng năm.

Cần làm gì để phòng chống các bệnh đáy mắt gây mù thường gặp:

Người già, các bệnh nhân đái tháo đường, bệnh tim mạch, xơ vữa mạch máu… cần khám mắt định kì hàng năm ở các bệnh viện, trung tâm mắt có khám chuyên khoa đáy mắt, đặc biệt các cơ sở có các phương tiện chẩn đoán hỗ trợ như chụp đáy mắt màu, chụp cắt lớp quang học, chụp mạch huỳnh quang.

Bệnh nhân ĐTĐ cũng có thể tự kiểm tra thị lực cả 2 mắt tại nhà bằng cách sử dụng lưới Amsler, theo các bước sau:

◊ Đeo kính (nếu đã có vấn đề thị lực khác như cận thị);

◊ Giữ thẳng tay cầm lưới Amsler phía trước mặt, ngang tầm mắt;

◊ Che một mắt. Mắt còn lại tập trung nhìn thẳng vào điểm màu đen ở trung tâm của lưới trong khoảng 10 giây;

◊ Lưu ý là phải đảm bảo có thể nhìn thấy điểm trung tâm cùng với cả 4 góc và cạnh của lưới;

◊ Kết quả bất thường nếu nhìn thấy các đường thẳng của lưới bị nhòe, gợn sóng, đứt gãy hoặc biến mất.

◊ Lặp lại tương tự cho mắt thứ 2.

Khi có các dấu hiện mắt mờ đột ngột, có điểm mờ ở trung tâm hình ảnh, hoặc nhìn thấy hình ảnh bị méo mó, biến dạng cần nhanh chóng tới các cơ sở có bác sĩ chuyên khoa đáy mắt và có các phương tiện chuẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

 

Hà Nội: Trẻ tử vong sau sinh 2 ngày do bệnh lý bẩm sinh

http://news.zing.vn/tre-so-sinh-tu-vong-tai-benh-vien-da-khoa-van-dinh-post709119.html

 Sáng 27/12, ông Nguyễn Văn Chương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, Hà Nội - xác nhận thông tin trẻ tử vong sau khi sinh tại bệnh viện này.

Ông Chương cho biết bệnh nhân là bé gái con của sản phụ Ngô Thị H. (23 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội). Sản phụ H. đến Bệnh viện Đa khoa Vân Đình sinh ngày 17/12 và được chỉ định đẻ mổ do thai nhi to (thai nhi nặng 5 kg, sản phụ nặng khoảng 42 kg).

Trước đó, sản phụ H. đã đến bệnh viện này kiểm tra thai và được chẩn đoán thai đa ối, dự kiến có bất thường. Sau khi sinh, trẻ vẫn hoàn toàn bình thường, hồng hào, bú tốt.

Tuy nhiên, đến ngày 18/12, trẻ có các biểu hiện bỏ bú, da tái xanh, hạ đường huyết (giảm insulin trong máu). Gia đình cho uống sữa nhưng bé bị sặc.

Ngay sau đó, bệnh viện đã chuyển bé lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Tại đây, các bác sĩ đã truyền glucose cho trẻ nhưng cơ thể trẻ không tiếp nhận. Ngày 20/12, trẻ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.

Cường insulin là căn bệnh hiếm gặp, có tỷ lệ mới mắc 1/50.000 trẻ sơ sinh đẻ sống. Cường insulin do quá sản tế bào beta của tiểu đảo tụy, và là nguyên nhân hàng đầu gây hạ đường huyết nặng, tái diễn ở trẻ sơ sinh.

Nếu không được xử lý đúng, kịp thời, những cơn hạ đường huyết kéo dài này sẽ làm tổn thương não vĩnh viễn, không hồi phục, gây ra di chứng tâm thần nặng và tàn phế sau này, thậm chí gây tử vong nhanh chóng.

Insulin là một trong các hormone duy nhất gây hạ đường máu tham gia vào quá trình chuyển hóa đường của cơ thể. Chất này có tác dụng điều chỉnh đường huyết. Khi đường huyết tăng, insulin tiết ra để đưa đường huyết về bình thường. Còn khi đường huyết thấp, cơ thể giảm tiết insulin để đường máu không thấp hơn nữa.

 

Bắt xe khách chở hơn 1 tấn chân, đuôi trâu bò không nguồn gốc

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bat-xe-khach-cho-hon-1-tan-chan-duoi-trau-bo-khong-nguon-goc-20161227143746703.htm

Chiếc xe khách do Sáng điều khiển chở hơn 1 tấn chân, đuôi trâu bò đang trên đường vận chuyển vào Đà Nẵng để tiêu thụ thì bị các lực lượng chức năng Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ.

Theo đó, vào khoảng 8h30 sáng nay (27/12), trên QL 1A thuộc địa bàn phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Hà Tĩnh) phối hợp với Công an thị xã Hồng Lĩnh kiểm tra xe khách Hoàng Anh mang BKS 37B-01536, do lái xe Hồ Văn Sáng (trú tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 14 thùng xốp đựng chân, đuôi trâu bò với trọng lượng hơn 1 tấn không có giấy tờ hợp lệ.

Quá trình xác minh, chủ xe khách khai nhận số hàng trên do một người lạ thuê vận chuyển từ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An vào TP. Đà Nẵng tiêu thụ.

Hiện, các lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản xử lý vụ việc, đồng thời tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

 

Được nữ bác sĩ điều trị, bệnh nhân ít tử vong hơn

http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/duoc-nu-bac-si-dieu-tri-benh-nhan-it-tu-vong-hon-c7a482622.html

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy, những bệnh nhân già yếu trong bệnh viện được nữ bác sĩ chữa trị, tỉ lệ tử vong thấp hơn so với khi được bác sĩ nam chăm sóc.

Cụ thể, số lượng bệnh nhân tử vong trong chương trình của chính phủ Mỹ về việc chăm sóc người già (Medicare), ít hơn khoảng 32.000 người/năm.

Tuy nhiên, nguyên nhân tại sao xảy ra hiện tượng này vẫn chưa được làm rõ. “Sự khác biệt về tỉ lệ tử vong làm chúng tôi thật sự ngạc nhiên. Giới tính của người chữa trị, dường như có ý nghĩa đặc biệt đối với các bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch nhất. Những phát hiện này chỉ ra rằng, cách điều trị của các bác sĩ nam và nữ không giống nhau...", Yusuke Tsugawa – người dẫn đầu nghiên cứu, đến từ Trường đại học Havard nhận định.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hơn 1.5 triệu người thụ hưởng trong chương trình Medicare ở Mỹ. Đối tượng nghiên cứu bao gồm 620.000 đàn ông và 960.000 phụ nữ có độ tuổi từ 65 trở lên, tất cả đang ở bệnh viện, được điều trị bởi 20.000 bác sĩ nữ và 60.000 bác sĩ nam, từ năm 2011 đến 2014.

Nhóm nghiên cứu đã tính đến nguyên nhân bệnh nhân nhập viện, cũng như mức độ tình trạng nghiêm trọng của họ và nhận thấy rằng, những bệnh nhân được các bác sĩ nữ viếng thăm có tỉ lệ tử vong ít hơn 4%. Số bệnh nhân phải nhập viện lại sau 30 ngày kể từ khi có cuộc gặp gỡ với nữ bác sĩ cũng giảm 5%.

Nghiên cứu xa hơn, so sánh cơ sở dữ liệu thu thập được với kết quả nghiêm ngặt của những chuyên gia chăm sóc sức khỏe làm việc trong bệnh viện cho thấy, kết quả không hề thay đổi.

Khi nhóm nghiêm cứu gia tăng mức độ ngẫu nhiên, để loại bỏ trường hợp các bác sĩ nữ chỉ đơn giản là chọn được những người có sức khỏe tốt hơn, kết quả là những bệnh nhân ít xảy ra tình trạng qua đời đột ngột.

Điều này chỉ ra rằng, dường như các bác sĩ nữ có những cách chữa trị bệnh nhân không giống các đồng nghiệp nam. Song sự khác nhau là gì vẫn chưa được các nhà khoa học làm rõ.

“Có nhiều bằng chứng cho thấy sự khác nhau trong việc sử dụng thuốc của bác sĩ nam và bác sĩ nữ. Nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh, sự khác biệt này vô cùng quan trọng cho sức khỏe của  người bệnh”, Ashish Jha – một thành viên của nhóm nghiên cứu nói.

“Chúng ta cần hiểu vì sao khi nữ bác sĩ đièu trị sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong để từ đó có phương pháp chữa trị tốt nhất cho các bệnh nhân, bất luận có liên quan đến vấn đề giới tính”, ông Ashish giải thích thêm.

Những nghiên cứu trước cũng cho thấy, thông thường các bác sĩ nữ tuân thủ chặt chẽ những quy định trong việc chăm sóc sức khỏe hơn là các bác sĩ nam. Họ giao tiếp thường xuyên hơn với các bệnh nhân. Nhưng các kết quả này vẫn chưa cho biết, liệu những sự khác biệt đó có cứu sống được bệnh nhân không hay còn những yếu tố nào khác.  

“Tôi nghĩ khác biệt nho nhỏ này có thể giải thích cho những kết quả chúng tôi thu được. Nếu tôi nhận định đúng, đây là một tin tốt lành cho tất cả bác sĩ nam, vì những “mẹo” này đều có thể dễ dàng học được”, ông Jha phát biểu trên Vox.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu quả là một tin mừng cho các bác sĩ nam, nhưng nhóm cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự bất bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước Mỹ.

Các nữ bác sĩ chỉ chiếm 1/3 trong tổng lực lượng làm việc trong ngành y. Sự thật này càng rõ ràng trong nghiên cứu, khi tỉ lệ bác sĩ nam và bác sĩ nữ được chọn để nghiên cứu có sự chênh lệch rõ ràng. Mức lương và cơ hội thăng tiến của một lượng lớn nữ điều trị cũng thấp hơn các đồng nghiệp nam.

Tất cả kết quả của nhóm nghiên cứu đã được công bố trên JAMA Internal Medicine.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang