Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế về phía Sở Y tế có Th.Bs Đào Duy Khánh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm TT-GDSK, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Về phía các sở, ban, ngành có: Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty cấp nước tỉnh. Về phía huyện Sa Thầy có đồng chí Nguyễn Hữu Thạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, lãnh đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Chủ tịch UBND xã Sa Sơn.
Làm việc tại Sở Y tế, sau khi báo cáo của Sở Y tế và các đơn vị có liên quan về tình hình thiếu nước, hạn hán và phòng chống dịch bệnh đại diện các đơn vị tập trung thảo luận và đề xuất các biện pháp cấp bách và lâu dài về phòng, chống hạn hán và dịch bệnh có hiệu quả.
Theo báo báo của Trung tâm Y tế dự phòng Kon Tum, từ tháng 2 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có mưa, nắng nóng, hạn hán kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn rộng Toàn tỉnh có hơn 68.000 nguồn cung cấp nước gồm giếng nước khoang, giếng đào, bể nước, nước máy, máng lần, nước tự chảy…nhưng có hơn 23.000 nguồn nước không đạt tiêu chuẩn, trong đó đa số là giếng đào và máng lần, nước tự chảy tại các hộ gia đình. Trong khi đó, tập quán sinh hoạt của người dân đồng bào đa số dùng nước tự chảy, nước giọt không qua xử lý để ăn uống, sinh hoạt hàng ngày nên dễ xảy ra dịch bệnh.
Trước tình hình thiếu nước do hạn hán kéo dài và có khả năng xảy ra dịch bệnh liên quan đến thiếu nước sinh hoạt, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế và các Sở, ban, ngành khác đã phối hợp tổ chức cấp bách các biện pháp trước mắt và lâu dài để đối phó. Công ty cấp nước Kon Tum đã tổ chức cấp phát nước lưu động đến tận người dân các xã, phường bị thiếu nước trên địa bàn thành phố; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nạo vét các giếng đào, bảo vệ nguồn nước và chỉ đạo UBND các xã hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt cho người dân.
Về phía ngành Y tế, lãnh đạo Sở Y tế tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện thành phố trích kinh phí địa phương để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh do hạn hán gây ra; chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ nguồn nước sinh hoạt hiện có trên địa bàn huyện; tăng cường giám sát nguồn nước và đề nghị xử phạt các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường, kiện toàn đội chống dịch các cấp, chuẩn bị phương án, nhân lực và vật tư dạp dịch khi cần thiết; cung cấp kip thời viêm Aquatab cho người dân để xử lý các nguồn nước bị nhiễm khuẩn. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh ổn định, không có dịch lớn xảy ra. Tại xã Mô Rai huyện Sa Thầy, đã ghi nhận có ổ dịch tiêu chảy xảy ra ở quy mô nhỏ với 58 ca bị nhiễm E.coli rải rác trong tháng 3/2016 và đã được khống chế, xử lý.
Làm việc tại UBND xã Sa Sơn của huyện Sa Thầy, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã nghe báo cáo của UBND xã và Trung tâm Y tế xã về tình hình thiếu nước, hạn hán và phòng chống dịch bệnh. Theo đó, trên địa bàn huyện có hơn 7.000 giếng, máng nước, hố nước… trong đó có gần 2.000 giếng bị khô nước, người dân phải dung nguồn nước suối chưa qua khử khuẩn. Trước tình hình khó khăn, UBND huyện Sa Thầy đã bố trí kinh phí và chỉ đạo UBND các xã khoan 01 giếng mới và nạo vét 05 giếng để phục vụ nước cho nhân dân, giao Công ty 78 của Biên phòng tỉnh cung cấp nước cho người dân tại Làng Le nơi đang xảy ra dịch tiêu chảy, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện cung cấp 48.000 viên Aquatab và hướng dẫn bà con xử lý nước trước khi sử dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại các xã trọng điểm về hạn hán để có biện pháp xử lý.
Chỉ đạo trong các buổi làm việc tại Sở Y tế và huyện Sa Thầy, Th.Bs Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường và các thành viên Đoàn công tác nghi nhận những nỗ lực, kết quả tỉnh Kon Tum đã triển khai trong ứng phó với tình hình thiếu nước, hạn hán và phòng chống dịch bệnh; đồng thời đề nghị Sở Y tế, các Sở, ban, ngành và UBND huyện Sa Thầy về trước mắt, tiếp tục cung cấp hỗ trợ nước sạch đến tận người dân, vận đồng bà con chia sẻ nguồn nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt; phối hợp với các ban, ngành và bố trí kinh phí đào thêm giếng, nạo vét giếng để có nước sinh hoạt cho người dân; khẩn trương tuyên truyền cho người dân về cách bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, ăn chín uống chín, vệ sinh cá nhân để phòng chống dịch bệnh; đề nghị ngành y tế tăng cường, chủ động trong công tác điều tra, giám sát dịch bệnh tại cộng đồng nhất là các nguồn nước nguồn nước không đảm bảo để xử lý; rà soát nhu cầu và kịp thời cung cấp viên Aquata, hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả trong xử lý nước để sinh hoạt; tăng cường vận động các doanh nghiệp hỗ trợ các dụng cụ lọc nước hiệu quả cho người dân. Về lâu dài, Đoàn công tác đề nghị Sở Y tế phối hợp với các ban, ngành tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức, thói quen của người dân về sử dụng nguồn nước suối, nước giọt và tăng cường sử dụng nước giếng trong ăn uống, sinh hoạt; thống nhất các biện pháp triển khai thực hiện hạn hán hàng năm, chủ động phối hợp trong việc bảo vệ nguồn nước trên địa bàn.
Cũng trong chuyến công tác này, Th.Bs Dương Chí Nam, đại diện Bộ Y tế đã trao tặng 10 bộ máy lọc nước cho Trung tâm Y tế huyện, UBND xã và các Trường học trên địa bàn xã Sa Sơn của huyện Sa Thầy.
Tin, ảnh: Phạm Thành Tú