Hội thảo ghi nhận sự tham gia của đông đảo các đại biểu đến từ 20 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế (WB, WHO, UNFPA, UNDP), Ban thư ký APEC, ADB, cố vấn chính sách Nhật Bản, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, khối tư nhân, các tổ chức xã hội, các ban, ngành đoàn thể, các tập đoàn kinh tế, các doanh nhân, các học giả, nhà nghiên cứu…
Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết: Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất hiện nay, mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi. Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011, với tỷ lệ người trên 60 tuổi chiếm 10% dân số. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được các nhà khoa học trong nước và quốc tế dự báo thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Ước tính đến năm 2030, Việt Nam có gần 19 triệu người cao tuổi và năm 2050 là hơn 28 triệu người.
Phòng chống và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số là một trong những trọng tâm ưu tiên của các nhà lãnh đạo APEC. Đối thoại chính sách y tế “Tăng cường sức khỏe người cao tuổi và phòng chống các bệnh không lây nhiễm” là dịp để các nền kinh tế APEC cùng các đối tác phát triển của APEC, các nhà khoa học và những cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ kinh nghiệm, bàn thảo nhằm dựng lên bức tranh tổng thể của khu vực về các bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số, tìm kiếm những khuyến nghị chính sách phù hợp với luật pháp, điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi nền kinh tế thành viên cũng như của APEC nói chung, hướng tới một Châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh, phát triển thịnh vượng, thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương