Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Đồng bằng Sông Cửu Long: Gian nan phòng chống bệnh tay - chân - miệng

  • |
T5g.org.vn - Thời gian gần đây số trẻ em nhiễm bệnh tay - chân - miệng (TCM) ở các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn không ngừng gia tăng. Một trong những nguyên dân dẫn đến tình trạng này là nhận thức của người dân về phòng bệnh còn nhiều hạn chế.

Đến thời điểm này, Hậu Giang đã có hơn 200 trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó 2 trường hợp tử vong; Tiền Giang có gần 2.000 trường hợp, trong đó có 5 trường hợp tử vong; Cà Mau có  gần 1.000 trường hợp mắc bệnh bệnh tay, chân, miệng, trong đó có 2 trường hợp tử vong; chỉ trong vòng một tháng, Sóc Trăng có trên 850 trường hợp bị bệnh TCM, hầu hết là trẻ em, có tuần trên 200 trường hợp phát hiện mới.  Riêng tỉnh Bạc Liêu, chỉ trong vòng hơn một tháng qua đã có thêm hàng trăm trường hợp bị bệnh TCM, nâng tổng số người mắc bệnh trong tỉnh lên gần 700 trường hợp, trong đó có 6 trường hợp đã tử vong.

Trước thực trạng này, các địa phương trong khu vực đã khẩn trương đề ra nhiều giải pháp để phòng chống bệnh.

Tại Hậu Giang, ngành Y tế và ngành Giáo dục đã chuyển công tác trọng tâm sang kiểm soát và phòng chống dịch TCM. Sở Y tế Hậu Giang vừa chỉ đạo các cơ sở y tế giám sát tình hình bệnh và báo cáo kịp thời theo ngày, tuần và tháng. Sở Y tế cũng sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế, phối hợp với ngành giáo dục kiểm tra vệ sinh ở các trường, nhất là các trường mầm non; tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh TCM như vệ sinh thân thể cho trẻ, vệ sinh đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, vệ sinh trường học và nhà cửa; phổ biến công tác tập huấn phòng chống bệnh tập trung cho giáo viên, cấp dưỡng trường mầm non, phụ huynh học sinh, các bà mẹ có con nhỏ. Đồng thời, Sở đã tổ chức tập huấn xét nghiệm, điều trị bệnh TCM cho các cán bộ y tế; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị và thuốc để điều trị bệnh kịp thời; đảm bảo thực hiện việc khử trùng, tiêu độc bằng dung dịch Chloramin B ở các nơi xảy ra dịch bệnh và chỉ đạo 100% ca bệnh khi nhập viện phải được điều trị ngay không chờ thủ tục.

Tại Bạc Liêu, ngoài việc xuất gần 850 triệu đồng để ngành Y tế tỉnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, đặc biệt là quan tâm nhiều đến các điểm trường.

Trước tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, ngành Y tế Sóc Trăng khuyến cáo người dân không nên hoang mang, mà cần hợp tác chặt chẽ với ngành Y tế, cũng như thực hiện hiện tốt các khuyến cáo phòng bệnh do ngành đề ra. Ngành Y tế tỉnh liên tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại địa phương và phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học (nhất là các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học), tổ chức vệ sinh môi trường, hướng dẫn các giáo viên về các dấu hiệu phát hiện bệnh TCM để cùng gia đình học sinh đưa trẻ đến các cơ sở y tế, khám, điều trị kịp thời.

Số bệnh nhân tăng lên đột biến chỉ trong thời gian ngắn nên các bệnh viện ở các tỉnh, thành như Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng… đều gặp khó khăn vì quá tải. Theo bác sĩ Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh chỉ có 3 bệnh viện có khả năng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân TCM là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Long Mỹ và Bệnh viện Đa khoa Thị xã Ngã Bảy. Đấy là chưa kể đến việc do 3 Bệnh viện này đang nâng cấp và chuẩn bị di dời nên cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ luôn trong tình trạng quá tải. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã điều trị cho hơn 8.140 trường hợp trẻ em mắc bệnh TCM, trong đó có hơn 7.300 trường hợp điều trị ngoại trú và gần 840 trường hợp điều trị nội trú. Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ cho biết, nguyên nhân chủ yếu để bệnh gia tăng là do người dân chưa được tuyên truyền đến nơi, đến chốn về căn bệnh này. Nếu đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục để người dân hiểu cặn kẽ thế nào là bệnh TCM cũng như các biện pháp phòng chống thì dịch bệnh sẽ được ngăn chặn.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh TCM tuy chưa có thuốc và vắc xin đặc hiệu nhưng nếu biết cách phòng chống thì không đáng lo ngại. Vì vậy, mỗi người dân hãy tự bảo vệ mình. Với trẻ em, các gia đình cần quan tâm giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho các em, nếu nhà có trẻ em mắc bệnh, cha mẹ phải đeo khẩu trang cho trẻ, phải khử khuẩn cả chăn màn, quần áo, đồ dùng sinh hoạt bằng đun sôi, ngâm trong dung dịch Chloramin B và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, điều trị.

Bài: Hòa Nguyên

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang