
Báo cáo với tại buổi Lễ, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết. Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 14 trong 20 nước có tình hình dịch tễ lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 20 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hàng năm, có thêm 130 nghìn người mắc lao mới, 17 nghìn người tử vong do lao. Mặc dù trong điều kiện khó khăn về kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất nhưng năm 2015, Bệnh viện Phổi Trung ương đã điều trị, góp phần giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng; tăng tỷ lệ phát hiện từ 56% năm 2012 lên 77% năm 2015.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gửi lời cám ơn chân thành, sự tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy thuốc và những người làm y tế trong cả nước đã luôn nỗ lực, cống hiến sức khỏe, trí tuệ vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; cảm ơn các thầy thuốc trong ngành đã có những cống hiến âm thầm, góp phần đưa Bệnh viện trở thành trung tâm hàng đầu cả nước về công nghệ và kinh nghiệm chữa các bệnh phổi. Trong năm 2015, các cơ sở chữa bệnh phổi trong cả nước đã phát hiện và điều trị cho hơn 102.000 bệnh nhân lao với tỷ lệ khỏi bệnh cao (trên 90%). Hiệu quả của Chương trình phòng chống lao quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá tốt… Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, để thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống lao, nhằm đến năm 2020 giảm 30% số mắc, giảm 40% số người chết do lao so với năm 2015, Bệnh viện Phổi Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo các công nghệ, thành tựu y tế mới để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân để bệnh lao không còn là mối lo của người dân, hướng đến thực hiện tốt mục tiêu đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao xuống dưới 20/100 nghìn dân…

Tin, ảnh: Hoàng Hiền