Tại hội nghị tổng kết công tác BHYT năm 2015, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, đến ngày 31-12-2015, số người tham gia BHYT là 69,973 triệu người, đạt 75,32% số dân. Có 46 tỉnh dành ngân sách địa phương để hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, các tổ chức, cá nhân hảo tâm cũng hỗ trợ 46.882 thẻ BHYT, tương đương hơn tám tỷ đồng cho các cá nhân có hoàn cảnh khó khăn đã góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT. Từ 29 địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 65% số dân, đến nay chỉ còn hai địa phương là Đồng Tháp và Lâm Đồng. Người có thẻ BHYT được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ y tế, thể hiện qua việc tăng số lượt khám bệnh, chữa bệnh BHYT từng năm: Năm 2014 có 136,3 triệu lượt, năm 2015 có 150 triệu lượt và chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cũng tăng từ 41,4 nghìn tỷ đồng (năm 2014) lên 50 nghìn tỷ đồng (năm 2015).
BHYT hoàn thành các chỉ tiêu là nhờ sự nỗ lực của các ngành, các cấp thực hiện nhiều giải pháp tăng tỷ lệ bao phủ trong năm qua như: Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện BHYT cho từng địa phương; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để người dân tham gia BHYT thuận lợi, nhất là đơn giản hóa việc đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình và mở rộng hệ thống đại lý thu BHYT với 42.994 đại lý trên cả nước. Ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, tăng giá trị của thẻ BHYT như: Triển khai đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai đề án giảm quá tải bệnh viện, đề án bệnh viện vệ tinh, ban hành bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện và thực hiện cải tiến quy trình khám bệnh, chữa bệnh theo hướng rút ngắn thời gian chờ đợi, giảm thủ tục hành chính không cần thiết…
Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ một số bất cập, như: Người dân chưa hài lòng về thủ tục chuyển tuyến và thanh toán BHYT; giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, người dân có thẻ BHYT vẫn phải chi trả tiền khám bệnh, chữa bệnh ở mức cao…; công tác tuyên truyền chính sách BHYT chỉ tập trung đẩy mạnh vào một số dịp nhất định khiến người dân chưa nhận thức được ý nghĩa của BHYT, một số cán bộ chưa nắm rõ chính sách BHYT để thực hiện. Gian nan nhất là việc tăng tỷ lệ tham gia BHYT đối với gần 25% số dân chưa tham gia BHYT. Tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2015 vừa qua, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Tống Thị Song Hương cho biết, đến nay, một số địa phương chưa cấp thẻ BHYT cho nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển do chưa rà soát, lập danh sách kịp thời. BHYT học sinh, sinh viên còn thiếu sự vào cuộc quyết liệt của ngành giáo dục, nhất là khối các trường đại học, cho nên, vẫn còn 15% số học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT. Đối tượng hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình chưa phát triển được do số tiền tham gia BHYT là khá lớn so với thu nhập của họ, trong khi ngân sách Nhà nước mới hỗ trợ 30% mức đóng. Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình cũng chưa mở rộng được nhiều, do điều kiện kinh tế hộ khó khăn, không mua BHYT được cho các thành viên trong gia đình. Một số doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHYT và chưa có biện pháp để giải quyết hiệu quả, dứt điểm.
Để năm 2016 đạt được 76% số dân tham gia BHYT như mục tiêu đề ra, ngành y tế và BHXH xác định tập trung tăng tỷ lệ tham gia BHYT đối với đối tượng hộ gia đình. Theo đó, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đề nghị Quốc hội sớm có hướng dẫn cụ thể đối với việc tham gia BHYT hộ gia đình. Theo đề xuất của Bộ Y tế, từ ngày 1-1-2016 đến 31-12-2017, không bắt buộc các thành viên trong gia đình phải tham gia BHYT cùng thời điểm, áp dụng giảm trừ mức đóng cho những thành viên tiếp theo dù họ tham gia BHYT không cùng thời điểm. Từ ngày 1-1-2018, bắt buộc các thành viên trong hộ gia đình phải tham gia đầy đủ cùng thời điểm. Ngoài ra, do mức đóng của đối tượng được Nhà nước hỗ trợ vẫn cao bằng mức đóng của đối tượng không được hỗ trợ (như trường hợp người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách hỗ trợ 30% mức đóng BHYT vẫn bằng mức đóng của đối tượng tham gia BHYT theo diện hộ gia đình), cho nên Bộ Y tế đề nghị cho phép đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT được lựa chọn tham gia hoặc theo hình thức hộ gia đình hoặc theo nhóm được hỗ trợ mức đóng. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đề xuất UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tỷ lệ tham gia BHYT thời gian tới là: Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức gương mẫu tham gia BHYT cho thành viên còn lại trong hộ gia đình; bảo đảm đủ ngân sách để hỗ trợ mua 30% mức đóng còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo và đối tượng tham gia theo hộ gia đình... Những giải pháp nêu trên được kỳ vọng sẽ mở rộng tỷ lệ người dân tham gia BHYT và duy trì sự tham gia bền vững qua từng năm.
Theo Nhân dân