Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về chủ trương của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” trong ngành Y tế.
GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Theo quan điểm của cá nhân tôi cũng như của tập thể cán bộ, nhân viên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đây là chủ trương rất đúng, rất cần thiết và cần phải làm thường xuyên của toàn ngành Y tế. Đó là biện pháp mang tính hành chính quyết liệt với mục đích để làm hài lòng người bệnh. Nhưng việc triển khai kế hoạch trên phải làm quyết liệt trên phạm toàn ngành Y tế thì mới phát huy hiệu quả đồng bộ. Tuy nhiên, chúng ta thấy một sự thật rằng, lâu nay công tác giáo dục nhân viên y tế của chúng ta còn nặng về mặt hình thức, mang tính giáo điều, chưa thực chất, chưa dễ hiểu và cần phải điều chỉnh cho phù hợp.
Phóng viên: Vừa qua, đã có một số đơn vị y tế trong cả nước ký kết với Bộ Y tế về triển khai nội dung trên, vậy khi nào Viện sẽ tiến hành việc ký kết đó? Theo ông, để việc triển khai nội dung trên có hiệu quả, tránh hình thức thì các đơn vị trong ngành Y tế cần phải có những giải pháp gì?
GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Theo tôi, việc ký kết là rất quan trọng nên khi nào Bộ Y tế yêu cầu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sẵn sàng tham gia ký kết. Tuy nhiên, không phải đợi đến khi Bộ Y tế phát động mà ngay từ mấy năm trước, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện tốt nội dung này thông qua các phong trào như: “Mỗi tháng rèn một việc”, “Mỗi người làm một việc tốt vì sự sống của người bệnh”, “Nói lời cảm ơn người bệnh” hay tổ chức các cuộc thi hưởng ứng cuộc phát động “Tuyên truyền thực hiện qui tắc ứng xử trong ngành Y tế” . Còn tại các bệnh viện, để triển khai tốt nội dung trên của Bộ Y tế, tránh hiện tượng hình thức, cái quan trọng nhất, bệnh viện nào đã ký kết với Bộ Y tế phải về triển khai cho bằng được tinh thần quyết định này của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tôi cho rằng, ở một cơ quan hay bệnh viện nào đó đều có những đặc thù riêng; có bệnh viện thì quá đông nhân viên, có bệnh viện thì quá chật trội; có bệnh viện có thu nhập cao, nhưng cũng có bệnh viện thu nhập rất thấp; có những bệnh viện, tỷ lệ nữ trong độ tuổi nữ sinh đẻ nhiều; có bệnh viện có đội ngũ cán bộ trong độ tuổi nghỉ hưu cao… tất cả những cái đó phải có cái khác biệt, không thể có giải pháp chung được. Tôi lấy ví dụ, để triển khai một lời cảm ơn, người hiến máu thân thiện tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nếu đào tạo, tập huấn kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho cán bộ y tế với người bệnh cho các bạn trẻ mới vào nghề thì dễ hơn rất nhiều đối với những cán bộ có thâm niên công tác trên 55 tuổi. Vì những cán bộ cao tuổi, những thói quen đó đã là nếp, đặc biệt có những người đã hành nghề, vào nghề từ thời còn bao cấp nên quan niệm về thực tế xây dựng mối quan hệ giữa người bệnh với người thầy thuốc khác so với bây giờ khi nền kinh tế thị trường đã trải qua hơn 20 năm đổi mới. Ngay việc đó thôi, việc đào tạo, triển khai ở mỗi đơn vị phải có tính khác biệt mới thành công. Theo tôi, để thực hiện tốt kế hoạch trên, người “thủ trưởng” đơn vị phải nắm được đặc thù của cơ quan mình tùy vào đối tượng, tùy vào thời gian, thời điểm và hoàn cảnh của đơn vị mình để triển khai trên tinh thần thực hiện ý kiến của lãnh đạo Bộ Y tế.
Một điều nữa, để triển khai hiệu quả, tránh hình thức “đánh trống bỏ rùi”, thì người thủ trưởng đơn vị phải hết sức nghiêm túc, thậm chí phải hết sức nghiêm khắc với mỗi cán bộ, nhân viên của đơn vị mình. Đặc biệt là cán bộ chủ chốt, trước hết phải gương mẫu, nghiêm khắc với chính mình, để cán bộ cấp dưới noi theo, nhất là đơn vị nào là cơ sở giảng dạy càng cần phải gương mẫu. Bên cạnh triển khai tốt cần phải có đánh giá, kiểm tra. Qua kinh nghiệm của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trong việc tổ chức các phong trào, muốn thành công được phải có đánh giá, kiểm tra nếu không có đánh giá, kiểm tra thì cũng như có “phát” mà không hề có “động”. Như vậy muốn làm điều đó tôi cho rằng, một hệ thống gồm: chính quyền, đảng ủy, công đoàn và đoàn thanh niên phải thực sự cùng nhau vào cuộc. Ví dụ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nghị quyết là của Đảng ủy đưa ra, phổ biến là lãnh đạo Viện, nhưng khi tổ chức thực hiện có thể là Công đoàn, có thể đoàn Thanh niên nhưng tất cả phải được phối hợp đoàn kết, chặt chẽ.
Mặc khác, theo tôi muốn làm được thành công, công tác khen thưởng ở mỗi đơn vị phải nghiêm minh, kịp thời. Cái tốt phải được kịp thời khen thưởng, còn cái chưa tốt, phải phê bình, kỷ luật, thậm chí kỷ luật rất nặng thì mới có thể triển khai nghiêm túc được. Trên thực tế, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã triển khai vấn đề này vài năm trước và tôi thấy rất hiệu quả.
Phóng viên: Để triển khai kế hoạch trên, theo ông ngành Y tế có những thuận lợi, khó khăn gì?
GS.TS. Nguyễn Anh Trí: Tôi nghĩ rằng, việc “cần”, việc “nên” làm thì bất cứ một người nào trong ngành Y tế cũng cảm thấy cần và nên chứ không phải 1 mình cá nhân tôi. Nhưng để làm cho thành công được, khó khăn thì nhiều hơn thuận lợi. Tuy nhiên, về lâu dài việc triển khai tốt chủ trương trên, không chỉ tăng thêm giá trị của bệnh viện về mặt danh nghĩa; tăng thêm sự hài lòng và mà còn xa hơn nữa đó là sự gắn kết tình cảm của người bệnh đối với bệnh viện đó; đồng thời việc làm này góp phần hết sức to lớn trong việc giữ chân lại được những “khách hàng” cho bệnh viện, qua đó tăng thêm thu nhập cho cán bộ, nhân viên. Hơn thế nữa, qua đó làm cho tay nghề của người thầy thuốc được nâng cao. Cho nên giá trị của kế hoạch này là không thấy ngay được trước mắt, không phải “ngày một, ngày hai” mà đòi hỏi phải có thời gian. Nhưng tôi cam đoan, việc này làm tốt, về sau sẽ bền vững và thành công rất nhiều. Nhưng vì không thấy ngay “lợi” trước mắt, nên việc triển khai vô cùng khó khăn. Vì vậy, đòi hỏi mỗi đơn vị trong ngành Y tế, phải coi đây là cuộc cách mạng, là sự chuyển biến, sự tác động tích cực để thay đổi về mặt nhận thức, hành vi của mình.
Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chúng tôi đã nói với cán bộ, nhân viên của mình: “bệnh nhân là khách hàng mà là “khách hàng đặc biệt”, chính họ đã “nuôi sống chúng ta”. Đó là một thực tế và đã trở thành một chân lý, vậy thì không có lý gì mà chúng ta không làm hài lòng họ. Việc làm hài lòng ấy không cần phải đao to, búa lớn có khi chỉ là một nụ cười, một cái nắm tay thân thiện, một ánh mắt trìu mến hay một mũi tiêm nhẹ nhàng cũng đủ làm cho người bệnh thấy vui, tin tưởng. Tại Viện tôi, ngay từ những nhân viên trông giữ xe, lao công và đặc biệt cán bộ, nhân viên y tế đều “lấy sự hài lòng của người bệnh” là mục tiêu hàng đầu để phát triển của đơn vị mình, cũng như không ngừng nâng cao công tác chuyên môn để người bệnh tin tưởng tìm đến khám, chữa bệnh.
Theo tôi, chủ trương của Bộ Y tế rất đúng đắn nhưng không phải là “gậy đũa thần” để nó thành công trong “ngày một”, ‘ngày hai”, cái đó phải có thời gian. Xã hội đòi hỏi thì cũng phải thấy được rằng, ngành Y tế đã có chuyển biến nhưng cũng phải có thời gian cho ngành Y tế, không phải cứ ký kết xong là bệnh viện có thể làm tốt ngay được mọi việc, nhất là ở những bệnh viện nào có đội ngũ cán bộ có tuổi, làm việc trên 20 năm trở lên rất khó có thể thay đổi ngay được. Ngoài ra, việc triển khai có hiệu quả phải tính bằng đơn vị 5 tháng, 6 tháng thậm chí cả năm mới thấy được sự chuyển biến, chưa kể đơn vị nào đó cơ sở vật chất trật trội, tình trạng còn nằm chung, nằm ghép nhiều… có những phòng khám cần phải thiết kế lại, có những qui trình cần phải thay đổi, tất cả cần phải có thời gian thì mới có thể thực hiện và triển khai hiệu quả được.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Hiền thực hiện