Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Hiện thực mục tiêu “90” đầu tiên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS với mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng

  • |
T5g.org.vn - Việt Nam là quốc gia Châu Á đầu tiên cam kết thực hiện các mục tiêu toàn cầu 90-90-90 trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Theo đó, Việt Nam có 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục vào; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định và sẽ hướng tới thanh toán HIV/AIDS vào năm 2030.
TS. Lokky Wai, Trưởng đại diện WHO phát biểu tại Hội thảo Tổng kết một năm thí điểm tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng và phổ biến Hướng dẫn của WHO về tự xét nghiệm HIV tổ chức tại Hà Nội, ngày 16/12/2016

Thách thức trong việc thực hiện mục tiêu “90” đầu tiên

Thời gian qua, với những nỗ lực của Chính phủ, ngành Y tế, cũng các cơ quan hữu quan, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tỷ lệ người nhiễm HIV mới liên tục giảm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, thời gian tới, công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ đối mặt với những khó khăn mới như mô hình cơ chế lây nhiễm đang thay đổi,  từ nguyên nhân chính là lây truyền qua đường tiêm chích, sang nguyên nhân chính là lây nhiễm qua đường tình dục, những người nhiễm HIV mới trong giai đoạn hiện nay không còn tập chung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như trước, mà sự lây nhiễm thường xẩy ra cho nhóm những người dễ bị tổn thương như vợ, bạn tình của người nhiễm HIV, đặc biệt, là trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM), nhóm chuyển giới nữ, trong khi đó, tỷ lệ xét nghiệm HIV trong nhóm có nguy cơ hàng năm còn thấp.

Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam, ước tính, hiện có 227.000 người đang chung sống với HIV tại Việt Nam. Năm 2013, chỉ khoảng gần 1/3 đối tượng trong các nhóm nguy cơ cao tìm kiếm dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV và nhận kết quả, tỷ lệ này giảm nhẹ so với năm 2011. TS. Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) tại Việt Nam nhận định, có những rào cản đối với việc sử dụng dịch vụ xét nghiệm tại các cơ sở y tế hiện nay, bao gồm: thời gian không thuận tiện; chi phí đi lại để thực hiện xét nghiệm; thời gian chờ đợi lâu; lo ngại về tính bảo mật và đặc biệt là sự kỳ thị và phân biệt đối xử...

Mô hình xét nghiệm HIV cộng đồng hứa hẹn cách tiếp cận và góp phần hiện thực mục tiêu 90-90-90

Từ tháng 10/2015, Dự án Thúc đẩy tăng trưởng thị trường (Healthy Markets) do tổ chức PATH (một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, dẫn đầu trong các sáng kiến y tế toàn cầu) thực hiện với sự tài trợ của WHO, UNAIDS phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS các tỉnh/thành phố tập huấn cho 235 nhân viên xét nghiệm không chuyên (những người không được đào tạo chuyên ngành y tế) nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV có chất lượng, dễ thực hiện và cho kết quả nhanh bằng việc sử dụng sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán nhanh HIV. Các nhân viên này đã xét nghiệm cho hơn 29.000 khách hàng có nguy cơ cao ở các khu vực TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa... Khi khách hàng có kết quả xét nghiệm “có phản ứng”, nhân viên xét nghiệm không chuyên sẽ tư vấn và hỗ trợ họ tiếp cận với các cơ sở y tế chuyên sâu để làm xét nghiệm khẳng định, điều trị sớm nếu họ có kết quả khẳng định HIV dương tính. Anh Lê Minh Thành, nhân viên xét nghiệm không chuyên của nhóm G-Link chia sẻ: “thực sự rất khó khăn khi khách hàng nhận được kết quả xét nghiệm “có phản ứng”. Mỗi người phản ứng một cách khác nhau. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi luôn ở bên họ. Tôi lắng nghe những chia sẻ của họ và họ có thể bộc lộ cảm xúc của mình. Tôi giúp họ tiếp cận với xét nghiệm khẳng định. Nếu khách hàng được khẳng định là dương tính với HIV, tôi hỗ trợ họ kết nối với điều trị sớm”.

Mô hình thí điểm xét nghiệm cộng đồng đã tiếp cận được với tỷ lệ lớn những người chưa từng được xét nghiệm HIV (khoảng 70%), hoặc những người không thường xuyên xét nghiệm HIV. Tổng số hơn 1.400 ca nhiễm HIV mới đã được phát hiện với cách thức này, 93% đã được đưa vào các chương trình điều trị. Dịch vụ tự xét nghiệm HIV do Cục phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế khởi động từ tháng 8/2015 cho đến nay cũng đã có hơn 1.300 người lựa chọn hình thức tự xét nghiệm này.

Tại Thanh Hóa , WHO hỗ trợ cho hai huyện miền núi là Quan Hoa và Mường Lát thực hiện hoạt động này, tại đây  cán bộ y tế thôn bản là nhân viên xét nghiệm; đối với Thái Nguyên, WHO hỗ trợ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh và bốn nhóm tự lực của người tiêm chích ma túy và nhóm MSM để cung cấp dịch vụ xét  nghiệm tại cộng đồng, trong đó giáo dục viên đồng đẳng thực hiện xét nghiệm. Từ tháng 1/2015 đến tháng 10/2016, Thanh Hóa đã có 1.781 người được xét nghiệm với hình thức này, trong đó có 33 người có kết quả khẳng định dương tính với HIV. Tại Thái Nguyên, từ tháng 7/2015 đến tháng 10/2016, các nhóm tự lực đã xét nghiệm cho 313 người, trong đó có 12 người khẳng định dương tính với HIV. TS. Nguyễn Thị Thúy Vân, chuyên gia WHO cho biết, tính chính xác của xét nghiệm cộng đồng là khá cao, hầu hết xét nghiệm khẳng định đều cho kết quả trùng khớp với xét nghiệm cộng đồng, như ở Thanh Hóa, 100% trường hợp xét nghiệm khằng định lại đều cho kết quả dương tính như với xét nghiệm cộng đồng.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, WHO đã đưa ra hướng dẫn và khuyến cáo các quốc gia về việc cung cấp dịch vụ xét nghiệm tự nguyện như một cách tiếp cận bổ sung cho các chiến lược về xét nghiệm HIV hiện nay. Các kết quả ban đầu cho thấy xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở Việt Nam đã rất thành công trong việc tiếp cận nhóm đích có nguy cơ cao những chưa được xét nghiệm hoặc xét nghiệm không thường xuyên.

Ngành Y tế của địa phương cũng ghi nhận những tác động tích cực mà xét nghiệm tại cộng đồng đem lại cho hệ thống y tế. Ông Trần Văn Anh Phương, cán bộ điều phối về tư vấn và xét nghiệm HIV tại Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Xét nghiệm HIV do các tổ chức tại cộng đồng thực hiện giúp giảm bớt gánh nặng cho cán bộ ngành Y tế trong hoạt động xét nghiệm và điều trị”.

Hiện nay, chiến lược  xét nghiệm HIV tại cộng đồng cũng đã được đưa vào Kế hoạch hành động Phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020. Từ các kết quả hoạt động thí điểm, Cục Phòng chống HIV/AIDS đang cập nhập lại hướng dẫn quốc gia về xét nghiệm và đưa xét nghiệm HIV cộng động và tự xét nghiệm vào như là một hướng tiếp cận để đạt mục tiêu “90” đầu tiên.

PGS.TS. Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng

Như Hiển

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang