Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Hiệu quả tăng cường cán bộ y tế về tuyến dưới

  • |
(Nhandan) - Để tăng cường năng lực cho tuyến y tế cơ sở, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ngành y tế Hà Nội đã tích cực cử nhiều lượt cán bộ có trình độ chuyên môn từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (Đề án 1816). Nhờ đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên và từng bước thay đổi diện mạo của hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn Thủ đô.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) bác sĩ Nguyễn Quang Mậu cho biết: Trước đây, bệnh viện luôn đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, nhất là bác sĩ có trình độ cao về phẫu thuật, dẫn đến tình trạng bệnh viện không thu hút được người bệnh. Nhưng hơn một năm trở lại đây, thông qua Đề án 1816, với sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của các Bệnh viện Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Việt Nam- Cu-ba, Y học cổ truyền Hà Nội… đến nay Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ đã làm chủ được nhiều kỹ thuật phẫu thuật nội soi như chửa ngoài dạ con, thủng dạ dày, viêm ruột thừa, thoát vị bẹn… các kỹ thuật đã trở thành thường quy tại bệnh viện. Thời điểm trước tháng 7-2014, rất ít trường hợp được mổ tại bệnh viện, mà chủ yếu phải chuyển lên tuyến trên, nhưng đến nay trung bình mỗi tháng bệnh viện thực hiện mổ hơn 100 ca ngoại và sản khoa…

Sau khi được cán bộ của Bệnh viện đa khoa Đức Giang chuyển giao kỹ thuật, lần đầu tiên Bệnh viện đa khoa huyện Mỹ Đức tiến hành thành công phẫu thuật nội soi u xơ tiền liệt tuyến cho người bệnh Nguyễn Văn Trực (69 tuổi, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức). Nhờ được chuyển giao và làm chủ các kỹ thuật cao, trong tám tháng đầu năm 2015, số lượng người bệnh đến khám, điều trị tại bệnh viện tăng; phẫu thuật 580 ca, tăng 64,6%, so với cùng kỳ năm trước.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết: Những năm qua, ngành y tế Thủ đô đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị… Tuy nhiên, sự chuyển biến đó chưa đồng đều ở tất cả các đơn vị, nhất là có sự chênh lệch khá lớn về trình độ chuyên môn giữa các cơ sở y tế tuyến thành phố và tuyến huyện. Vì vậy, tuyến y tế cơ sở chưa thu hút được người bệnh đến khám, chữa bệnh gây nên tình trạng quá tải đối với các bệnh viện tuyến thành phố. Để khắc phục tình trạng nêu trên, ngành y tế Hà Nội đã tích cực triển khai việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Trong quá trình triển khai, ngành y tế Hà Nội tập trung cử cán bộ có năng lực về quản lý bệnh viện; trình độ chuyên môn cao để chuyển giao các kỹ thuật về mổ nội soi tại một số bệnh viện, như: Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ; Mỹ Đức, Thanh Oai; Thạch Thất… Điều đáng mừng, thông qua Đề án 1816 các bệnh viện hạng ba tuyến huyện của thành phố đã thực hiện thành công mổ nội soi các bệnh, như: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, chửa ngoài dạ con, u xơ tiền liệt tuyến, viêm ruột thừa, thủng dạ dày, cắt túi mật… Điển hình như Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, sau khi được đầu tư máy nội soi và được bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn chuyển giao kỹ thuật, bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật phẫu thuật nội soi, như: Phẫu thuật mổ u nang tuyến giáp; phẫu thuật nội soi túi mật; nội soi tuyến tiền liệt…

Từ đầu năm đến nay, đã có 26 đơn vị xây dựng kế hoạch cử cán bộ luân phiên hỗ trợ tuyến dưới, trong đó có 25 bệnh viện và một trung tâm y tế huyện. Tổng số cơ sở tuyến dưới được tiếp nhận người đến hỗ trợ là 37 đơn vị (gồm 22 bệnh viện, 15 trung tâm y tế), với tổng số người đang thực hiện luân phiên là 64 bác sĩ và 23 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Có 21 trên 22 bệnh viện; 12 trên 14 trung tâm y tế huyện đã được tiếp nhận cán bộ đến luân phiên hỗ trợ chuyên môn ở các chuyên ngành đã đăng ký. Các cán bộ cử đi hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới đều là những cán bộ y tế có trình độ chuyên môn tốt, chuyên khoa sâu, nhiều người là trưởng, phó các khoa lâm sàng các bệnh viện hạng I của thành phố.

Giám đốc Nguyễn Khắc Hiền khẳng định: Để tiếp tục phát huy những kết quả bước đầu mà Đề án 1816 mang lại, cũng như khắc phục những khó khăn, hạn chế, ngành y tế Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong việc luân chuyển cán bộ; cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại quy trình làm việc, quy trình khám, chữa bệnh khoa học, cải tạo cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị hiện đại cho hệ thống y tế cơ sở... Cùng với việc cử cán bộ đi luân phiên hỗ trợ cho tuyến dưới, trong thời gian tới thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phát triển hệ thống y tế, nhất là các bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế và trạm y tế xã… Đây được coi là những giải pháp cơ bản, hữu hiệu nhằm hướng tới bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, ngay tại cơ sở. Qua đó, góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an sinh xã hội của nhân dân trên địa bàn thành phố.

(Nguồn: Nhân dân)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang