Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Hiệu quả từ mô hình phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản và bệnh do Véc tơ truyền do biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng tại tỉnh Thái Bình

  • |
T5g.org.vn - Việt Nam là một trong những quốc gia được cảnh báo sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nó sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây ra một loạt yếu tố có thể ảnh hưởng tới sức khỏe môi trường, làm bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, viêm màng não... Dự báo thời tiết cho thấy mùa hè năm nay nhiệt độ sẽ tăng cao đáng kể, hệ sinh thái sẽ thay đổi, côn trùng véc tơ một số bệnh dịch sẽ phát triển mạnh, dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch bệnh tiềm ẩn nguy hiểm lưu hành ở nước ta, trong đó có viêm não Nhật Bản (VNNB). "Chương trình thí điểm khống chế nguy cơ bùng phát Viêm não Nhật Bản và các bệnh do véc tơ truyền do biến đổi khí hậu" của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thí điểm tại Thái Bình đề cập tới việc triển khai toàn bộ biện pháp tổng hợp nhằm khống chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh VNNB ở Việt Nam do biến đổi khí hậu trong vòng từ 3 đến 5 năm.
Các đại biểu tham dự buổi sơ kết Chương trình thí điểm khống chế nguy cơ bùng phát Viêm não Nhật Bản và các bệnh do véc tơ truyền do biến đổi khí hậu tại Thái Bình giai đoạn 2014-2017

Nâng cao năng lực của cán bộ y tế

Theo BS. Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thái Bình, mô hình phòng chống viêm não Nhật Bản và véc tơ truyền dựa trên ý tưởng của GS.TSKH. Hoàng Thủy Nguyên, nguyên Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương được các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Quản lý môi trường y tế, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và vệ sinh môi trường, Sở Y tế Thái Bình, Trung tâm Y tế dự phòng Thái Bình triển khai thí điểm tại Thái Bình từ năm 2015-2017 với mục tiêu: điều tra để xác định nguy cơ gia tăng mối tương tác giữa ổ chứa vi rút, véc tơ và một số yếu tố sinh thái liên quan tới biến đổi khí hậu và các bệnh do véc tơ truyền tại địa phương, đồng thời thiết lập mạng lưới và nâng cao năng lực của cán bộ y tế trong việc xây dựng và triển khai mô hình phòng chống các bệnh do véc tơ truyền.

Ngay từ khi triển khai vào đầu năm 2015, các cán bộ y tế, cộng tác viên tham gia mô hình này tại 2 xã An Ninh và An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình được tập huấn về điều tra ban đầu môi trường và véc tơ, được thực hành về kỹ năng giám sát tại đồng ruộng và hộ gia đình về bọ gậy, muỗi truyền bệnh; thực hành cách nhận biết bọ gậy và muỗi Aedes aegypti, Aedes Albopictus và Culex Tritaeniorhynchus, thực hành giám sát bằng vợt, gáo và đặt bẫy CDC. Sau đó 5 tháng, các cộng tác viên được thực địa phương pháp giám sát muỗi trưởng thành và bọ gậy sốt xuất huyết tại các hộ gia đình, tìm bọ gậy viêm não Nhật Bản tại các thủy vực trên địa bàn. Vào cuối năm 2015, cộng tác viên và đội phun của các thôn được hướng dẫn cách pha và phun tồn lưu hóa chất diệt côn trùng Permethrin và Deltamethrin nồng độ 10% tại 2 xã thí điểm. Mỗi cộng tác viên giám sát trên 20 hộ gia đình, số lượng rác thải thu gom đúng quy định 3,264 tấn, trung bình 16kg/1 tháng/ 1 hộ gia đình/ 1 cộng tác viên. Hàng tháng, các cộng tác viên ghi nhận số liệu kết quả bằng sổ tay và báo cáo tổng kết cho Trạm y tế xã An Ninh và An Đồng.

Trong quá trình thực hiện, các nhà khoa học hỗ trợ cho dự án tích cực, đứng đầu là GS.TSKH. Hoàng Thủy Nguyên cùng cán bộ các Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Quản lý môi trường y tế, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và vệ sinh môi trường...  Dự án hỗ trợ về kỹ thuật và phương pháp làm việc cho toàn bộ hệ thống; hỗ trợ một số trang thiết bị cơ bản như máy tính, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế của 2 xã này và hỗ trợ về vấn đề đào tạo chuyển giao kỹ thuật có hệ thống, đồng thời hỗ trợ các hoạt động về truyền thông, tuyên truyền, một số hóa chất để xử lý côn trùng, xử lý môi trường ô nhiễm, xử lý phân, rác thải, quá trinh triển khai hơn 2 năm đã thu được kết quả bước đầu.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Đặng, cán bộ phụ trách tiêm chủng tại Trạm y tế xã An Đồng cho biết, Dự án đem lại nhiều lợi ích cho người dân trong xã; các cháu được tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản đến 15 tuổi. Mới đây, xã An Đồng có 1 ca bị viêm não Nhật Bản, các cán bộ y tế hỗ trợ người dân phun thuốc khử khuẩn trong nhà, tổ chức phun thuốc diệt muỗi, hóa chất khử khuẩn làm cho rác nhanh phân hủy cho cả thôn, đồng thời tiêm chủng cho bệnh nhân, hiện tại tình trạng sức khỏe bệnh nhân có tiến triển tốt. Chương trình đã hỗ trợ hiệu quả ngay khi có dịch mới xuất hiện; hiệu quả trong phòng dịch, vệ sinh môi trường, người dân được cấp màn tẩm thuốc quây ngay tại trang trại, thuốc phân hủy rác nhanh; thuốc phun theo đợt, trung bình mỗi tháng 1 lần. Bên cạnh đó, các bí thư xóm trưởng, cán bộ xã, cộng tác viên được tập huấn giúp công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản và bệnh do véc tơ truyền do biến đổi khí hậu đem lại kết quả tốt.

Tác động đến cộng đồng 

Chị Lê Thị Bảy, Phó Chủ tịch xã An Ninh cho biết, trước khi chưa có Dự án, tư tưởng nhận thức của người dân chưa chú trọng và quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh, chưa biết sử dụng các chế phẩm xử lý côn trùng và vệ sinh, cải tạo môi trường. Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn tới từng hộ gia đình, người dân của xã chúng tôi đã nâng cao nhận thức  về phương pháp phòng chống, diệt trừ côn trùng như con muỗi, con ruồi; sử dụng các chế phẩm sinh học áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt là công tác tự cải thiện môi trường tại gia đình và trong cộng đồng. Quá trình thực hiện thí điểm Dự án chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định nhưng cái cần từ người dân và kết quả của Dự án là muốn cho người dân tự giác, tự chủ, tự làm từng công việc dù là nhỏ nhất như nhặt rác, úp cái vại, cái chum nước không để cơ hội cho bọ gậy và muỗi phát triển đến cái lớn hơn như sử dụng hóa chất, chế phẩm phun trừ muỗi và xử lý rác thải. Chị Lê Thị Bảy mong muốn mô hình này cần được nhân rộng tới tất cả  người dân để họ chủ động thực hiện; địa phương chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, cải thiện môi trường và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Theo chị Nguyễn Thị Nữ, một công tác viên tích cực của xã An Đồng, từ khi Dự án được triển khai, cộng tác viên như chúng em được nâng cao kỹ năng, nhận thức và cách phòng chống bệnh dịch, đặc biệt là bệnh viêm não Nhật Bản và bệnh do véc tơ truyền do biến đổi khí hậu gây ra. Các cháu từ 13 tháng tuổi đến 15 tuổi được tiêm phòng đầy đủ giúp các cháu được phòng chống bệnh tốt hơn. Hóa chất được phun trong làng, nơi công cộng đem lại hiệu quả ở môi trường bên ngoài tới 3 tháng, hiệu quả trong nhà tới 5-6 tháng; thấy không còn muỗi, những con vi sinh vất chết nhiều so với không phun thuốc; gói xử lý rác thải, diệt bọ gậy, cây trồng tốt, rạ ủ, rác thải của ruộng ngấu và tốt hơn trước; thuốc xử lý đó trong chuồng trại tốt, đánh hết mùi hôi thối của chuồng trại, màn tẩm thuốc quây tại trang trại rất tốt. Chị Nữ cho biết, thời gian qua, chị đã tới tuyên truyền tại 160 hộ gia đình, tư vấn cho các hộ cách diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng, không để nước đọng tại các vật dụng của gia đình. Qua đó, người dân từng bước nâng cao nhận thức và ý thức về thói quen diệt bọ gậy, muỗi, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để phòng chống dịch bệnh.

BS. Nguyễn Văn Thơm cho biết thêm, trong quá trình phối hợp triển khai Dự án, đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể của địa phương tích cực ủng hộ, đặc biệt là đã thu hút được sự chú ý và tham gia của người dân tại các vùng được thí điểm, từ đó nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo, người dân đối với hoạt động này. Kết quả bước đầu, chúng ta đã cơ bản có được mô hình, xác định phương pháp làm việc. Dự án đã triển khai tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản bao phủ cho độ tuổi dưới 15 tuổi (so với tiêm chủng mở rộng chỉ đến 5 tuổi) cho trên 99% cho các đối tượng. Qua đánh giá, các chỉ số về côn trùng, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, VNNB đã giảm hơn so với giai đoạn trước. Đối với việc giải quyết ô nhiễm  môi trường do chất thải của người, của động vật cũng đã bước đầu đảm bảo an toàn chăn nuôi sinh học cũng như xử lý mối trường tránh ô nhiễm. Chúng tôi đo các yếu tố độc hại tại các điểm này thấy đã giảm đi nhiều; nhận thức của người dân được nâng lên. Bước đầu, chúng tôi nhận thấy từ những hướng dẫn của Dự án thì một số gia đình và một số người dân đã chủ động tự triển khai các hoạt động này như tự vệ sinh trong gia đình, tự mua các chế phẩm để xử lý môi trường, sử dụng các hóa chất theo hướng dẫn để làm giảm véc tơ truyền bệnh. Mô hình rất tốt và tôi cho rằng nếu chúng ta duy trì và phát triển dược thì nó sẽ là mô hình cho tương lai để chúng ta xây dựng được hoạt động phòng chống dịch bệnh và tăng cường sức khỏe của người dân một cách bền vững. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện sống của người dân hiện nay, mô hình cũng gặp khó khăn, vì thế chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, có tác động thêm để có các hoạt động mang tính bền vững và hiệu quả hơn.

GS.TS. Đặng Đức Anh phát biểu tại buổi sơ kết

Phát biểu tại buổi sơ kết Chương trình thí điểm khống chế nguy cơ bùng phát Viêm não Nhật Bản và các bệnh do véc tơ truyền do biến đổi khí hậu tại Thái Bình giai đoạn 2014-2017, ngày 2/8/2017, GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, mô hình này chủ yếu dựa vào cộng đồng, tiêm vắc xin chủ động phòng bệnh tích cực. Công tác vệ sinh môi trường và phòng bệnh chủ động được triển khai rất tốt. Sau khi đánh giá mô hình tốt sẽ nhân rộng tại địa phương khác. Thái Bình cũng có trường hợp bị sốt xuất huyết, hai xã An Đồng và An Ninh chưa gặp trường hợp sốt xuất huyết nào, một phần là do chương trình này được triển khai tốt tại đây. Dự án này khác với nhiều dự án khác khi người thực hiện là người dân chủ động hoàn toàn cho cuộc sống của chúng ta. GS.TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh, đây là hoạt động có ý nghĩa và mong muốn nhân rộng mô hình sau dự án thí điểm này.

Cũng tại buổi sơ kết, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình đánh giá, Dự án hiệu quả khi giúp thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Đây là mấu chốt của vấn đề trong thực hiện Dự án để không còn côn trùng lây vào như viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sốt rét; diệt được muỗi là giúp phòng ngừa bệnh. Hiện tại, hai xã An Ninh và An Đồng không có trường hợp sốt xuất huyết nào, một phần là do hành vi nhận thức của người dân đã được cải thiện, môi trường sống tốt hơn. Trong hơn 2 năm qua, với sự hướng dẫn của cán bộ y tế, bí thư xóm trưởng đã giúp thay đổi hành vi người dân. Trẻ từ 6 -15 tuổi được tiêm vắc xin ngừa bệnh đạt tỷ lệ cao. Đồng chí Phạm Văn Dịu đề nghị người dân địa phương cần tích cực chủ động hơn trong việc diệt muỗi, ruồi, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch bệnh, lam sạch môi trường; đồng thời tin tưởng mô hình này với sự chủ động của người dân dưới sự hướng dẫn hỗ trợ của cán bộ y tế sẽ thành công và mong muốn, tới đây sẽ triển khai mô hình sang xã khác.

Nam Nguyên

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang