Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Hội Điều dưỡng Việt Nam: Đoàn kết vì sự phát triển nghề điều dưỡng và sự hài lòng của người bệnh

  • |
T5g.org.vn - “Chuyên ngành Điều dưỡng đang thực sự trở thành một “mắt xích” quan trọng, chiếm phần nửa công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”. Phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên tại Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Điều dưỡng Việt Nam và Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ VII được tổ chức ngày 22/10/2015 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Vi Thị Nguyệt Hồ

Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam Phạm Đức Mục cho biết, trải qua 25 năm, Hội Điều dưỡng Việt Nam gắn bó và đồng hành với sự phát triển của chuyên ngành điều dưỡng, đã trở thành một tổ chức đại diện cho tiếng nói của hội viên cả nước và đang vững bước trên con đường thực hiện sứ mệnh: “Vì nghề nghiệp, vì hội viên và vì sức khỏe cộng đồng”. Với những nỗ lực đó, trong thời gian qua, Hội Điều dưỡng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Khởi đầu từ vài trăm hội viên, đến nay mạng lưới của Hội đã phủ sóng toàn quốc, đã có 60/63 hội cấp tỉnh, thành phố do UBND tỉnh cho phép thành lập, với trên 800 chi hội và hơn 80  ngàn hội viên.

Từ không có cán bộ chuyên trách, không kinh phí hoạt động, không trụ sở và phương tiện, đến nay đã có 4 cán bộ chuyên trách, đã có trang Web, có tạp chí phát hành toàn quốc, có Trung tâm tư vấn và dịch vụ điều dưỡng cộng đồng được Bộ Y tế thẩm định và công nhận đủ điều kiện đào tạo liên tục ngành Y tế.  “Sự phát triển của Hội Điều dưỡng Việt Nam đã tạo tư duy mới về tổ chức hội nghề nghiệp, đồng thời khẳng định Hội có thể tồn tại và phát triển bền vững theo nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm và tự trang trải kinh phí hoạt động”, ông Phạm Đức Mục nhấn mạnh.

Hội Điều dưỡng Việt Nam còn để lại dấu ấn là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu điều dưỡng. Ngay từ khi thành lập, Hội đã nhận ra nhu cầu nghiên cứu điều dưỡng, chìa khóa để đi vào khoa học và phát triển nghề nghiệp nên đã thực hiện hàng loạt các can thiệp đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu điều dưỡng phát triển như: Biên soạn sách nghiên cứu điều dưỡng; tổ chức các khóa đào tạo điều dưỡng, tổ chức hội nghị khoa học điều dưỡng;… Đặc biệt, Hội vẫn duy trì tổ chức các hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc thường niên.

Hội Điều dưỡng Việt Nam đã nỗ lực phát triển hệ thống đào tạo liên tục. Trong kế hoạch chiến lược phát triển Hội giai đoạn 2010-2015 đã xác định tầm nhìn “Phấn đấu đến năm 2015, Hội Điều dưỡng Việt Nam trở thành tổ chức chuyên nghiệp trong vận động chính sách, phát triển các chuẩn nghề nghiệp và đào tạo nâng cao năng lực hội viên”, thực hiện vai trò xúc tác cho quá trình đổi mới nghề điều dưỡng ở Việt Nam thông qua việc vận động thành lập Phòng Y tá bệnh viện, thành lập Phòng Y tá Vụ Quản lý sức khỏe Bộ Y tế, đổi tên Hội Y tá thành Hội Điều dưỡng Việt Nam, bổ nhiệm Điều dưỡng trưởng Sở Y tế, đổi ngạch y tá thành điều dưỡng, bổ sung thêm 2 thang lương cho điều dưỡng, bổ sung đối tượng điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên vào Danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng Việt Nam… Năm 2012, Hội đã xuất bản Tạp chí Điều dưỡng Việt Nam; đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế với các tổ chức như: Hội dồng Điều dưỡng quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới, Hội Điều dưỡng Canada, Tổ chức hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA)... Hội đã có những đóng góp quan trọng trong các diễn đàn quốc tế, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Hội Điều dưỡng Việt Nam đã khởi xướng và phối hợp với Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức các Hội thi: Điều dưỡng - Hộ sinh giỏi và thanh lịch; Hội Thi thiết kế trang phục y tế; phát động phong trào thi đua Chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên do Hội Điều dưỡng viên ban hành.

Tuy nhiên, Chủ tịch Phạm Đức Mục cũng chia sẻ, bên cạnh những thành tựu đạt được, Hội Điều dưỡng Việt Nam cũng còn nhiều tồn tại cần khắc phục để khẳng định vị thế của người điều dưỡng trong xã hội như: phong cách phục vụ của một bộ phận hội viên chưa chuyên nghiệp, tính chủ động nghề nghiệp còn yếu, kỹ năng giao tiếp ứng xử cần được tăng cường. Các hoạt động của một số tỉnh hội, thành hội và chi hội chưa thực sự bền vững. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục cam kết tham gia xây dựng chính sách nghề nghiệp nhằm tạo nên những chuyển biến tích cực về y đức, về kỹ năng giao tiếp và về trách nhiệm nghề nghiệp.

Với phương châm hành động “Đoàn kết vì sự phát triển nghề điều dưỡng và sự hài lòng của người bệnh”, hội viên Hội Điều dưỡng Việt Nam khẳng định nỗ lực thực hiện Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thư Người gửi nam, nữ học viên Trường Y tế Liên khu 1: “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp mà còn lại là một nghĩa vụ… việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người Y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, Y tá là những chiến sỹ đánh giặc ốm để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi”.

Phát biểu Chỉ đạo tại buổi Lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đề nghị Hội Điều dưỡng Việt Nam và các hội viên cần đẩy mạnh việc thực hiện cam kết “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” do Bộ Y tế phát động; xây dựng Hội vững mạnh, cụ thể là: tiếp tục phủ kín tổ chức Hội trong cả nước (hiện nay còn Hòa Bình, Hà Giang và Bình Phước) và các Chi hội chuyên khoa, thường xuyên chăm lo bồi dưỡng cán bộ Hội, chăm sóc và bảo vệ quyền lợi chính đáng của Hội viên. Đề nghị các sở y tế, các viện, bệnh viện, các trung tâm và các trường của ngành Y tế cần tiếp tục đổi mới nhận thức về điều dưỡng, thực sự quan tâm đến lực lượng đông đảo và quan trọng này. Cung cấp đủ nhân lực điều dưỡng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho điều dưỡng, nữ hộ sinh và kỹ thuật viên y học làm việc mẫu mực, có hiệu quả và giao tiếp tốt làm hài lòng người bệnh. Trước mắt cần chăm lo củng cố hệ thống giáo viên điều dưỡng và hệ thống điều dưỡng trưởng từ Bộ Y tế đến các sở Y tế và các bệnh viện. Đây chính là những “máy cái” là chìa khóa để tăng cường chất lượng chăm sóc và phát triển ngành Điều dưỡng nước ta hiện tại cũng như trong tương lai.

Tại Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Điều dưỡng Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Vi Thị Nguyệt Hồ, Chủ tịch sáng lập Hội Điều dưỡng Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam từ khóa I đến khóa V, phu nhân của cố GS.TS. Tôn Thất Tùng. Bà là một tấm gương điển hình trong các tấm gương về y đức, về sự tận tụy với nghề nghiệp và suốt đời phấn đấu vì sự phát triển của nghề điều dưỡng, người đã có 60 năm gắn bó với nghề, với nghiệp điều dưỡng, trong đó có 40 năm làm chuyên môn tại Bệnh viện Việt Đức, 20 năm là Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam. Nhiều tập thể, cá nhân cũng được lãnh đạo Bộ Y tế tặng Bằng khen.

Sau Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Điều dưỡng Việt Nam, Hội nghị khoa học điều dưỡng toàn quốc lần thứ VII cũng được tổ chức với 5 phiên làm việc gồm các nội dung: Đào tạo, Quản lý và Hội nhập, Thực hành chăm sóc điều dưỡng… Hội nghị góp phần, đưa ngành Điều dưỡng nước ta phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm

Bài, ảnh: Hoàng Hiền

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang