Dự án Hỗ trợ hệ thống y tế - hợp phần 2.1, giai đoạn 2012 - 2016 đã giúp tăng cường các hoạt động cảnh giác dược tại các cơ sở y tế do Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét tại trợ.
Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, hoạt động cảnh giác dược đã được quy định rõ ràng trong Luật Dược, cũng như Luật Dược sửa đổi (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2017). Cảnh giác dược là việc phát hiện, đánh giá và phòng tránh các bất lợi liên quan đến quá trình sử dụng thuốc, như những phản ứng không mong muốn, có hại đến sức khỏe, có thể xảy ra ở liều dùng bình thường. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến hoạt động cảnh giác dược như: Quyết định số 1088/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn hoạt động giám sát phản ứng có hại của thuốc (ADR) tại các cơ sở khám chữa bệnh; Thông tư số 31/2012/TT-BYT về hướng dẫn hoạt động dược lâm sàng trong bệnh viện. PGS.TS. Nguyễn Đăng Hòa, Giám đốc Trung tâm DI &ADR Quốc gia cho biết, báo cáo phản ứng có hại của thuốc và các vấn đề liên quan đến sử dụng thuốc có một vai trò quan trọng trong sử dụng thuốc điều trị bệnh, do thử nghiệm lâm sàng với một thuốc trước khi đưa ra thị trường chỉ được tiến hành trên một số lượng bệnh nhân rất ít so với lượng bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc đó trong thực tế. Mặt khác các thử nghiệm lâm sàng thường không đánh giá trên các đối tượng bệnh nhân đặc biệt như người già, trẻ em, phụ nữ có thai, bệnh nhân suy gan, suy thận…Điều đó cho thấy những thông tin về độ an toàn của một thuốc thu được từ các thử nghiệm lâm sàng còn hạn chế. Đặc biệt, là những thông tin về các phản ứng nghiêm trọng nhưng tần suất xảy ra thấp. Do vậy, thông tin do các cán bộ y tế cung cấp về các phản ứng có hại của thuốc sẽ vô cùng hữu ích để tiếp tục đánh giá một cách toàn diện hơn về các nguy cơ tiềm ẩn của thuốc khi lưu hành trên thị trường.
Chỉ tính riêng năm 2015, Trung tâm DI &ADR Quốc gia và Trung tâm DI &ADR khu vực thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và xử lý 9266 báo cáo ADR (tương đương 102,1 báo cáo/ 01 triệu dân), tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2014. Trong số các báo cáo ADR đã tiếp nhận, có 99,4% số báo cáo về phản ứng có hại của thuốc; 0,5% số báo cáo về chất lượng thuốc; 0,1% về các vấn đề khác như thiết bị y tế.
Tin, ảnh: Như Hiển