Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ và sốt xuất huyết

  • |
T5g.org.vn - Ngày 24/7/2017, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ và sốt xuất huyết tại điểm cầu Bộ Y tế ở Hà Nội, điểm cầu TP. Hồ Chí Minh. Tham dự Hội nghị trực tuyến có lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện một số bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị, bệnh viện trung ương trực thuộc Bộ Y tế; đại diện Sở Y tế Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc; đại diện Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận; đại diện một số bệnh viện tiếp nhận, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết phía Bắc và phía Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: năm nay nóng nhiều, mùa mưa đến sớm và có áp thấp nhiệt đới tạo nguy cơ lan truyền dịch bệnh trong mùa mưa lũ trong đó có sốt xuất huyết tăng cao. Về sốt xuất huyết, tại miền Bắc, các ca mắc chủ yếu là người lớn với biểu hiện xuất huyết nặng. Trong khi đó, tại miền Nam, chủ yếu trẻ con mắc sốt xuất huyết (SXH) và biểu hiện là giảm tỷ lệ tuần hoàn. Sốt xuất huyết có thể phòng được và chữa được. Do đó, cần phải truyền thông mạnh hơn nữa, tới tận các xã, phường để người dân có ý thức vệ sinh tại chỗ ở, thực hiện các biện pháp phòng chống loại muỗi gây bệnh sinh sản như thả cá, che đậy các lu đựng nước, vệ sinh môi trường...

Bộ trưởng đề nghị các cơ cở y tế cần nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, sốt xuất huyết. Các cơ sở y tế cần phân tuyến và chuyển tuyến kịp thời, để tránh tình trạng bệnh nhân nặng thêm khi chuyển tuyến; chấm dứt tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép để lây bệnh chéo, nhiễm khuẩn chéo trong bệnh viện. Các cơ sở y tế cần phải tăng cường tổ chức khám, điều trị ban ngày để sàng lọc và điều trị kịp thời, cố gắng không để xảy ra các trường hợp tử vong.

Ông Trần Đắc Phu trình bày tình hình dịch bệnh tại Hội nghị

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tích lũy 7 tháng đầu năm 2017 cả nước ghi nhận gần 60.000 trường hợp mắc, có 17 trường hợp tử vong. Tỷ lệ tử vong do SXH chiếm 0,28%, thấp hơn so với các khu vực, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (0,4%). So với cùng kỳ 2016 (44.859/14), số trường hợp nhập viện tăng 12,6%, số trường hợp tử vong tăng ba trường hợp. Số mắc nhập viện tăng cao ở khu vực miền bắc và miền nam, giảm ở khu vực miền trung và Tây Nguyên.

Hiện có 61 tỉnh, thành phố ghi nhận có trường hợp mắc SXH. Có 26 tỉnh, thành phố có số mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ 2016, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Dương, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Dương, Cà Mau...

Tại Hà Nội, tính từ ngày 1/1/2017 đến nay ghi nhận 6.699 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (trong đó gần 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh). Một trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa và hai trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh SXH tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai và phường Cống Vị, quận Ba Đình. Các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là Đống Đa (1.407), Hoàng Mai (1.344), Hai Bà Trưng (508), Thanh Trì (427), Thanh Xuân (420), Hà Đông (406).

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, năm nay, dịch SXH đến sớm hơn tại Hà Nội. Thường đỉnh dịch rơi vào tháng 9, nhưng ngay từ tháng 4 đã có ca mắc SXH, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, SXH tập trung ở các quận nội thành, chiếm 90% số bệnh nhân. 40% số người mắc SXH là học sinh và người lao động tự do, chủ yếu sống ở nhà trọ.

Nhờ phát hiện và điều trị sớm nên hiện nay hầu hết số bệnh nhân mắc SXH tại Hà Nội đã được điều trị khỏi và ra viện. Hiện chỉ còn khoảng 700 trường hợp (chiếm 10%) đang điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Số ca mắc SXH xuất hiện tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 411 xã, phường, thị trấn (chiếm 70% số xã, phường), tuy nhiên hiện tại chỉ còn 236 (40,4%) xã, phường, thị trấn có bệnh nhân mắc mới trong một tuần gần đây.

Tại TP. Hồ Chí Minh, số ca bệnh cộng dồn đến ngày 6/7/2017 là 9.628 ca, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016 (8.422 ca); 17/24 quận, huyện có số ca SXH được nhập viện tăng so với cùng kỳ năm 2016, trong đó quận 12 tăng 85%. TP. Hồ Chí Minh ghi nhận ba trường hợp tử vong do SXH và một trường hợp tử vong có yếu tố liên quan đến SXH.

Ông Lương Ngọc Khuê phát biểu tại Hội nghị

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay Bộ Y tế đã phân tuyến các bệnh viện trong việc điều trị cho người mắc SXH, không để xảy ra quá tải tại BV tuyến trên. Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã yêu cầu các đơn vị tăng cường nguồn nhân lực, thiết bị điều trị, tăng cường làm việc vào ngày cuối tuần để khám, chữa bệnh cho người mắc SXH. 

Tin, ảnh: Quang Nguyễn

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang