Hội thảo nhằm lấy ý kiến góp ý báo cáo 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và chia sẻ kinh nghiệm thực thi các chính sách về Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), nhiều kết quả đã đạt được trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành và hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá đã giảm xuống. Năm 2022, tỷ lệ người dân biết về Luật PCHTL và các quy định của Luật là 59,4%; tỷ lệ người dân tiếp cận thông tin tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá là 74,2%. Giai đoạn 2014-2023: Hàng năm Quỹ PCTHTL đã hỗ trợ cho hơn 100 đơn vị các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các thành phố du lịch và các tổ chức chính trị xã hội để tăng cường việc thực thi quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, nơi công cộng theo quy định của Luật PCTHTL. Những thành công bước đầu đã góp phần thực hiện hiệu quả Luật PCTHTL và ý kiến chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương tại Nghị quyết số 20/2017/NQ-TƯ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá”.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Hạnh Nguyên, đại diện Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế trong kiểm soát thuốc lá và thuốc lá điện tử. Mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại; sản phẩm thuốc lá diện tử, thuốc lá nung nóng gây nghiện, ảnh hưởng phát triển não bộ, gây bệnh cấp và mãn tính nguy hiểm, gây chấn thương nghiệm trọng, nguy cơ ngộ độc. Chính phủ Singapore đã ban hành lệnh cấm, ngăn chặn việc kích thích nhu cầu sử dụng và làm tăng tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá; Chính phủ Singapore coi sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như một “cửa ngõ” hay “sản phẩm khởi đầu”, thu hút giới trẻ vào nicotin và dẫn họ sử dụng thuốc lá sau đó, không có đủ bằng chứng cho việc sử dụng chúng như một chất hỗ trợ cai thuốc lá. Chính phủ Singapore đã có Luật kiểm soát quảng cáo và bán thuốc lá 2015, sửa đổi 2017: cấm nhập khẩu, phân phối, bán, sở hữu, mua, sử dụng và quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ các sản phẩm bắt chước thuốc lá; bên cạnh đó là giám sát vi phạm phạm bán hàng trực tuyến và kiểm soát hàng lậu qua biên giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): “Tất cả các loại thuốc lá đều độc hại bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng” và “không có bằng chứng nào chứng minh rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít gây hại hơn các sản phẩm thuốc lá thông thường”.
Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ Trung ương