Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Văn Hợi cho biết, hiện nay theo thống kê chung, 1/3 dân số trên toàn cầu nhiễm vi khuẩn lao trong cơ thể nhưng hệ thống miễn dịch của cơ thể vẫn kiểm soát được nên không bị nhiễm vi khuẩn có thể trở thành bệnh lao - gọi là nhiễm lao tiềm ẩn. “Lao tiềm ẩn là người nhiễm lao nhưng chưa mắc bệnh lao”, PGS.TS. Lê Văn Hợi chia sẻ.
Chương trình phòng, chống lao Quốc gia đã triển khai Chương trình phòng, chống lao mới, với mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2030. Để thực hiện được chiến lược này, đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện các chiến lược, giải pháp can thiệp ngay từ khâu phát hiện, chẩn đoán, điều trị, tư vấn, theo dõi cho bệnh nhân lao trong quá trình điều trị ngay tại bệnh viện, cộng đồng và tại nhà. Đặc biệt chú trọng khâu dự phòng, điều trị cho người nhiễm lao nhằm để giảm thiểu tình trạng nhiễm lao trong cơ thể sẽ giúp ngăn chặn được tỷ lệ nhất định chuyển đổi từ nhiễm lao sang mắc bệnh lao.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo như: Lộ trình quản lý chương trình nhiễm lao tiềm ẩn tại Việt Nam; Các hoạt động thí điểm điều trị lao tiềm ẩn ở người lớn; Kinh nghiệm và kiến thức về tiếp cận chẩn đoán và điều trị lao tiềm ẩn ở Việt Nam; Các nghiên cứu nhiễm lao ở Việt Nam… qua đó cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn để công tác phát hiện, chẩn đoán, điều trị và tư vấn lao tiềm ẩn cho cộng đồng đạt hiệu quả cao. Tiến tới kết thúc bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày từ ngày 21/11 đến ngày 22/11/2017.
Hoàng Hiền