Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, hiện nay có khoảng 125 triệu người trên thế giới đang bị tiếp xúc với Amiăng tại nơi làm việc. Amiăng đã được sử dụng trong hàng ngàn sản phẩm với số lượng lớn như tấm lợp, ống dẫn nước, chăn chống cháy và các vật liệu cách nhiệt, má phanh, gioăng, đệm của ô tô. Tại Việt Nam, có khoảng trên 6.000 người lao động đang trực tiếp tiếp xúc với Amiăng tại các cơ sở sản xuất tấm lợp A-C. Amiăng trắng vẫn còn đang được sử dụng rộng rãi với khoảng 90% đang dùng trong sản xuất tấm lợp xi măng Amiăng (AC). Các hình thức sử dụng còn lại của Amiăng trắng là các vật liệu chịu ma sát (7%), dệt may và các ứng dụng khác. Tất cả các dạng Amiăng, trong đó có Amiăng trắng đều là chất gây ung thư cho con người. Amiăng là một trong những chất gây ung thư nghề nghiệp, là nguyên nhân của khoảng 1/2 số tử vong do ung thư nghề nghiệp. Người bị mắc ung thư do tiếp xúc với Amiăng thường có các biểu hiện lâm sàng rất mờ nhạt, hầu hết được chẩn đoán ở giai đoạn muộn của ung thư và thời gian sống sau khi được phát hiện chỉ từ 6 tháng đến 1 năm và chi phí điều trị cực kỳ tốn kém.
Trước những tác hại của Amiăng đối với sức khỏe của con người, ngày 19/9/2014, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7307/VPCP-KGVX triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ HoàngTrung Hải về việc đánh giá và kiểm soát tác hại vật liệu Amiăng trắng đến sức khỏe con người. Tại Công văn này, Phó Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành trong đó Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến Amiăng. Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ Y tế đã khẩn trương thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và đã dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến Amiăng. Bản dự thảo này đã được các Bộ, ngành và thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tập trung xây dựng, đến nay cơ bản đã đề xuất được các hoạt động của từng Bộ, ngành để kiểm soát và loại trừ các bệnh có liên quan đến Amiăng.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã lần lượt được nghe những chia sẻ, kinh nghiệm quí báu của các chuyên gia thế giới về tác hại của Amiăng; trong đó có bài phát biểu của GS. Ken Takahashi về “Amiăng, các tác động đối với sức khỏe con người và các khuyến nghị của WHO”; xem video clip của chuyên gia Mỹ về vấn đề Amiăng tại Mỹ và Việt Nam; kinh nghiệm quản lý Amiăng tại Hàn Quốc do ông Jung, Jongdeuk chia sẻ và Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến Amiăng do Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế) trình bày.
Để tăng cường công tác bảo vệ sức khỏe người lao động nói chung, người lao động tiếp xúc trực tiếp với Amiăng nói riêng thì việc hoàn thiện và sớm ban hành bản Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến Amiăng là hết sức cần thiết. Hội thảo là dịp để các bộ, ngành có liên quan góp ý kiến xây dựng hoàn thiện "Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến Amiăng”, theo từng khía cạnh, chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành mà Phó Thủ tướng đã giao để Ban soạn thảo, tổ biên tập tổng hợp và hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. “Các ý kiến thảo luận, đóng góp của các đại biểu, là những thông tin hữu ích giúp cho việc xây dựng chính sách loại trừ các bệnh liên quan đến Amiăng ngày càng được hoàn thiện, lộ trình ngừng sử dụng Amiăng tại Việt Nam sẽ nhanh chóng được áp dụng”, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Hoàng Hiền