Trong những năm kháng chiến cứu nước, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn toàn lực chi viện cho chiến trường. Nhiều thế hệ thầy thuốc của Bệnh viện đã không quản ngại gian nguy, xung phong vào tuyến lửa, máu của họ đã tô thắm thêm ngọn cờ anh hùng bất khuất vẻ vang của dân tộc. Năm 1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, trong suốt 12 ngày đêm “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”, đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện kiên cường bám trụ trên các vị chí chiến đấu, phục vụ chiến đấu, mỗi cán bộ, nhân viên của Bệnh viện là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận cứu chữa bệnh nhân với tinh thần quên mình phục vụ. Từ ngày 8 đến 29/12/1972, Trung tâm Phẫu thuật Bệnh viện Xanh Pôn và Bệnh viện Việt Đức đã đảm nhận cứu chữa 52% số nạn nhân và phẫu thuật trên 61% tổng số ca mổ của toàn Thành phố. Với chiến công đó, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì. Từ năm 1973 đến năm 1975, nhiều bác sĩ của Bệnh viện được tăng cường cho miền Nam, chi viện cho thành phố Huế ngày sau khi được giải phóng. Ngày 12/10/1974, Ủy ban Hành chính Hà Nội đã quyết định công nhận Bệnh viện là bệnh viện loại I và là bệnh viện lớn nhất Thủ đô. Năm 1975, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng III.
Bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã không ngừng phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Bệnh viện đã từng bước cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ đáp ứng được nhu cầu triển khai những kỹ thuật tiên tiến và công nghệ y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân theo nhiệm vụ được phân công.
Ngày 28/12/2012, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có quyết định số 6251/QĐ-UBND phê duyệt đề án phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người của ngành y tế Thành phố Hà Nội đến năm 2015, với định hướng giai đoạn 2015 và những năm tiếp theo trong lĩnh vực ghép bộ phận cơ thể người của Thành phố Hà Nội. Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Bệnh viện đã tích cực triển khai các hoạt động phục vụ ghép thận như: cải tạo, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng; mua sắm trang thiết bị; hợp tác trong và ngoài nước, xây dựng quy trình kỹ thuật phục vụ ghép… Bệnh viện đã sửa sang, xây dựng khu nhà Nội, thành lập khoa Thận nhân tạo, cải tạo tầng 4 nhà A1 thành khu phòng mổ hiện đại và đầu tư trang thiết bị, mời chuyên gia nước ngoài và trong nước đến kiểm tra, khảo sát, thẩm định và rà soát toàn bộ các công trình, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất cho công tác ghép thận… Bệnh viện đã cử 16 kíp chuyên môn với gần 100 học viên là bác sỹ, dược sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đi đào tạo tại các trung tâm uy tín như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Quân y 103. Bệnh viện Xanh Pôn đã cử 2 cán bộ đi đào tạo tại Cộng hòa Pháp… Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 4 ca ghép thận, đánh dấu bước tiến vượt bậc của bệnh viện. Mục tiêu phấn đấu của Bệnh viện đến năm 2015, thực hiện thành công Đề án “Phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người của ngành Y tế Hà Nội đên năm 2015”, cụ thể bằng việc triển khai ghép tế bào gốc và ghép gan thành công tại Bệnh viện. Ngoài Đề án phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người, Bệnh viện còn chú trọng một số lĩnh vực chuyên môn khác. Điển hình trong phẫu thuật nội soi, Bệnh viện đã hợp tác với Bệnh viện Limoge (Pháp) phát triển mổ nội soi lồng ngực, tiêu hóa, tiết niệu; chuyên khoa Ngoại thần kinh hoàn thiện kỹ thuật mổ u não có sử dụng hệ thống vi tính dẫn đường (Neuronavigation), triển khai kỹ thuật mổ vi phẫu dây thần kinh số 5 và số 7, thực hiện các phẫu thuật phức tạp vùng đầu mặt cổ. Trong phẫu thuật tạo hình triển khai những kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam như sử dụng vạt da xuyên ngực lưng trong tạo hình khuyết phần mềm trên cơ thể, làm mỏng vạt da bằng kính hiển vi, tạo hình dương vật một thì… Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đã triển khai các kỹ thuật như thay khớp háng và khớp gối toàn bộ, phẫu thuật gù vẹo cột sống, phẫu thuật lấy nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng kính vi phẫu, ghép xương, nối vi phẫu…
Khoa Nhi mà tiền thân là Bệnh viện B được thành lập từ năm 1958 có nhiệm vụ khám chữa bệnh cho trẻ em, đồng thời giữ vai trò là chuyên khoa đầu ngành của Sở Y tế Hà Nội. Với quy mô 162 giường bệnh, 47 bác sĩ trong đó có 01 tiến sĩ, 06 bác sĩ chuyên khoa II, 09 thạc sỹ... cùng với việc được đầu tư trang thiết bị hiện đại, Chuyên khoa Nhi đã triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, phức tạp như: lọc máu, hồi sức tim - phổi; thay máu cho trẻ sơ sinh bị vàng da nặng; nội soi tiêu hóa có gây mê cho trẻ em; điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh bằng surfactant...
Chuyên khoa Nội triển khai nhiều kỹ thuật thăm khám chuyên sâu như nội soi phế quản ở trẻ em và người lớn, kết hợp sinh thiết, chải rửa phế quản. Điều trị can thiệp tim mạch đã triển khai đặt Stent mạch vành cho hàng trăm bệnh nhân, đã cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trong 2 giờ đầu, đồng thời tiến hành điều trị can thiệp các bệnh lý tim bẩm sinh.
Chuyên ngành Chẩn đoán Hình ảnh đã phát huy hiệu quả hệ thống DSA, nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai; trong đó có những kỹ thuật đầu tiên và duy nhất đang thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Các kỹ thuật vượt trội có thể kể như nút điều trị dị dạng và phình mạch não; đặt stent đường mật…
Khoa Gây mê Hồi sức của Bệnh viện là chuyên khoa đầu ngành của y tế Hà Nội. Với hơn 7.000 ca mổ mỗi năm như phẫu thuật thần kinh; phẫu thuật tạo hình, bỏng; phẫu thuật tim mạch, lồng ngực. Khoa đã tiến hành hồi sức cho hàng trăm bệnh nhân nặng, cứu sống các bệnh nhân nguy kịch, góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu về gây mê, gây tê được triển khai thường quy như: gây tê đám rối thần kinh cánh tay dưới hướng dẫn của siêu âm, gây tê tủy sống kết hợp gây tê ngoài màng cứng vô cảm trong ghép thận, gây mê cho trẻ sơ sinh... có những ca mổ chuyên sâu kéo dài hàng chục giờ, tính chất phức tạp, khoa Gây mê Hồi sức đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của ca mổ này.
Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng thực hiện tốt công tác chống dịch và đã khống chế thành công dịch sởi được các cấp các ngành đánh giá cao. Đồng thời, xây dựng các phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, bố trí giường bệnh, khoa phòng và các trang thiết bị, phương tiện cấp cứu hiện có để sẵn sàng đáp ứng với tình hình dịch bệnh (đáp ứng với dịch sởi, Dengue xuất huyết, viêm màng não, Ebola…).
Với những đóng góp to lớn của Bệnh viện cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn luôn là đơn vị điển hình tiên tiến, nhiều năm liên tục được tặng cơ thi đua xuất sắc, được ngành Y tế đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị anh hùng” nhân Đại hội Thi đua Yêu nước toàn quốc năm 2015.
Bài: Như Hiển