Phát biểu tại Lễ khai trương, PGS. TS. Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) kiêm nhiệm phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, ung thư mắt ở trẻ em thường gặp khá phổ biến. Đây là căn bệnh do khối u bên trong nội nhãn, thường ở trẻ dưới 6 tuổi. Đa số bệnh nhân bị ung thư vùng mắt đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương thường ở giai đoạn muộn, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Ung thư mắt là chuyên ngành sâu của nhãn khoa liên quan đến chẩn đoán, điều trị tất cả các khối u của mi mắt, kết mạc, u nội nhãn, u thị thần kinh, u hốc mắt. Những khối u này có thể lành tính, ác tính, nếu không được điều trị và theo dõi có thể gây giảm, mất thị lực hoặc phải cắt bỏ nhãn cầu. Các khối u ác tính ở mắt có thể di căn đến một cơ quan khác trong cơ thể.
PGS. TS. Nguyễn Tuấn Hưng nhấn mạnh, việc thành lập Đơn vị ung bướu mắt trẻ em giúp nâng cao, phát triển các phương pháp điều trị, bảo tồn nhãn cầu, bảo tồn thị lực cho bệnh nhân nhi. Bên cạnh đó, Đơn vị cũng góp phần tuyên truyền, giáo dục phát hiện sớm, quản lý tốt các bệnh lý mắt, ung bướu nhãn khoa giúp bệnh nhân đặc biệt là trẻ em có cuộc sống tốt hơn.
Theo TS. Phạm Minh Châu, Phó Trưởng khoa Mắt trẻ em (Bệnh viện Mắt Trung ương), ung thư mắt trẻ em gặp khá phổ biến, đứng thứ 6 trong 10 bệnh ung thư hay gặp ở trẻ em. Ở giai đoạn sớm, bệnh không có biểu hiện đặt thù, nhưng khi xuất hiện lác mắt, hoặc đốm trắng ở lòng đen, nguy cơ khối u đã to.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, trình độ dân trí và đời sống người dân không ngừng nâng cao, bệnh lý khối u nói chung và khối u tại mắt nói riêng cũng thường gặp hơn. Do vậy, cần một đơn nguyên, đơn vị nhỏ nhất trong một bệnh viện được định danh để tiếp đón, điều trị, theo dõi, phối hợp điều trị trong viện và ngoại viện nếu cần; góp phần phát triển chuyên khoa chuyên sâu, giúp bệnh nhân tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ y tế, nâng cao sự hài lòng, tăng cơ hội có đôi mắt sáng và sống tiếp cho bệnh nhân ung bướu mắt.
Trọng Tiến