TS. Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đợt này, Đoàn công tác sẽ tiến hành khám và phẫu thuật đục thể thủy tinh bằng phương pháp phaco miễn phí cho khoảng 300 - 500 bệnh nhân thuộc các diện chính sách và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh. Đây là một trong những chuyến công tác đặc biệt để tri ân, cảm ơn sâu sắc đến vùng đất giàu truyền thống cách mạng cũng như mong muốn mang những ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất của ngành Nhãn khoa tới các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời cũng là trách nhiệm của ngành Nhãn khoa trong công cuộc giải phóng mù lòa đem lại ánh sáng cho người dân.
Chiếc xe đặc biệt, chuyên dụng này được Hiệp hội Kinh tế Nhật Bản trao tặng Bệnh viện Mắt Trung ương vào cuối năm 2006. Xe ô tô mổ mắt lưu động duy nhất ở Việt Nam được thiết kế có 2 bàn mổ có thể tiến hành phẫu thuật song song cùng một lúc. Trên xe ô tô được lắp đặt, trang bị đầy đủ các trang thiết bị khám và phẫu thuật hiện đại như một phòng mổ bao gồm: sinh hiển vi, máy đo khúc xạ và độ cong giác mạc NIDEK, máy siêu âm EZ scan AB5500, hiển vi phẫu thuật, máy hấp tiệt trùng tốc độ cao… để phục vụ cho phẫu thuật.
Được đưa vào hoạt động từ năm 2007, đến nay, xe mổ mắt lưu động, Bệnh viện Mắt Trung ương đã mang lại ánh sáng cho hàng chục nghìn người dân nghèo từ các tỉnh từ miền Bắc đến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, thậm chí của người dân nước bạn Lào. Nguồn kinh phí cho hoạt động của xe ô tô được BV Mắt Trung ương xin, vận động từ nhiều nguồn trong nước và quốc tế: Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ phòng chống mù lòa Châu Á, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và một số tổ chức quốc tế khác.
Các kỹ thuật khám và phẫu thuật trên xe ô tô lưu động chủ yếu nhất vẫn là mổ đục thuỷ tinh thể bằng phương pháp phaco, ngoài ra thực hiện các phẫu thuật viên còn thực hiện một số phẫu thuật khác: mộng thịt, quặm, glôcôm... Sau hơn 10 năm thực hiện công tác khám và phẫu thuật tại cộng đồng đã có khoảng hơn 10.000 ca đục thể thủy tinh được phẫu thuật miễn phí, mang lại ánh sang, niềm vui và hạnh phúc cho rất nhiều hộ gia đình và cộng đồng.
Thông qua các hoạt động phẫu thuật lưu động này đã giúp đưa các dịch vụ nhãn khoa hiện đại tới gần dân, các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đào tạo tại chỗ và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho tuyến dưới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng bệnh, bảo vệ và chăm sóc mắt....
Nguyễn Hoàng (BV Mắt Trung ương)