Hiện nay, ở nước ta mới có 7 cơ sở điều trị Hemophilia tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ, điều này đã gây nhiều khó khăn cho người bệnh như: không được điều trị kịp thời, không đảm bảo tuân thủ điều trị, chi phí tốn kém và thời gian, ảnh hưởng đến công việc và học tập… việc tổ chức khóa đào tạo sẽ góp phần nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị Hemophilia trên toàn quốc, hướng tới xây dựng thêm nhiều cơ sở điều trị Hemophilia tại các tỉnh, thành khác như Phú Thọ, Bình Định, Hải Phòng… từ đó tạo điều kiện thuận lợi về nhiều mặt cho người bệnh trong quá trình điều trị.
Giảng viên của khóa đào tạo là các chuyên gia hàng đầu về chăm sóc, điều trị Hemophilia trong nước và các chuyên gia quốc tế uy tín thuộc các quốc gia có nền y học phát triển như: Giáo sư Jan Astermark (Thụy Sĩ), Bác sĩ Scott Dunkley (Australia), Bác sĩ Huyền Trần (Australia), ông William Yeo (Singapore)… Trong hai ngày, các giảng viên sẽ trình bày gần 20 báo cáo về các vấn đề như: Tình hình chăm sóc Hemophilia tại Việt Nam và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị dự phòng, chăm sóc toàn diện trong hemophilia…
Tiếp nối Khóa đào tạo này, đại diện Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội và Ban chấp hành Hội Rối loạn đông máu Việt Nam mở rộng sẽ có cuộc thảo luận bàn tròn về chính sách Hemophilia vào sáng ngày 29/11/2015. Nội dung thảo luận xoay quanh vấn đề nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị Hemophilia trong tương lai, đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của điều trị tại nhà nhằm vận động chính sách để bệnh nhân Hemophilia được điều trị tại nhà, điều trị dự phòng và chăm sóc toàn diện. Chiều ngày 29/11/2015 sẽ diễn ra buổi Thảo luận về chương trình Liên minh toàn cầu (GAP).
Tin, ảnh: Hoàng Hiền