Tham dự đoàn công tác còn có đại diện các Vụ, Cục, Trung tâm Truyền thông GDSK TƯ thuộc Bộ; PGS.TS. Trần Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương; PGS.TS Phạm Hồng Vân, Phó Giám đốc Bệnh viện cùng các lãnh đạo của các Khoa/Phòng/Trung tâm của Bệnh viện.
Báo cáo đoàn công tác, PGS.TS Phạm Hồng Vân, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, Bệnh viện Châm cứu Trung ương là bệnh viện chuyên khoa hạng 1, trực thuộc Bộ Y tế. Được Bộ Y tế tin tưởng, giao nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật cho tất các các Bệnh viện tuyến dưới trong cả nước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều hoạt động trong công tác Chỉ đạo tuyến, Đề án 1816, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa.
Công tác Chỉ đạo tuyến, thực hiện Đề án 1816: Bệnh viện đã tiến hành khảo sát nhu cầu, đánh giá hoạt động chuyên môn, cụ thể là gửi công văn cho 07 Bệnh viện Y học cổ truyền trên cả nước; Phối hợp chuyển giao các gói kỹ thuật cho 04 đơn vị tuyến tỉnh gồm Bệnh viện Y Dược Cổ truyền (YDCT) Sơn La; Bệnh viện YDCT Bắc Giang; Bệnh viện YHCT & Phục hồi chức năng Phú Thọ; Trung tâm Y tế Sìn hồ - Lai Châu. Kết quả, đã phối hợp mở 5 lớp đào tạo theo các gói kỹ thuật về: điều trị và chăm sóc liệt do tai biến mạch máu não, điều trị và chăm sóc đau lưng và đau thần kinh toạ; điều trị và chăm sóc bệnh nhân đau đầu và mất ngủ… gồm giảng dậy lý thuyết và thực hành theo hình thức cầm tay chỉ việc.
Kết hợp đoàn kiểm tra, giám sát để đánh giá thực hiện các kỹ thuật được chuyển giao/đào tạo tại các đơn vị. Kết quả, hầu hết các đơn vị đều đủ điều kiện thực hiện gói kỹ thuật được chuyển giao.
Đề án Khám, chữa bệnh từ xa: Đã và đang tổ chức các buổi hội chẩn teleheal từ xa với các Bệnh viện Y học cổ truyền trên cả nước.
Dự kiến 6 tháng cuối năm 2023, Bệnh viện Châm cứu Trung ương tiếp tục triển khai các chương trình trong Công tác chỉ đạo tuyến; Đề án 1816; Đề án Khám
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Trần Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ,Là Bệnh viện có uy tín với đội ngũ thầy thuốc đầu ngành về châm cứu, Bệnh viện đã nhận được đề xuất của nhiều đơn vị nhưng chưa đáp ứng được hết nhu cầu do nguồn kinh phí được cấp còn hạn chế.
Sau một thời gian thực hiện, đánh giá hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh của các gói kỹ thuật, Bệnh viện nhận thấy khó duy trì hiệu quả, ảnh hưởng đến kết quả chuyển giao do thời gian chuyển giao còn ngắn, chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, các kỹ thuật chuyển giao học viên đều thực hành thành thạo nhưng do chưa tạo được thoái quen… Để công tác chuyển giao kỹ thuật mang tính chiến lược và lâu dài, PGS.TS Thanh đề nghị, Bộ Y tế cho phép chuyển giao nhiều gói kỹ thuật tại 1 điểm đại diện cho vùng nếu có đủ cơ sở vật chất và nhân lực, thời gian chuyển giao liên tục từ 3 đến 6 tháng. Đây là hoạt động chuyển giao có chiều sâu, tạo ra 1 điểm chuyên sâu có nhiệm vụ khám, chữa bệnh đã được chuyển giao cho 1 vùng hay khu vực lân cận.
Phát biểu kết luận cuộc họp, TS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Bệnh viện Châm cứu Trung ương là bệnh viện đầu ngành, chỉ đạo toàn quốc, không phân vùng, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới là nhiệm vụ rất lớn. Thời gian qua, công tác chỉ đạo tuyến, thực hiện Đề án 1816 được Bệnh viện triển khai với nhiều hình thức, mô hình sáng tạo, cách thức mới như triển khai, đào tạo chuyển giao kỹ thuật không chỉ tới các Bệnh viện Y học cổ truyền tuyến tỉnh mà chuyển giao cho cả khoa Y học cổ truyền của các Bệnh viện tuyến tỉnh, tới trạm y tế xã, đến các vùng sâu, vùng xa như Sơn La, Hà Giang, Tây Nguyên, Bến Tre…
Phúc Trí