Mục tiêu của Chiến dịch nhằm góp phần giảm gánh nặng bệnh sởi và hội chứng rubella bẩm sinh, chủ động phòng chống dịch bệnh sởi, rubella trong thời gian tới. Phấn đấu kết thúc Chiến dịch đạt tỷ lệ trên 90% đối tượng từ 16 - 17 tuổi trong toàn tỉnh được tiêm xắc xin sởi - rubella; hạn chế tối đa bỏ sót đối tượng, nhất là các đối tượng nguy cơ cao chưa tiêm vắc xin sởi trong tiêm chủng thường xuyên như: trẻ không đi học, trẻ vùng sâu, biệt lập, vùng đặc biệt khó khăn và di dân nhập cư. Chiến dịch được tổ chức trên quy mô toàn tỉnh ở 100% xã, phường, thị trấn của 12 huyện, thành phố trong tháng 4/2016. Dự kiến số đối tượng cần được tiêm chủng là hơn 46.700 người.
Để đảm bảo chất lượng và an toàn trong tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế, nhiều hoạt động được triển khai trước, trong và sau Chiến dịch bao gồm: Tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho đối tượng 16 - 17 tuổi; lập danh sách đối tượng là học sinh lớp 11 - 12 kể cả đối tượng ngoài độ tuổi, lập danh sách đối tượng ngoài trường học tại cộng đồng; dự trù, tiếp nhận, cấp phát, bảo quản và sử dụng vắc xin theo đúng quy định. Truyền thông về mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc tiêm vắc xin sởi - rubella kịp thời đến người dân, đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành Giáo dục, phụ huynh và học sinh. Trong các ngày tổ chức Chiến dịch, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thành lập đội cấp cứu lưu động thường trực để sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng, xử trí kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Tin, ảnh: Thái Tuyền, T4G Lâm Đồng