Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Trần Trọng Hải tóm tắt về tình hình hoạt động của Hội Phục hồi chức năng Việt Nam đồng thời nêu thực trạng, hiện nay ở nhiều tỉnh/ thành phố cho rằng phục hồi chức năng và y dược học cổ truyền có nhiều nét tương đồng và một số lý do khác nên đã sáp nhập Bệnh viện Phục hồi chức năng vào Bệnh viện Y học cổ truyền trong khi chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Y tế hướng dẫn việc sáp nhập này. Thay mặt Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, PGS.TS. Trần Trọng Hải kiến nghị với Bộ Y tế và Tổng Hội Y học Việt Nam một số vấn đề như UBND các tỉnh không đưa ra chủ trương sáp nhập Bệnh viện Phục hồi chức năng với Bệnh viện Y học cổ truyền hoặc Bệnh viện khác khi chưa có chủ trương và hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ; Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho nhân dân hiểu rõ vai trò, tầm quan trọng của phục hồi chức năng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đặc biệt phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp sớm phục hồi chức năng cho người khuyết tật; Phát triển mạng lưới phục hồi chức năng thống nhất trong các tuyến theo chỉ đạo của Bộ Y tế; Quan tâm, đẩy mạnh công tác đào tạo bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng…
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đưa ra một số kết luận: Giao cho Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Pháp chế, Cục Quản lý khám chữa bệnh rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành từ đó làm căn cứ soạn văn bản trình Bộ trưởng và sau đó trình lên Chính phủ kiến nghị về việc không sáp nhập phục hồi chức năng vào y học cổ truyền; Cần làm rõ vai trò của phục hồi chức năng và y học cổ truyền trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; Có các kế hoạch cụ thể trong việc đào tạo và phát triển nhân lực cho phục hồi chức năng..
Trung Thành