Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2013, trên thế giới có 12 triệu người mắc lao lưu hành và 8/6 triệu người mắc lao mới; trong đó có 13% đồng nhiễm với HIV và 1,3 triệu người bị tử vong do lao. Tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 170.000 người mắc lao lưu hành; 130.000 người mắc lao mới; 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và có tới 18.000 người tử vong do lao. Đây thực sự là một khó khăn, thách thức không chỉ đối với Ngành Y tế. Vì vậy, Chiến lược Quốc gia Phòng, Chống Lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã xác định công tác phòng, chống lao là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó Ngành Y tế làm nòng cốt, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo để phát hiện và điều trị bệnh lao ngay tại cộng đồng chứ không phải chủ yếu trong bệnh viện. Để khống chế được bệnh lao, cần phải tập trung quyết liệt nhiều giải pháp thực thi, sáng tạo để vừa duy trì các thành quả đã đạt được vừa vượt qua các trở ngại khó khăn thách thức đối với công tác phòng, chống lao: Thứ nhất, là sự kỳ thị, định kiến và thiếu hiểu biết của người dân về bệnh lao vẫn còn lớn, khiến cho người bệnh thường có tâm lý giấu giếm bệnh tật, tự chạy chữa, làm bệnh khó kiểm soát và nguy cơ lây nhiễm hoặc kháng thuốc khá cao. Do đó, công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho người dân rất quan trọng và cần thiết. Sao cho, tất cả mọi người dân đều có cơ hội tiếp nhận và hiểu thấu đáo về những thông điệp: “Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ tham gia cuộc chiến chống lại bệnh lao”, “Chỉ vì thiếu hiểu biết, tôi và bạn đã bị mắc lao”, “Bệnh lao có thể chữa khỏi, hãy đừng để ai chết vì bệnh lao”, “Giúp 1 người chữa khỏi bệnh lao là giảm nguy cơ mắc lao cho chính mình” hay “Phát hiện được 1 người mắc lao là cứu sống 1 người và phòng cho 10 người”...; Thứ hai, là công tác phòng chống lao cũng chưa được xã hội hóa cao. Sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trên lĩnh vực này còn hạn chế, lỏng lẻo; đặc biệt, còn rất nhiều khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực cán bộ y tế của mạng lưới phòng chống lao từ trung ương tới địa phương và khả năng duy trì nguồn lực tài chính bền vững nhất là khi nguồn kinh phí quốc tế hỗ trợ ngày càng suy giảm. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền để chuyển tải các thông điệp tới các tổ chức chính trị nhằm huy động các nguồn lực tối đa cho Chương trình phòng, chống lao, bao gồm: “Chính quyền các cấp cần đầu tư nguồn lực để phòng, chống bệnh lao thành công tại địa phương” hay “Các đoàn thể chung tay vận động mọi nguồn lực để phòng, chống bệnh lao thành công”, hoặc “Tăng cường lãnh đạo, cam kết cộng đồng, quyết tâm thanh toán bệnh lao”...
Minh Hiền