Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Mỗi nhân viên y tế trong Bệnh viện phải là một nhân viên làm công tác xã hội

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành ngoại khoa của cả nước. Bệnh viện vừa được Bộ Y tế công nhận là 1 trong 4 Bệnh viện hạng đặc biệt. Để đạt được thành công đó, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn trong khám chữa bệnh, Bệnh viện còn đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Một trong những hoạt động điển hình đó là việc thành lập Phòng Công tác xã hội. ThS. Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã chia sẻ với Phóng viên Trung tâm Truyền thông GDSK Trung ương về hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện trong thời gian qua.

ThS. Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức

Phóng viên: Xin bà cho biết, việc thành lập Phòng Công tác xã hội tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức đã mang lại hiệu quả như thế nào đối với người bệnh, người nhà người bệnh cũng như nhân viên y tế?

ThS. Nguyễn Thị Bích Hường: Với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm”, đặt chất lượng lên hàng đầu, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức luôn xác định công tác xã hội trong Bệnh viện phải luôn luôn song hành với các hoạt động chuyên môn khác.

Thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020”; căn cứ Quyết định số 2514/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 15/7/2011 phê duyệt Đề án “Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011 - 2020”; đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và sự hài lòng của người bệnh khi khám chữa bệnh tại Bệnh viện, ngày 16/4/2015, Ban Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức quyết định thành lập Phòng Công tác xã hội tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức theo Quyết định 586/QĐ -VĐ.

Sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động, nhân viên Phòng Công tác xã hội đã được tập huấn, đào tạo các kỹ năng, qui tắc về giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; đồng thời trở thành “cầu nối” giữa nhân viên y tế với người bệnh, người nhà người bệnh đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện. Để hoạt động công tác xã hội có hiệu quả, Phòng Công tác xã hội chia nhân viên làm 4 tổ: Tổ hỗ trợ người bệnh, Tổ truyền thông, Tổ trợ giúp xã hội và Bộ phận quản lý nhà truyền thống. Mỗi Tổ lại có nhiệm vụ khác nhau. Tổ hỗ trợ người bệnh hướng dẫn người bệnh lấy số thứ tự khám, làm các thủ tục hành chính, phân luồng người bệnh, ghi nhận những ý kiến đóng góp của người bệnh trước, trong và sau quá trình điều trị để rút kinh nghiệm trong chuyên môn và quy tắc ứng xử; phối hợp với Khoa khám bệnh, Phòng Tài chính kế toán để khảo sát số lượng người bệnh tại khu vực viện phí nhằm giảm thời gian chờ đợi, nâng cao sự hài lòng của người bệnh; xây dựng kế hoạch triển khai phần mềm lưu trữ cơ sở dữ liệu nhằm tương tác, trả lời, tư vấn, đặt lịch khám, hẹn tái khám.

            Tổ truyền thông đã xây dựng quy trình tiếp đón báo chí, quy trình cung cấp và xử lý thông tin; xây dựng kế hoạch, chiến lược và quy trình truyền thông và giáo dục sức khỏe cho Bệnh viện; nghiên cứu khảo sát, lập kế hoạch viết quy trình Tổ chức sự kiện và quy trình Xử lý khủng hoảng truyền thông tại Bệnh viện…

            Với sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Giám đốc Bệnh viện, qua thời gian hoạt động, Phòng công tác xã hội đã nhận được sự phản hồi tích cực của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng như các nhân viên y tế ngay tại Bệnh viện. Nhiều bệnh nhân, người nhà người bệnh sau khi ra viện đã gửi thư cảm ơn Bệnh viện cũng như nhân viên công tác xã hội.

Phóng viên: Để công tác xã hội tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tiếp tục đạt hiệu quả cao, quan điểm, định hướng của Bệnh viện trong thời gian tới là gì, thưa bà?

ThS. Nguyễn Thị Bích Hường: Trước đây, y tế do “cung” quá ít với “cầu” vì vậy gây nhiều áp lực đối với nhân viên y tế. Ngày nay, các đơn vị y tế bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng về chuyên môn mà còn có sự “cạnh tranh” nên quan tâm đến quyền lợi của bệnh nhân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh thực sự là hướng đi đúng đắn và cần thiết trong quá trình phát triển của Bệnh viện. Để công tác xã hội trong Bệnh viện ngày một phát triển, Bệnh viện đã thành lập Mạng lưới công tác xã hội tại các Khoa, Phòng, Trung tâm với 116 CBVC, nhân viên y tế thực hiện các chức năng cung cấp dịch vụ về công tác xã hội cho người bệnh và nhân viên y tế, làm cầu nối giữa người bệnh, người nhà người bệnh với nhân viên y tế và Bệnh viện. Bên cạnh đó, mỗi một nhân viên y tế trong Bệnh viện cũng có nhiệm vụ như một nhân viên công tác xã hội hàng ngày hướng dẫn, tư vấn, giải thích những thắc mắc của người bệnh, người nhà người bệnh trong quá trình khám và điều trị tại Bệnh viện.

  Với ý nghĩa thiết thực đó, định hướng của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức về công tác xã hội trong thời gian tới: “Mỗi nhân viên y tế trong Bệnh viện phải là một nhân viên làm công tác xã hội”, vì nếu người bệnh, người nhà người bệnh được chăm sóc tốt, giải thích tốt, động viên tốt thì đó cũng là làm công tác xã hội. Tuy nhiên, để tiến tới đạt được mục tiêu đó cần phải có thời gian; đồng thời đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên y tế trong Bệnh viện phải thấm nhuần, phải coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của Người thầy thuốc.

Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!

 Hoàng Hiền thực hiện

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang