Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Ngành Y tế Đắk Lắk tăng cường phòng chống bệnh do vi rút Zika và Sốt xuất huyết trong mùa mưa

  • |
T5g.org.vn - Tính từ đầu năm đến ngày 15 tháng 6 năm 2016, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 890 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ cao khiến bệnh do vi rút zika có thể xuất hiện tại Đắk Lắk, đặc biệt là khi mùa mưa đã đến. Bởi muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết cũng chính là trung gian truyền bệnh do vi rút zika.
Phun thuốc diệt muỗi tại thị trấn Quảng Phú, huyện CưM’gar

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Chưa có năm nào mà số bệnh nhân sốt xuất huyết lại gia tăng nhanh chóng nhất là trong 3 tháng đầu năm như năm nay. Điều này cho thấy bệnh sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sự chủ quan, thiếu kiến thức của cộng đồng bởi nhiều người vẫn lầm tưởng sốt xuất huyết chỉ bùng phát trong mùa mưa, tuy nhiên sốt xuất huyết xảy ra quanh năm. Do đó, nếu người dân không ý thức điều này thì bệnh sốt xuất huyết sẽ khó mà thuyên giảm”.

Trường hợp của chị Hoàng Thị Bích Diệu ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vừa điều trị khỏi bệnh sốt xuất huyết khoảng một tháng nhưng chị vẫn chưa quan tâm đến môi trường sống xung quanh mình. Trong chậu cây cảnh trước cửa nhà chị nước đen nghịt lăng quăng, bọ gậy. Mặc dù giữa trưa nhưng trong nhà vẫn phải dùng vợt điện diệt muỗi. Chị Diệu cho biết chị không ngờ mới có mấy hôm chồng chị tưới nước cho cây mà giờ đã đầy lăng quăng trong chậu.

Còn chị Lê Thị Cúc ở phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột đưa con đến Khoa Nhi, bệnh viện đa khoa thành phố nhập viện với chẩn đoán sốt xuất huyết. Trước đó khi con có biểu hiện sốt, mệt mỏi, nôn ói nhiều, chị đã đưa con đi khám ở phòng mạch và tự điều trị tại nhà nhưng bệnh không giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn. Khi được hỏi về nguyên nhân gây bệnh, chị Cúc không hề biết. Chỉ khi thấy con quá mệt mỏi mới đưa đi nhập viện.

Có thể nói, trường hợp như chị Diệu và chị Cúc như vừa kể trên không phải là ít. Sự chủ quan, thiếu kiến thức trong phòng bệnh sốt xuất huyết vẫn còn tồn tại ở một bộ phận lớn người dân. Chính điều này sẽ là nguyên nhân khiến cho sốt xuất huyết có thể bùng phát ngay cả trong thời kỳ hạn hán và nhất là thời tiết chuyển mùa mưa.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế Đắk Lắk đã và đang tăng cường triển khai nhiều biện pháp ngay trong những ngày đầu mùa mưa này, cụ thể:

Ngay sau khi Việt Nam phát hiện 2 trường hợp nhiễm bệnh do vi rút zika đầu tiên và Bộ Y tế nâng mức cảnh báo nguy cơ của bệnh lên mức 2, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về phòng bệnh do vi rút zika trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã tổ chức lễ ký cam kết với Ủy ban nhân dân 15 huyện/thị xã/thành phố về thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết và vi rút zika, nhằm nêu cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tổ chức các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương. Đây được xem là yếu tố quan trọng tạo nên thành công trong việc phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, lên kế hoạch và tăng cường kiểm tra giám sát tại những địa phương có nguy cơ cao như các huyện M’Đrắk, Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’Leo, thành phố Buôn Ma Thuột, nơi tiếp giáp với các tỉnh khác, vùng biên giới và có nhiều ca bệnh sốt xuất huyết. Trong những buổi giám sát, ngành y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra công tác phòng bệnh tại các hộ gia đình, hướng dẫn người dân cách diệt lăng quăng với mục đích hạn chế tối đa khả năng xuất hiện bệnh do vi rút zika tại tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Đắk Lắk tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về phát hiện, chẩn đoán, cấp cứu bệnh do vi rút zika cho các cán bộ tế làm công tác dự phòng và điều trị từ tuyến xã đến tỉnh; thành lập hai đội chống dịch nhanh, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chống dịch mọi lúc, mọi nơi. Tại các cơ sở điều trị bệnh, nhất là bệnh viện tuyến tỉnh, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, thuốc… luôn trong tình trạng sẵn sàng cấp cứu và điều trị bệnh.

Sở Y tế Đắk Lắk cũng thực hiện nghiêm việc báo cáo diễn biến dịch bệnh hàng ngày tại các cơ sở y tế các tuyến, với phương châm nhanh chóng, đầy đủ, chính xác để kịp thời xử lí những trường hợp nghi ngờ. Trên cơ sở đó, tổ chức lấy mẫu giám sát đối với các bệnh nhân nhập viện đi về từ vùng dịch, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ sinh ra có dị tật đầu nhỏ. Đến nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã xét nghiệm được gần 100 mẫu máu của các bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh và chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh do vi rút zika.

Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình cũng là một trong những hoạt động được đẩy mạnh. Tạo mọi điều kiện để người dân kịp thời nắm được các thông tin, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và khu vực để chủ động  thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Bác sĩ chuyên khoa II Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết mặc dù tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh do vi rút zika nhưng với đặc điểm là tỉnh có sự lưu hành bệnh sốt xuất huyết hàng năm, đồng thời có sự giao lưu rộng rãi với các tỉnh, thành đã có bệnh nhân nhiễm vi rút zika là Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh nên nguy cơ loại vi rút này xuất hiện tại tỉnh ta là rất lớn. Do đó, trong thời gian tới, những biện pháp tăng cường phòng bệnh do Virút Zika và Sốt xuất huyết sẽ tiếp tục được ngành y tế Đắk Lắk chú trọng thực hiện nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho nhân dân.

Cán bộ Y tế Thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết cho người dân tại địa phương

Bài, ảnh:  Thu Huế - Đình Thi, T4g Đắk Lắk

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang