Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), ngày 22/3/2016, Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại Australia (Úc) đã xác định một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Trường hợp này đến Việt Nam từ ngày 26/02/2016 và xuất cảnh về Úc ngày 06/3/2016; đến ngày 08/3/2016 có biểu hiện triệu chứng nhiễm vi rút Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn. Trong thời gian ở Việt Nam, trường hợp này đã đi đến TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.
Bộ Y tế đã thành lập Đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm Trưởng đoàn và Lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đến các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận để làm việc với Ủy ban Nhân dân và các Sở, ban, ngành liên quan để trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, xác minh và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika. Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo ngành Y tế nâng mức cảnh báo đối với phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam và yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng tương tự như nhiễm vi rút Zika tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng do có thể có trường hợp nhiễm vi rút có biểu hiện nhẹ, vừa hoặc không có triệu chứng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng dẫn người dân tự diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.
Ngày 25/3/2016, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, ngành Y tế tỉnh đã chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện và củng cố các đội phòng chống dịch cơ động trên địa bàn tỉnh để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.... phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur Nha Trang trong việc lấy mẫu giám sát ca bệnh nghi ngờ nhiễm vi rút Zika tại các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh đặc biệt là tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cũng như tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh và tại cộng đồng (nơi có lưu lượng lớn khách quốc tế đến lưu trú và các cơ sở du lịch, dịch vụ), nhằm phát hiện sớm các ca dương tính với vi rút Zika. Tại cộng đồng, hoạt động giám sát được triển khai ngay từ ngày 24/3/2016. Hiện nay, hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika đang được ngành Y tế tỉnh Khánh Hòa triển khai theo tình huống 2 của Bộ Y tế, nhằm nâng cao các hoạt động giám sát, phát hiện và điều trị cũng như huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cùng phối hợp với ngành Y tế tỉnh tích cực tham gia thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Ngoài ra, Y tế tỉnh Khánh Hòa đã củng cố lại việc công khai các số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và hiện nay là dịch bệnh do vi rút Zika tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh để người dân được biết là liên hệ, tư vấn sức khỏe trong trường hợp cần thiết.
Theo BSCKII. Nguyễn Văn Quyền, Giám đốc Trung tâm Y tế tỉnh Bình Thuận, qua thông tin về 1 du khách người Úc nhiễm vi rút Zika từ Việt Nam về, mặc dù chưa xác định có ca nhiễm nào tại tỉnh nhưng theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh Bình Thuận nâng mức cảnh báo phòng chống dịch do vi rút Zika lên tình huống 2. Hiện tại, ngành Y tế tỉnh Bình Thuận đang triển khai các hoạt động như: mở rộng diện giám sát, tư vấn và lấy mẫu máu cho tất cả các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ (cúm, sốt, mệt mỏi...) đến khám tại các cơ sở Y tế công và tư, trọng tâm tại phường Mũi Né, Hàm Tiến của TP. Phan Thiết; sàng lọc sốt xuất huyết, nếu nghi ngờ gửi mẫu về Viện Pasteur Nha Trang để tầm soát vi rút Zika. Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển khai các biện pháp phòng bệnh như: chống muỗi đốt, diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất diện rộng ... tăng cường giáo dục, truyền thông phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết; tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch bảo đảm đạt hiệu quả tốt và thường xuyên cập nhật thông tin và báo cáo theo quy định.
Tại TP. Hồ Chí Minh và Lâm Đồng, công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika cũng được ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh nhằm nâng cao các hoạt động giám sát, phát hiện phòng chống bệnh do vi rút Zika.
Trước đó, để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống vi rút Zika và giám sát, xác minh sự lưu hành vi rút Zika tại Việt Nam, ngày 22/3/2016, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang hỗ trợ các địa phương nơi trường hợp người Úc này đã từng đến tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm xác định; sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika.
Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) hiện chưa thể khẳng định được trường hợp này nhiễm vi rút Zika tại Việt Nam. Phía Việt Nam đã liên hệ qua email và điện thoại trực tiếp với Cơ quan đầu mối của WHO và Cơ quan đầu mối của Australia đề nghị cung cấp thêm thông tin chi tiết về cửa khẩu, thời gian nhập/xuất cảnh, địa điểm lưu trú và các khu vực cụ thể đã đến Việt Nam của trường hợp này. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đầu mối của WHO và Cơ quan đầu mối của Australia để làm rõ các thông tin liên quan, triển khai giám sát và xác minh để khẳng định sự lưu hành vi rút Zika tại Việt Nam.
Đến nay, WHO thông báo trên thế giới đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika, trong đó có một số quốc gia khu vực như Thái Lan, Philippines,Indonesia, Malaysia,... cũng ghi nhận những trường hợp người nước ngoài nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ các nước này và được coi như là nước có sự lưu hành vi rút Zika; hiện các quốc gia này cũng đang tích cực triển khai các biện pháp giám sát xác minh sự lưu hành vi rút Zika và triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp. WHO cũng chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại đến các quốc gia đang có dịch bệnh vi rút Zika này.
Kết quả xét nghiệm hơn 200 trường hợp có triệu chứng tương tự bệnh do vi rút Zika tại các tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước chưa có trường hợp nào dương tính với vi rút Zika song khả năng vi rút Zika xâm nhập và lưu hành tại nước ta là hoàn toàn có thể. Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: 1. Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết. Danh sách các quốc gia lưu hành hoặc ghi nhận vi rút Zika được cập nhật trên Website của Cục Y tế dự phòng: http:www.vncdc.gov.vn 2. Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Điện thoại đường dây nóng: 0989. 671. 115 3. Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi. 4. Người dân hãy áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng). Hàng tuần hãy giành ra nửa giờ đồng hồ để tiến hành lật úp các dụng cụ, thu dọn các vật dụng phế thải xung quanh nhà như vỏ chai, lon, hộp bia nước ngọt, lốp xe, vật dụng phế thải…, thay nước bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn…. |
Bài: Tuấn Minh
Ảnh: CTV cung cấp