Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Ngành Y tế quyết liệt phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam

  • |
T5g.org.vn - “Kháng sinh ra đời là bước ngoặc trong Y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh ... tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không thích hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Chính vì thế, các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đang đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị cũng tăng cao”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, điều phối, hợp tác phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam ngày 9/9/2015 tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên  phát biểu tại hội thảo

Thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc

Kháng thuốc ngày nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển. Thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và gánh nặng chi phí cho vấn đề này là rất lớn. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai. Năm 2011, toàn cầu có khoảng 640 nghìn trường hợp lao đa kháng thuốc, trong đó 9% là siêu kháng thuốc. Tại khu vực Đông Nam Á, có khoảng 400 triệu người có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng kháng thuốc sốt rét; đối với HIV và nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, số liệu kháng thuốc ngày đang gia tăng, trong số đó, khoảng 15% người bệnh được điều trị HIV đã phải dùng đến các thuốc phác đồ bậc 2 và bậc 3 đối với nhiễm khuẩn kháng sinh. Tại Việt Nam, kết quả báo cáo từ năm 2003-2006 cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, việc dùng kháng sinh không phù hợp chiếm tới 74% và phù hợp chỉ có 26%. Trong đó, tại thành thị có đến 88% thuốc kháng sinh được mua mà không cần kê đơn, con số này tại nông thôn chiếm tới 91%.

Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc, trong đó có việc, người bệnh sử dụng thuốc kháng khuẩn không thích hợp như: sử dụng không đúng kháng sinh, không đúng hàm lượng, lạm dụng kháng sinh, không theo phác đồ chỉ dẫn, không làm kháng sinh đồ và tự ý dùng kháng sinh không theo chỉ dẫn của bác sỹ; hệ thống giám sát về kháng thuốc chưa được thiết lập; các quy định chuyên môn về khám, chữa bệnh chưa được cập nhật thường xuyên, đầy đủ; công tác kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc còn hạn chế; phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm chưa hiệu quả; sử dụng thuốc kháng khuẩn trong chăn nuôi chưa được kiểm soát hợp lý và nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế kể cả các nhà hoạch định chính sách về kháng thuốc còn hạn chế.

Chung tay phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, điều phối, hợp tác phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết: năm 2011, nhân Ngày Sức khoẻ Thế giới 7/4, Tổ chức Y tế Thế giới đã lấy khẩu hiệu “Không hành động hôm nay- Ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc. Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi này và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013- 2020 với mục tiêu: đẩy mạnh các hoạt động phòng chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đây là Kế hoạch liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các Bộ/ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc. Mục đích để nâng cao nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế, nhà hoạch định chính sách về kháng thuốc; tăng cường hoàn thiện hệ thống quốc gia về sử dụng kháng sinh; bảo đảm cung ứng đầy đủ các thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân nhân; tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản.

Để triển khai Kế hoạch này, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống kháng thuốc và thành lập 9 tiểu ban giám sát kháng thuốc; đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về hoạt động dược lâm sàng; kê đơn, sử dụng thuốc trong điều trị; thông tin thuốc; kiểm chuẩn xét nghiệm; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện; xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị như:  Hướng dẫn quản lý sử dụng kháng sinh; Thông tư hướng dẫn tổ chức và hoạt động vi sinh trong bệnh viện… đồng thời, Bộ Y tế thường xuyên tổ chức hội thảo, tập huấn, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế để nâng cao trình độ, kỹ năng về thực hành kê đơn thuốc tốt, thực hành dược lâm sàng, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị, hoạt động vi sinh; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; tiến hành vận động tháng phòng chống kháng thuốc; xã hội hóa công tác phòng chống lao… hoàn thiện khung chương trình, giáo trình đào tạo về vi sinh, kháng sinh trong các trường y dược; tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; nâng cấp các phòng xét nghiệm vi sinh, trung tâm nghiên cứu về vi sinh tại cơ sở y tế, trường đại học; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý số liệu về sử dụng thuốc và kháng sinh.

Ngày 24/6/2015, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác phát triển tại Việt Nam (WHO, FAO, OUCRU, CDC.US, JICA… tổ chức Lễ ký kết Văn bản thỏa thuận về phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng, thiết thực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam.

Bài, ảnh: Hoàng Hiền

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang