Tại Hội nghị cộng tác viên báo chí ngày 22/5/2017, PGS.TS. Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, trong những năm qua, công tác phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu i-ốt, thiếu vitamin A tiền lâm sàng, thiếu máu, thiếu kẽm… còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng và có sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền trong cả nước. Nguyên nhân do chế độ ăn của người dân không đáp ứng đủ nhu cầu vi chất dinh dưỡng của cơ thể. Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, ở một số địa phương miền núi, tỷ lệ này lên tới 16,1%. 32,8% phụ nữ có thai, 25,5% phụ nữ tuổi sinh đẻ, 27,8% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở trẻ em dưới 24 tháng tuổi (42,7 - 45%) và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ khu vực miền núi (27,9%). Bên cạnh đó, 80,3% phụ nữ có thai, 63,6% phụ nữ tuổi sinh đẻ và 69,4% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm ở mức nặng…
Ngày 28/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nghị định số 09/2016/CP, quy định 4 vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực phẩm là i-ốt, sắt, kẽm và vitamin A vào những thực phẩm như muối ăn, bột mỳ, dầu thực vật.
Để góp phần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người dân: Ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng; Cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn; Bữa ăn của trẻ có những thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu Vitamin A, Vitamin D; Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/ năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A; Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun; Phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần uống viên sắt/ axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
Thùy Linh