Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 58.888 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016, số trường hợp nhập viện tăng 9,7%. Số ca mắc bệnh vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam (64,4%), và miền Trung (19,9%), đây cũng là khu vực bệnh lưu hành trong nhiều năm qua. Ở miền Bắc, tỷ lệ mắc thấp hơn (12,4%), nhưng Hà Nội là thành phố đứng thứ 3 trong cả nước về số ca mắc (số mắc trên 100.000 dân đứng thứ 19) và có tới 3 chủng vi rút D1, D2, D4. Một trong những nguyên nhân là do Hà Nội có số người di chuyển vào các vùng dịch cao và các vùng dịch đó có chứa các chủng vi rút khác nhau.
Theo ông Phu, nguyên nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh; tập quán tích trữ nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý, dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh. Bên cạnh đó, sự phối hợp của người dân trong công tác phòng chống sốt xuất huyết chưa cao.
Cũng theo ông Phu, người dân cần chú ý là muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thường đốt người vào ban ngày, đẻ trứng chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch như bể nước, chum, vại, các đồ vật có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa… chúng không đẻ trứng ở ao tù, cống rãnh nước bẩn, hôi thối.
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chú ý thực hiện tốt 5 hành động để phòng chống dịch theo chỉ dẫn của Bộ Y tế: Đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không đẻ trứng vào; Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; Ngủ màn, mặc quần áo dài để tránh muối đốt; Phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh; Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Đối với các địa phương, ông Phu đề nghị bên cạnh các chiến dịch lớn phun hóa chất diệt bọ gậy với quy mô lớn, các địa phương cần tổ chức các chiến dịch nhỏ theo từng khu vực để tổng vệ sinh 2 tuần/lần, "Việc phòng chống hiệu quả bệnh này phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm của cộng đồng trong việc tiêu diệt bọ gậy, khống chế không để tăng số ca mắc sốt xuất huyết", ông Phu nhấn mạnh.
Cảnh báo về các trường hợp bị mắc bệnh sốt xuất huyết khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân khi phát hiện người bệnh sốt xuất huyết, tuyệt đối không cho uống thuốc kháng sinh, không được dùng các loại thuốc thuộc nhóm aspirin, corticoid… chỉ uống thuốc hạ sốt như paracetamol, uống nhiều nước hoặc các dung dịch điện giải, ăn hoa quả, đảm bảo đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe cho người bệnh.
Đối với các cơ sở y tế, khi phát hiện hoặc tiếp nhận bệnh nhân bị sốt, phải khám lọc qua các bước: Bệnh nhân có đi vào vùng dịch không?; Bệnh nhân có sốt cao đột ngột hoặc liên tục từ 2 đến 7 ngày không?; Bẹo vào các điểm xuất huyết dưới da thấy các chấm đỏ; Dựa vào các dấu hiệu cảnh báo của sốt xuất huyết và kết quả xét nghiệm để khẳng định bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Trả lời báo giới về một số trường hợp tử vong nghi nhiễm khuẩn chéo và có những diễn biến bất thường về bệnh, đại diện bệnh viện Nhiệt đới Trung ương khẳng định không có lây nhiễm chéo và diễn biến bất thường. Đối với cả 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương từ đầu năm đến nay, cả 3 bệnh nhân đều từ các bệnh viện khác chuyển đến để điều trị, chứ không điều trị ngay từ đầu. Cả 3 bệnh nhân đều mắc sốt xuất huyết và có kèm theo các nhiễm khuẩn phối hợp hoặc có bệnh lý đi kèm như cao huyết áp, đứt mạch máu não… dẫn đến tử vong.
Với tình hình dịch bệnh gia tăng phức tạp và số lượng bệnh nhân tăng cao dẫn đến quá tải tại các bệnh viện, ông Khuê khuyến cáo: “Để phòng, chống lây chéo, bội nhiễm, dễ dẫn đến tình trạng tử vong ngay sau đó, các gia đình khi có phát hiện bệnh nhân bị nhiễm bệnh thì cần đưa bệnh nhân đến viện sớm để được các bác sĩ điều trị kịp thời bằng các phác đồ đặc trị để chữa bệnh”.
PHÚC TRÍ