Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Nhìn lại năm 2015: Chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh

  • |
(ND) - Năm 2015 để lại dấu ấn quan trọng trong đổi mới từ quan điểm đến hành động của ngành y tế, đó là việc xác định “lấy người bệnh làm trung tâm” trong điều trị và chăm sóc. Nhiều giải pháp cụ thể được triển khai, nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB), đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh thực hiện một ca phẫu thuật nội soi, kỹ thuật do Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức chuyển giao

Giảm quá tải và cam kết không nằm ghép

Ngay đầu năm 2015, 13 bệnh viện tuyến trung ương ký cam kết không để người bệnh phải nằm ghép. Nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi, nhưng thực tế, sau một năm triển khai, những cam kết đó dần trở thành hiện thực. Nhưng để có sự cam kết đó, các bệnh viện đã phải nỗ lực rất nhiều, từ tổ chức lại quy trình KCB, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh đến kết hợp các bệnh viện trên địa bàn. Bên cạnh đó, các bệnh viện tăng cường kiểm tra giám sát, đưa nội dung báo cáo tình trạng nằm ghép vào trong giao ban hằng ngày của từng khoa và toàn bệnh viện; rút ngắn ngày điều trị nội trú trung bình một cách hợp lý; linh hoạt điều động, bố trí thêm giường bệnh giữa các khoa, giường bệnh tạm; chia sẻ dùng chung giường đối với những khoa cùng tầng hoặc cùng khu vực… PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho rằng: Giảm tải bệnh viện và thực hiện cam kết không nằm ghép là nhiệm vụ khó khăn và thách thức. Ở đó, sự quyết tâm của Đảng ủy, lãnh đạo, các khoa phòng và từng cán bộ nhân viên bệnh viện là yếu tố quyết định sự thành công trong việc giảm tải, nâng cao chất lượng KCB. Để thực hiện mục tiêu giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế thường xuyên hỗ trợ, đồng thời giám sát, kiểm tra thường quy và đột xuất; áp dụng chế độ khen thưởng, khiển trách kịp thời đối với các tập thể thực hiện tốt cũng như chưa tốt… Bộ yêu cầu các bệnh viện chưa thực hiện cam kết cần có kế hoạch, lộ trình giảm nằm ghép, từ giảm số khoa nằm ghép đến giảm nằm ghép toàn bệnh viện.

Kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng quá tải khu vực khám bệnh của các bệnh viện đã được cải thiện đáng kể. Quy trình khám bệnh giảm từ 12 đến 14 bước xuống còn 4 đến 8 bước (tùy theo loại hình khám bệnh); giảm trung bình gần 50 phút trên một lượt khám bệnh. Tại khu vực nội trú, tình trạng quá tải đang từng bước được khống chế, 58% số bệnh viện tuyến trung ương trước đây có tình trạng nằm ghép, hiện đã và đang giảm số khoa nằm ghép; 47% số bệnh viện tuyến tỉnh trước đây có tình trạng nằm ghép, cũng đã và đang giảm tỷ lệ. Có 90% số bệnh viện tuyến T.Ư đã ký cam kết không để người bệnh nằm ghép. Tại TP Hồ Chí Minh, 29 trong số 31 bệnh viện tuyến cuối cam kết không để người bệnh nằm ghép. Đáng chú ý, 63% số bệnh viện tuyến trung ương đang có xu hướng giảm công suất sử dụng giường bệnh, trong khi đó, 25% số bệnh viện tuyến huyện có xu hướng tăng công suất sử dụng giường bệnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số bệnh viện tuyến cuối còn tình trạng nằm ghép cao, như: Chợ Rẫy, Bạch Mai, K, Phụ sản T.Ư, Phổi T.Ư... Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh việc thực hiện ký cam kết không để người bệnh nằm ghép, Bộ Y tế sẽ giao trách nhiệm giải quyết tình trạng nằm ghép cho giám đốc mỗi bệnh viện.

Cùng với ký cam kết không để người bệnh nằm ghép, ngành y tế quyết liệt triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh (BVVT) với ba mục tiêu cụ thể: nâng cao trình độ, chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới; giúp người dân được sử dụng kỹ thuật cao ngay tại địa phương; đẩy mạnh giảm tải cho tuyến trên. Đến nay, mạng lưới BVVT đã được thiết lập chặt chẽ giữa 15 BV tuyến trên là hạt nhân và 53 BV tuyến dưới tại gần 40 tỉnh, thành phố là vệ tinh, đối với năm chuyên khoa: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Ngoài các tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, các BV hạt nhân đã tổ chức hàng trăm lớp đào tạo cho 3.891 lượt cán bộ BVVT; chuyển giao cho bệnh viện tuyến dưới 293 lượt kỹ thuật... Bên cạnh đó, các BV đầu ngành, như Việt Đức, Bạch Mai cũng tiến hành các loại hình đào tạo, hội chẩn từ xa, phản hồi, giúp nâng cao năng lực cho các BVVT. Nhờ được chuyển giao kỹ thuật, nhiều BVVT đã thực hiện tốt các kỹ thuật khó, người bệnh được điều trị ở tuyến dưới mà tỷ lệ chuyển tuyến của các BVVT giảm khoảng 37,5%. Kết quả đó góp phần giúp giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên và làm tăng uy tín của bệnh viện tuyến dưới.

Từ cách làm và hiệu quả mà đề án BVVT mang lại, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế nhân rộng mô hình này. Theo đó, đến tháng 12-2016, các tỉnh, thành phố phải triển khai BVVT. Việc đẩy mạnh thực hiện BVVT, được coi là một trong những giải pháp căn bản để đào tạo đội ngũ cán bộ y tế chất lượng cao cho tuyến dưới, đồng thời phát huy hết hiệu quả, hiệu suất của các bệnh viện hiện có. Bộ Y tế sẽ tiếp tục lựa chọn, bổ sung các bệnh viện tuyến trung ương, BV tuyến cuối có trình độ chuyên môn giỏi, kỹ thuật cao, đủ năng lực làm bệnh viện hạt nhân. Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất đơn vị đào tạo thực hành của bệnh viện hạt nhân, bố trí đủ chuyên gia, cán bộ y tế có năng lực để thực hiện tốt việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới... Bộ cũng đang nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Đề án BVVT giai đoạn 2016-2020 các chuyên khoa quá tải trầm trọng như: Nội tiết, Thần kinh, Hồi sức cấp cứu chống độc...

Củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh

Ngành y tế đang tích cực triển khai kế hoạch “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, để mỗi cá nhân, nhân viên y tế xây dựng chân dung, hình ảnh người thầy thuốc tận tâm vì công việc. Đổi mới lần này trước hết là đổi mới về kỹ năng giao tiếp, theo hướng “người bệnh đến đón tiếp niềm nở; người bệnh ở thì chăm sóc tận tình; người bệnh về phải dặn dò chu đáo”. Việc đổi mới được ngành y tế xác định là một trong những đột phá, để củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh, sau khi ngành triển khai một loạt chính sách đồng bộ về đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng KCB.

Đến nay, việc ký cam kết và triển khai “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” được thực hiện tại tất cả bệnh viện ở các vùng, miền cả nước, đem lại những hiệu quả tích cực đáng khích lệ, phản ánh bức xúc của người dân khi đi KCB giảm dần. Có thể nói, việc ký cam kết là áp lực, nhưng cũng là động lực để mỗi cán bộ y tế phải sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng tới sự hài lòng của người bệnh nhiều hơn.

Vụ trưởng Tổ chức - Cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác cho rằng, cán bộ y tế cần có sự thay đổi nhận thức, chuyển từ “ban ơn” trước đây sang phục vụ theo cơ chế dịch vụ, phải tôn trọng người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần thay đổi nhận thức, vì họ là khách hàng, có quyền yêu cầu cán bộ y tế một cách hợp lý để nhận được sự chăm sóc, điều trị tốt nhất. Khi cán bộ y tế thực hiện tốt nhiệm vụ và người bệnh hợp tác tốt, tiến tới cả hai bên đều hài lòng lẫn nhau, chắc chắn sẽ không còn khoảng cách giữa người bệnh với thầy thuốc khi giao tiếp, ứng xử.

Đến nay, đã có hơn 80 bệnh viện trong cả nước ký cam kết “đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; 31 tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch để triển khai đổi mới phong cách, thái độ cán bộ y tế trên địa bàn. Bộ Y tế cho biết, trong nửa đầu năm 2016 sẽ hoàn thành việc ký cam kết ở tất cả bệnh viện trong cả nước. Nhằm tạo sự chuyển biến và đi vào thực chất, Bộ trưởng Y tế vừa quyết định thành lập tám đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Ngoài ra, tới đây các nội dung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế sẽ được đưa vào chương trình học tập của sinh viên các trường đào tạo cán bộ y, dược.

Ngày nay, tất cả các ngành dịch vụ đều tuân theo quy luật khách hàng và người cung cấp dịch vụ cho khách hàng, khách hàng có quyền quyết định sử dụng dịch vụ mà người cung cấp đưa đến. Với ngành y tế, người thầy thuốc phục vụ người bệnh cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc làm sao để hai bên cùng hài lòng. Cho nên, mỗi cán bộ y tế phải xem việc đổi mới phong cách, thái độ vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ và cũng là quyền lợi. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị, các cấp ủy đảng chính quyền và mỗi người dân, người bệnh cùng vào cuộc, giám sát, giúp cán bộ y tế, để cả hai bên đều hài lòng lẫn nhau. Mục tiêu cuối cùng là sức khỏe người bệnh được chăm sóc, người bệnh hài lòng, bác sĩ cũng hài lòng.

Trong nghiên cứu độc lập cho thấy, có từ 30 đến 60% số người bệnh điều trị ở tuyến cuối tại các bệnh viện tuyến trung ương và TP Hồ Chí Minh có thể điều trị ở tuyến dưới. Vì vậy, người dân cần tạo thói quen KCB ở tuyến gần nhất. Bộ Y tế sẽ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ để chất lượng ở các bệnh viện tuyến dưới ngày càng cao.

Nguồn trích: Nhân dân

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang